Không biết bắt nguồn từ đâu mà ngày xửa, ngày xưa người ta đã gọi bến sông quê tôi là bến Phú Hòa. Thuở ấy, dọc hai bên bờ sông Tiêm còn hoang vu, dân cư thưa thớt. Hoà bình lập lại, người ta mới tụ họp về đây đông đúc trên bến, dưới thuyền.

Ảnh minh họa: Internet

Cùng với thời gian, bến sông chứng kiến bao thăng trầm của người dân quê bốn mùa lam lũ. Bến sông quê là người bạn tâm tình, khi vui ra bến sông giãi bày, tâm sự, khi buồn ra bến sông thổn thức. Cũng giống như bao bến sông quê vùng Bắc Bộ, bến sông quê tôi có bóng mát của rặng tre ngà, có từng bậc đá lên xuống nhẵn thín, có cây cầu gỗ vươn ra giữa dòng. Hồi nhỏ, lũ trẻ chúng tôi sau những trưa hè đánh trận giả đến mệt nhoài, vạt áo ướt đầm mồ hôi chạy ào ra bến sông vùng vẫy giữa dòng nước mát lạnh.

Tuổi thơ với bao kỷ niệm đong đầy, chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả, đứa trở thành kỹ sư, bác sĩ, đứa dạy học ở quê nhà. Chỉ có tôi và Thái đi bộ đội. Đêm trước ngày lên đường nhập ngũ, sau khi tiễn bạn bè ra về, tôi thơ thẩn một mình ra bến sông. Đêm tháng ba, trời se lạnh, ánh trăng thượng tuần bàng bạc tỏa bóng xuống dòng sông lấp lánh. Đang miên man với ký ức tuổi học trò, bất chợt tôi nghe tiếng gọi phía sau lưng: “Anh đấy à? Sao lại ngồi một mình ở đây?”. Nhận ra em, tôi ngập ngừng trả lời ra vẻ không mặn mà cho lắm: “Anh ngồi chơi vậy thôi!”. Em hỏi: “Anh có thể cho em ngồi cùng được không?” Tôi trả lời cộc lốc: “Tùy em thôi”. Mặc dù trả lời vậy nhưng thực ra tôi cũng cảm thấy bồi hồi, trống ngực đập thình thịch. Được một cô gái xinh đẹp như em ngồi bên cạnh là ước mơ của bất kỳ một chàng trai làng chúng tôi. “Ngày mai đi xa anh có nhớ bến Phú Hòa quê mình và nhớ em không?”. “Có chứ! Nhớ bạn bè, nhớ cả em nữa!”. Tôi trả lời vẻ ngập ngừng. Bất chợt em dúi vào tay tôi cuốn sổ nhỏ và tấm khăn mùi xoa, giọng em nhỏ nhẹ: “Tặng anh trước ngày nhập ngũ, chúc anh đi thượng lộ bình an, nhớ đừng quên cô bé quê mùa này nhé!”…

Tôi cầm món quà em trao, xúc động không nói nên lời. Cho tới khi bóng em khuất dần vào ngõ xóm. Lần giở những trang đầu của cuốn sổ, tôi thấy bên trong ép những chùm hoa bưởi trắng phau. Nét chữ con gái tròn tròn, xinh xinh: “Xa nhau nhiều thương nhau nhiều hơn. Đời lính chắt chiu hạnh phúc. Vốc mưa trời ta uống cạn lời hẹn ước mùa sau…”. Đêm ấy, tôi không tài nào chợp mắt nổi, mùi hương hoa bưởi thơm nồng từ mái tóc em lan tỏa, những câu thơ viết vội…

Sáng hôm sau, em bận học nên không thể tiễn tôi lên đường nhập ngũ, Thế mà tôi vẫn cứ ngóng trông… Buổi đầu làm anh bộ đội chẳng đơn giản chút nào. Đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới đóng quân trên ngọn đồi vùng núi Tân Lâm, Đông Hà (Quảng Trị); mùa hạ nắng cháy da, gió Lào quạt lửa, mùa đông rét thấu xương. Các bài tập lăn, lê, bò trườn… mệt bã cả người. Lúc ấy, tôi lại lấy cuốn sổ em tặng ra ngắm, vuốt. Và… những chùm hoa bưởi, những câu thơ em viết đã tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho tôi vượt qua tất cả.

Hết khóa huấn luyện, tôi được biên chế ra Trường Sa mênh mông trời nước. Ngửa mặt lên bầu trời đầy sao, tôi bồi hồi nhớ bến sông quê mùa hạ, nhớ dáng mẹ hao gầy đổ bóng xuống chiều nghiêng, nhớ cô hàng xóm có “đồng xu” trên má với ánh mắt đen, tròn, tinh nghịch. Tôi thèm được ăn bát canh hến ngọt lự từ tay mẹ nấu, ước ao được ngồi trên bến Phú Hòa nghe điệu dân ca quê nhà… Ở nơi đầu sóng, ngọn gió nhưng tôi không thấy đơn độc, bởi trước mặt là biển trời Tổ quốc, phía sau là đất mẹ, là quê hương với bao kỷ niệm đong đầy. Những cánh thư của em và bè bạn luôn là nguồn động viên vô bờ, là cầu nối giữa đất liền với đảo.

Giờ đây, mỗi độ xuân đến, tôi lại về thăm quê. Bước chầm chậm trên con đường quê ngạt ngào hương lúa và nồng nàn mùi hương hoa bưởi, tôi thấy lòng mình lắng lại…

 

Nguồn QDND

Exit mobile version