Tập thơ in riêng thứ 4 của Võ Thị Hồng Tơ (Sau các tập: Đêm quỳnh hương 2006, Trăng quê khuyết nửa 2006 và Chiều nghiêng 2008), với cái tựa đề Một thoáng xanh xưa, đau đáu thân phận của những người phụ nữ- đàn bà, trong những năm khói lửa chiến tranh… những mất mát hy sinh, đôi lứa ly biệt. Một bản hùng ca và cả bi tráng: “Một thời võng mắc chông chênh/ Câu thơ lửa táp gửi cành cây khô” để rồi, người phụ nữ làm mẹ phải: “Chiến trường vọng khúc à ơi/ Ru con… ôm cả đất trời mẹ ru!”, đầy những đồng cảm ray rứt, xé lòng…

49 bài thơ, hơn phân nửa số ấy là viết về người con-gái-đàn-bà và mẹ. Những cô thanh niên xung phong một thời xuân sắc, căng tràn nhựa sống: “Để yêu hoa tím rụng mềm/ Để thương gió vọng tràn đêm mưa rừng” (Mùa hoa mưng tím, trang 5) và “Tình vẫn xanh như suối/ Tình vẫn xanh như rừng/ Tình anh theo gió núi/ Thổi về em rưng rưng” (Tình yêu người lính, trang 7). Hay như “Xa nhau thương nhớ mãi còn/ Cái ngày trận mạc gót son bụi mờ”, với những khao khát yêu, khao khát sống và khao khát rất là…con gái: “Em mãi làm con suối/ Dẫu mòn theo đá cuội/ Em vẫn chờ mưa anh” (Con suối mong mưa, trang 63).


Vợ chồng Võ Thị Hồng Tơ – Lê Nguyên Ngữ và tập thơ mới của chị Một thoáng xanh xưa

Võ Thị Hồng Tơ cầm tinh con Cọp (Canh Dần 1950), quê gốc Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cùng trang lứa và cùng quê hương với 10 cô gái ở Đồng Lộc, hơn ai hết, chị hiểu rất rõ về họ: “Bình dị tên em/ Mưa nắng không nhòa/ Nào Hợi, nào Xanh/ Nào Hường, nào Nhỏ…!” và “Tôi về Đồng Lộc chiều nay/ Bỗng nghe cơn gió lắt lay bảo rằng/ Nơi này có một vườn trăng/ Tan vào những hạt mưa giăng trắng nhòa”, “Cái vườn trăng” ấy, chính là những cô gái mười tám, đôi mươi, chưa lần làm vợ, làm mẹ, họ hy sinh tuổi xuân của mình cho Tổ quốc “quyết sinh” trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc và ác liệt nhất, vì vậy mà “Tượng đài mang dáng em xưa/ Phá bom nổ chậm khi chưa dậy thì…” (Về nơi câu hát chưa chồng, trang 53). Kết lại bài thơ, Võ Thị Hồng Tơ đã viết nên hai câu thơ đắng đót, đầy thân phận: “Ru em/ Sim tím bạc màu/ Trăm năm hoa cỏ hát câu… Chưa chồng!”.

Những cô gái chưa chồng đi qua chiến tranh với thương tật, và năm tháng xóa nhòa đi thời xuân sắc, họ trở nên “quá lứa lỡ thì”, càng dằn vặt khao khát bổn phận làm vợ làm mẹ, nhưng cuộc sống khắc nghiệt đã chôn dần tuổi xuân của họ trong tuyệt vọng. Rất nhiều bài thơ, cái cụm từ “Lỡ thì” được nhà thơ láy đi, láy lại trong những câu thơ cũng… ai oán và nước mắt: “Lỡ thì… Em lỡ thì thôi/ Thương anh một bóng chân trời cỏ lau” (Chiến trường chia nửa, trang 61), và đây nữa: “Lỡ thì em khép môi hôn/ Tôi đi tìm cái cô đơn… lỡ thì” (Tìm em lỡ thì, trang 77). Có lẽ nhẹ nhàng, dịu dàng hơn là câu thơ này: “Bây giờ hai phía mông mênh/ Giấc mưa đôi lứa đã đành chia ly” (Xanh xưa một thời, trang 33)?

Không biết đời riêng của Võ Thị Hồng Tơ có chút gì may mắn hơn không? Khi chị đã một lần “gãy gánh”, cảm mến bởi những vần thơ của nhà thơ Lê Nguyên Ngữ mà “Rổ rá cạp lại”, cơ cực nhưng mà hạnh phúc đến hôm nay. Vì thế nhà thơ luôn đồng cảm với những lứa đôi lận đận, thiếu duyên, thiếu nợ, lắm nỗi đa đoan lúc xế chiều: “Tôi về bên luống mưa ngâu/ Mà thương thân chị làm dâu… một mình!” (Chị tôi lấy chồng, trang17), hay như: “Lẻ đôi từ đó em về/ Duyên xưa bán chợ mua quê một mình.” (Gánh tình em tôi, trang 37). Bên cạnh thiên chức của những người phụ nữ khi đã làm mẹ, dành hết những tình cảm tốt đẹp cho con, và hình ảnh người mẹ: “Từ nơi khuya khoắt bóng làng/ Mẹ ngồi khâu lại niềm hoang vắng mình” (Nỗi lòng mẹ tôi, trang 40) và “Cơn mưa rơi theo nỗi buồn lá đổ/ Mẹ vẫn ngồi xâu chuỗi tím riêng tư” (Những chùm mưa tím, trang 47). Đấy là lúc mẹ thương nhớ con: “Một thời trận tuyến mông mênh/ Con đi mà ngỡ nắng xanh trên đầu…, Con đi mẹ đứng âu lo cuối trời…”( Ru con chiến trường, trang 68). Đời mẹ hạnh phúc nhất là lúc: “Hoa bìm đã tím ao sau/ Ngủ đi con… ngủ đi nào… mẹ thương!”, và cũng thật đau xót, xé lòng với cũng lời ru: “Chiến trường vọng khúc à ơi!/ Ru con… ôm cả đất trời mẹ ru” (Ru con chiến trường, 68).

Lối viết truyền thống, dựa vào những kỷ niệm và xúc cảm, Võ Thị Hồng Tơ biểu đạt một phong cách thơ mộc mạc, giản dị, có lẽ chị thiên nhiều về thể loại thơ lục bát. Thơ lục bát của chị đã đạt đến mức độ điêu luyện nhất định, chân phương, giàu cảm xúc, có những câu thơ hay. Song có những lúc cảm xúc lại khiến nhà thơ “quên” hiện tại. Ví như câu thơ: “Chia nửa hồn nhiên cho hai đầu chiến trận/ Em hát mãi câu “Tóc thầy bụi phấn… / Vở học trò giấu nặng đáy ba lô…” (Xưa đốt lửa, trang 83). Bài “Bụi phấn” làm sao có được trong thời trận mạc đã qua? (xuất hiện trong hòa bình, năm 1982). Hay có nhiều bài thơ cùng một chủ đề, sự diễn đạt tuy có khác nhưng na ná, không mới, khiến tập thơ có nhiều trùng lặp, làm mất đi sự tìm tòi và hứng thú của độc giả khi đọc tập thơ…

Gò Dầu Hạ, tháng Bảy, 2012

Trần Hoàng Vy

Nguồn: Toquoc