Đọc tập truyện “Môi đưa bão về” của Võ Hồng Thu. Nhà thơ Vi Thùy Linh giới thiệu

1. Hơn 2 năm sau tập truyện Trà, cà phê hay là em? (NXB Thời đại, 11/2010), Nude tình yêu (11/2011, NXB Hội Nhà văn), Võ Hồng Thu ra mắt cuốn sách thứ ba Môi đưa bão về (180 trang, NXB Hội Nhà văn) vào tháng 3 này.

Võ Hồng Thu chưa định danh trong giới văn học, bởi chị xuất hiện hơi trễ, bởi chị không thuộc “hệ thống” các tác giả sáng tác chuyên nghiệp. Chị là nhà báo yêu văn chương. Với Võ Hồng Thu, có lẽ viết truyện không phải là cách chứng tỏ năng lực sáng tạo, mà là bộc lộ những trải nghiệm, tâm cảm với đời sống đô thị đương đại.

Đô thị, những nhân vật thị thành trong tác phẩm của Võ Hồng Thu được nhận ra không chỉ qua các danh từ, mà qua lý lịch nhân vật, môi trường, công việc và lối sống của họ. Và dù không hoạch định rành mạch, hơi văn của Thu cũng được nhận ra “mùi Hà thành”.

Giữa trập trùng các cây bút tứ phương đổ về thủ đô, nguyên quán, xuất thân lộ qua âm sắc giọng nói và chất văn, Võ Hồng Thu, một người Hà Nội – kẻ ngoại đạo độc lập – đang dần xác lập góc của mình, dù chỉ bằng lối xuất hiện tĩnh lặng.


Tập truyện Môi đưa bão về.

Vì Võ Hồng Thu thuộc đối tượng “của hiếm” với làng văn Việt Nam, chẳng phải bây giờ, mà bấy lâu về nhan sắc và đời tư yên ấm. Các nhà văn nhà thơ nữ được coi là thâm niên, chuyên nghiệp rất ít người đẹp và có trọn vẹn hạnh phúc riêng tư. Võ Hồng Thu, nhà báo viết văn, lại có điều ấy, sự thực mà rất nhiều cây bút sành sỏi trong nghề còn thiếu và mơ ước.

Sinh tại Hà Nội vào năm “Điện Biên Phủ trên không” và gắn bó đến nay, Võ Hồng Thu có cuộc sống suôn sẻ. Nàng đẹp, thành đạt. Lúc 22 tuổi (1994), nàng đã cầm trịch tờ Người đẹp Việt Nam (chuyên san của báo Tiền Phong) suốt 16 năm và 38 tuổi là Phó TBT tạp chí Dược và Mỹ phẩm (Bộ Y tế). Một người đẹp làm báo. Quãng đời ấy cho Thu nhiều dữ liệu, vốn sống. Một phụ nữ Hà Nội tuổi 41 có tổ ấm đủ đầy, hai con trai gái xinh xắn, mà viết truyện toàn khổ đau, ngang trái. Tại sao? Võ Hồng Thu không yêu văn chương đến mức cuồng say để tận lực, dám trả giá, chị thể hiện sự đam mê viết bằng “dịch chuyển nhỏ” – nhiều truyện ngắn hợp với các nhân viên văn phòng, những phụ nữ đàn bà mơ mộng và đám đàn ông trí thức vừa đủ làm người thành đạt trong khối công chức, doanh nhân mới phất.

2. Tới Môi đưa bão về (20 truyện), Võ Hồng Thu chưa làm được “bão”, nhưng có tạo ra một “cơn mưa” dư vị, nét hơn trong lối viết định hình một giọng điệu. Đấy cũng là sự đạt của một tác giả, bởi không phải ai viết cũng chọn được, chọn đúng đường đi và ghi dấu tên tác giả và tác phẩm không nhoà lẫn.

Nếu các tập trước, truyện của Võ Hồng Thu có phần đơn điệu, đậm tính tự sự với nhân vật nữ thanh niên trẻ, chủ yếu xưng “em” thì ở Môi đưa bão về, chị đã tiến thêm một bậc đáng kể về tay nghề.

Sẽ nhiều độc giả thấy mình trong đó. Đấy cũng là tâm nguyện của Võ Hồng Thu. Từ những quan sát, chứng kiến, cùng kiến thức về sức khoẻ, Hồng Thu đã viết nghiêm túc. Đọc Võ Hồng Thu, tôi thấy một phức cảm đô thị qua lớp công dân trẻ, thành đạt, lại có nội tâm và đời sống không thuận chiều. Những chuyện tình tay ba, tay tư không được và không thể chỉ mổ xẻ, phán xét bằng niêm luật đạo đức, pháp lý. Đó là sự thật đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng gia tăng ở các xã hội hiện đại.


Võ Hồng Thu

3. Đời sống vật chất càng tăng, xã hội càng phát triển công nghiệp hoá, con người càng cô đơn, bế tắc, bất an. Sự thực dụng, giả dối tràn lan. Đạo đức giả, bằng giả, cho đến khuôn mặt, cơ thể giả cùng không ít thứ ngụy tạo khác khiến người ta sống trong mặc cảm, sự bấp bênh và chỉ biết níu kéo bằng những cảm giác tìm kiếm, chiếm đoạt trong tình yêu.

Tôi chờ đọc Võ Hồng Thu ở cuốn thứ tư, mong sẽ gặp “người bạn thân” như tôi vẫn “tín chấp” khi dành thời gian – thứ vô giá tôi quý nhất- khi quyết định cầm lấy và đọc một tập sách nào.

16.3.2013

V.T.L

Nguồn: Thể thao & Văn hóa