Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay có nhiều vấn đề mà các nhà giáo dục, các nhà quản lý cần phải quan tâm nhiều hơn.

Tiến sĩ Lâm nói: Chúng ta bàn nhiều về sự vô cảm – thái độ sống ích kỷ của giới trẻ, nhưng thực ra điều đó hiện diện phổ biến trong người lớn chúng ta.

Xã hội không được tổ chức một cách khoa học, đó là cái nguy hiểm nhất hiện nay mà chúng ta đang đối mặt. Chúng ta vẫn níu giữ những chuẩn mực, những cách làm cũ trong khi đó điều kiện giao lưu quá hiện đại, quá nhanh.

 

Đã vậy, chúng ta không chịu để công nghiên cứu, dự báo và có những giải pháp tương xứng với sự phát triển của xã hội. Thường chúng ta phải chạy đuổi theo các sự vụ. Ví dụ mới đây nhất là vụ “vỡ trận” ở công viên nước Hồ Tây. Lỗi là ở khâu tổ chức quản lý.

 

Ngay từ đầu anh không lường hết được những hiện tượng xã hội sẽ xảy ra khi tổ chức một sự kiện, kèm theo đó là anh bị tước mất hoàn toàn khả năng kiểm soát khi có chuyện. Chuyện nhỏ thôi nhưng qua đó cho thấy vấn đề tổ chức xã hội của chúng ta rất thiếu bài bản, thiếu khoa học. Tôi nói vậy không phải để bênh giới trẻ mà là để hiểu rõ vì sao người trẻ họ lại hành xử như thế và làm thế nào để giải quyết!

 

Có nghĩa là những biểu hiện vô văn hóa, thái độ ích kỷ của người lớn trong xã hội ngày nay phổ biến hơn xã hội trước đây?


Không hẳn là vì người lớn ngày xưa “tốt” hơn người lớn ngày nay. Bạn phải hiểu rằng do các điều kiện sống ngày trước rất khác bây giờ nên cách sống của con người khi đó là “sống chậm”. Dân số Hà Nội nay đông gấp 5 – 7 lần ngày xưa, trong khi các điều kiện hạ tầng cũng như quản trị xã hội phát triển không tương xứng. Hơn nữa trước đây, cái bao trùm xã hội là văn hóa làng xã, người dân bị chi phối – quản lý bởi xã hội tại cộng đồng dân cư. Giờ xã hội phát triển, đòi hỏi phải thay cách tổ chức quản lý khác trong khi chúng ta vẫn dùng “lệ làng”.

 

Vậy phải làm thế nào để điều chỉnh xã hội cũng như giới trẻ?

Giáo dục phải đóng vai trò thiết yếu. Giáo dục ở đây bao gồm: gia đình và xã hội chứ không chỉ chĩa mũi dùi vào nhà trường. Phải xây dựng và duy trì được nếp sống của cộng đồng tương thích với sự phát triển của đời sống xã hội.

Hệ thống văn bản pháp luật và khả năng kiểm soát nó trong văn hóa ứng xử. Từ trước đến nay, chúng ta đưa ra nhiều chương trình, nhiều chủ trương nhưng lại không làm được đến nơi đến chốn.

 

Rất nhiều băng rôn, loa đài… nhưng không đi vào người dân, không phục vụ cho lợi ích của họ, không có một thiết chế để duy trì ở mức độ tối thiểu những gì chúng ta quy định. Ví dụ như vấn đề an toàn giao thông, vừa rồi dấn thêm một bước là buộc trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm – việc này rất đúng đắn, nhưng với những người lớn không đội mũ thì sao, tại sao chúng ta không giải quyết được triệt để tình trạng người lớn tham gia giao thông bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm ?

 

Nhưng thưa tiến sĩ, gần đây dư luận xã hội cũng đã thường xuyên đặt vấn đề vai trò của giáo dục gia đình đối với các biểu hiện tiêu cực ở giới trẻ…

 

Đặt vấn đề như thế là đúng. Giáo dục gia đình của chúng ta đã và đang bị phá vỡ. Nó vừa do tác động của đời sống xã hội, số gia đình ly hôn ngày càng nhiều, rồi phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc đã ảnh hưởng không nhỏ tới nề nếp của mỗi gia đình.

 

Người nghèo thì phải bươn chải mưu sinh nên bỏ mặc con cái đã đành mà người giàu thì lại nảy sinh xu hướng dùng tiền để giải quyết các mối quan hệ xã hội, cả hai điều này đều không mang lại sự tốt đẹp cho con cái. Chúng ta chưa báo động đủ mức cần thiết cho người dân hiểu giá trị của giáo dục gia đình. Châu Âu một thời cũng đã để cho con người phát triển tự do cá nhân theo hướng thái quá, nhưng sau này họ đã quay lại với giá trị của giáo dục gia đình. Nhưng bỏ mất thì dễ, quay lại là rất khó.

 

Cái đáng lo ngại là ngoài yếu tố đời sống thì đang có sự bất ổn trong nhận thức của các gia đình về tầm quan trọng của mối liên kết – tương tác các thành viên trong một gia đình. Mỗi người một smartphone, iPad; mỗi người sống một kiểu… Ngay trong gia đình đã vô cảm với nhau, huống hồ ra xã hội.

 

Ông từng nhiều lần phát biểu tại các hội thảo về việc chúng ta thường nhận lỗi giúp các em nhiều quá mà không đề cao vai trò tự chịu trách nhiệm của những người trẻ?

 

Đấy chính là phương châm giáo dục mà tôi thực hành tại một trường THPT ở Hà Nội. Ở đây, các giáo viên được quán triệt là phải dạy cho học sinh 5 cái “tự”: Tự học – Tự lập – Tự tin – Tự trọng – Tự chịu trách nhiệm. Cái “tự” nào học sinh chúng ta cũng đều yếu, đặc biệt là tự chịu trách nhiệm. Chính sự “độ lượng” của người lớn đã góp phần dung dưỡng sự thiếu trách nhiệm ở những người trẻ. Hễ có chuyện là bố mẹ lại đi xin xỏ cho con, thầy cô giáo thì cũng giơ cao đánh khẽ, trong khi đó chúng ta rất lúng túng về việc áp dụng các hình thức kỷ luật ở nhà trường. Mức kỷ luật cao nhất là đuổi học mà thực chất cũng chẳng mấy trường dám áp dụng vì nó phản sư phạm. Cái này lại là một minh chứng cho trình độ tổ chức xã hội của chúng ta kém, bởi cho đến nay chưa hề có một công trình nghiên cứu bài bản nào về việc kỷ luật học sinh ra sao để đạt hiệu quả giáo dục khi các em phạm lỗi.

Theo Quý Hiên (Thanh niên online)