Ông Michal Rusinek, thư ký riêng của nữ nhà thơ kể lại rằng, trong những ngày ốm nặng nằm tại nhà, bà đề nghị đừng ai đến thăm, để cho trong tâm thức của mọi người, bà luôn luôn là một người khỏe mạnh.
Nhà thơ Wislawa Szymborska.
Lễ tang nữ nhà thơ Wislawa Szymborska, công dân danh dự của thành phố Krakow, được cử hành ngày 9/2, theo thế tục, với sự tham dự của các vị đứng đầu Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Ba Lan: Tổng thống Bronislaw Komorowski, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, Thủ tướng, nhiều vị bộ trưởng, các đại diện Ngoại giao đoàn, các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nghệ sĩ, bạn bè và những người mến mộ nữ nhà thơ.
Có trên 8.000 người tham dự lễ tang nữ nhà thơ, diễn ra trong giá lạnh, tuyết rơi trắng trời. Theo nguyện vọng của bà, đúng 12 giờ trưa, bình đựng hài cốt của bà được đưa từ nhà tang lễ tới khu mộ gia đình, nơi bố mẹ bà đang an nghỉ. Cùng lúc, trên tháp chuông nhà thờ cổ kính bậc nhất châu Âu, nhà thờ Mariacki ở trung tâm cố đô Krakow, thay vì tiếng kèn hiệu vào giờ này hàng ngày, ngân vang ca khúc phổ thơ của bà – bài “Không có gì hai lần”, do Lucja Prus, nữ ca sĩ nổi tiếng Ba Lan từ những năm 1960 thể hiện.
Lễ tang của nữ nhà thơ cử hành tại Krakow, dưới tuyết rơi dày đặc.
Trong bài phát biểu vĩnh biệt nữ nhà thơ, Tổng thống Komorowski nói: “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng, tài năng lớn này sẽ ở lại với chúng ta, khi trong những vần thơ của mình bà để lại cho chúng ta kỹ năng nhận biết chung quanh mình những mảnh nhỏ bình thường của cái đẹp và niềm vui của thế giới, những mảnh nhỏ luôn luôn gây kinh ngạc làm rung động và đôi khi trào lộng”.
Buổi tối cùng ngày, tại Viện bảo tàng Mỹ thuật thành phố Krakow diễn ra Đêm văn học tưởng niệm nhà thơ Wislawa Szymborska, được Đài truyền hình Ba Lan TVP tường thuật trực tiếp. Theo di chúc của bà, Quỹ di sản Wislawa Szymborska sẽ được thành lập. Quy chế của quỹ này đã được soạn thảo rất chi tiết với sự chứng giám của bà khi còn sống. Nữ nhà thơ dự định trong năm nay sẽ cho công bố tập thơ mới, gồm những bài thơ bà sáng tác trong mấy năm vừa qua. Bà nói đùa, nhưng nghiêm túc rằng: “Tập thơ mới của tôi sẽ có tiêu đề ‘Đủ rồi”. Tập thơ sẽ được in tại Nhà xuất bản a5, nhà xuất bản mà bà ưa thích.
Bình tro hài cốt của nhà thơ tại nhà tang lễ.
Ba Lan, đất nước với gần 40 triệu dân, có tới bốn nhà văn và nhà thơ được giải Nobel văn học: Henryk Sienkiewicz (Nobel 1905), Stanislaw Reymont (Nobel 1924), Czeslaw Milosz (Nobel 1980), Wislawa Szymborska (Nobel 1996). W. Szymborska là người cuối cùng trong số đó rời xa trần thế.
Trong thời gian hơn 50 năm cầm bút, W. Szymborska chỉ sáng tác trên 200 bài thơ, nhưng đó là những tinh hoa đã vượt qua sự chọn lựa vô cùng khắt khe của tác giả. Bà là một nhà thơ rất khiêm tốn, không thích xuất hiện trên tivi, trên báo chí, không thích xuất hiện trước đám đông. Nếu độc giả muốn biết về bản thân bà thì chỉ còn có cách phải đọc ra ở trong thơ bà mà thôi, bởi không bao giờ bà thổ lộ hoặc giải thích tiểu sử của mình. Khi rất cần thiết, như khi nhận giải thưởng Nobel, thì bà mới đọc một bài phát biểu không dài, chỉ đề cập đến thi ca và sự nghiệp sáng tác của bà.
Đối với Việt Nam, từ lâu nữ nhà thơ Wislawa Szymborska là một người bạn chân tình. Những tình cảm của bà dành cho Việt Nam, nhất là những người mẹ Việt Nam chịu nhiều mất mát, đau thương trong chiến tranh, đã được thể hiện rất xúc động trong hai bài thơ Việt Nam và Lá chắn do bà sáng tác.
Năm 2005, khi dự Hội nghị những người dịch văn học Ba Lan trên thế giới, tại nhà hát Slowacki cổ kính ở cố đô Krakow, tôi có cơ hội được gặp bà trong buổi lễ trao giải thưởng Transatlantyk – Con tàu xuyên Đại Tây Dương cho dịch giả văn học Ba Lan xuất sắc. Tôi tự giới thiệu, tôi là dịch giả Việt Nam, bà thốt lên: “Việt Nam! Tôi biết Việt Nam từ lâu, và tôi còn làm thơ về Việt Nam nữa đấy”. Bà cảm ơn về việc các dịch giả Việt Nam đã dịch thơ của bà sang tiếng Việt và bà đề nghị tôi chụp ảnh chung với bà. Tấm ảnh đầy kỷ niệm này tôi đang treo trang trọng tại nhà tôi.
Những bài thơ có sức truyền cảm mạnh mẽ của bà được chuyển ngữ sang tiếng Việt đã thực sự cuốn hút các nhà thơ, nhà văn và những người yêu văn học Ba Lan ở Việt Nam. Đó sẽ là hình ảnh không bao giờ phai mờ của bà trong tâm trí người đọc Việt Nam.
Không có gì hai lần – Wislawa Szymborska Không có gì xẩy ra hai lần Cho dù là những học trò tột cùng dốt đặc Không có ngày nào lặp lại, Hôm qua bên em Hôm nay chúng mình bên nhau, Hỡi thời gian tệ hại Miệng cười, tay ôm nhau Lê Bá Thự dịch |
Nguồn: eVan.