Nhà văn Thy Ngọc đã từ trần vào ngày 23/12 sau gần 70 năm liên tục viết văn, làm thơ và vẽ tranh cho trẻ em. Tác phẩm đầu tiên ông viết cho thiếu nhi Vỡ đê được NXB Công Lực in tại Hà Nội vào năm 1943 và tác phẩm mới nhất vừa được tái bản là Lớp học của anh bồ câu trắng (NXB Kim Đồng 2012) từng được Đài Truyền hình Việt Nam dựng thành 8 tập phim hoạt hình.

Gần như cả cuộc đời, nhà văn Thy Ngọc đều làm việc gắn bó với thiếu nhi. Ông làm biên tập viên NXB Kim Đồng từ khi NXB này thành lập vào năm 1957 đến khi ông về hưu. Vừa về hưu năm 1987, Thy Ngọc được báo Khăn quàng đỏ TP.HCM mời cộng tác với vai trò: trợ lý thư ký tòa soạn, phó quản đốc xưởng in, phụ trách phòng tư liệu… đến năm 2001.

Được Nam Cao khuyên “nên viết về người nghèo”

Nhà văn Thy Ngọc tên thật là Nguyễn Ngọc, sinh ngày 4/10/1925 tại Quảng Ninh, ông có 70 năm chuyên sáng tác, vẽ bìa sách, vẽ minh họa cho sách thiếu nhi. Ông tham gia viết báo, viết văn trên báo Dân Chủ thời Mặt trận Việt Minh ở Hải Phòng. Năm 1950, ông làm Bí thư Hội Văn hóa kháng chiến tỉnh Thái Bình. Những năm 1955 – 1957 ông giảng dạy hai môn văn và họa tại Hà Nội.

Cả đời Thy Ngọc viết hay vẽ đều gắn liền với trẻ em, năm 1969 ông đoạt giải A về truyện và thơ cho lứa tuổi nhi đồng do Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Việt Nam trao tặng. Ông cũng được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen vì “Đã có nhiều sáng tác tốt phục vụ sự nghiệp giáo dục thiếu nhi” vào năm 1987.


Nhà văn Thy Ngọc giao lưu với thiếu nhi Nhà thiếu nhi Gò Vấp, TP.HCM nhân dịp ra mắt tập hồi ký “Lời hứa với ngày mai” vào tháng 6/2009. Ảnh: Cao Xuân Sơn

Sinh thời, nhà văn Thy Ngọc nói rằng khi vừa in xong tác phẩm đầu tay, nhà văn Nam Cao từng khuyên ông “nên viết cho người nghèo”. Thy Ngọc kể: “Cuối năm 1942, tôi mới 17 tuổi, đang học Thành chung (tương đương THCS bây giờ) thì được tin NXB Cộng Lực, Hà Nội sẽ in cho cuốn truyện đầu tay Vỡ đê. Đầu năm 1943 thì sách phát hành. Sau đó tôi đến NXB lĩnh nhuận bút. Tuy chúng tôi còn trẻ lắm nhưng ông Lê Diệu, chủ NXB vẫn giới thiệu: Đây là bác Ngọc, còn đây là bác Trí (tên thật của nhà văn Nam Cao). Nam Cao hôm ấy đến lĩnh nhuận bút cuốn Người thợ rèn, biết tôi có quen nhà văn Lê Văn Trương (lúc đó rất nổi tiếng) nên anh nhờ tôi dẫn đến nhà ông ấy để cám ơn.

Vì nhờ có ông Trương viết lời tựa cho cuốn Đôi lứa xứng đôi (sau này đổi tên thành Chí Phèo) mà tác phẩm này bán rất chạy. Trên đường đi, Nam Cao nói có đọc tác phẩm của tôi và khuyên: Anh nên viết về những người nghèo. Lời của một nhà văn tên tuổi như Nam Cao không chỉ là sự khích lệ lớn, mà còn định hướng cho việc cầm bút của tôi”.

Năm 1944, Thy Ngọc được NXB Tam Kỳ in cuốn truyện thứ hai với nhân vật là con bọ dừa – Hai lần thoát xác. Ông cho rằng giai đoạn đầu cầm bút của mình như một thứ “men say” tự phát chứ không nghĩ mình là nhà văn. Sau này về công tác ở NXB Kim Đồng ông mới nhận thấy viết cho thiếu nhi là một nghề phù hợp với bản thân.

Sau một thời gian lâm trọng bệnh, do tuổi cao, sức yếu, nhà văn Thy Ngọc đã từ trần lúc 12h20 ngày 23/12/2012 (nhằm ngày 11 tháng 11 năm Nhâm Thìn), hưởng thọ 88 tuổi. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ, 125 Phùng Hưng, Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 7h30 đến 9h ngày hôm nay 25/12/2012, sau đó đưa đi hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội)

Thy Ngọc quan niệm: “Viết cho thiếu nhi trước hết phải có tính giáo dục, song lại phải giản dị mà vẫn hấp dẫn. Ngay cả đến giờ, càng viết tôi càng thấy khó. Bởi sự hấp dẫn không phải ở chỗ cầu kỳ, mới lạ, mà là cách viết câu chuyện như thế nào. Nhưng trên hết, mình phải hết lòng với các em thì mới viết được. Tôi có may mắn là được sống và làm việc cùng các nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, những bậc thầy hết lòng khi viết truyện thiếu nhi. Rồi các họa sĩ Mạnh Quỳnh, Tạ Thúc Bình, những người vẽ, dù chỉ là phác thảo thôi, cũng công phu, kỹ lưỡng…”.

Học vẽ từ xa

Đến khi từ giã cõi đời, nhà văn Thy Ngọc đã vẽ bìa khoảng 300 cuốn sách cùng rất nhiều minh họa.

Lúc đầu ông học vẽ với thầy Trần Quang Trân có bút danh NGYM, sau dựa vào năng khiếu học theo kiểu đào tạo từ xa.

Thy Ngọc từng kể: “Thời Pháp, trước năm 1940 có một trường ở Paris đào tạo theo lối gửi bài chấm, rồi mình trả tiền. Cứ vẽ bài xong thì mình gửi bài qua đường bưu điện sang bên đấy. Họ xem, chấm bài bằng cách viết thư lại cho mình, đề cập tỉ mỉ các lỗi của mình, khuyên nên chữa như thế nào với bài mẫu gửi kèm theo. Rất quy củ nghiêm túc. Nói nôm na như bây giờ là “đào tạo từ xa”. Cứ thế vài ba năm là mình đã nắm khá căn bản kiến thức hội họa. Nếu ai yêu thích thì đều có thể học như thế”.

Tập truyện Vỡ đê được ông ký bút danh bằng tên thật Nguyễn Ngọc, những tập truyện sau ký Thy Thy Tống Ngọc rồi sau cùng là Thy Ngọc.

… và chỉ yêu một người

Chuyện bút danh của nhà văn Thy Ngọc cũng lắm nỗi nhiêu khê nhưng… lãng mạn. Từ sau khi lập gia đình, ông ký bút danh Thy Thy Tống Ngọc vì vợ ông tên Thy. Nhưng thời ấy bạn bè bảo Thy Thy Tống Ngọc nghe rất “tiểu tư sản” nên khuyên ông đổi bút danh rút gọn còn Thy Ngọc gồm tên vợ và tên ông.

Bà Thy cũng là mối tình duy nhất của ông. Sinh thời, Thy Ngọc rất hóm hỉnh khi nói về mối tình dành cho vợ: “Tôi mê thơ nhưng không giỏi về thơ tình, bởi tôi chỉ cần làm có một bài là lấy được vợ rồi. Có vợ rồi thì còn làm thơ tình với ai nữa. Mà nếu thơ không thật, không còn ở tấm lòng mình thì không còn là thơ hay nữa”.

Có người từng hỏi Thy Ngọc sẽ chọn các danh xưng nhà văn, nhà thơ hay họa sĩ khi nhắc đến mình? Thy Ngọc trả lời rằng: “Thưa, chọn Thy Ngọc, người bạn của trẻ em”. Thy Ngọc rất thích hai câu thơ của Lỗ Tấn: “Quắc mắt coi khinh nghìn lực sĩ. Cúi đầu làm ngựa đứa nhi đồng”. Và cả đời ông đã làm “con ngựa thồ văn học” cho thiếu nhi.

Nguồn: TT&VH

Exit mobile version