Nhà văn Lê Văn Thảo được biết đến với tiểu thuyết Con đường xuyên rừng, Cơn giông, Sóng nước Vàm Nao… cùng hàng hoạt truyện ngắn, đặc biệt là truyện Ông cá hô được đạo diễn Trần Mỹ Hà dựng thành phim.

Hôm nay, dù ông đã uống cạn chén rượu đời thì cơn say của những người mê ông và tác phẩm của ông vẫn còn chất ngất.

Nhiều người biết nhà văn Lê Văn Thảo với các chức vụ: Phó TBT báo Văn nghệ TP.HCM, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM kiêm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được biết đến qua các giải thưởng văn học, trong đó có giải quan trọng mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh cho tiểu thuyết Con đường xuyên rừng và tuyển tập truyện ngắn Lê Văn Thảo.

Thành tựu cầm bút của nhà văn Lê Văn Thảo đã được chứng minh qua các giải thưởng văn học, chưa kể ông được tín  nhiệm giữ các chức vụ qua trọng trong hội nghề nghiệp văn chương từ thành phố lớn nhất nước đến hội Việt Nam. 


Nhà văn Lê Văn Thảo. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Xưa nay theo thói thường, nhận nhiều giải thưởng hay nắm chức vụ quan trọng hay bị “vạch lá tìm sâu”. Nhưng với nhà văn Lê Văn Thảo, ngoài những thói tật của con người bình thường, chưa thấy ông có điều tiếng nào khác vì danh và vì lợi.

Có chăng, bạn đọc văn và bạn xem phim nhớ đến nhà văn Lê Văn Thảo vì ông là tác giả của truyện ngắn Ông cá hô do Trần Mỹ Hà đạo diễn với sự diễn xuất ấn tượng của diễn viên Lê Vũ Cầu. Không chỉ có tác phẩm được các đạo diễn làm thành phim, hơn thế, tác phẩm của ông ngoài giá trị văn chương còn giàu tính điện ảnh khiến đàn anh cầm bút của ông phải dùng lại khi làm phim.

Đó là phim Cánh đồng hoang của đạo diễn Hồng Sến do nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản. Cảnh phim người cha (diễn viên Lâm Tới) cho đứa con vào túi nilon để lặn xuống nước tránh trực thăng trên đầu trong phim Cánh đồng hoang là từ chi tiết trong tập truyện ngắn Đêm tháp mười của Lê Văn Thảo in năm 1972.

Nói về chi tiết này, nhà văn Lê Văn Thảo cho rằng: “Nếu anh Nguyễn Quang Sáng có thực tế chiến trường thấy được cảnh này thì anh Sáng cũng viết như mình. Dù là chi tiết trong truyện nhưng lên phim sẽ khác. Ngôn ngữ điện ảnh và ngôn ngữ văn học khác nhau, mình viết cảnh đó cả vài trang sách, còn lên phim chỉ vài giây”.

Nhắc đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhà văn Lê Văn Thảo, hai ông cùng đoạt giải Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, hai ông đều “khoái” bạn bè không phân biệt lứa tuổi và có thể sáng tác trên bàn nhậu, bởi khi có chút men “rượu và lời ra” người ta thường kể chuyện “thật bụng” của mình. Tuy nhiên, Lê Văn Thảo có chút khác với nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ấy là, Nguyễn Quang Sáng đi uống rượu của bạn đọc mến mộ mời ông, còn Lê Văn Thảo đem rượu mời bạn đọc của mình.

Hai ông Nguyễn Quang Sáng và Lê Văn Thảo đều lần lượt làm Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM kiêm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và cùng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh; chức sắc như thế, giải thưởng như thế nhưng hai ông đều rất gần gũi với người mến yêu mình, nhất là các nhà văn trẻ. Đặc biệt, ông ít khi nhậu xong lấy “hóa đơn đỏ” về thanh toán cho cơ quan, mà thường móc bóp tự trả tiền nhất là khi tiếp đãi các bạn văn thế hệ sau ông.

Tôi có dịp đi với nhà văn Lê Văn Thảo từ Tây Bắc đến tận Mũi Cà Mau. Tôi thấy ông thương quý các bạn viết thế hệ sau vô cùng. Ông lại thường đem rượu trong cái ba lô toàn rượu để mời bạn văn uống khi mình là quan chức lớn, xuất thân gia tộc lớn, trong giới viết lách nhiều thành phần? Phải chăng, chén rượu đời ông đã cạn, còn chén rượu của ông để mời người viết trẻ và bạn đọc hôm nay tiếp tục làm đẹp và làm giàu thêm tiếng nói dân mình.

Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa