04.11.2014-11:20
NVTPHCM- Đọc thơ Huệ Nguyên, không ai nghĩ rằng những ngôn ngữ đó được thể hiện từ một con người tật nguyền nhưng biết yêu cuộc sống, yêu vẻ đẹp thiên nhiên và yêu chính bản thân mình. Rồi như ông trời đã đền đáp lại cho anh, trong năm năm, Huệ Nguyên cho ra đời 3 tập thơ tình lãng mạn được nhiều bạn thơ đồng cảm và yêu thích…
Nhà thơ Huệ Nguyên đã vĩnh biệt cõi trần
21g đêm qua, ngày 3.11, bất ngờ nghệ sĩ Ngọc Sang nhắn tin vào máy tôi với giọng buồn rười rượi: “Huệ Nguyên đã vĩnh biệt trên thi đàn rồi”!…
Đọc tin, tôi bàng hoàng xúc động, thương tiếc cho một nhà thơ khuyết tật đã nửa đời người phải chịu nỗi khổ đau của đời sống tật nguyền. Tuy cơ thể mang khiếm khuyết bất hạnh đó nhưng tâm hồn Huệ Nguyên vẫn dạt dào cảm xúc thi ca, biết yêu vẻ đẹp dịu kỳ của ngôn ngữ. Anh đã sống và hy vọng vào tình yêu mãnh liệt, đẹp đẽ của nhân loại, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu của chính bản thân mình. Rồi chính anh, bằng tình yêu đó đã đi qua, vượt lên trong nỗi bất hạnh của chính mình và sinh ra những đứa con tinh thần mà không dễ dàng gì ở một con người tật nguyền có được nếu như không có một thứ tình yêu mãnh liệt: Tình yêu ngôn ngữ thi ca.
Tôi buồn không chỉ cho một người bạn bất hạnh sớm phải ra đi mà còn thương tiếc cho một một đồng nghiệp, một bạn tri âm trên bước đường sáng tác. Có chút gì hụt hẫng, chênh vênh trong cuộc đời còn lại của tôi!
Nhớ có lần anh nói: “Anh Hiệu, cuộc đời này tuyệt đẹp nếu như tất cả chúng ta đều có hồn thơ và cùng đồng điệu, tri kỷ trong từng câu thơ mà chúng ta bất chợt rung cảm ngộ được. Ở đó, thứ tình yêu thiêng liêng duy nhất mà chúng ta có được chính là thứ tình yêu ngôn ngữ thi ca, dù nó xuất phát trong những con người bình thường, những con người lãng mạn hay cả trong những con người tàn tật như em. Tất cả là vẽ đẹp, một vẽ đẹp vi diệu mà tạo hóa ban cho chúng mình anh ạ!”.
Nhà thơ Huệ Nguyên tên thật là Nguyễn Văn Hợp, sinh năm 1986, tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình nhưng sống tại tỉnh Dăk Lăk. Cha anh là cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu và bị nhiễm chất độc màu da cam từ những năm vượt Trường Sơn vào chiến khu D để góp phần trong công cuộc giải phóng dân tộc. Chất độc da cam đã hành hạ ông trong suốt cuộc đời còn lại và di truyền sang anh. Ông mất vào năm ngoái vì căn bệnh ung thư phổi. Riêng anh, từ năm 7 tuổi đã bị di chứng chân teo, co quắp không thể tự đến trường nên phải nhờ người thân mỗi ngày cõng đến lớp. Năm Huệ Nguyên học lớp 11, gia đình gặp quá nhiều khó khăn khiến anh phải thôi học dở dang. Từ đó, Huệ Nguyên mua sách vở về nhà tự học.
Rồi “nàng thơ” đến với anh trong những tháng ngày cô đơn với căn nhà tranh ọp ẹp cùng những sách là sách ấy. Những vần thơ của Huệ Nguyên mộc mạc, chân tình, không nhiều mỹ ngữ trau chuốt nhưng cô đọng và giàu cảm xúc. Đọc thơ Huệ Nguyên, không ai nghĩ rằng những ngôn ngữ đó được thể hiện từ một con người tật nguyền nhưng biết yêu cuộc sống, yêu vẻ đẹp thiên nhiên và yêu chính bản thân mình. Rồi như ông trời đã đền đáp lại cho anh, trong năm năm, Huệ Nguyên cho ra đời 3 tập thơ tình lãng mạn được nhiều bạn thơ đồng cảm và yêu thích. Năm 2010, anh được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Dăk Lăk và anh cũng đã nhận được nhiều giải thưởng VHNT của tỉnh nhà.
Một đêm thơ của Huệ Nguyên
Tưởng rằng, tạo hóa hóa đã bù đắp phần nào cho số phận nghiệt ngã của Huệ Nguyên, nhưng không ngờ vào lúc 21g, ngày 3.11.2014, anh đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời chưa tròn 28. Căn bệnh ung thư phổi di truyền từ cha đã ngăn bước Huệ Nguyên khi hồn thơ của anh còn đương phơi phới. Vậy là bao nhiêu hoài bảo, bao nhiêu ước mơ bé nhỏ của một người thanh niên tật nguyền đành phải gác lại. Tiếc thương anh, nhiều bạn bè đã đặt vé đến vùng cao nguyên xa xôi để tiễn đưa nhà thơ về miền đất lạnh. Là một đồng nghiệp, một tri âm, tôi viết những dòng này như một kỷ niệm, cũng là lời chia buồn tiễn anh về cõi vĩnh hằng.
Lần nữa, hãy đọc lại những vần thơ của Huệ Nguyên để mà rung cảm, sẻ chia.
Dự cảm ngày tháng 7
Những cơn mưa chạy qua ngày thay áo
chẳng giặt nổi vết buồn
mé lòng con ố mùa trăn trở
những con chữ chạm vào tháng bảy
run run cọng cỏ nguyện cầu!
Cố níu vào vạt áo thời gian
gói sắc hồng vội nhạt
nhưng chẳng thể cầm giọt ngày chợt tắt
chiều úa trên ngón tay không giữ nổi tuổi mình
Con phác họa một ngôi nhà rất đỗi bình thường
mẹ đeo kính xâu kim may áo
cha nhấp tách trà khề khà chuyện con thằng út bi bô tập nói
đến mắc cười
Bởi không thể vượt qua những hạn định cuộc đời
con thèm một giây ánh mắt cha ấm từng bước chân bầm vết ngã
những đọt buồn mọc đầy ngày tháng bảy
câu thơ con côi cút ngõ về!
(22/7/2013)
Nỗi buồn không tuổi
Amí gùi cái nghèo lên rẫy
vẹo xiêu ngày nắng
hạt bắp giấu vào lo toan
hát ru mùa vụ
ký họa bước chân chai nẻ sườn đồi
mơ những hạt mầm ngát xanh như giấc mơ con trẻ
Ama mắc tuổi mình lên nếp nhăn mẫu hệ
buốt lòng ngọn gió đi hoang
chiều cúi mặt khâm liệm cánh rừng già tức tưởi
những cánh cung ngủ mê trong lời khan huyền thoại
đường ong bay lạc phía kỉ niệm buồn
Sông trơ đáy trừng trừng xoáy hận
bầy dã thú soi bóng mình hóa thạch
Yang cạn khô nước mắt*
lầm lũi đi vào lời ru
Ai tạc nỗi ăn năn trong ánh mắt trẻ thơ
lấm láp những mùa bùn đất?
(28/10/2012)
_______
* Yang: Thần (Thần núi, thần sông…)
Trở giấc ngày tuổi dại
Vết sẹo ngã trâu gọi tôi băng qua cánh đồng tuổi dại
mùi cá nướng sém chiều
gai kí ức cào rách ngực
những quả trứng cò, trứng cuốc lặng im
Ngủ trong một góc tôi bãi sậy xanh um
đám trẻ trốn tìm quên đàn bò gặm ngày dở miệng
sào lúa chúng nhởn nha gặm hết
nhát roi cha quất lằn mông giờ vẫn đau
Thuở tắm truồng lấm cả tuổi thơ tôi
cáu bám vào thời gian chảy ngược
tôi chảy vào dòng sông dòng sông chảy vào tuổi nhớ
những con ốc con cua lội vào giấc mơ
Thời gian khép những cánh cửa hồn nhiên
sấp ngửa cuộc áo cơm mòn ngày chữ
những lâu đài tôi xây bằng viên gạch cám dỗ
bít cõi tôi lối về
Vết sẹo ngã trâu một ngày trở giấc
rủ rỉ thứ ngôn từ lặng câm
(22/2/2013)
Mòn ngày
Câu chữ ngủ mê trong vành nôi vô cảm
con ru ngày mòn rỗng
thứ ngôn từ lặng câm
Mẹ lội qua dòng ký ức con
lặng lẽ vết phèn lấm màu năm tháng
vệt bùn ruộng sâu bỗng thơm đến lạ
trổ nhánh mùa dậy hương
Cái nghèo vắt qua cơn sốt nửa đêm
tiếng rỉ rên sờn rách màu cổ tích
ngày lại trong hơn tiếng cười của mẹ
đồng chiều nhòa gió dáng già nua…
Con lật luống cày ngôn ngữ cằn khô
chẳng thể trồng nổi câu thơ trên mảnh vườn tuổi mẹ
ngày cứ mòn như con chữ
câm lặng từng nếp nhăn
(3/3/2013)
Mặc niệm rừng già
Chiều lầm lũi
đổ bóng lên nỗi buồn
Kơ nia bưng mặt khóc
miên man niềm cút côi
Mặc niệm rừng trong bao tử bầy quỷ đói
nỗi cô đơn dài như ngọn gió
chạy dọc thung sâu
vắt ngang những cánh rừng trơ trụi
bạc lời bazan
Prơtôx bỏ ngày đi hoang*
bầy hươu, nai ngủ quên bên suối khát
hồn voi theo làn khói
ôm vết thương đại ngàn
lang thang…
Trăm sắc hoa rừng quên mùa không nở
cánh Pơ lang nhức nhối giấc mơ nào
chiều đổ bóng lên vành tang
run run lời Kơ nia hấp hối
nhát búa thời gian găm vết sạn chai hồn người
(31/10/2012)
* Một loài chim ở Tây Nguyên
Mùa thơm những cánh tay gầy
Chiều vắt trên ngọn khoai nước
tiếng nhái gọi bầy gặm nắng
con chuồn ngô chở giấc mơ tôi thơm lựng cánh đồng…
rót mình vào những nhộn nhịp mùa màng
Tôi nghe giọt mồ hôi rụng từ gò má chị ngân nga hát ngày nắng rạm
những bông lúa vàng au uốn mình quấn những bàn tay gọi anh quảy mùa qua nhọc nhằn nông vụ
để cái cười tỏa hương
Mẹ lội ngang chiều đôi chân sờn rách vết bùn
gấu quần ống cao ống thấp
mùa ngát thơm từ đôi bàn tay chai sạm
còn thương lưỡi hái lưỡi liềm
Chiếc nón mê cha đội tuột vành
che ngang đời khốn khó
bóng già nua hắt lên từng gồi* lúa
cha gom những đói no oằn quang gánh quảy về…
(16/8/2013)
* Gồi: nắm lúa được gộp lại sau vài lần cắt