Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên đã ra đi thanh thản vào cõi vĩnh hằng, lặng lẽ như chính đời sống của ông suốt gần một thế kỷ. Ông để lại cho các con ông một gia tài về hội họa và một gia sản tinh thần lớn là nội lực của ông truyền lại với lòng đam mê với nghề. Tonvinhvanhoadoc xin gửi tới quý bạn đọc những dòng tâm sự của Nhà văn Võ Thị Xuân Hà về nhà thơ họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên

Cũng những ngày này năm 2014, đoàn nhà văn Việt Nam, sau khi kết thúc thắng lợi chuyến đi công tác ra Trường Sa đã cập bến Cát Lái và được các văn nghệ sĩ tp Hồ Chí Minh đón tiếp nồng hậu.

Đoàn đã đến thăm nhà thơ họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên, cha của nhà thơ Bàng Ái Thơ (Từ Liên Lý), một thành viên trong đoàn công tác.

Đoàn nhà văn chụp ảnh lưu niệm với nhà thơ họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên

Nhà thơ Bàng Ái Thơ và cha

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên và nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Khó có thể phân định và gọi ông nhất danh là nhà thơ hay họa sĩ, bởi lĩnh vực nào cũng thể hiện sự tài hoa hào kiệt của một con người có xuất thân từ một gia đình danh giá.

“Gia đình ông từng có cửa hàng tơ lụa nổi tiếng toàn miền Bắc lẫn miền Nam và hiệu thuốc bắc lừng danh khắp các tỉnh. Thời nhỏ là học sinh trường Thăng Long, Hà Nội. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông xung phong vào bộ đội và làm báo Quân Việt Bắc.” (Thiên Kim, báo Công an nhân dân)

Ông mừng đến lập cập khi được đón con gái và cả đoàn an toàn trở về. Quà quý của ông cho chúng tôi là mỗi người được chọn 1 bức tranh và 1 cuốn sách trong kho tàng lưu trữ của ông.

Ông nói: “Các cháu cứ chọn bức tranh và cuốn sách nào mình thích. Bác gần đất xa trời, có mang theo được đâu…”

Tôi chọn 1 bức trong bộ KIỀU. Và 1 cuốn sách nghiên cứu về văn học.

Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên tặng nhà văn Võ Thị Xuân Hà bức tranh “Kiều”

Bức tranh “Kiều” của nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên


Ông cười bảo với tôi: bộ Kiều này hồi những năm 70 thế kỉ 20, có người bạn ngoại quốc xin mua nhưng bác tiếc nhất định không bán.

Ôi trời ơi, vậy mà tôi lại chọn đúng bức ông yêu quý nhất với chủ đề “Buồn trông cửa bể chiều hôm”

Bây giờ bức tranh ấy tôi treo ở căn phòng nhỏ thường xuyên tổ chức sự kiện trên tầng 2 trong quán Nàng Thê Coffee house. Treo kín đáo lặng lẽ, khách không mấy ai biết bức tranh quý và xuất xứ của nó. (Sau stt này có thể tôi sẽ đem bức tranh đó về phòng làm việc của mình). Trong phòng này cũng có tranh của chị Bàng Ái Thơ tặng tôi khi khai trương cửa hàng.

Bây giờ, ông đã lên miền cực lạc.

Hãy ngắm không gian sống và làm việc của một nhà thơ, một họa sĩ, cả đời không muốn phiền hà ai, kể cả con cháu.

Cháu xin dâng nén hương tiễn biệt bác, người cha tràn đầy năng lượng sống đã truyền cảm hứng nghệ thuật cho những người con của mình, trong đó có nhà thơ họa sĩ nhạc sĩ Bàng Ái Thơ.


Ghi chú: Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên tên thật là Bàng Khởi Phụng, sinh ngày 13-8-1925 tại Bắc Giang. Quê gốc ở Bình Lục, Hà Nam trong một gia đình trí thức. Anh ruột ông là nhà thơ Bàng Bá Lân, người đã có mặt trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân.

Sáng 6-5-2016, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng trên đường Hòa Hưng, quận 10, TP Hồ Chí Minh.


Bài và ảnh: Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Exit mobile version