1. Nhớ lần gặp bà tại Làng Quốc tế Thăng Long cạnh chùa Hà, bà dành một buổi sáng hôm ấy để kể tôi nghe chuyện đời, chuyện tình mình bên cạnh nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu. Bà bảo: Anh Lành đã chịu quá nhiều đau khổ tù đày và gánh nặng công việc của Đảng, của đất nước, vì vậy từ lâu tôi ước sống thật lâu để được kề cạnh chăm sóc anh, và nếu anh có mệnh hệ nào thì tôi xin là người đi sau để lo hậu sự cho anh”.
Rồi bà liên tưởng đến câu thơ của Hồ Dzuếnh và đọc: Nghĩ mình đã lắm thương đau/ Tôi xin làm kẻ đi sau tiễn mình…
Tôi hiểu đó là tình nghĩa cuối đời bà dành cho người bạn đời của mình. Và bà đã là người được ở lại để tiễn ông mười năm trước, khi ông mất vào năm 2002, như ước nguyện… Hôm 21/4/2012, tiễn bà ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng có các con cháu, bạn bè, người yêu thơ Tố Hữu…
2. Đây là những câu mở đầu cho cuốn sách về ký ức của bà bên cạnh nhà thơ Tố Hữu thủa còn đôi mươi:
“Để lại sau con sông Lô nước chảy xiết với những bãi ngô non xanh biếc hai bên bờ, những bữa cơm gạo mới trắng tinh, những con cá tươi luộc… Chúng tôi đem theo bao kỷ niệm êm đềm của hai tuần trăng mật để bước vào cuộc sống chiến khu kéo dài gần chín năm”.
Bà kể về những ngày Việt Bắc gian khổ nhưng ấm áp tình yêu của hai người cùng chí hướng và chung lý tưởng cách mạng:
“Tôi còn nhớ có lần đến thăm anh, tôi thấy anh từ xa, một tay cầm bó rau muống, một tay hai túm lá khoai, một đựng mắm tôm, một đựng mấy bìa đậu phụ nướng. Tôi hỏi: -“Anh đi đâu mà lếch thếch vậy?”
Anh cười:
– “Vào Thanh Cù gặp Tỉnh ủy. Nhân thể làm luôn công tác hậu cần…”.
Tôi thương anh vô cùng. Và cũng chạnh lòng nghĩ đến các anh văn nghệ sĩ ở thủ đô, trước kia sống đàng hoàng, nay ra vùng rừng núi vẫn vui vẻ với bữa cơm độn sắn ngô, rau muống, mắm tôm”.
“Thế mà thương nhau “Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”, mọi vất vả đều là chuyện nhỏ. Ở với nhau thường chỉ được một ngày. Chia tay bịn rịn rồi lại thương nhớ chờ mong ngày gặp lại anh cũng vậy, thỉnh thoảng cuốc bộ cả ngày đi thăm tôi. Một hôm về đến huyện anh gọi tôi ra:
– “Ra đây, anh cho cái này”.
Tôi ngạc nhiên, vì xưa nay anh chưa có gì làm quà cho tôi. Tôi tròn xoe mắt đứng chờ anh móc trong túi áo “đại cán” ra đưa cho tôi một tờ giấy, viết chữ nắn nót rất đẹp. Đó là bài Mưa rơi, bài thơ tình đầu tiên anh viết cho tôi. Tôi đọc bài thơ, xao xuyến lạ lùng”.
Vợ chồng nhà thơ Tố Hữu
Có thể nói hiếm có một mối tình nào trong trẻo và đắm say như vậy, dù trong hoàn cảnh kháng chiến đầy gian khổ hy sinh. Chỉ có tình cảm của những người cùng chung lý tưởng và chung con đường chiến đấu vì dân vì nước mới sâu sắc và thủy chung như vậy:
“Bỗng lại một hôm có anh Mãi, cán bộ Hội Văn nghệ, đến tìm tôi cho biết anh Tố Hữu đau nặng. Tôi tối sầm mặt mày. Chạy bộ cả ngày đường mới đến được với anh. Chao ôi! Sao mà anh xanh xao, gầy guộc làm vậy! Mấy tháng không gặp nhau, tôi thấy anh suy sụp quá. Tôi sờ nắn tay chân anh mà ứa nước mắt. Ngồi với anh được một lúc thì anh thổ ra hàng chén máu tươi, làm tôi vô cùng hoảng hốt. Tuy lâu nay tôi vẫn rất lo lắng cho sức khỏe của anh, nhưng không ngờ anh lại ra nông nỗi này!
Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, bà Vũ Thị Thanh – vợ nhà thơ Tố Hữu đã từ trần vào rạng sáng 19/4 tại Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi. |
Tôi quyết định xin phép nghỉ công tác ba tháng để nuôi anh ở xóm Chòi… Thương anh quá, tôi gắng dùng hết sức hà hơi vào ngực, vào lưng và ôm chặt lấy anh, truyền hơi nóng của tôi cho anh. Không chỉ lúc ốm đau, mà ngày thường chúng tôi cũng không đủ áo ấm nên thường lén nhường áo cho nhau. Đời sống vật chất cực nhọc như vậy nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được ở bên nhau lâu, chăm sóc cho nhau.
3. Đọc Ký ức người ở lại hôm nay, chúng ta có quyền cùng bà chia sẻ với nhà thơ và những người lãnh đạo đất nước cái thời “giá – lương – tiền” lúc đất nước đầy khó khăn, nghiệt ngã:
“Gánh nặng nền kinh tế quá kiệt quệ thật sự đè nặng lên vai anh. Anh đã làm việc không kể ngày đêm. Anh lại liên tục xuống các địa phương lắng nghe, học hỏi và suy nghĩ, thử nghiệm các chủ trương mới. Vấn đề nổi cộm nhất trước thềm Đại hội V là giá – lương – tiền…”
Thời gian này tôi thấy anh thường trầm lắng, đăm chiêu. Tôi suy đoán có lẽ có gì uẩn khúc ở đây! Tôi nhớ lại tâm sự của anh trong bài thơ Đêm cuối năm:
Đêm cuối năm riêng một ngọn đèn
Dở hay khôn dại những chê khen Làm ăn hai chữ, quen mà lạ Thế cuộc, nhân tình, rõ trắng đen… |
Bây giờ đọc hồi ký của bà, ta hiểu thêm rằng họ là người trong mộng của nhau, chắp cánh cho nhau trên bước đường công tác và hoạt động. Và tình yêu của bà đã chắp cánh cho thơ ông…
“Cách mạng đã chuyển hướng cuộc đời tôi và đưa tôi đến với anh. Về với anh, tôi được cùng anh hoạt động trong ngành tư tưởng, từ những ngày đầu mới lên Việt Bắc, cho tới lúc nghỉ hưu… Trong nhiều năm tôi được làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh, một cán bộ lãnh đạo chủ chốt trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng. Chính điều đó đã gắn bó chặt chẽ tình cảm giữa anh và tôi. Ngoài những chăm lo, săn sóc hằng ngày, anh rất chú ý đào tạo, bồi dưỡng tôi như một cán bộ trong ngành, mong tôi làm tròn nhiệm vụ được giao. Anh luôn rất vui khi thấy cuộc sống tinh thần của tôi – người bạn đời của anh có ý nghĩa. Bên cạnh tình cảm vợ chồng, chúng tôi còn tìm thấy ở nhau người bạn tâm giao thực sự trong lý tưởng chung…
Tuy nhiên, anh là một thi sĩ và trước hết là một người rất nhạy cảm (sensible). Dù như anh tự nhận những bài thơ tình của anh chiếm một vị trí khiêm tốn trong sự nghiệp sáng tác của anh, nhưng như giáo sư Hà Minh Đức đã có lần nhận xét: “Có một mảng riêng thầm lặng mà đằm thắm, tuy không được mở rộng, nhưng chỉ với đơn vị nhỏ bé ấy cũng bộc lộ phần thẳm sâu khó đoán định, phần tình cảm riêng tư nhất của tác giả. Đó là giây phút bồi hồi xao xuyến bên người thân yêu”… Giờ đây, khi anh đã đi xa, tôi không còn được những giây phút hân hoan đọc những câu thơ, những bài thơ anh tặng. Nhưng dẫu sao tôi cũng cảm ơn duyên phận trời định cho tôi được sống cùng anh…
Bên anh, được chia sẻ cùng anh mọi niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi”.
***
Bây giờ thì bà đã lại lên đường theo ông về phía vĩnh hằng. Bà đã tiễn ông mười năm trước và nay đến lượt bà ra đi khi vừa để lại cuốn sách hồi ức về một tình yêu lớn. Nhưng Ký ức người ở lại của bà, tình yêu rất mực chân thành đằm thắm ấy của hai người thì vẫn còn mãi với thời gian, vẫn đọng lại trong những câu thơ tình Tố Hữu… Tôi gọi đó là một tình yêu đẹp, cả trong đời và trong thơ…
Tân Linh
Nguồn: Thể thao & Văn hoá.