Nhà văn Trang Thế Hy – Ảnh chụp lại từ ảnh gia đình của nhà văn
Theo thông tin Thanh Niên vừa nhận được, nhà văn Trang Thế Hy vừa từ trần lúc 0 giờ 50 phút ngày 8.12 tại tư gia (TP.Bến Tre).
Những lần gặp trong đám giỗ nhà văn Sơn Nam, tôi thường thấy chú Tư Sâm (tức nhà văn Trang Thế Hy) ngồi cùng bàn với nhà thơ Kiên Giang và “anh Năm” Nguyễn Quang Sáng. Anh Năm thua chú Tư Sâm gần 10 tuổi cộng với ngoại hình thấp đậm, da dẻ hồng hào nên có vẻ tráng kiện. Nhà thơ Kiên Giang dạo đó cũng có vẻ “phong độ” hơn bởi chú Tư thân hình gầy đét, đi đứng phải có người dìu… Cho nên cũng dễ hiểu là chú Tư Sâm không thích “bị” cánh nhà báo chúng tôi chụp hình (trừ khi chẳng đặng đừng). Chúng tôi cũng tự biết, chú không muốn hình ảnh của mình xấu đi trong mắt bạn đọc cả nước… Đến hôm nay thì người cao tuổi và gầy ốm nhất lại “đi” sau cùng, anh Năm – trẻ nhất “đi” trước hết rồi đến nhà thơ Kiên Giang…
Nhớ hôm gặp chú lần trước, chú ngồi bần thần nhìn ra vuông sân nhỏ, nơi có những con chim sẻ vụt sà xuống, nhảy nhót rồi bay đi. Chú nói: “Nhiều khi mơ ước được như mấy con chim nhỏ bé kia, mà cũng không được…”. Nghe chú nói mà cám cảnh, hiểu được thế nào là giai đoạn “lực bất tòng tâm…”.
Trước năm 1975, chúng tôi thường nghêu ngao một ca khúc phổ từ thơ khá nổi tiếng là bài Quán bên đường của Phạm Duy. Bài hát nhanh chóng phổ biến bởi có những ca từ rất lạ, rất bình dân. Phần nhạc thì đã có tác giả rõ ràng nhưng tác giả của phần thơ lại ghi là “khuyết danh”. Sau này, có nhiều người xì xầm rằng tác giả bài thơ là nhà văn Bình Nguyên Lộc, người khác bảo của Minh Phẩm, lại có nhiều ý kiến cho rằng của Trang Thế Hy. Tuy nhiên sau khi thẩm định lại từ các nguồn tư liệu, giờ đây có thể khẳng định đó là bài thơ Đắng và ngọt của tác giả Minh Phẩm.
Trong sự nghiệp 60 năm sáng tác của mình, nhà văn Trang Thế Hy đã sử dụng gần 10 bút danh, trong đó có những bút danh chỉ dùng một lần, như trường hợp ký bút danh Song Diệp ở bài thơ Thanh gươm tháng Tám và Minh Phẩm ở bài thơ Đắng và ngọt. Về bài thơ sau, tác giả bộc bạch: “Tháng 9.1959, người chủ biên tuần báo Vui sống (Sài Gòn), nhà văn Bình Nguyên Lộc, khi duyệt bài vở cho tờ báo số 9, đã góp ý với cộng tác viên Minh Phẩm – người nộp bài thơ Đắng và ngọt, rằng cái vị của cuộc đời này nó đa dạng và phức hợp lắm chứ không đơn giản như sự nhu hiền đồng thuận tạo hài hòa hay ngạo mạn đương đầu gây đối nghịch giữa hai cái vị đắng và vị ngọt”.
Vậy rồi, Bình Nguyên Lộc sửa cái tựa từ Đắng và ngọt thành Cuộc đời. Sau đó, ông Bình Nguyên Lộc lại trao bài thơ cho nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc Quán bên đường. Lúc này ông Trang Thế Hy (Minh Phẩm) đã vào vùng kháng chiến, Phạm Duy sợ bản nhạc bị kiểm duyệt, không cho phát hành nên để tên tác giả thơ là “khuyết danh”. Tuy nhiên, hiện nay ở một số trang mạng chuyên về ca nhạc, có nơi vẫn để Quán bên đường, nhạc Phạm Duy, thơ Bình Nguyên Lộc…
Nhà văn Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh năm 1924 tại Hữu Định, Châu Thành (Bến Tre). Ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau 1954, ông ở lại Nam bộ hoạt động văn hóa. Ông từng bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam năm 1962, sau đó ông thoát ly vào vùng kháng chiến… Cuộc đời trôi nổi, dịch chuyển như vậy nên tác phẩm của ông bị thất thoát khá nhiều.
Theo thống kê chưa đầy đủ của gia đình thì ông có khoảng 65 truyện ngắn, khoảng 20 bài thơ và 2 tiểu thuyết (Hoa tình chỉ nở một lần, Nét buồn bạc mệnh). NXB Trẻ đã và đang tiến hành giới thiệu được 5 tập sách, 35 tác phẩm của chú Tư Sâm (dưới dạng sách điện tử và sách giấy). Vào tháng 10.2014 (nhân sinh nhật 90 tuổi của ông) đã phát hành đợt sách (giấy) đầu tiên gồm những tác phẩm đặc sắc của ông: Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Anh Thơm râu rồng (Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam 1960 -1965), Mưa ấm (tập truyện ngắn 1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ mười ba (tập truyện 1989), Tiếng khóc và tiếng hát (tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 1994), Nợ nước mắt (tập truyện ngắn – tặng thưởng loại A của Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, 2001)…
Ngày 20.7.2014, NXB Trẻ đã ký kết tác quyền trọn đời đối với nhà văn Trang Thế Hy. Giám đốc NXB Trẻ, Nguyễn Minh Nhựt cho biết đang nỗ lực tìm kiếm bản thảo (khoảng 30 truyện ngắn, 2 tiểu thuyết kể trên và những bài thơ…) vì nếu tìm không ra sẽ là một thiệt thòi lớn cho bạn đọc, về một cây đại thụ của văn học Việt Nam xuất thân từ Nam bộ.
Theo Hà Đình Nguyên – Thanh niên online