Nhạc cổ điển như người đàn ông lịch lãm, bao dung ”người đàn bà” Văn chương lãng mạn, sâu sắc nhưng không kém phần dữ dội trong đêm ”Bay cùng ViLi”.

Nói một cách hình tượng là như thế. Chương trình nghệ thuật ”Bay cùng ViLi” – đêm trình diễn văn chương đầu tiên tại Nhà hát Lớn – khiến người xem cảm thấy rằng, âm nhạc và văn chương, khởi nguyên là để dành cho nhau. Và cuộc gặp gỡ định mệnh này có thể lay động lòng người, khiến người ta lặng đi trong việc nhận chân cái đẹp, sự thanh thoát và cảm thấy tâm hồn được thanh lọc.

Nhạc cổ điển thấm đẫm thời gian và không gian Nhà hát Lớn đêm 1/12. Những bản nhạc làm nền cho các nghệ sĩ như Hoàng Cúc, Minh Hòa, Phạm Cường, Hoàng Quyên Idol và chủ nhân đêm diễn là Vi Thùy Linh thể hiện các tác phẩm thơ, tùy bút. Những bài thơ của ViLi viết về Hà Nội, về Paris vang lên trong tiếng nhạc êm dịu, sắc tím của sân khấu, hiệu ứng khói bảng lảng khắp không gian khiến người xem hòa chung cảm giác được bay từ ”Ái thành” (cách gọi của Vi Thùy Linh về những thành phố của tình yêu) Thăng Long tới “Ái thành” Paris một cách nhẹ nhàng.

Vi Thùy Linh trong đêm diễn “Bay cùng ViLi”.

Nói là cuộc trình diễn nhưng đêm nghệ thuật ”Bay cùng ViLi” lại tối giản những yếu tố kỹ thuật. Ngoài màn Vi Thùy Linh ngồi xích đu từ từ bay lên giữa sân khấu, phù hợp với chủ đề ”bay”, các tác phẩm của ViLi phần lớn được lột tả qua đài từ, ánh mắt, cử chỉ, thần thái của các nghệ sĩ. Sự sâu lắng đến từ nội tâm và dữ dội, bạo liệt cũng từ nội tâm mà phát ra chứ không phải bằng những chiêu trò kịch tính trên sân khấu.

Nếu như trình diễn thơ không phải là yếu tố hoàn toàn mới, chương trình ”Bay cùng ViLi” đánh dấu lần đầu tiên thể loại tùy bút được mang lên sân khấu. Đây là phần được trông đợi nhất của đêm diễn và người xem có thể hoàn toàn thỏa mãn. Không phải một màn đọc văn xuôi đơn thuần, nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc với tất cả sự giằng xé nội tâm đã lột tả được những khắc khoải, tha thiết, đớn đau của con người trước những giá trị đang dần mất đi trong cuộc sống hiện đại – cụ thể ở đây là những cánh đồng hoa Nhật Tân, linh hồn của Thăng Long văn hiến – qua màn trình diễn tùy bút ”Cánh đồng cứu rỗi”. Màn trình diễn còn được đón nhận nồng nhiệt bởi đánh dấu sự trở lại và thăng hoa của NSND Hoàng Cúc sau thời gian dài vắng bóng trên sân khấu kịch nghệ. Phần diễn xuất cao trào khiến không ít khán giả đồng cảm, chung khóc cười với nữ nghệ sĩ và Vi Thùy Linh.

Trong một màn khác, ViLi “tình tự” cùng nghệ sĩ kịch nói Phạm Cường. Trong vai đôi uyên ương, Vi Thùy Linh và Phạm Cường dẫn dắt khán giả đi qua câu chuyện tình của hai người yêu nhau giữa chiều dài văn hóa, lịch sử của Thăng Long, Hà Nội qua tùy bút ”Tháng 4 thương tháng 8”. Vi Thùy Linh không xa lạ với những cuộc trình diễn thơ. Chị từng trình diễn ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trung tâm Văn hóa Pháp, thậm chí ở châu Âu. Thế nhưng, nữ nhà thơ vẫn không giấu được xúc động trong đêm diễn lớn hợp lưu các tài danh và với sự có mặt của nhiều người mến mộ. Vi Thùy Linh chia sẻ, chị thức để mơ – một giấc mơ lớn trong đời. Với những gì các nghệ sĩ và Vi Thùy Linh thể hiện, khán giả của đêm ”Bay cùng ViLi” chỉ có thể ngồi lặng đi suốt mỗi màn trình diễn và vỗ tay khi kết thúc.

Cuộc “tình tự” giữa Âm nhạc và Văn chương có những nốt thăng trầm. Sự xuất hiện của những người đàn bà dữ dội, cá tính trong âm nhạc như ca sĩ Thanh Lam, Hà Linh, thí sinh Vietnam Idol Hoàng Quyên như những nốt thăng trong mạch chuyện tình. Thanh Lam hát ”Dệt tầm gai”, Hà Linh biểu diễn ”Nhật thực”, Hoàng Quyên với “Phía ngày nắng tắt” – những ca khúc được nhạc sĩ Ngọc Đại phổ thơ Vi Thùy Linh. Những người phụ nữ ở độ tuổi khác nhau thể hiện cảm nhận khác nhau về những gì Linh viết nhưng họ đồng cảm với cô ở sự dữ dội và tính đàn bà. Sự xuất hiện của ca sĩ Tấn Minh với ca khúc “Dòng sông không trở lại” qua màn đệm piano của Đỗ Bảo lại mang một âm hưởng ngọt ngào, trầm lắng, đúng chất tình ca cho cuộc gặp gỡ, nên duyên của Văn chương và Âm nhạc. Xen kẽ còn có màn múa của nghệ sĩ ballet Đinh Nguyệt Thu. Cha con nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh – Quyền Thiện Đắc khiến khán giả đắm chìm trong bản “Love Story” lãng mạn.

Các nghệ sĩ thể hiện tùy bút ”Hà Nội dấu hương”.

Đêm diễn kết lại trong màn hợp lưu, khi nhạc cổ điển qua sự thể hiện của Nghệ sĩ cello Ngô Hoàng Quân, nghệ sĩ piano Nguyễn Thu Đông, nghệ sĩ sáo Flute Nguyễn Diệu Hồng, nghệ sĩ violin Nguyễn Mỹ Hương một lần nữa nâng đỡ văn chương cất cánh. NSND Hoàng Cúc, nghệ sĩ Minh Hòa, Vi Thùy Linh và nghệ sĩ Phạm Cường cùng thể hiện tùy bút “Hà Nội dấu hương”. Phần trình diễn kết thúc trong tiếng vỗ tay của khán giả – những người còn ngồi lại khán phòng Nhà hát Lớn tới hơn 23h đêm 1/12. So với ban đầu, lượng khán giả chỉ còn một nửa, nhưng những ai ở lại đều là những người thực sự trân trọng Vi Thùy Linh và văn chương.

Đêm diễn không tránh khỏi những yếu tố chưa tròn trịa. Giữa hai phần trình diễn Thơ và Tùy bút, khán giả được mời rời chỗ ngồi để chiêm ngưỡng tác phẩm sắp đặt của các họa sĩ Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong… bên ngoài sảnh Nhà hát Lớn. Điều đó phần nào ngắt quãng cảm xúc và khiến các hàng ghế khán giả lộn xộn. Nhiều người tranh thủ quãng nghỉ này ra về mà không đợi đến phần tiếp theo vì lo ngại thời tiết xấu, để lại nhiều ghế trống. Và trong một đêm mà âm nhạc, thơ văn, múa đều có đất diễn, dường như cần thêm những đêm khác để văn chương thực sự trội hơn, thành “nhân vật chính” hơn. Một số trục trặc nhỏ về âm thanh cũng khiến người xem phần nào chưa thỏa mãn.

Tuy nhiên, với “Bay cùng ViLi”, những khán giả của văn chương có quyền tự hào khi loại hình nghệ thuật của họ được thăng hoa, cất cánh. Sau đêm diễn này, có thể, không ai ra về mà thốt lên rằng: văn chương xôm tụ, hoan hỷ, hoành tráng hay nô nức thế. Nhưng tin rằng, không ít người nghĩ thầm trong bụng: ”Ồ, văn chương đẹp thế!” – và đó mới là giá trị đích thực của văn chương.

Đêm trình diễn ”Bay cùng ViLi” không chỉ quy tụ nhiều nghệ sĩ của các loại hình nghệ thuật mà còn hợp lưu khán giả đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như hội họa, sân khấu điện ảnh, văn chương, sử học – những người làm văn hóa nghệ thuật.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: “Đây đúng là chương trình của Vi Thùy Linh – một con người mạnh mẽ và sắc sảo nhưng lại rất ngây thơ và tất cả điều đó tạo nên chất thật. Tôi nghĩ rằng, chính cái thật của cô ấy mang cho mọi người cảm giác rằng họ được thưởng thức nghệ thuật thực sự. Cho dù mỗi người có một quan niệm khác nhau nhưng người ta cảm thấy hài lòng”.

Diễn viên kỳ cựu Lê Mai cho biết: “Cả gia đình tôi đều rất thân với Vi Thùy Linh nên bằng giá nào tôi cũng phải có mặt, để thưởng thức cái tài của Linh và xem khán giả đối với Linh như thế nào. Tôi bất ngờ khi đêm nay lại long trọng như thế. Những lời thơ thốt ra từ tâm hồn, trái tim Vi Thùy Linh, cho thấy cô ấy rất đáng yêu mến. Tôi mong còn được nhiều buổi nghe thơ Vi Thùy Linh hơn nữa”.

Diễn viên Chiều Xuân chia sẻ: “Có thể coi là hiện tượng khi một nhà thơ lần đầu tiên quyết tâm làm chương trình văn chương ở Nhà hát Lớn. Nó không đơn thuần là sự bạo dạn của Vi Thùy Linh mà còn là tâm huyết của Linh để đánh tiếng vang cho văn chương, khiến mọi người chú ý đến loại hình nghệ thuật của tâm hồn này nhiều hơn. Đọc thơ Vi Thùy Linh, tôi hình dung một người đàn bà leo trèo, đánh đu từ cảm xúc này sang cảm xúc khác, từ những nóc nhà cổ sang nóc nhà hiện đại. Hành trình đó nguy hiểm, vất vả nhưng đem lại nhiều cảm xúc”.

* Ảnh: Chương trình “Bay cùng ViLi”

Nguồn: Vnexpress

Exit mobile version