1. Trong nhiều chức năng của văn học nghệ thuật, chức năng giải trí được coi là một trong những chức năng quan trọng, nhất là trong xã hội hiện đại. Cho nên, trong mấy thập niên gần đây, vấn đề đặt ra trong thực tế đời sống văn học là cùng với việc đổi mới nghệ thuật (viết như thế nào), nhà văn, nhất là giới trẻ, đã hướng đề tài vào những vấn đề về hôn nhân, gia đình, tình yêu, về đời sống hội nhập, công việc (viết về cái gì). Đây là một thuận lí chứ không là nghịch lí bởi văn học luôn bám sát và thể hiện cuộc sống của con người. Một mặt, tác phẩm văn học viết ra phải được đọc mà bao giờ độc giả chủ yếu cũng là lớp trẻ – lớp công chúng thích tìm tòi khám phá. Với sự căng thẳng về áp lực công việc thì giải trí là một nhu cầu cần thiết và chính đáng mà văn học có thể đáp ứng được điều này. Mặt khác, viết văn là một nghề như mọi ngành nghề khác, có nghĩa là người viết, nhất là người viết trẻ, cũng không thể bỏ qua mục đích mưu sinh. Trong tình hình đó, đề tài chiến tranh không còn là đề tài nóng cũng là điều dễ hiểu.

Trước khi Biển Đông dậy sóng với sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào hải phận nước ta, nhiều người còn băn khoăn: Sao vẫn có những nhà văn chung thủy một cách khó hiểu với đề tài chiến tranh? Ca mãi bài ca chiến thắng liệu có còn ai đọc? Vấn đề này đặt ra không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước khác, cả những nước châu Âu đã trải qua đại chiến như nước Đức, nước Nga. Cứ coi chiến tranh là một đề tài như mọi đề tài khác thì việc viết về chiến tranh hay viết về thế sự đời tư là sự lựa chọn của nhà văn. Mặc dù đề tài cũng có vai trò nhất định trong khả năng kích thích tâm lí tìm đến cái mới của bạn đọc nhưng giá trị của tác phẩm lại chủ yếu nằm ở phương thức thể hiện, ở tính tư tưởng của tác phẩm – căn nguyên tạo nên cái gọi là một tác phẩm hay. Làm được điều này tức là đáp ứng được nhu cầu cho bạn đọc, kể cả giới trẻ, bởi “Văn học nghệ thuật không phải tạo ra những biển cấm, những con đê thụ động chống lũ bên ngoài mà là tạo ra những tố chất bên trong con người; những kháng sinh tự nhiên và bền vững trong bản thân mỗi cá thể” (Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam – Dự thảo Báo cáo Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX). Và như vậy nỗi băn khoăn về vấn đề “viết về cái gì” – viết về chiến tranh cũng sẽ được giải tỏa. Thêm nữa, bài học lịch sử bao giờ chẳng là cần thiết đối với những dân tộc mà lịch sử từng có những cuộc chiến tranh lớn. Thực tế ở các nền văn học lớn cũng đã xảy ra điều này.

2. Đề tài chiến tranh đã có những chuyển động trong xu thế vận động chung. Một vấn đề đặt ra là đánh giá lại vị trí cũng như thành tựu của đề tài này như thế nào trong lộ trình văn học của dân tộc. Có một thực tế là lâu nay, trong một số luận văn của học viên cao học, trong khi muốn nhấn mạnh thành tựu của văn học đổi mới, thường có sự đánh giá chưa thật thỏa đáng đối với dòng văn học sử thi nói chung và văn học viết về chiến tranh nói riêng trước đây… Mặt khác, với khát vọng được tự do sáng tạo không bị một rào cản nào chi phối của người nghệ sĩ, trong kì vọng nền văn học vượt thoát khỏi những lối mòn để hội nhập và toàn cầu hóa, cũng có những ý kiến cực đoan. Tôi cho rằng chiến tranh đã qua hơn bốn mươi năm nên cần phải có một cách nhìn nhận lại các giá trị cũ cho công bằng. Không nên vì những lí do nào đó mà cho rằng văn học sử thi trước đây là một ngôi đền thiêng, nếu có phê phán nó điều gì thì coi như đó là một hành động giải thiêng, thậm chí coi là hạ bệ, đi đến những quy kết mang tính trấn áp, quy chụp. Nhưng, nếu phủ nhận sạch những thành tựu của nó thì tôi cho rằng đấy là một cách ứng xử thiếu văn hóa. Tôi không nghĩ rằng rào cản nào đó hiện nay là quá lớn, như một nguyên nhân kìm hãm tự do sáng tạo khiến nền văn học chúng ta chưa có tác phẩm lớn. Thì không ít người đã đưa tác phẩm ra nước ngoài xuất bản đó sao. Thử nhớ lại thời điểm Nỗi buồn chiến tranh (bấy giờ có tên là Thân phận của tình yêu) ra đời chúng ta sẽ thấy vấn đề này một cách khá rõ.

Viết về chiến tranh là viết về tình yêu cuộc sống và khát vọng hòa bình của con người. Trước đây hầu hết những tác phẩm văn học viết về chiến tranh đều mang âm hưởng sử thi. Đặt trong hệ thống văn học yêu nước của dân tộc thì đó là một sự tiếp nối truyền thống. Tình yêu thiên nhiên, yêu con người, lòng căm thù giặc… là những biểu hiện khác nhau của lòng yêu nước. Từ bao giờ trong thế hệ chúng tôi rất nhớ những câu viết giản dị trong Thời gian ủng hộ chúng ta của nhà văn Xôviết Ilia Erenbur: “Lòng yêu nước là yêu những cái gì bình thường nhất. Yêu cái cây trồng trước nhà. Yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông. Yêu vị thơm mát của trái lê mùa thu, hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh… Dòng suối nhỏ đổ vào sông. Con sông đổ vào đại trường giang Vonga. Con sông Vonga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Những biểu hiện khác nhau của lòng yêu nước kiểu đó, có rất nhiều trong sáng tác của các thế hệ viết về chiến tranh như Nguyễn Minh Châu, Anh Đức, Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Phan Tứ, Đỗ Chu, Lê Lựu, Hữu Mai, Hồ Phương rồi Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bảo và rất nhiều nhà văn khác. Những chàng trai cô gái trước khi lên đường ra trận thường có những đêm thao thức, lắng nghe những âm thanh làng mạc, hoặc trong những khoảng thời gian rỗi rãi giữa các trận đánh thường kể cho nhau nghe về làng quê và gia đình của mình, về những mối tình đầu đầy dư vị ngọt ngào. Rồi chứng kiến sự tàn bạo dã man của đạn bom và những vũ khí giết người trút xuống quê hương. Biểu hiện của lòng yêu nước đối với mỗi người lính, người dân là lòng căm thù giặc. Họ chấp nhận mọi gian khổ, hi sinh. Trong hoàn cảnh đó, nhà văn đã đồng hành cùng nhân dân: khi coi văn chương là vũ khí, nhà văn sẽ là chiến sĩ. Và tác phẩm có những khi như là những lời hịch. Ý thức này vốn là truyền thống của dân tộc, là biểu hiện của văn hóa Việt Nam. Cội nguồn sâu xa đó của văn hóa có trong các nhà văn và ở thời điểm cần thiết, tự nó thôi thúc nhà văn đi, viết để góp sức theo đặc trưng nghề nghiệp của mình, vào cuộc kháng chiến của dân tộc.

Để cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân thì rõ ràng không có vấn đề gì phải bàn, nhất là khi Tổ quốc bị ngoại xâm. Tuy nhiên một nền văn học mà chỉ có mỗi cảm hứng sử thi là dòng chảy chính thì nền văn học ấy không thể nói là đang vận động, phát triển một cách bình thường. Đó là một trong những lí do giải thích vì sao khi chiến tranh kết thúc, đất nước chuyển sang một trang mới, những cây bút tâm huyết với nghề thường mang nỗi trăn trở về sự sinh động và đa sắc của cuộc sống và con người trong tác phẩm. Chất sử thi trong văn học nói chung và trong tiểu thuyết nói riêng nhạt dần. Thay vì miêu tả sự kiện, nhà văn đã lấy những thân phận con người khác nhau đặt trong bầu sinh quyển chung làm tâm điểm. Nếu như trước đây nhà văn coi chiến tranh như một thứ thuốc đặc trị cho những nhân cách hèn nhát, và ít khi thể hiện con người đời thường thì sau này cái nhìn của người viết bớt đi tính mặc định. Cách nhìn cuộc sống thì “đa sự”, con người thì “đa đoan” và nghiêng về phần nhân tính trong mỗi con người bình thường đã khiến cho cuộc sống và con người trong tác phẩm trở nên sinh động và đa sắc hơn, hấp dẫn hơn. Đó là sự phát triển bình thường.
nu dan quan thanh hoa dep trong khang chien 7
Đội dân quân pháo binh trong chiến tranh chống Mĩ     Ảnh: Đoàn Công Tính

Một trong những thay đổi trong quan niệm nghệ thuật về con người là việc xây dựng nhân vật kẻ địch trong các tiểu thuyết viết sau chiến tranh. Những cái nhìn làm cho nhân vật bị cường điệu về hình thể, cá tính, thói quen, sở thích, thậm chí nhân tính trong một số tiểu thuyết trước đây, thời gian đã cho thấy sự hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến sức hấp dẫn và tuổi thọ của tác phẩm. Có lẽ bấy giờ do nặng về tuyên truyền, giáo dục ý thức cách mạng mà có khi nhà văn đã vô tình làm hỏng một phương diện khác vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần con người: tình cảm gia đình, tình mẫu tử – vốn là một trong những nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam. Việc chú ý hơn đến phần bản năng của con người mà phần dục tính là một biểu hiện cho thấy cách nhìn về con người đã khác trước. Nhưng xu hướng đi vào tâm lí, tình cảm để giải mã mới là điều khiến cho tác phẩm trở nên có chiều sâu hơn. “Phải là máu trong tim những người mẹ chảy ra cho cuộc chiến qua những đứa con mới thật sự đau xót” như Lê Minh Khuê từng nói trong Nhiệt đới gió mùa. Phải chăng là một người viết nhạy cảm từng kinh qua trận mạc và thấm thía cuộc đời mà Nguyễn Trọng Oánh sớm đi vào khai thác quan hệ mẫu tử trong nhân vật kẻ địch ở Mây cuối chân trời theo xu hướng đó? Những năm gần đây các nhà văn khác như Khuất Quang Thụy, Chu Lai, Nguyễn Bảo, Văn Lê, Lê Minh Khuê… đều chú ý đến phần nhân tính trong quá trình xây dựng nhân vật. Trong Mùa hè giá buốt, xoáy vào tâm thức người đọc là ý nghĩ nhân văn của một người mẹ của đối phương vừa mất con trong chiến trận vẫn tìm cách bảo vệ sự sống cho người bộ đội giải phóng: “Người ta còn nhiều việc để làm hơn là báo thù. Chiến tranh là thảm họa cho cả dân tộc. Cần phải cứu lấy mọi người”. Trong một trận đánh ở Đỉnh máu, khi Ngọ bị lạc vào một nhà dân có hai người con là sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa vừa chết trận, sinh mạng của anh như ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng khi lòng hận thù được giải tỏa bằng những lời lẽ có lí có tình của Lê Mã Lương, Ngọ đã được lòng nhân của những người dân này tha chết. Các nhân vật ở hai bên chiến tuyến thường được các nhà văn đặt trong mối quan hệ gia đình, đời thường với ý thức để con người ta dễ tìm ra tiếng nói đồng cảm và cũng ở đó, con người ta dễ bộc lộ mình hơn.

Để lí giải một cách thuyết phục sự xung đột của những tính cách về một phương diện nào đấy là không thật khác biệt nhau, cả nhân vật hư cấu và nhân vật lịch sử đều được đặt vào một trường nhìn hợp lí: đó là những con người sống có lí tưởng riêng. Tính quyết liệt của cuộc chiến càng trở nên căng thẳng, phức tạp khi cái nhìn về kẻ địch theo chiều hướng đó. Và điều đó đồng nghĩa với việc kéo tác phẩm gần lại với bạn đọc, nhất là trong nhu cầu hòa hợp, hội nhập. Các tiểu thuyết Đối chiến (Khuất Quang Thụy), Đỉnh máu (Nguyễn Bảo), Khúc bi tráng cuối cùng (Chu Lai), Mùa hè giá buốt, Phượng hoàng (Văn Lê)… và mới đây là Biên bản chiến tranh (Trần Mai Hạnh) đã cho thấy ý thức đó của người viết. Mỗi nhân vật đều có lí tưởng sống riêng và họ chiến đấu cho lí tưởng của mình. Và chiến thắng, trong trường hợp này, ngoài những yếu tố chủ quan, khách quan, còn là chiến thắng của lí tưởng phù hợp với lợi ích dân tộc, được nhân dân ủng hộ. Chúng ta hãy suy nghĩ sâu xa hơn về một thực tế là: kẻ thù cũng rất chịu khó tìm hiểu chúng ta, cả cái mạnh và cái yếu. Họ có một bộ máy tâm lí chiến khổng lồ và sau lưng họ là viện trợ Mĩ. Họ cũng có những viên chức và cán binh trung thành với lí tưởng của họ. Hồ Chủ tịch từng nói “Là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước. Như năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn, lòng yêu nước thể hiện nhiều hay ít thôi. Nếu ta biết cách, sẽ thu phục được” (trích theo Trần Quốc Hương – người chỉ huy tình báo của Nguyễn Thị Ngọc Hải). Tôi đọc cuốn sách này thấy chính quyền Ngô Đình Diệm rất hiểu đường lối kháng chiến của chúng ta.  Khi sa vào tay địch, Trần Quốc Hương đã cố gắng tìm hiểu kĩ về lối sống, truyền thống gia đình, cách mà đối phương nhận thức về cách mạng, kháng chiến… để tìm ra một cách ứng xử thích hợp; và như vậy, không chỉ ông tránh được cái chết vì đòn thù mà còn tránh được một tổn thất to lớn của Đảng. Có hiểu được kẻ thù mới chiến thắng được kẻ thù. Phá dỡ những định kiến hẹp hòi, hé lộ những mặt trái của tấm huy chương chiến thắng, mang lại cho người đọc những mĩ cảm mới so với trước là xu hướng chung trong cái nhìn về con người. Trường nhìn ấy không phải chỉ nhằm “hóa giải” cho nhân vật kẻ địch mà còn góp phần xóa bỏ cái nhìn sử thi đối với cấp chỉ huy ở phía ta. Cách đối xử cứng nhắc, thô bạo của trung đoàn trưởng Hinh (trong Đỉnh máu) đã gây nên những căm uất trong lòng chiến sĩ Cang khiến cho trong một tình thế hiểm nghèo, Cang chiêu hồi. Chỉ đến khi sắp chết, Cang mới nói rõ lí do chính là Hinh đã đẩy anh ta vào tình thế ấy chứ chưa bao giờ Cang coi mình là kẻ phản bội. (Chúng ta đã gặp kiểu nhân vật cán bộ này trong Mùa trái cóc ở miền Nam của Nguyễn Minh Châu). Hiện tượng này cho thấy trải qua một thời kì “tải đạo” vừa theo truyền thống vừa mang màu sắc mới là thực hiện nhiệm vụ chính trị, văn học đang trong quá trình vận động trở lại với quỹ đạo của nó, tìm đến với bản chất con người, tìm về với dân tộc. Và trong xu hướng đó, văn xuôi chiến tranh đã hợp lưu dần với yêu cầu hòa hợp dân tộc, với nguyện vọng của Đảng và nhân dân.

Cũng cần nói thêm là gần đây cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc đã được tái hiện trong các tiểu thuyết Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, Xác phàm của Nguyễn Đình Tú. Các tác giả đã chọn ra những bối cảnh khác nhau để dựng lại cuộc chiến về phương diện nào đó cũng cực kì tàn khốc nhưng bởi những lí do riêng, lâu nay văn học viết về nó chưa thật xứng tầm. Giữ hòa khí với một siêu cường láng giềng để tránh những cuộc đổ máu tương tự là kế sách. Nhưng vô lẽ lên Hà Giang ngắm những ruộng hoa tam giác mạch tươi đẹp chúng ta lại quên ở đó, máu của bộ đội và nhân dân đã đổ xuống trong cuộc chiến đấu giữ đất hơn ba mươi năm về trước hay sao?

3. Một xu hướng chung là gần đây, văn học tư liệu đang được chú ý. Thật ra, sau chiến tranh ít lâu, trong văn xuôi, nhất mảng sách về đề tài an ninh đã có những thể nghiệm và thành công nhất định về sử dụng tư liệu trong việc dựng lại chân dung một số nhân vật nổi tiếng ngoài đời như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Trần Quốc Hương… Trong văn học cũng có hồi kí của một số tướng lĩnh như Nguyễn Chuông, Phạm Hồng Sơn… Những năm đầu thế kỉ mới, rất nhiều nhật kí chiến tranh đã được xuất bản, trong đó có những cuốn đã trở thành hiện tượng trong đời sống xã hội như Nhật kí Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi.
Việc nhật kí của những người tham chiến được đông đảo bạn đọc đón nhận cho thấy tư liệu đã có vai trò trong đời sống văn học, tạo được sức hấp dẫn đối với những thị hiếu thích khám phá sự thật lịch sử trên lãnh địa của hư cấu. Trong ý thức tôn trọng sự thật khách quan và tinh thần chung của cuộc chiến, tư liệu có vai trò củng cố niềm xác tín trong khả năng đưa nhà văn hướng đến con người. Nhiều tiểu thuyết chiến tranh đã ra đời trên cơ sở đó và có độ hấp dẫn của sự thật như Đêm Sài Gòn không ngủ của Trầm Hương, Mùa hè giá buốt, Phượng hoàng của Văn Lê. Các nhà văn không chỉ tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh như mọi người viết bình thường mà điều quan trọng là đã hư cấu trên sự thật lịch sử – những tư liệu – mà họ có được. Sự hủy diệt của chiến tranh từ những con số đã cho người đọc một hình dung cụ thể. Nhưng điều quan trọng là những cứ liệu đó đã được nhà văn xử lí, trở thành những hình tượng nghệ thuật đầy sức gợi, góp phần tạo nên một hình ảnh chân thực về không gian chiến tranh, về tâm thế con người. Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2014 đã thuộc về một tiểu thuyết tư liệu: Biên bản chiến tranh 1,2,3,4-1975.

4. Tuy nhiên, làm thế nào để tác phẩm đến được người đọc là một câu hỏi không dễ trả lời. Viết hay. Đây là câu trả lời rất dễ nhưng làm được thì không hề dễ bởi điều này còn tùy thuộc vào tài năng của người cầm bút. Có một điều lâu nay tôi suy nghĩ, là liệu tiểu thuyết dài có còn thích hợp trong đời sống đương đại, khi mà quỹ thời gian của mỗi người phải chia cho rất nhiều việc, và công nghệ nghe nhìn lại đang có nhiều lợi thế. Phải chăng viết ngắn sẽ là một cơ hội để tác phẩm dễ đến với người đọc hơn? Mặt khác, nhà văn viết ra tác phẩm là cùng một lúc có hai nhiệm vụ đặt ra cho mình: viết cho công chúng (số đông) nhưng cũng phải hướng dẫn thị hiếu của công chúng. Văn học là một loại hình nghệ thuật. Tác phẩm văn học phản ánh cuộc sống thông qua các nhìn, cách nghĩ, cách cảm của nhà văn và phải được trở về với cuộc sống. Làm thế nào để công chúng đến với mình, làm thế nào để chuyển tải một cách đắc địa nhất những thông điệp của mình đến công chúng, làm cho công chúng tin yêu hơn vào cuộc đời, tôi nghĩ, đó là một trăn trở của người cầm bút, nhất là những nhà văn viết về cuộc chiến tranh chưa xa trong hoàn cảnh biển đảo đang bị đe dọa hàng ngày.

Quan Nhân. Cuối năm 2015
Tôn Phương Lan
(Văn nghệ quân đội)
Exit mobile version