Vicki Covington

Khi tôi đang lớn, tôi không ngờ mình là nhà văn. Tôi biết mình có điều gì đó sai sót. Tôi chỉ không biết rằng đó là gì. Khi tôi nói có điều gì sai sót, tôi muốn nói thế này: tôi không thích chơi với những đứa trẻ khác. Tôi thích do thám chúng. Tôi lang thang khắp xóm, kiếm một đám trẻ để ngắm, xác định ai là thủ lãnh, ai bị gạt ra, ai đang cạy rỉ mũi.

Tôi cũng thích nghe trộm cuộc nói chuyện của người lớn, đặc biệt của cha mẹ, cô dì, chú bác, và ông bà. Tôi thèm chuyện của họ. Nhưng cái làm tôi buồn phiền là mình không thích chơi với những đứa trẻ khác, vì mình là người quan sát chứ không phải là người tham dự. Không có những từ để mô tả nó, tôi biết mình là cái chốt vuông cắm vào lỗ tròn. Tôi khát khao cô đơn. Đời sống là một bộ phim. Tôi yêu việc xem phim. Tôi chỉ không muốn diễn xuất trong đó.

Khi tôi lên tám, vào năm 1960, mẹ tinh nhạy (thấy điều đang diễn ra) đã cho tôi cuốn sổ ghi nhật kí đầu tiên – mặc dù hồi ấy chúng tôi gọi là lưu bút. Tôi bắt đầu ghi lại những gì đang nhìn ngắm. Trong nhiều năm, tôi trung thành làm điều này. Nhưng chẳng bao giờ tôi nảy ra ý nghĩ là mình có thể là nhà văn chỉ bởi tôi viết mỗi ngày.

Vì vậy tôi trải qua tuổi thơ để do thám người ta. Bây giờ tôi vẫn nhớ, ở trung học, trong những buổi hẹn hò, tôi có rất nhiều hứng thú trong việc nhìn ngắm gương chiếu hậu để thấy cặp đôi ở ghế sau đang làm gì – ngược lại với bất kì điều gì tôi bị giả thiết là đang làm ở ghế trước. Khoảng thời gian này, tôi khám phá ra từ “chứng thị dâm/ voyeurism” và nghĩ, ơ hơ, đó là cái tên cho điều này và nó không lành mạnh cho lắm.

Khi đến lúc đi học cao đẳng, tôi theo Đại học Alabama ở Tuscaloosa và quyết định nên học xã hội học và tâm lí học. Dường như đúng với tôi – lại là mối bận tâm với con người và hành vi của họ. Thêm nữa, tôi hình dung mình có thể học được điều gì trật khớp với mình. Tôi lấy bằng cử nhân, rồi bằng thạc sĩ về công tác xã hội, và đi làm như người điều trị. Có một thời tha hồ chẩn đoán chính tôi và mọi người quanh tôi. Bạn có thể tưởng tượng – ngày qua ngày người ta đến văn phòng bạn và kể cho bạn những câu chuyện nhớp nhúa, nhức nhối. Tôi nhận ra mình yêu thích viết lại những buổi giải bày này hơn là chính những buổi này. Tôi vẫn tiếp tục giữ nhật kí, vẫn tiếp tục viết mọi ngày, nhưng không bao giờ đi đến kết luận rằng mình là một nhà văn.

Chớm qua tuổi hai mươi tôi đã gặp lại Dennis, chồng tôi (anh là bạn thân nhất với anh lớn thuở trung học); chúng tôi mê nhau như điên và lấy nhau. Chồng tôi đã là một nhà văn rồi và biết điều đó, thực sự là đang giảng dạy môn viết văn. Năm đầu tiên lấy nhau, chúng tôi sống ở Ohio, nơi Dennis kiếm được một công việc tại Cao đẳng Wooster. Tôi thì khốn khổ trong năm đó, vì phải rời xa miền Nam. Tôi giữ bao nhiêu là nhật kí. Càng khốn khổ thì bạn càng viết nhiều. Một ngày kia, tôi thấy mình đang viết ở ngôi thứ ba hơn là ngôi thứ nhất. Tôi đang viết về một nhân vật chính là tôi, mà lại không phải là tôi. Tôi cho chị một cái tên. Tôi để chị đi qua một chuỗi các sự kiện trong một ngày.

Khi hoàn tất, tôi đưa cho Dennis xem và nói rằng, “Anh hãy xem mục nhật kí này.”

Anh nói một điều gì đó đại khái, “Đây không phải là một mục nhật kí; nó là một truyện ngắn. Chào mừng em đến với ngôi nhà của hư cấu.”

Ồ, vâng. Tốt thôi. Tôi hiểu rồi.

Khi đó tôi biết mình là một nhà văn. Và đó là sự bắt đầu của việc tôi hiểu ra rằng những thứ tôi cứ mãi băn khoăn trong lòng – sự kiện rằng tôi là kẻ quan sát chứ không phải là kẻ tham dự, rằng tôi là một kẻ đơn độc, rằng tôi cảm thấy lạc loài trong thế giới – tất cả những điều này là những phẩm chất tuyệt vời mà một nhà văn cần có. Thực sự đó chính là cung cách của chúng ta.

Vì vậy tôi tiếp tục viết truyện ngắn và gửi chúng đi. Chúng bị loại bỏ. Tôi luôn gửi trước hết cho Tạp chí Người New York (The New Yorker), rồi tới các tạp chí Harper’s, Đại tây dương (Atlantic), Sách đỏ (Redbook), những tạp chí sang. Sau khi chúng bị loại ra ở những nơi đó, tôi đã gửi tới những tạp chí văn học. Một ít truyện ngắn được chấp nhận công bố trong những tạp chí văn học, hoặc tạp chí phát hành ít trong suốt những năm đầu thập niên tám mươi. Trong năm 1986 tạp chí The New Yorker đã mua một truyện ngắn của tôi, rồi một truyện nữa trong cùng năm. Đây là điểm xoay chuyển. Một nữ biên tập viên tại Nhà xuất bản Simon&Schuster đã liên lạc với tôi và hỏi rằng liệu tôi có một tiểu thuyết. Tôi không có. Tôi có rất nhiều truyện ngắn, hầu hết chúng chưa được công bố và một số chúng khá tệ. Nhưng dù sao tôi cũng gửi chúng đi. Bà loại bỏ tuyển tập này nhưng rút ra một trong những truyện ngắn và nói, “Đây là hạt giống của một tiểu thuyết. Hãy viết ra đi.” Nó đã trở thành chương đầu trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, Về dưới mái nhà/ Gathering Home, mà Nhà xuất bản S&S (Simon & Schuster) mua ngay và xuất bản. (Tôi xin nói thêm rằng đây là thời điểm tôi có người đại diện về văn học. Người ta sẽ thường hỏi, tôi có cần một người đại diện để tìm được một nhà xuất bản không? Câu trả lời là không. Tôi đã kiếm và chỉ tìm ra một người đại diện sau khi Nhà xuất bản S&S đề nghị tôi về cuốn tiểu thuyết đầu tay. Nói cách khác, tôi có thể nói với một người đại diện, đây là mười phần trăm hoa hồng đang chờ đợi bạn.)

Bạn có thể kiếm sống bằng việc viết lách không? Vâng, gần như thế. Tôi đã kiếm được gần bằng thế – mỗi năm – số thu nhập tôi làm như một cán sự xã hội, rõ ràng không nhiều. Nhưng bạn vẫn có thể làm. Nếu bạn là một nhà văn hạng vừa giống như tôi, tiền ứng trước khoảng từ năm mười đến một trăm nghìn đô-la. Điều này phải đủ sống kéo dài hai năm và sau khi người đại diện của bạn đã lấy phần hoa hồng của cô ấy và chính phủ đã lấy phần thuế của họ, số đó không nhiều – nhưng nó là một cảm nhận tuyệt vời để làm điều bạn yêu quý thiết tha.

Tôi vẫn vật vờ sống.

Với một nỗi sợ chết đuối thường trực.

Đó là một lối sống kinh hãi nhưng hồ hởi. Thực chất, tôi có một cuộc kinh doanh nhỏ nhưng không có tí ti ý thức nào về cách điều hành nó. Chẳng hạn, năm đầu tiên tôi viết văn có lợi nhuận (năm đó tôi có được hai chục ngàn đô-la tiền thưởng của Quỹ Quốc gia Tài trợ về Nghệ thuật/ National Endowment of Arts, viết tắt là NEA), chẳng bao giờ trong tôi loé ra rằng cần trả những tiền thuế hàng quý. Bạn có thể tưởng tượng kết thúc của năm đó ra sao. Nhưng việc viết quả thực giống như đánh đĩ – đầu tiên chúng ta làm vì mình, rồi chúng ta làm vì vài bạn bè, và rồi chúng ta làm vì tiền.

Thường khi được yêu cầu nói chuyện, người ta thúc tôi “thảo luận về giá trị của văn hay và nhu cầu kết nối với độc giả.” Nếu tôi có bất cứ thành công nào trong việc kết nối với độc giả, tôi nghĩ có thể gán cho một điều: tôi không ngại chuyện phơi mình. Và tôi nghĩ điều đó, hơn bất cứ gì khác, hữu hiệu với tôi. Tôi không khéo – có lẽ khôn ngoan nhưng không khéo. Tôi không đọc rộng.

Nhưng tôi có thể lột mình trên giấy.

Phải khó khăn và lâu tôi mới tìm ra một chỗ thích hợp. Các nhà văn thường được thu dụng trong những phân khoa Anh ngữ. Đó là chốn sau cùng trong thế giới họ nên theo đuổi. Thật tốt để tìm thấy một ấn quán đại học giống như nhà xuất bản này, với những độc giả giống như các bạn, biết rằng tôi thích hợp với tất cả các bạn – các bạn giống với tập thể mà tôi muốn gìn giữ. Các bạn thì rồ dại, có chất văn học, không chừng là người miền Nam, và trên hết, yêu một truyện kể.

Tôi phải thú nhận mình cảm thấy phần nào giống như một kẻ khoác áo giả trong việc tôi là một nhà văn hư cấu, chứ không phải một nhà báo. Hầu hết các tiểu luận ở đây là phi hư cấu. Nhưng tôi không cho rằng điều đó quan trọng. Như nhà văn nữ Chilê tên Isabel Allende nói: “Tôi chẳng bao giờ biết mình là một nhà văn; tôi chỉ luôn nghĩ rằng mình là một kẻ dối trá.”

Những dối trá chứa đựng trong tuyển tập này được viết ra mọi lúc mọi nơi suốt qua việc viết bốn tiểu thuyết: Về dưới mái nhà/ Gathering Home, Chim thiên đường/ Bird of Paradise, Chuyến đêm về nhà/ Night Ride Home, và Nhà trọ cuối cho đàn bà/ The Last Hotel for Women (tất cả đều do Nhà xuất bản Simon & Schuster) và tập hồi kí tôi đồng tác giả với Dennis Covington, Chẻ đôi: chuyện về một hôn nhân/ Cleaving: The Story of a Marriage (Ấn quán Đại học North Point).

Nhưng tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng tuyển tập này là gan ruột tôi. Một số bài được viết như một cột báo hàng tuần. Những bài khác được viết một cách đặc biệt cho những hội nghị chuyên đề của những nhà văn đa dạng – “Ngôi Nhà Phía Trong” và “Con ngựa” đã được viết cho và lần đầu tiên được đọc cho thính giả tại Hội nghị Chuyên đề Thường niên Lần thứ Nhất của các Nhà văn về nữ sĩ Eudora Welty[2] ở Đại học Mississippi dành cho Phụ nữ. Tôi nghĩ mình đã kí một phát biểu nói rằng, cho tới hết đời mình, tôi luôn luôn thừa nhận sự kiện này mỗi khi những bài tiểu luận này được đọc hoặc làm tuyển tập. Vậy nên nó có mặt. Trong một năm, tôi đã đóng góp đều đặn cho tạp chí Oxford American, một mục có tên gọi “Suy tư cho Gái Xấu xa.”


Mấy năm vừa qua thật là địa ngục: cha mẹ tôi đều qua đời, tim tôi bị đột quỵ, chồng tôi Dennis bị chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt, và những đòn quất công cộng vì kể ra sự thật trong cuốn Chẻ đôi, trong khi tôi phải nuôi dạy hai cô con gái dậy thì, là Ashley Jennings Covington và Laura Russell Covington. Tôi đề tặng tuyển tập này cho các con, vì chúng gây cảm hứng và cho tôi can đảm. Chúng không kiểm duyệt tôi, và tôi cũng không làm thế với chúng. Bản thân chúng là những nhà văn có tài. Đây không phải là di truyền. Mọi tài năng thiên phú tốt lành và hoàn hảo đến từ trời cao, từ Cha ban xuống. Điều đó rút từ Kinh thánh. Hoặc như nữ ca sĩ Billie Holiday[3] có thể thì thầm trong cái giọng nồng nàn của cô, vào một đêm hè oi ả khi trăng sáng hơn cả bầy đom đóm, “Chúa ban phước cho con trẻ nào tự lập.”


Ashley, Laura: Đừng bao giờ để bất cứ ai bảo các con câm miệng. Hãy viết sự thật, như các con thấy nó.

Mẹ biết là thế.


Bản dịch tại Sài gòn, 24/3/2013

Trích trong Tập tiểu luận: “Đàn bà trong một thế giới của đàn ông, khóc than” của Vicki Covington, Ấn quán Đại học Alabama xuất bản, 2002.


[1] Trích Lời nói đầu, nhan đề do người dịch đặt.

[2] Eudora Welty (1919 – ): nhà văn viết tiểu thuyết và truyện ngắn và phê bình Hoa kì, quê ở Mississippi, lúc đầu làm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cho chính phủ. Xuất bản tuyển tập truyện ngắn đầu tiên năm 1941, sau đó là Những trái táo vàng (The Golden Apples, 1949); Đám cưới Tam giác (Delta Wedding, 1946), và Con gái nhà lạc quan (The Optimist’s Daughter, 1972, Giải Pulitzer).

[3] Nữ ca sĩ nhạc jazz người Hoa kì, sinh năm 1915 và mất năm 1959, cực kì nổi tiếng với các ca khúc Blues

Văn nghệ Trẻ