Bác sĩ HỒNG CHÂU (Đồng Nai)

Khoa của tôi với khoảng 30 người cả y, bác sĩ, điều dưỡng… Bình thường công việc đã bận rộn với những ca châm cứu và chấn thương quanh năm không dứt. Nhưng khi dịch bùng phát thì Biên Hòa chỉ sau TP Hồ Chí Minh và Bình Dương về số ca nhiễm.

Ở viện luôn hay về…

Suốt 30 năm qua, tôi làm việc tại bệnh viện tuyến đầu ở một thành phố công nghiệp lớn nhất nhì, nơi có số công nhân cao nhất cả nước là Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Những buổi cập nhật, tập huấn nghiệp vụ diễn ra tức tốc và chi tiết cho công việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 được chúng tôi tiếp thu và thực hành nhanh chóng. Toàn bệnh viện, từ tổ bảo vệ, tới tất cả các phòng ban, các khoa khác… ai cũng sẵn sàng một tinh thần trở thành chiến sĩ trong trận chiến không cân sức nhưng không mềm lòng.

Những ca dương tính tăng dần mỗi ngày. Cảm giác ban đầu rất hồi hộp, dù mình đã mặc đồ bảo hộ kín mít, nhưng tiếp xúc trực tiếp với từng người sau khi biết họ bị dương tính với Covid-19, vẫn khiến tôi rơi vào cảm xúc lo lắng. Vì ngoài công việc, còn có gia đình. Hai con tôi còn nhỏ. Vợ lại yếu sức và có nhiều bệnh vặt bủa vây quanh năm. Nếu mình về nhà… và liệu rồi… gia đình mình có an toàn không?

Tuần đầu tiên tôi còn nhớ được chính xác số ca mà mình đã thông báo bị dương tính. Nhưng sau đó thì không thể nào nhớ được nữa, có những ngày chỉ 10 ca, lòng đã thấy dịu lại vì hy vọng dịch đang ngưng. Nhưng lại có những ngày lên tới cả trăm ca, anh em trong tổ bảo nhau, thôi cố lên. Nhưng mỗi tối đi làm về vẫn thấy lo lắng, cứ phân vân giữa việc nên mang luôn đồ lên viện ở cho an toàn hay là tan việc sẽ quay về nhà với các con?

Lại nghĩ tới Tân, cậu em đồng nghiệp 30 tuổi, hăng hái với công việc, nhưng vợ mới sinh con nhỏ, đứa đầu mới ba tuổi. Hôm nào Tân cũng dậy từ 3 giờ sáng để chạy xe máy 20 cây số lên viện cho kịp ca làm cho đúng giờ. Hai anh em tôi, trong suốt tám tiếng làm việc mỗi ngày, đôi lúc không giấu được những khắc khoải sau chiếc khẩu trang kín mít, bộ đồ bảo hộ ướt sũng mồ hôi nóng nực và lớp kính chắn che đi mệt nhọc.

Mỗi ngày đi làm, hầu như đều được biết có những đồng nghiệp của mình ở đây hoặc ở các bệnh viện khác bị lây nhiễm Covid-19. Có những người hôm qua còn gật đầu chào nhau sau lớp bảo hộ, nay đã phải ở tại nhà để điều trị. Hai anh em, một ngày qua đi, xét nghiệm thấy mình âm tính, lại thở phào.

Không phải số liệu mà số phận

Điều giúp chúng tôi vững tâm với công việc lúc này nhất, dẫu bao nhiêu khó khăn, chính là… các con số. Với tôi, đó không phải là số liệu, mà đó là số phận. Mỗi con số được đánh ghi, là một cuộc đời, một phận người. Họ đi vào viện xét nghiệm với sự lo âu, thậm chí sợ hãi, vì biết đâu mình đã nhiễm Covid-19? Có những em bé mới năm tháng tuổi, mẹ bế vào, xét nghiệm, tiếng khóc như xé lòng. Chúng tôi thật sự ám ảnh bởi tiếng khóc ấy, rồi sẽ điều trị như thế nào, rồi ăn uống ra sao khi còn bế ngửa trên tay?

Tính từ cuối tháng 7 tới nay, không khí làm việc gấp rút, tức tốc và cẩn trọng diễn ra khắp mọi ngõ ngách của bệnh viện. Những bữa ăn trưa bên nhau dần thưa đi. Những buổi cà-phê cóc sau mỗi giờ tan ca bên nhau cũng vắng bóng. Những cái hẹn đi chơi, liên hoan cũng biến mất. Thay vào đó, chúng tôi nói chuyện với nhau ngắn gọn, dùng ánh mắt để biểu đạt như một sự cảm thông cùng tầng suy nghĩ.

Thế rồi bắt đầu có một số người trong khoa của chúng tôi bị dương tính. Thương nhau mà không thể nắm tay nhau, chỉ dùng ánh mắt để động viên. Đầu tiên là N, sau đó là K, rồi H, M… bị dương tính và kéo theo cả nhà bị lây nhiễm. Hôm qua, thêm tin chị trưởng khoa nhiễm bệnh. Thương nhất khi chị là một phụ nữ độc thân, bao năm đi làm gắn bó với anh em trong khoa, coi khoa như ngôi nhà thứ hai của mình. Những ngày dịch dã thế này, chị là người túc trực nhiều nhất, ai đi đâu, làm gì, gia đình ra sao chị đều lưu tâm kỹ lưỡng.

Rồi đến T. Cô ấy thân nhất với trưởng khoa, chị chị em em săn sóc nhau thân tình lắm. Mỗi ngày anh em đi làm lại hỏi nhau. Tin nhắn trên nhóm Zalo trở nên ngậm ngùi qua từng dòng thăm hỏi. Chỉ mong chị ấy sớm âm tính về với anh chị em chúng tôi. Rồi một số anh em xung phong lên khoa điều trị đặc biệt với các bệnh nhân Covid-19, cả tháng trời không ra khỏi dãy hành lang, không dám trở về khoa chỉ vì sợ lây nhiễm cho đồng nghiệp.

Có lúc tôi thật sự bất lực khi một người bạn trên TP Hồ Chí Minh, mới tuần trước còn điện hỏi thăm, động viên tôi dũng cảm lên nhé thì hôm nay đã ra đi vĩnh viễn vì dịch bệnh.

Có những người khi tàn sự sống dẫu còn một ngày, vẫn truyền lửa tiếp sức cho những người ở tuyến đầu chống dịch như chúng tôi.

Chưa có thời điểm nào mà trên điện thoại tôi, mỗi ngày đều có những dòng tin nhắn hỏi thăm, động viên.

Hôm qua, lại thêm một bác bệnh nhân trong khoa Thận qua đời, mà mới dăm hôm trước còn cố chờ tôi ở hành lang để gửi một ly cà-phê, không quên dặn dò: Chú uống đi cho tôi vui! Bao nhiêu bệnh nhân coi bệnh viện là nhà, nhất là ở khoa Thận, cứ lần lượt ra đi… mà chẳng kịp chào nhau một tiếng bởi những ngăn cách tàn khốc và vô hình của bệnh dịch.

Khi tôi viết những dòng này, sau một ngày kết thúc công việc nhưng ngoài hành lang kia, chưa lúc nào ngớt bóng những người đau bệnh chờ được tới lượt xét nghiệm, kiểm tra.

Guồng quay ấy lại theo chân tôi mỗi ngày vào 4 giờ sáng, rón rén mở cửa đi ra khỏi nhà, để đến bệnh viện…

Theo https://nhandan.vn/baothoinay