Phiên chợ ở Hội An đầu thế kỷ 20 /// Ảnh: LIFE

Phiên chợ ở Hội An đầu thế kỷ 20 – Ảnh: LIFE

Hai xứ Thuận, Quảng giàu có cả về lâm sản, nông sản và hải sản, nhất là xứ Quảng Nam có nơi đất có vàng, sắt. Về thương mại, người Thuận, Quảng chỉ mua, bán thổ sản và sản phẩm tiểu công nghệ ở các chợ, chợ phiên.

Đất đai màu mỡ, phì nhiêu

Sách Phủ biên tạp lục viết: “Những sản vật quý phần nhiều xuất từ miền Nam. Xứ Quảng Nam (kể cả Gia Định) là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Ở phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, đồng ruộng rộng rãi gạo lúa tốt. Ba phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Gia Định thì thóc gạo nhiều không kể xiết, nhất là Gia Định đất đai màu mỡ mà không lo cái nạn hạn, lụt. Ở Gia Định, có nơi cấy một hộc thóc giống thì gặt được 100 hộc thóc, có nơi ruộng không cần cày, chỉ phát cỏ rồi cấy, cấy một hộc thóc giống gặt được 300 hộc thóc. Gạo nếp, gạo tẻ đều trắng trẻo, tôm cá rất to béo, ăn không hết”.
Ngoài ngũ cốc, Thuận, Quảng sản xuất nhiều cau, hạt tiêu, bo bo, hạt mè, đường cát, đường phổi. Về lâm sản, dãy núi Trường Sơn cho trầm hương, kỳ nam, sừng tê, ngà voi, sáp ong, dầu rái, cây lui, tre tư lao (dùng làm cán dao)… Chúa Nguyễn có đặt đội An Sơn hằng năm cứ tháng 2 thì đi tìm kiếm, tháng 6 thì đem về.
Gỗ là thứ người Việt rất cần dùng thì Thuận, Quảng sản xuất rất nhiều và nhiều thứ quý. Theo Phủ biên tạp lục, từ châu Bố Chính trở vào đều có nhiều thứ gỗ tốt. Các đầu nguồn huyện Khương Lộc có gỗ “táu” bền, đen như sắt, dân địa phương dùng làm cột nhà, gỗ “gụ” có vân mà bền, đen dùng làm giàn nhà, gỗ “bời lời” to mà sắc trắng dùng làm ván vách… Mỗi năm, tháng 8, khách buôn đóng bè chở xuống bán từng cây hoặc từng súc lớn nhỏ, có đến nghìn, trăm.
Gỗ “kiền kiền” cứng, bền, lâu hư, chôn sâu xuống đất mấy thước, trăm năm cũng không mục, ở đầu nguồn châu Nam Bố Chính (Quảng Bình) và các huyện Quảng Điền, Phú Vinh (Thừa Thiên-Huế) đều có. Nhà cửa, lầu gác, ghe thuyền của họ Nguyễn đều dùng gỗ “kiền kiền”. Gỗ “sao” có thể làm vách thuyền, loại sản xuất ở đầu nguồn H.Phú Vinh, Hương Trà thì nhẹ, vào nước thì nổi, dùng làm thuyền buôn và thuyền đánh cá.
Họ Nguyễn xây dựng cung điện, nhà cửa, thường lấy gỗ các phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi và Gia Định. Phủ Gia Định sản xuất nhiều gỗ tốt, các xứ, nguồn, thuộc huyện Phước Long, Tân Bình có nhiều gỗ “sao”, gỗ “trắc”, gỗ “giáng hương”…
Nghề nông là gốc, nhưng dọc theo bờ biển, nhân dân cũng sống bằng nghề chài lưới. Đánh cá, làm mắm đem lại những nguồn lợi lớn cho các miền duyên hải. Biển Thuận, Quảng còn có đồi mồi, xà cừ, các đảo trong biển Quảng Nam, Bình Khương có yến sào. Ở Hà Tiên có huyền phách sắc đen như sắt, người ta nói dùng nó tránh được gió độc, nên thường dùng làm tràng hạt.

Thương mại thịnh vượng

Người Hoa kiều tập trung đông ở nhiều thành thị, đưa ngoại hóa đến bán ở các chợ, chợ phiên. Buôn bán bằng ghe thuyền chỉ dọc theo bờ biển đi tỉnh này sang tỉnh nọ, hoặc từ châu Bố Chính qua Thuận Hóa, Quảng Nam, Thị Nại, Gia Định, đến vịnh Xiêm La là cùng. Nhờ bán sản vật cho ngoại quốc một phần lớn mà nền thương mại thịnh. Đến hậu bán thế kỷ 18, việc thương mại ở đô thành Phú Xuân đã phát đạt. Giáo sĩ Jean Koffler (sinh ở Prague, CH Czech – PV) năm 1766 đã viết: “Mỗi năm có độ 80 chiếc ghe Trung Quốc từ các tỉnh đến, ấy là bằng chứng của một nền thương mại phồn thịnh, nhất là khi thấy ngoài ra còn có tàu từ Macau, từ Batavia (Jakarta, Indonesia ngày nay – PV), từ nước Pháp đến nữa… Hàng hóa chở tấp nập bằng đường bộ hoặc đường biển đến đô thành, nơi đây người ta đem bán và mua các hàng hóa khác”.
Tiểu công nghệ có tính cách gia đình và phường bạn đã khá phát đạt. Những thợ làm nghề thường ở chung một làng hoặc một ấp. Ở Thuận, Quảng có thợ dệt vải, lụa, gấm, đoạn, trừu, sa, lãnh và nhuộm các màu; có thợ dệt chiếu, chằm nón, đãi vàng, nấu, luyện vàng, khai mỏ sắt, đúc đồ đồng, đúc súng, làm giấy, thép, đồ sành, đóng ghe thuyền, làm muối…
Phủ biên tạp lục chép, H.Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) có phường dệt hàng tơ. Ở xã Phú Cam, thuộc địa phận 3 xã Sơn Điền, Dương Xuân, Vạn Xuân, chia làm 3 ấp, mỗi ấp 10 nhà, mỗi nhà 15 thợ dệt, ông tổ xa của họ học được nghề dệt của người Hoa rồi truyền lại cho con cháu. Ở Phú Xuân (Thừa Thiên-Huế), Điện Bàn (Quảng Nam), Lệ Thủy (Quảng Bình)… đều có thợ thêu gấm rất khéo, kiểu hoa sưa, dày khác vẻ mà đều đẹp, hay thêu ở cổ áo phụ nữ, ở các túi trầu.
Sau khi tiếp xúc với người Âu Tây, đồng hồ đã được các nhân viên công sở dùng. Phủ biên tạp lục cho biết ở xã Đại Hào, H.Đăng Xương (Quảng Trị) có Nguyễn Văn Tú, học người Hà Lan, làm được đồng hồ và sửa chữa đồng hồ. Em Văn Tú là Văn Thi, con là Văn Duy, rể là Lưu Văn Dũng đều biết nghề này.
Theo Koffler, người Đàng Trong về công nghệ rất dễ dạy và sáng dạ, họ bắt chước, làm được giống y những sản phẩm của Tây phương với dụng cụ đơn giản. Họ đóng tàu, làm nhà đúng y với bản vẽ của kiến trúc sư, họ sơn rất khéo và trên những bức sơn có những hình cây cối, hoa, cỏ, chim muông rất ngoạn mục.

Phan Khoang

(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 – 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội, 2016)
Exit mobile version