Hình ảnh một số loại chiến thuyền của nhà Nguyễn được khắc trên Cửu Đỉnh – Ảnh: T.L
Nhiều sự kiện lịch sử vốn rất phức tạp và chồng chéo trong công cuộc khai phá và “mở cõi” đất Nam bộ đã được Phan Khoang, dựa trên hệ thống sử liệu đồ sộ, thể hiện một cách mạch lạc trong tác phẩm Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 – 1777 (Cuộc nam tiến của dân tộc VN).
Cuốn sách đã góp phần đưa ông trở thành một trong những cây bút hàng đầu của sử học miền Nam trước 1975. Nhân dịp NXB Khoa học xã hội tái bản tác phẩm này (theo bản in của NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1969), Thanh Niên xin trích giới thiệu cùng bạn đọc.
Sau khi các chúa Nguyễn thiết lập chính quyền ở Đàng Trong, hai bên Trịnh, Nguyễn chiến tranh 7 lần, khi đánh, khi nghỉ trong suốt 45 năm.
Tương quan lực lượng
Tài liệu không cho chúng ta biết một cách đích xác lực lượng quân sự của chúa Nguyễn và chúa Trịnh trong các cuộc chiến tranh này, nhưng chúng ta biết chắc rằng ở Bắc Hà, việc tổ chức quân đội đã có quy củ lâu đời. Bấy giờ chiến tranh, biến loạn xảy ra luôn, chúa Trịnh lại ỷ vào binh lực để tự tồn, quan, dân cũng lấy việc quân làm trọng, cho nên Bắc Hà đã có một đạo quân khá mạnh.
Nam Hà, từ sau khi chúa Thái Tổ đánh thắng Lập Bạo, trong cõi yên ổn một thời gian lâu, quân đội vẫn như lúc chúa mới vào, từ chức Chưởng dinh, Chưởng cơ cho đến Cai đội, chỉ dùng người công tộc và người Thanh Hoa, con cháu họ lớn lên thì làm cho Cai đội trong quân ở các dinh, xem vậy quân đội chưa được mở rộng thành một lực lượng của toàn dân.
Đại Nam thực lục tiền biên cho ta biết năm Quý Tị (1653) là năm sắp đánh lần thứ 5 với họ Trịnh (trận Ất Mùi, 1655), chúa Thái Tông mở một cuộc duyệt binh lớn ở An Cựu, nay xem số quân của các dinh, cơ, đội, thuyền tham dự, cộng lại cả thảy chỉ 22.740 người. Số lính chính quy của Bắc Hà, theo những người ngoại quốc cho biết, gồm tới 50.000 người đóng ở Thăng Long.
Ấy là số binh sĩ túc trực thường ngày ở kinh đô. Gặp chiến tranh, chúa Nguyễn cũng như chúa Trịnh, có thể gọi thêm binh ở các địa phương và hương binh ở các phủ, huyện, như chúa Nguyễn Thái Tông đã làm năm Nhâm Tý (1672). Theo giáo sĩ Alexandre de Rhodes, đã mục kích đạo quân chúa Trịnh đi đánh chúa Nguyễn năm Ất Mão (1626), thì quân bộ của Bắc Hà không dưới 12 vạn, và thủy, bộ cả thảy là 20 vạn người.
Về thủy quân, Trịnh hơn hẳn Nguyễn. Vì ở bắc có nhiều sông ngòi lớn, liên lạc với nhau, hạm đội dễ điều động nên người bắc chú trọng thủy quân, tu tạo nhiều chiến thuyền, còn ở nam thì sông ngòi hẹp, lại không liên lạc được nhau, thuyền chỉ dùng ở mặt biển mà thôi. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes trong dịp nói trên, đã thấy Trịnh Tráng có 600 chiến thuyền, lớn hơn tàu Âu châu thời ấy, mỗi chiếc trang bị 3 khẩu đại bác, mỗi bên thuyền có 25 người chèo, xen lẫn vào đám thủy thủ là những lính chiến. Theo các tài liệu của nhiều giáo sĩ khác nhau có mặt ở khắp Nam Hà lúc ấy thì chúa Nguyễn có chừng 200 chiến thuyền thôi.
Theo giáo sĩ Bénigne Vachet (đến Nam Hà năm 1671) thì chúa Nam Hà có 40.000 lính chính quy, trong số ấy lấy 15.000 phòng thủ biên giới phương bắc, 9.000 giữ phủ chúa, 6.000 giữ dinh thự các hoàng thân, đại thần, 10.000 giữ các dinh (tỉnh) khác. Số chiến thuyền của chúa lên đến 200 chiếc, nhưng chiến thuyền của Bắc Hà nhiều gấp ba, gấp bốn số ấy, mà lại lớn hơn, trang bị khí giới đầy đủ hơn.
Công trình phòng thủ quan trọng của chúa Nguyễn
Sau cuộc phát binh vào nam của chúa Trịnh năm Đinh Mão (1627) và sau việc trả lại sắc của vua Lê, chúa Hy Tông thấy rằng muốn bảo tồn lãnh thổ và duy trì địa vị thì chiến tranh với họ Trịnh không thể tránh khỏi. Mà đã thế thì trước phải lo việc biên phòng.
May đâu, một nhân vật đã đến làm quen với chúa, được chúa tin dùng, đó là Lộc Khê hầu Đào Duy Từ, đã giúp chúa kế hoạch bố trí sự phòng thủ ấy. Hai lũy Trường Dục và Nhật Lệ do sáng kiến của Lộc Khê hầu vạch ra đồ bản và thực hành các công tác, đã giữ một vai trò tối quan trọng trong cuộc chiến tranh với họ Trịnh, và chính nhờ hai công trình kiến trúc ấy mà các chúa Nguyễn đã đẩy lùi các cuộc xâm nhập của quân Trịnh.
Người ta phải tự hỏi vì sao chỉ phòng thủ ở Quảng Bình mà thôi, quân Trịnh không thể đổ bộ ở một nơi nào khác rồi kéo đến phủ chúa Nguyễn ở Phước Yên, ở Kim Long, ở Phú Xuân sao? Quân Trịnh không thể đổ bộ vào một hải cảng nào ở phía nam Thuận Hóa, ở Thị Nại, ví dụ như vua Lê Thánh Tông đã làm, vì bấy giờ Chiêm Thành còn có lực lượng, sợ có thể bị kẹp vào giữa hai lực lượng Chiêm, Nguyễn thì không có đường thoát. Quân Trịnh cũng không thể đổ bộ ở một hải cảng nào gần hơn, như cửa Việt, cửa Eo (hoặc gọi là cửa Noãn, tức cửa Thuận An ngày nay) để rồi lên sông Quảng Trị hay sông Thuận An, vì các sông này chật hẹp, chiến thuyền lớn vào không tiện. Vả lại không binh gia nào lại đem quân xông thẳng vào kinh đô của địch là nơi phòng thủ chắc phải nghiêm ngặt rồi. Vậy muốn đánh Thuận Hóa, ắt phải đánh sông Nhật Lệ, đổ bộ lên đất Quảng Bình, rồi từ đó quân bộ, quân thủy mới chia ra mà đi công kích. Vì đó mà Quảng Bình phải làm đất chiến trường cho hai họ Trịnh, Nguyễn suốt nửa thế kỷ, trên đó hai lũy Trường Dục và Nhật Lệ là đối tượng của hai bên, bên này cố giữ đến cùng, bên kia cố lấy cho được.
Phan Khoang (Trích từ Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 – 1777 (Cuộc nam tiến của dân tộc VN), NXB Khoa học xã hội 2016)