(Đọc Căn nhà giữa những đám mây, tiểu thuyết của Vũ Thành Sơn, Nxb Phụ nữ, 2020)
. LÊ HỒ QUANG
VNQĐĐT – Căn nhà giữa những đám mây mở đầu bằng việc nhân vật người kể chuyện xưng tôi về thăm mẹ ốm nặng, việc gặp lại người thân và khung cảnh quen thuộc đã khơi dậy trong anh ta vô số hồi ức, kỉ niệm và mối liên hệ về gia đình, bè bạn, tuổi thơ ấu… Nhưng đó chỉ là khởi điểm. Tựa như hương vị chiếc bánh madeleine nổi tiếng của Marcel Proust, chuyến trở về ấy đồng thời đánh thức trong nhân vật nỗi ưu tư về thời gian, cái chết, nỗi bất hạnh; về sự phi lí trong các mối quan hệ người; về tính ngẫu nhiên, bất định và bất khả tri của thực tại mà anh ta đang nếm trải. Với 15 chương, Căn nhà giữa những đám mây (tên ban đầu là Nhà tôi ở cuối chân trời) là hành trình người kể chuyện không ngừng lục lọi những mảnh vụn kỉ niệm trong dòng kí ức rối rắm, nhằm tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở: Tôi là ai? Ừ, rốt cục thì tôi là ai chứ? Đâu là cái có thể giúp định danh/ xác định về tôi? Là tôi trong quá khứ hay tôi trong hiện tại, hoặc nữa, trong một chiều kích không – thời gian nào đó khác, mới đích thực là chính tôi? Hồi ức và tưởng tượng, mộng và thực, quá khứ và hiện tại, tôi và phi tôi…, tất cả đan cài, xoắn bện vào nhau tạo thành một thế giới trùng phức. Một thế giới đầy ám ảnh bất lực, đổ vỡ, bất an. Ở đó, con người bị đẩy vào dòng xoáy thời gian, bị sinh ra, bị lớn lên và cứ thế, bị cuốn đi mãi, tới đích cuối đợi sẵn: cái chết và cõi hư vô.
Bìa sách, TL
Anh ta, người kể chuyện xưng tôi, đứa con trai thứ nhút nhát, yếu ớt, mờ nhạt trong gia đình đông con, với những dồn nén tổn thương và sự nhạy cảm trực giác, rốt cục lại là người lưu giữ và chuyên chở đầy đặn và sâu sắc nhất kí ức của cá nhân, gia đình, và qua đó, có thể cả kí ức của cộng đồng. Thay vì nổi loạn và bỏ nhà ra đi như anh trai, tôi chọn suy tư làm phương cách tồn tại. Phơi trần nội tâm cá nhân, không ngừng quan sát và ngẫm nghĩ về nó, về cách nó tồn tại như một giọng nói âm thầm bền bỉ đầy âu lo bên trong, buộc con người phải đối mặt, đó là những gì anh ta đã làm. Việc luôn sống trong hồi ức và mộng tưởng khiến anh ta phải ý thức về mình trong hai tư cách: vừa là mình, vừa là kẻ khác mình. Bởi vậy, tôi trở nên đặc biệt nhạy cảm, giàu khả năng thấu hiểu và cảm thông với những lối suy nghĩ và ứng xử có vẻ nghịch thường ở người khác. Nhưng mặt khác, anh ta cũng phải trả giá đắt. Thiếu đi tính cách “quyết liệt và bén ngọt” như người tình, sự mẫn cảm thái quá cùng thói quen phân tích nội tâm cố hữu làm anh ta trở nên yếm thế và đầy bất an trước đời thực. Mặt khác, sự ám ảnh thường xuyên của quá khứ với hiện tại là gánh nặng với bất kì ai. Nó có thể làm phong nhiêu cảm giác sống, nhưng đồng thời cũng là sự đày đọa, bởi chứng thần kinh quá mẫn cảm luôn đi cùng khao khát tự hủy.
Thực ra, nếu xem gia đình Lân như một cấu trúc truyện kể thì bất kì thành viên nào trong gia đình này, từ ông bố, bà mẹ, đến Lâm, chị Hai hay người em gái đã chết, đều có khả năng thế thân vào vị trí người kể chuyện. Và khi đó, nội dung kí ức cũng như cách tổ chức nội dung ấy có thể xoay chuyển theo những hướng rất khác so với văn bản hiện tại. Nhưng nhìn từ góc độ sáng tạo, tôi là một lựa chọn hữu lí. Tôi không thể bất cần, liều lĩnh và phóng túng như Lâm, người anh trai. Tôi cũng không thể nhẫn nại và chịu đựng như bố mẹ, như chị Hai của mình. Tôi cũng không đủ can đảm để “không sợ”, để “đi thẳng cái chết” như đứa em gái của mình. Nhưng với thể trạng yếu ớt, thụ động (nơi hồi ức của nhân vật, tôi luôn bị găm chặt trong hình dung về chính mình như “hình ảnh cậu bé sáu tuổi với căn nhà là một khối bóng tối đè nặng trên lưng nhìn ra ngoài sân nắng”), dễ dàng chấp nhận sự bao bọc của bố mẹ, việc nhập thân trọn vẹn trong thế giới mộng tưởng có lẽ lại là một thế mạnh của tôi. Những thành viên khác trong gia đình chỉ chấp nhận phát triển một hướng cực đoan, và do đó, có thể đã mất đi khả năng trải nghiệm những khả thể sống khác. Có điều tôi không “đi tìm thời gian đã mất”. Bị mắc kẹt trong đám mây mù hồi ức, trong hình dung hoang mang về chính mình và người thân (mà nay chỉ còn là những mảnh vỡ vô tăm tích cho dù hình hài vật chất của họ có thể vẫn đang tồn tại, một cách xa lạ, thậm chí phi lí), anh ta đã biến thương tổn thành chất liệu, biến điểm yếu thành sức mạnh – sức mạnh của người nếm trải và kể/viết nên câu chuyện.
Trong cuốn tiểu thuyết, người viết đã cố tình làm mờ nhòe hoặc bỏ qua các thông tin cụ thể, xác thực về mốc thời gian, địa điểm hay bối cảnh đời sống, mặc dù về mặt chi tiết, tác phẩm vẫn dư sức gợi ra giai đoạn lịch sử có thực, tương ứng với hồi ức nhân vật. Trí nhớ của tôi dường như đã tự động lọc sạch những yếu tố mà nó xem là không cần thiết. Ánh sáng của trí nhớ chỉ dọi chiếu và di chuyển quanh mấy không gian nhỏ hẹp như ngôi nhà có căn gác gỗ, khoảnh vườn có cây khế, căn phòng nhiều bóng tối của người mẹ, bệnh viện với ánh đèn huỳnh quang lạnh lẽo… Sự mơ hồ cố ý về bối cảnh xã hội khiến cho truyện kể ít nhiều mang tính trừu tượng nhưng nó giúp tập trung hơn vào việc trình hiện dòng chảy nội tâm cá nhân đầy lo âu và bất an. Nó cũng cho thấy chấn thương tâm lí của nhân vật không nhất thiết xảy ra trong hoàn cảnh có tính dị biệt. Đó là điều có thể xảy ra với bất kì ai, trong bất cứ hoàn cảnh gia đình nào, và con người buộc phải đối diện và vượt qua, nếu muốn trưởng thành. Dẫu vậy, nhận thức về tính “phổ quát” của những chấn thương trong quan hệ gia đình vẫn không thể làm mất đi cảm giác hồ nghi chua xót của tôi dưới cái bóng ma áp chế mang tên tình mẫu tử. Bất chấp mọi lí lẽ khôn ngoan, rành mạch của lí trí, sự bất ổn vẫn còn đó. Sự tổn thương trong tâm lí một đứa trẻ sáu tuổi đã mãi mãi in hằn trong kí ức của anh ta, biến anh ta thành kẻ chung thân sợ hãi trước sự thất bại và cảm giác hư vô. Nỗi ám ảnh đó đã biến cuộc đời của anh ta rẽ sang lối khác. Có điều, ở cuối cuốn tiểu thuyết, tôi đã cùng người tình đi ra biển và quyết định sẽ bơi đêm – lần đầu tiên trong đời – như một nỗ lực vượt qua ám ảnh thường trực về cái chết và sự thất bại.
Có thể hình dung biểu tượng nhà trong cuốn tiểu thuyết này như một cổ mẫu, có khả năng gợi ra nhiều liên hệ ý nghĩa về hành trình ra đi và trở về của con người. Dĩ nhiên, đó không phải là hành trình trở về với gia đình và niềm hạnh phúc thơ ấu – một chủ đề có tính truyền thống. Đó là hành trình con người trở về để đối diện với nỗi đau và mất mát, đối diện với cảm giác trốn chạy bản thân, để có thể thức tỉnh và hành động, dẫu chỉ trong hành vi nhỏ, và hành vi ấy chỉ có ý nghĩa với duy nhất anh ta. Nhà, do đó, trở thành biểu tượng bản thể của tôi.
Người kể chuyện đã cố gắng kể lại, theo cách tỏ tường nhất có thể, về một đời sống xúc cảm và tinh thần đã thuộc quá vãng, nhưng vẫn còn quá nhiều ràng rịt với hiện tại, bằng cách không kết luận, không phán xét, chỉ có rất nhiều câu hỏi khẽ khàng, những nhận xét nhỏ, những chi tiết vụt hiện, những hình ảnh đột ngột lóe lên trong trí nhớ, trong cảm giác dịu dàng hoặc chịu đựng vô vọng. Đó thực sự là “những mảnh rời rạc hoạt động theo một cơ chế bí ẩn”. Nó đánh thức dậy những tổn thương đã vùi sâu trong vô thức bởi sự quản thúc tự giác và nghiêm nhặt của lí trí. Nó là bằng chứng sống động của nỗi xao xuyến hiện sinh, hoặc nói cách khác, là sự tra vấn không ngừng, đầy lo âu của cá nhân về tồn tại. Sau những chi tiết, mảng miếng có vẻ lộn xộn đó, con người nhận ra bản chất “bất định” của đời sống.
Có lẽ không ngẫu nhiên khi tác giả chọn lối tự sự “độc bạch”, chú tâm vào những diễn biến tâm lí sâu kín u tối bên trong hơn là ngoại cảnh. Điều này khiến dòng ý thức của nhân vật, tức cái đối tượng được mô tả, hiện lên trong “hình hài” vốn có (đúng hơn, như người ta vẫn hình dung về nó) – một dòng chảy tự động, sinh động, ngay trong tính/sự ngẫu hứng, bất định, khó kiểm soát của nó vẫn có vẻ hấp dẫn riêng. Lối viết dòng ý thức đã được tác giả vận dụng một cách hiệu quả, đặc biệt với đối tượng này. Dĩ nhiên, điều này cũng đòi hỏi ở độc giả lối “đọc chậm” tương ứng.
Nhìn từ nhiều phương diện, Căn nhà giữa những đám mây gợi sự liên văn bản về chủ đề, hình tượng cảm hứng, và cả sắc thái thẩm mĩ rất gần gũi với nhiều tác phẩm văn học hiện đại nổi tiếng. Cụ thể hơn, chẳng hạn cảm hứng hồi tưởng ấu thơ gợi nhớ Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust; sự kiện người mẹ mất và cảm giác xa lạ của đứa con trở về phần nào gợi nhớ Người xa lạ của Albert Camus; sắc thái thẩm mĩ đượm màu hoài niệm chông chênh u tối gợi nhớ đến Phố của những cửa hiệu u tối, Từ thăm thẳm lãng quên của Patrick Modiano… Điều này giải thích phần nào cảm giác quen thuộc khi ta bắt đầu đọc Căn nhà giữa những đám mây. Chủ đề tiểu thuyết mang màu sắc triết học khá rõ. Nhưng sức hấp dẫn của tác phẩm hẳn không nằm ở chỗ nó bàn tới chủ đề phổ quát, mà ở chỗ nó đã cá biệt hóa chủ đề ấy đến mức nào, bằng cách nào. Căn nhà giữa những đám mây là một cuộc tự thuật, cũng là tự đối thoại, để chữa thương, và để tự định nghĩa, một nhu cầu nội tâm khẩn thiết của tôi. Bằng cách mô tả, phân tích, gọi thành tên những sang chấn tâm lí ấu thơ, anh ta học cách tự chữa chạy nội tâm quá mẫn cảm của mình. Nhân vật đi rất sâu vào kí ức, dường như chỉ để tâm duy nhất đến điều đó – những hồi ức, cảm giác của quá vãng. Bằng cách đó, quá khứ vẫn tiếp tục chuyển động trong hiện tại, mở ra những khả thể khác của/cho tồn tại nhân vật.
Dĩ nhiên, ta không thể đồng nhất nhân vật tôi với tác giả – nhà văn, cũng như không thể đồng nhất giữa hành động kể của nhân vật và hành động viết của nhà văn. Nhưng có lẽ cuốn tiểu thuyết của Vũ Thành Sơn không đơn thuần kể lại hành trình ngược dòng hoài niệm để đối diện và vượt qua những chấn thương tâm lí thuở ấu thơ của nhân vật. Đó có lẽ cũng là hành trình ông phơi mở, soi tỏ những ngóc ngách nội tâm âm u sâu kín của chính ông. Và viết, theo cách đó, cũng là để trình hiện bản thân trong một ý thức tỉnh táo, đầy đủ.
Câu chuyện được kể rất sáng rõ – không gì sáng rõ bằng sự phơi trần mình ra một cách điềm tĩnh, tự chủ và chi tiết đến thế. Nhưng cũng vì nó quá phơi lộ, quá rõ ràng, dòng kí ức ấy mãi mãi là của riêng anh ta – người kể chuyện. Tựa như “mảnh vườn hoa khế nở tim tím, những trái khế non rụng đầy sân, buổi trưa đầy mây trắng”, đó trước hết và sau cùng là hồi ức của một cá nhân đang chìm đắm trong dòng tâm tư riêng. Nhưng sẽ đến một lúc nào đó, trên hành trình quan sát và dõi theo dòng chảy mê mải ấy, người đọc sẽ nhập hẳn vào câu chuyện. Sẽ đến lúc họ thấy những mây mù hồi ức ấy không còn là của riêng người kể chuyện. Đến một lúc nào đó, độc giả sẽ hoán thai đoạt cốt câu chuyện của tôi, để đến lượt mình, thức dậy câu chuyện của những tôi khác, từ trong Căn nhà giữa những đám mây.
L.H.Q
Theo Văn nghệ Quân đội