Phạm Hồng Phước và Suni Hạ Linh với ca khúc ‘Cảm ơn người đã rời xa tôi’ (cuốn sách cùng tên) – Ảnh: Gin Trần
Không chỉ viết nhạc cho kịch, phim…, một loạt ca khúc gần đây được viết cho sách trong các dự án kết hợp sách – nhạc của các cây bút trẻ.
Cú “bắt tay” giữa nhà văn và nhạc sĩ
Những buổi ra mắt sách của nhiều tác giả trẻ như Anh Khang, Hà Thanh Phúc, Gào, Jun Phạm, Iris Cao – Hamlet Trương… đã trở nên thú vị và hấp dẫn hơn khi khán giả không chỉ giao lưu với người viết, mà còn được nghe ca sĩ hát, chia sẻ về sáng tác được viết cho chính quyển sách đó; hoặc xem MV thực hiện từ dự án chung này.
Điều này đã được chứng minh trong buổi ra mắt tập sách – nhạc cuối năm 2015 Cảm ơn người đã rời xa tôi của bộ đôi Hà Thanh Phúc – Phạm Hồng Phước; hay trước đó là của tác giả Anh Khang: Buồn làm sao buông (bài hát chủ đề do ca sĩ Quốc Thiên thể hiện), Đường hai ngả, người thương thành lạ (ca sĩ Phạm Quỳnh Anh trình bày), Ngày trôi về phía cũ (trong đó có ca khúc Ở lưng chừng hạnh phúc được thể hiện bởi Hamlet Trương và chính tác giả); Tìm nhau giữa Sài Gòn của MC Tùng Leo (ca khúc cùng tên do Phạm Hồng Phước sáng tác và thể hiện)…
Mới đây nhất, buổi giới thiệu tản văn Sẽ có cách, đừng lo của tác giả Tuệ Nghi (16.1) thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, khi có nhiều khách mời là ca sĩ và cây viết trẻ đang được yêu thích tham dự, còn ca khúc cùng tên sách được Hamlet Trương biểu diễn tại buổi ra mắt.
Cuộc “bắt tay” giữa nhà văn trẻ – nhạc sĩ trẻ “không chỉ giúp việc phát hành sách bớt nhàm chán, mà còn giúp ích rất nhiều cho việc PR sách hiệu quả hơn”, như nhìn nhận của tác giả Hà Thanh Phúc. Bên cạnh đó, việc chia sẻ, ủng hộ tác phẩm của “bộ đôi” trên trang cá nhân mỗi người trong cùng thời điểm cũng tạo nên sự quan tâm nhất định đối với khán giả, trước hết là fan của họ.
Mỗi tác phẩm phải có đời sống riêng
Mỗi dịp ra mắt sách mới, Anh Khang “thường viết một bài nhạc để làm kỷ niệm cho cuốn sách của mình”, còn tác giả Hà Thanh Phúc thì “muốn làm một điều gì đó thú vị hơn là đơn thuần ra một quyển sách”. Trong khi đó, việc đặt hàng nhạc sĩ viết ca khúc cho sách sắp phát hành được xem là chiến lược của Minh Châu Books, đơn vị phát hành gần chục tác phẩm của Iris Cao – Hamlet Trương, Tuệ Nghi… Tuy nhiên, không vì vậy mà nhạc chỉ được xem là yếu tố hỗ trợ PR hay “lép vế” hơn sách. Nói như Anh Khang: “Vốn dĩ nhạc và sách là hai lĩnh vực nghệ thuật nghe và đọc khác nhau. Mỗi người sẽ có cách tiếp nhận và cảm thụ sách lẫn nhạc khác nhau”. Còn Hà Thanh Phúc lại cho rằng: “Bản thân nội dung của ca khúc hay sách đều cần phải có chất lượng thực sự, cảm xúc thật sự, là tâm huyết thì mới mong được đón nhận. Họ có thể chú ý một lần nhưng nếu nó vô nghĩa hời hợt thì sẽ khó có lần sau”.
Cuộc chơi sách – nhạc quả thực đã mang đến tín hiệu vui, khi phần lớn ca khúc được viết từ sách trong một vài năm nay đã tạo được đời sống riêng của nó, thậm chí trở thành “hit” của các ca sĩ. Nếu Buồn làm sao buông của Anh Khang là cuốn sách bán chạy nhất tại Hội sách TP.HCM 2014, thì ca khúc do Quốc Thiên trình bày cũng là nhạc phẩm chạm đến nỗi lòng của người nghe, nhất là với ai từng đọc thông điệp mà Anh Khang chia sẻ trong sách: “Có những nỗi buồn ta quẩn quanh trong ấy, có những kỷ niệm dù thiết tha đến vậy hay có những con người ta đắm say cách mấy, cũng phải đến ngày học cách buông tay… Phải học cách buông bỏ nỗi buồn để đôi tay thảnh thơi mà nâng chiều niềm vui sắp tới…”.
Cũng có bạn đọc chia sẻ rằng, sau khi bị chinh phục bởi giai điệu du dương và cũng thật da diết của Cầu vồng đêm do Dương Triệu Vũ hát, mới tìm hiểu và biết được đó là bài hát được Phạm Toàn Thắng viết cho tiểu thuyết Dạ khúc của Ngọc Bích (Ploy). Đó cũng là bài hát xuất hiện trong truyện, được hát bởi chàng trai ngay tại lễ đính hôn của mình, nhưng gửi cho người con gái khác…
Với lối viết gần gũi, những tự sự, trăn trở về tình yêu, chuyện đời, chuyện người của Tuệ Nghi trong Sẽ có cách, đừng lo đem lại niềm tin yêu vào cuộc sống cho người đọc. Khi chuyển tải được tinh thần đó trong bài hát cùng tên, ca khúc này hứa hẹn được người trẻ tìm nghe khi cần tái tạo cho mình nguồn năng lượng sống tích cực.
Ca khúc viết cho sách được yêu thích
Có thể kể đến Yêu anh bằng tất cả những gì em có – Miu Lê hát, Mất anh bởi tất cả những gì em cho – Bảo Thy (cả hai được Tăng Nhật Tuệ viết từ bộ truyện cùng tên của nhà văn Gào). Đường hai ngả, người thương thành lạ của Anh Khang là một trong những bài “hit” của Phạm Quỳnh Anh. Hamlet Trương gây ấn tượng với người nghe bằng ca khúc Trên tường nhà dưỡng lão bởi giai điệu da diết và ca từ cảm động về người mẹ, bài hát được anh viết dựa theo nội dung bài thơ cùng tên trong tập sách Mẹ điên của Trang Hạ dịch. Hay Cầu vồng đêm mà Phạm Toàn Thắng viết cho tiểu thuyết Dạ khúc của tác giả Ngọc Bích trở thành ca khúc được yêu thích qua tiếng hát Dương Triệu Vũ. Mỉm cười cho qua được viết từ tác phẩm cùng tên của Iris Cao – Hamlet Trương có tên trong top ca khúc hit 2015 của giải thưởng Vietnam Top Hits…
Theo Nguyễn Vân – Thanh niên