Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5/6) và chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 – 8/6), Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT, các trường CĐ, ĐH tuyên truyền nâng cao nhận thức ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đề án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố môi trường và biến đổi khí hậu ở các vùng ven biển. Qua đó, giúp các địa phương ven biển có phương án huy động một cách nhanh chóng các lực lượng tình nguyện viên trong cộng đồng, làm tốt công tác động viên người dân tích cực tham gia phòng ngừa, kiểm soát, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển.
Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng với nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu (BĐKH), mực nước biển sẽ dâng cao dần trong thế kỉ 21. Mực nước biển dâng cao đã và đang là một thách thức rất lớn đối với nhiều hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt trong đời sống xã hội của con người trên qui mô toàn cầu.
Ngày Môi trường thế giới và Tuấn lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm nay, chủ đề của Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam được lựa chọn là “Chung tay bảo vệ Đại dương xanh”; với Ngày Đại dương thế giới, chủ đề được phát động là “Cùng chung tay – Chúng ta có sức mạnh bảo vệ Đại dương”. Đặc biệt là quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đến cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh sinh viên. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về biển đảo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên trong toàn ngành về vị trí chiến lược cũng như tầm quan trọng của biển, hải đảo, về công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo hiện nay. Đồng thời, phổ biến, nhân rộng các mô hình điển hình về phát triển kinh tế biển đảo, những kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính; tạo công luận lên án những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.
Tổ chức mít tinh và các hoạt động cụ thể, thiết thực hai sự kiện quan trọng nói trên như: Tổ chức các cuộc thi, triển lãm, giao lưu văn nghệ, hội thảo khoa học về chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh. Ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn cơ quan, trường học và cộng đồng dân cư xung quanh. Tổ chức các chiến dịch trồng cây xanh, trồng rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu…; diễu hành, cổ động bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và các hoạt động thiết thực khác. Treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề môi trường, về biển hải đảo Việt Nam và ứng phó biến đổi khí hậu tại các nơi công cộng, các tuyến đường chính tại trụ sở cơ quan, nơi đông người qua lại.
Việt Nam đứng trước nước biển dâng
Là quốc gia biển, Việt Nam là một trong 5 nước được dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khoảng 50 năm qua, tại Việt Nam, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,7 độ C và mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Ước tính, nếu nước biển dâng 1m sẽ có 10% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%, đồng thời biến đổi khí hậu sẽ làm khoảng 40 ngàn km² đồng bằng ven biển Việt Nam bị ngập hàng năm.
– Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh đến Việt Nam thông qua các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, rõ rệt nhất là các cơn bão trái mùa, ngập lụt, hạn hán ngày càng khốc liệt hơn.
Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu vừa được công bố hôm 7/3/2014 tại Hà Nội, có hai mục tiêu chung đã được xác định là phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tài sản, nhằm mục tiêu pháp triển bền vững. Đồng thời, tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH của con người và các hệ thống tự nhiên, phát triển nền kinh tế CO2 thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh BĐKH toàn cầu và tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tại các tỉnh ven biển miền Trung, không nên xây nhà và các công trình ở gần biển, đặc biệt là khu vực trũng, khi xây dựng công trình giao thông cũng phải xem xét đến yếu tố nước biển dâng. Tây Nguyên sẽ không chịu cảnh ngập nước nhưng cần có giải pháp để thích ứng khi nhiệt độ tăng, thay đổi chế độ mưa… ĐBSCL chịu ngập nặng nhất, vì vây cần nghiên cứu chuyển đổi cây trồng chịu được ngập và mặn, tổ chức nuôi trồng thủy sản hợp lý và xem xét việc xây đê bao để ngăn nước biển xâm nhập. Bên cạnh những tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội, BĐKH cũng có thể là động lực thúc đẩy sự phát triển, hình thành mẫu hình tiêu thụ mới, đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, mở ra các thị trường mới về công nghệ năng lượng, hàng hóa, dịch vụ theo hướng phát thải ít CO2, chuyển giao công nghệ, tiếp cận các thiết chế tài chính quốc tế về BĐKH.
* Xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với các ngành kinh tế quốc dân.
– Kiện toàn và nâng cấp hệ thống đê biển: hiện nay cả nước có khoảng trên 2.800km đê biển thuộc 28 tỉnh thành phố, bảo vệ khoảng 0.7 triệu ha đất canh tác, khu đô thị, khu công nghiệp, cảng… với khoảng 5 triệu dân, trong đó 85% sống bằng nông nghiệp. Vì vậy việc tu bổ củng cố hệ thống đê biển là một chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững.
– Xây dựng đê biển vừa là biện pháp phòng, chống vừa là thích ứng với bão lụt, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Ở Việt Nam, đê biển được đắp từ năm 1410. Đó là hệ thống đập, cống, kè, đê ( bằng đất, đá, bêtông cốt thép,…) ngăn mặn bảo vệ cửa sông, bờ biển, khu dân cư và những hoạt động kinh tế ven biển và đảm bảo an ninh quốc phòng. Khác với đê sông, đê biển làm việc thường xuyên hàng ngày, còn đê sông chỉ làm việc theo mùa lũ.
– Bờ biển nước ta dài 3.310km, song mới có 1.400km đê trực tiếp với biển và khoảng 1.400km đê cửa sông, chiếm 42.3%. Trong đó 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có thể coi như chưa có đê biển (Ninh Thuận có 6.2km và Bình Thuận có 10.71km đê biển song phần lớn là đê cửa sông Cái Phan Rang, Phan Thiết và kè Mũi Né)
* Lồng ghép xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bộ, Ngành Trung ương với các địa phương
– Tài nguyên nước:
+ Xây dựng các hồ chứa nước lũ với tổng dung tích tăng them 15-20 tỷ m3
+ Nâng cấp và mở rộng qui mô các công trình tiêu úng
– Nông nghiệp:
+ Xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp với BĐKH
+ Phát triển các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh khắc nhiệt, đặc biệt là vùng đồi núi trung du bắc bộ
– Lâm nghiệp:
+ Tăng cường trông rừng, trước hết là rừng đầu nguồn, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn
+ Chọn và nhân giống một số loại cây trồng thích hợp với điều kiện tự nhiên có tính đến khả năng BĐKH
– Thủy sản:
+ Chuyển đổi cơ cấu canh tác ở một số vùng ngập nước từ thuần lúa sang luân canh nuôi cá và cấy lúa.
+ Xây dựng tuyến đê quai phía trong tạo thành vùng đệm giữa các vùng canh tác nông nghiệp và biển.
+ Xây dựng hệ thống phòng tránh bão dọc bờ biển cũng như các tuyến đảo.
– Vùng ven biển:
Thực hiện đồng thời 3 phương án chiến lược ứng phó với mực nước biển dâng
1) Bảo vệ đầy đủ: bảo vệ toàn diện để bảo vệ hiện trạng, đối phó có hiệu quả với mực nước biển dâng
2) Thích ứng: cải tạo cơ sở hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập quán sản xuất, sinh hoạt của dân cư ven bờ để thích ứng với mực nước biển dâng.
3) Rút lui: né tránh tác động tự nhiên của nước biển dâng bằng tái định cư di dời nhà cửa, cơ sở hạ tầng ra khỏi những vùng có nguy cơ bị đe dọa.
Hương Thi