Năm 1958, tôi đang theo học năm thứ hai Học viện ngoại ngữ phương Đông trực thuộc trường đại học tổng hợp quốc gia Matxcơva, nay là Viện Á Phi. Học viện mới mở được hai năm, chúng tôi thuộc khóa sinh viên đầu tiên và rất tự hào về điều đó. Cả khóa được chia làm thành nhiều nhóm nhỏ nghiên cứu các ngôn ngữ khác nhau. Tôi ở lớp tiếng Việt, gồm 6 người, tất cả đều là học sinh mới tốt nghiệp trung học. Thời đó, đối với người dân Liên Xô, những từ như “Việt Nam”, “Điện Biên Phủ”… là rất quen thuộc. Chúng tôi say mê học tập, và tất nhiên, ai cũng thầm mong, mặc dù không hy vọng lắm, là sẽ có ngày được đến nước Việt Nam xa xôi đầy lãng mạn, để bổ sung cho vốn kiến thức ít ỏi về mảnh đất ấy, và để áp dụng thử vốn tiếng Việt của mình. Vậy mà, vào cuối kì nghỉ hè, khi được triệu tập lên văn phòng khoa để nghe thông báo là cần phải chuẩn bị lên đường đi học tại trường Đại học tổng hợp Hà Nội, tôi vẫn tưởng như mình vừa nghe tiếng sấm nổ vang giữa bầu trời quang đãng.

Mãi sau này, khi nhiều năm đã trôi qua, tôi mới biết được điều gì đã xẩy ra trước “sự kiện tuyệt vời” đó. Sau chuyến thăm Liên Xô vào năm 1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa hai nước đã kí kết Hiệp định hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về giáo dục nói chung và trao đổi sinh viên hàng năm, nói riêng. Ba năm sau, khi Hồ Chủ tịch đến thăm Maxcơva lần nữa, dường như trong câu chuyện, Người có nói rằng, Việt Nam đã gửi sang Liên Xô ba nghìn sinh viên của mình, trong khi đó, chưa có sinh viên Liên Xô nào đến học ở Hà Nội. Dĩ nhiên, ban lãnh đạo nhà nước xô viết đã ra chỉ thị cho Bộ giáo dục, và đến đầu tháng 9 năm 1958, có hai sinh viên khoa ngôn ngữ Phương Đông của trường Đại học tổng hợp Lêningrat và một sinh viên của Học viện Phương Đông trực thuộc MGU đã đáp tàu hỏa lên đường đi Việt Nam.

Sinh viên trường đại học tổng hợp Hà Nội

Vào những năm tháng xa xưa ấy, Hà Nội là một thành phố cổ kính êm đềm. Sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã bị đánh thức bởi tiếng rao “Ai có đồng nát bán không?” của những người thu mua đồ cũ. Ba mươi sáu phố phường ở phần phố cổ của Hà Nội hầu như vẫn còn nguyên vẹn như trong những trang miêu tả thời những năm 30 của văn sĩ lãng mạn Thạch Lam. Thuở xưa, đây là khu buôn bán, vì vậy cho đến bây giờ, các con phố vẫn mang những cái tên độc đáo: Hàng Buồm, Hàng Trống, Chả Cá… Nếu thiếu đi những đường phố với tên gọi như thế, khó có thể hình dung đầy đủ về thủ đô của nước Việt Nam.

Đối với chúng tôi, những sinh viên nước ngoài, thương mến nhất là phố Tạ Hiền, nơi tập trung nhiều món ăn ngon, món ăn vật chất cũng như món ăn tinh thần. Trước hết, đây chính là nơi tọa lạc của nhà hát “Chuông vàng thủ đô”. Trên sân khấu của nhà hát này bạn có thể nghe hát cải lương hoặc xem vở ca kịch dựa theo tiểu thuyết bằng thơ “Kim Vân Kiều truyện”, kể về số phận bi thảm của một phụ nữ xinh đẹp, thông minh và có học thức trong xã hội Việt Nam cuối thế kỉ 18.


Danh lam thắng cảnh thứ hai ở con phố này, không kém phần quan trọng đối với những sinh viên nước ngoài như chúng tôi, là một quán ăn nhỏ có cái tên khá lãng mạn là “Tiểu lạc viên”. Quán ăn này hấp dẫn vì có bán các món đặc sản tuyệt hảo theo đánh giá của các khách sành ăn thủ đô như đùi ếch tẩm bột rán hoặc cá nước ngọt nướng bằng than.

Phần phố mới của Hà Nội hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp quý phái của những ngôi nhà trước đây thuộc sở hữu của người Pháp và giới nhà giàu người Việt. Mỗi một ngôi biệt thự ở đây đều có kiến trúc riêng, khác hẳn với kiểu dáng của các biệt thự láng giềng. Nhưng tất cả những ngôi nhà này đều giống nhau ở màu ngói đỏ tươi được những cơn mưa nhiệt đới cọ rửa đến đến mức sáng lên lấp lánh, và những cánh cửa chớp bằng gỗ sơn xanh, gợi nhớ về kinh thành Pari thời Đ’Áctanhăng. Khác chăng, những ngôi biệt thự Hà Nội tọa lạc dọc theo những con phố rộng rãi và râm mát, dưới bóng những cây cổ thụ hàng trăm tuổi.

Chúng tôi là những sinh viên Liên Xô đầu tiên, vì vậy Ban giám hiệu trường Đại học tổng hợp Hà Nội không hiếm lần đã coi chúng tôi như những vị khách danh dự và cũng không nhắc nhở nhiều về chuyện học hành. Nhưng trong việc nắm được ngôn ngữ, điều quan trọng là môi trường giao tiếp hàng ngày, mà trong trường hợp của chúng tôi lại có tính đặc trưng nghiêm trọng. Chả là, tiếng Việt là một ngôn ngữ nhiều âm sắc, có đến 6 thanh khác nhau. Không những cần học cách phát âm đúng các từ với những thanh sắc này, mà còn phải phân biệt chúng trong lời thoại của người đang nói chuyện với mình, bởi vì mỗi khi thay đổi thanh sắc thì từ lại mang một ý nghĩa khác hẳn. Buổi đầu, biết bao chuyện trớ trêu đã xảy ra, khi chúng tôi tiếp xúc hàng ngày với các bạn Việt Nam, bởi lí do các thanh sắc đó! Vì thế, suốt đời không bao giờ tôi quên được cái ngày vào cuối năm học thứ nhất, khi tôi kinh ngạc thấy rằng tôi đã có thể diễn tả thông thạo bằng tiếng Việt tất cả những điều mà tôi muốn nói, và hầu như tôi đã hiểu hết được những gì mà người Việt nói với tôi. Đó quả là một cảm giác chói lọi, giống như một ánh chớp, và không có lời nào có thể diễn tả hết được.

Vào những ngày nghỉ, chúng tôi thường được nhà trường tổ chức cho đi tham quan. Ở Việt Nam có hàng nghìn địa điểm mà chúng tôi có thể đến nghỉ ngơi một cách tuyệt vời. Bờ biển Bắc Bộ, chạy dọc theo chiều dài của đất nước, với hàng trăm kilômét bãi tắm cát vàng là một kì quan không ở nơi nào trên trái đất này có thể sánh được. Vào thời điểm nóng nực nhất trong năm, bạn có thể thưởng thức không khí mát lành ở Tam Đảo, một khu nghỉ mát trên núi, cách Hà Nội không xa, nơi nhiệt độ không bao giờ vượt quá mức 20-25°C.

Tam Đảo, địa điểm chúng tôi đi nghỉ hè sau năm học thứ nhất, là nơi mà chúng tôi nhớ mãi, không phải chỉ bởi khí hậu ôn hòa mát mẻ, mà còn bởi một cuộc hạnh ngộ khó quên. Dạo ấy, chúng tôi đi nghỉ hè trùng với thời gian nghỉ mát của đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân. Một buổi sáng, nhân viên Bộ giáo dục phụ trách đoàn tôi thông báo rằng đại tướng và phu nhân của ông muốn tranh thủ dịp này để học tiếng Nga với các sinh viên Liên Xô. Và thế là trong một tháng ròng, ngày nào chúng tôi cũng thay nhau đến dạy tiếng Nga cho Đại tướng.

Cũng như đối với những người dân Việt Nam khác, đối với chúng tôi, đại tướng Võ Nguyên Giáp mà một nhân vật huyền thoại, người đã lãnh đạo quân đội nhân dân Việt Nam chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm ròng rã chống thực dân Pháp xâm lược. Đại tướng là một trong những nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong chính phủ Việt Nam. Ngoài đời thường, hóa ra ông rất giản dị, dễ gần và là một người nói chuyện vui tính.

Khi đã trở về Hà Nội, vào dịp những lễ tết, đại tướng không quên cho người tùy tùng mang quà đến chúc mừng chúng tôi. Đáng nhớ nhất là món quà của đại tướng nhân dịp tết Nguyên đán. Đó là một chiếc bánh chưng to tướng, loại bánh đặc biệt làm bằng gạo nếp mà người Việt Nam thường ăn vào dịp tết Âm lịch.

Tuy nhiên, đáng nhớ nhất vẫn là những chuyến đi tham quan vịnh Hạ Long, một danh lam thắng cảnh đẹp nhất Việt Nam, và có lẽ cũng đẹp nhất khu vực Đông Nam Á. Không phải người dân Việt Nam nào cũng biết về các sự tích trong Kinh thánh Kitô, lại càng hiếm những người có thể liệt kê được bảy kì quan thế giới. Thế nhưng, khi nhắc đến vịnh Hạ Long, nghĩa là “nơi rồng lặn xuống”, nhiều người trong số họ đều gọi nó là “kì quan thứ tám của thế giới” với giọng rất đỗi tự hào.


Bạn hãy hình dung về một vùng vịnh ăn sâu vào đất liền, với làn nước biển màu thanh thiên, với vô số những hòn đảo và núi đá nhỏ hình dáng lạ lùng, theo số liệu chính thức thì có khoảng gần 2000, nhưng theo lời nhân dân trong vùng thì phải có đến 5000 hòn đảo như vậy. Vẻ đẹp thần tiên của vùng vịnh này từng làm ngơ ngẩn biết bao du khách và đã gợi nên trong nhân dân vô vàn truyền thuyết. Ví dụ, một truyền thuyết lưu truyền trong dân gian kể lại rằng: thưở xưa, có bọn giặc cướp đến hoành hoành khắp vùng này, khiến cho dân lành phải chịu bao cơ cực. Biết tin đó, Ngọc Hoàng đã sai một con rồng xuống trừ giặc cứu dân. Sau khi đánh tan bọn cướp, rồng thiêng lặn xuống vịnh, và cho đến tận bây giờ rồng vẫn ẩn mình ở đó. Ngày nay, nếu từ trên cao nhìn xuống vịnh Hạ Long, những chuỗi núi đá, những hòn đảo nhỏ nhấp nhô uốn lượn phía dưới, hoặc trơ trọi, hoặc được cây cối phong phú miền nhiệt đới bao phủ, quả là giống hệt như chiếc xương sống gai góc của con rồng, nhân vật thần thoại của miền Viễn Đông.

Và cuối cùng, một trong những kí ức không quên trong đời sinh viên của chúng tôi tại Hà Nội là cuộc thi tốt nghiệp thực sự nghiêm túc, không hề có một sự châm chước nào mà ban giám hiệu đã tổ chức cho chúng tôi sau khi kết thúc khóa học hai năm, trước khi lên đường về nước. Giờ đây, khó mà hình dung lại, nhưng quả thực trong kì thi đó, chúng tôi đã viết những bài văn bằng tiếng Việt dài nhiều trang giấy về văn học cổ điển và văn học hiện đại VN. Tôi nghĩ rằng, chỉ những ai đã nghiên cứu tiếng Việt, mới có thể hiểu được rằng, “chiến công” của chúng tôi là to lớn đến nhường nào! Tất nhiên, dù thầy giáo đã chiếu cố tối đa, điểm số của chúng tôi cũng chẳng phải là cao gì cho lắm – chỉ được điểm 3, điểm 4. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ lại với lòng tự hào: dù sao đi nữa tôi cũng đã giành được một điểm 5 về môn phát âm tiếng Việt!

Hành trình của một phóng viên

Mùa hè năm 1964, trong ngôi nhà cổ trên phố Tverskoi Bulvar, tôi lại chuẩn bị để đi Việt Nam, lần này là đi công tác với tư cách là phóng viên thường trú của hãng thông tấn Liên Xô TASS. Tại Ban biên tập các nước Viễn Đông và Đông Nam Á, người ta căn dặn tôi: sẽ không có chuyện liên tục đăng bài của anh, nhiệm vụ chủ yếu của anh là theo dõi báo chí Việt Nam và thông báo về nước nội dung của những bài, tin quan trọng. Điều này có thể giải thích được một cách đơn giản: vào những năm đó, đã bùng lên ngọn lửa mâu thuẫn sâu sắc giữa đảng cộng sản LX và đảng cộng sản TQ, và trong thời kì đó, ban lãnh đạo Đảng cộng sản LX cho rằng trong sự căng thẳng này, Việt Nam ngả về phía Bắc Kinh. Hơn nữa, Khơrutsốp N.X., người khởi xướng và đấu tranh cho khẩu hiệu hai phe cùng tồn tại hòa bình, đã cho rằng, cuộc chiến tranh du kích mới bắt đầu ở miền Nam Việt Nam, được tiến hành với sự giúp đỡ của Hà Nội và đang phát triển mạnh mẽ, sẽ phá vỡ quá trình cùng tồn tại hòa bình. Trong khi đó, nếu tình hình ở miền Nam càng ngày càng nóng bỏng, thì ở miền Bắc, theo quan điểm thường nhật của phóng viên, tình hình bên ngoài có vẻ khá yên ổn.

Thế nhưng, chỉ vài ngày trước khi tôi lên đường, tình hình bỗng đột ngột thay đổi. Ngày 5.8.1964, lấy cớ các tàu hải quân Việt Nam khiêu khích và tấn công tàu chiến của Hạm đội 7 ở vịnh Bắc Bộ, Mỹ đã đem máy bay không kích các vùng ven biển miền Bắc Việt Nam. Liền sau đó, ngày 10.8, Hạ nghị viện Mỹ thông qua cái gọi là “Nghị quyết vịnh Bắc bộ”, theo đó, tổng thống Mỹ có quyền sử dụng quân đội tấn công miền Bắc Việt Nam để “trả đũa”.

Nhiều người khi ấy, trong đó có các nhà báo như chúng tôi, cho rằng có lẽ Mỹ chỉ phô trương lực lượng vũ trang để đe dọa Hà Nội mà thôi. Thế nhưng, mấy tháng sau, báo chí Mỹ đăng nhiều bài nói rằng bộ tham mưu quân đội Mỹ đang nghiên cứu các kế hoạch cụ thể cho cuộc chiến tranh toàn diện đánh phá miền Bắc Việt Nam.


Ngày 7 và 8.2.1965, không quân Mỹ đã thực hiện một kế hoạch không kích được chuẩn bị kĩ càng vào hai thành phố Đồng Hới, Hồ Xá và một số làng mạc lân cận. Bản thân tôi, là người trực tiếp chứng kiến sự kiện đó, đến tận bây giờ vẫn cảm thấy bí ẩn, không biết có phải ban lãnh đạo Mỹ cố tình chọn đúng hai ngày đó, khi mà đoàn đại biểu của đảng cộng sản LX, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng A.N.Cosưghin đang ở Hà Nội, hay không? Có thể, Mỹ toan tính đe dọa không chỉ Hà Nội, mà cả Matxcova? Nếu vậy thì đó quả là một quyết định đơn giản quá.

Dù sao đi nữa, thì kết quả dĩ nhiên cũng đã hoàn toàn ngược lại. Theo lời kể của các cố vấn Nga tham gia cuộc thỏa thuận ở Hà Nội, A.N.Cosưghin đã vô cùng phẫn nộ trước hành động của Mỹ, rõ ràng là đã cố tình nhắm mắt làm ngơ trước sự có mặt của lãnh đạo chính phủ của cường quôc thứ hai trên thế giới, vì vậy ông ta nêu ý kiến sẽ viện trợ tối đa cho VN. Ngay ngày hôm sau, quan điểm đó đã được thể hiện rất rõ trong Tuyên bố của Hội đồng chính phủ LX, và trong Tuyên bố chung ngày 10.2.1965 của chính phủ LX và Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Mặc dù đã làm việc ở Hà Nội hơn nửa năm, nhưng tôi vẫn chưa một lần tới vùng phía Nam của nước VNDCCH. Xét theo điều kiện đặc biệt của thời chiến, dễ hiểu vì sao phía Việt Nam không khuyến khích các nhà báo nước ngoài đi lại tự do trên lãnh thổ đất nước. Vào thời điểm ấy, tại Hà Nội đang có mặt các phóng viên thường trú của Hãng thông tấn Liên xô TASS, hãng NOVOSTI, đài phát thanh và truyền hình quốc gia LX, báo “Sự thật”… Chúng tôi quyết định cùng nhau đề nghị thành viên đoàn đại biểu Liên Xô Anđropov Yu. V. (lúc đó phụ trách Bộ phận các nước trong phe XHCN, trực thuộc trung ương ĐCS Liên Xô), nhờ can thiệp với ban lãnh đạo VN để họ cho phép chúng tôi được đến những vùng bị máy bay Mỹ đánh phá ở phía Nam.

Và thế là ngày 11.2, đoàn xe gồm ba chiếc GAZ ngụy trang bằng những cành cọ và tàu lá chuối, sau khi vượt chặng đường gần 500km, đã vào tới Đồng Hới. Đó là một thị xã xinh xắn như một khu nghỉ mát, nằm giữa một bên là bờ biển chạy dài, một bên là những dãy núi sừng sững từ phía Tây, được phủ kín bởi các loài cây cối nhiệt đới rậm rạp. Thành phố đã đón tiếp chúng tôi bằng vẻ êm đềm đến ngạc nhiên – khó mà tin rằng ba ngày trước mảnh đất này đã bị bắn phá hết sức ác liệt. Bấy giờ đã là đứng ngọ, các vị chủ nhân mời chúng tôi ngồi vào bàn để dùng bữa trưa. Đoàn gồm có 9 người, ngoài các nhà báo LX, còn có các đồng nghiệp của chúng tôi từ các nước Đức, Tiệp, Pháp. Ban lãnh đạo khách sạn đã căn dặn chúng tôi để phòng xa rằng phía bên phải nhà ăn có hầm bê tông, còn phía bên trái, dọc theo bờ sông Nhật Lệ, có nhiều hầm cá nhân. Chúng tôi đã nhìn nhận các thông báo này một cách thờ ơ và thiếu nghiêm chỉnh – cảnh vật xung quanh yên bình biết chừng nào!

Và đột nhiên, khi bữa ăn gần kết thúc, kẻng báo động vang lên. Có tiếng kêu: “Báo động! Xuống hầm!” Chúng tôi chen lấn nhau, vớ máy ảnh, sổ ghi chép và lao xuống những chiếc hầm cá nhân dọc bờ sông. Cùng với tiếng động cơ, từ phía Đông Nam đã xuất hiện nhóm bốn chiếc máy bay Mỹ đầu tiên. Chúng bay chậm, theo đội hình chiến đấu, nhưng bay thấp đến nỗi có thể phân biệt được số hiệu trên cánh. Rồi đột ngột, tiếng súng đinh tai nhức óc vang lên. Đâu đó, ngay đằng sau khách sạn, súng cao xạ nổ giòn giã. Ngôi nhà lá phía bên kia sông bốc cháy ngùn ngụt. Một chiếc máy bay chúc đầu xuống, xả đạn vào hai chiếc thuyền nhỏ đang đậu trên bến sông. Từ nơi nào đó vọng lại tiếng rít của bom rơi lẫn tiếng nổ rền vang. Dòng sông cuộn lên những đám khói đen kịt. Đột nhiên, ngay trước mặt chúng tôi, chiếc máy bay ném bom hình dạng giống điếu thuốc màu bạc bỗng cháy bùng lên như ngọn đuốc, và sau đó, thấp thoáng giữa những cành cây là chóp chiếc dù của giặc lái Mỹ.

Chiều hôm ấy, chưa kịp tĩnh trí sau những sự kiện vừa xảy ra – ngay với bản thân tôi, trận không kích cuối cùng mà tôi chứng kiến cũng đã xảy ra từ thời niên thiếu xa xưa – chúng tôi đi dự cuộc họp báo thời chiến đầu tiên. Đồng chí Lang, đại diện báo chí của Bộ ngoại giao thông báo là đã bắn rơi được 5 chiếc máy bay Mỹ, một tên giặc lái nhảy dù bị bắt.

Trong ngôi nhà của ủy ban hành chính của thành phố tập trung khoảng hơn 100 người, gồm bộ đội, dân quân, các nhà báo VN và đại diện chính quyền địa phương. Trên chiếc bàn đặt giữa phòng có bày một số chiến lợi phẩm vừa thu được: nắp cabin buồng lái của máy bay, mũ phi công, một mảnh rốc két, vỏ đạn đại bác 12 ly. Đập vào mắt là chiếc thắt lưng đeo tấm biển có hàng chữ bằng nhiều thứ tiếng: “Hãy cứu tôi, chính phủ của tôi sẽ thưởng cho ông bà!”.

Đồng chí Trần Sử, Trưởng ban chỉ huy quân sự thành phố, phát biểu:

– Hai giờ đồng hồ trước, đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã đưa tin rằng, trong trận oanh tạc hôm nay có 50 chiếc máy bay Mỹ tham gia và tất cả số đó đã trở về căn cứ an toàn. Đó là điều bịa đặt như thế nào, ngay bây giờ, các vị sẽ được chứng kiến tận mắt. Dẫn vào! – Ông ra lệnh cho người sĩ quan đang đứng ở cửa.

Cả hội trường im phăng phắc một cách căng thẳng. Cửa mở, hai chiến sĩ bộ đội dẫn tên phi công Mỹ vào. Hai tay tên phi công bị trói quặt ra sau lưng. Đó là một người cao lớn, mặc bộ đồ bay mùa hè, mắt xanh, tóc hạt dẻ. Đôi mắt mờ đục của viên phi công không biểu lộ điều gì cả. Tên hắn là Rôbert Sumeiker, 32 tuổi là sĩ quan trong lực lượng hải quân Mỹ. Một nhà báo hỏi tên phi công rằng hắn có biết là trong trận oanh tạc hôm nay, có trường học và bệnh viện bị phá hủy, trẻ em và người già bị thiệt mạng, hay không? Hắn trả lời bằng giọng đọc thuộc lòng rằng: đó là phản ứng trả đũa của chính phủ Mỹ, đối với chiến dịch của du kích miền Nam VN. Đáp lại những lời đó, hàng chục cánh tay của những người có mặt trong hội trường vung lên cùng tiếng hô: “Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!”

…Ngày 17.7 năm 1966. Mười hai năm trước, đúng vào ngày này, hiệp định Giơnevơ về vấn đề VN đã được kí kết, theo đó, Pháp buộc phải chấm dứt cuộc chiến tranh thuộc địa, còn VN thì tạm thời bị chia cắt làm hai miền tại vĩ tuyến 17. Từ đó, đúng vào ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường phát biểu trên đài phát thanh với lời kêu gọi gửi đồng bào cả nước. Lần đầu tiên, một phi đội 50 chiếc máy bay tiêm kích của Mỹ đã thực hiện chuyến bay oanh tạc một số thị trấn vùng ngoại ô Hà Nội. Trong không khí vẫn còn phảng phất mùi khét của khói bom. Trên cầu Long Biên, dân chúng nối đuôi nhau chở đồ đạc bằng xe đạp, xe ba gác và xe bò rời thủ đô đi sơ tán để tránh bom Mỹ.

Tâm trạng của bạn bè VN mà tôi đã kịp tiếp xúc vào những ngày này, nói một cách nhẹ nhàng là chẳng lấy gì làm phấn khởi cho lắm. Hơn bao giờ hết, người dân muốn nghe lời phát biểu của Bác Hồ. Về sau, báo chí đưa tin: sáng hôm ấy, cả đất nước VN đang đánh giặc đã lặng yên ngồi đợi bên chiếc loa phát thanh ở những thành phố và làng mạc miền Bắc, hoặc bên chiếc đài bán dẫn ở các khu du kích hoặc ở những cơ sở bí mật ở thành thị miền Nam.

Và rồi giọng nói Nghệ An đều đều bình thản của chủ tịch Hồ Chí Minh bỗng vang lên:

– Chiến tranh có thể còn kéo dài năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ khôi phục lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Câu nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do” lần đầu tiên được Hồ Chủ tịch nói trong ngày hôm ấy, về sau đã trở thành một danh ngôn và là phương châm của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tưởng chừng như vào năm 1966 cực kỳ khó khăn ấy, chẳng có một cơ sở nào để lạc quan như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi. Ở miền Nam, quân số lính Mỹ đã tăng đến con số nửa triệu. Tại miền Bắc, máy bay ném bom của Mỹ oanh tạc khắp nơi. Bộ đội tên lửa của VN, mà vài năm sau giới quân sự Mỹ đánh giá như là một trong những đội quân hiệu quả nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, thì thời gian này chỉ mới bắt đầu được hình thành. Thế nhưng những câu trong lời kêu gọi của Hồ chủ tịch đã thực sự trở thành những lời tiên tri. Ngày nay, mỗi khi đến Vn, tận mắt nhìn thấy những tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chứng kiến nền kinh tế của một đất nước thống nhất đang phát triển như vũ bão, và đời sống của nhân dân ngày càng được không ngừng nâng cao người ta, lại càng có cơ hội để khẳng định tính chất đúng đắn của những câu nói đó.

Để giảm bớt sự phê phán của dư luận tiến bộ, sau mỗi trận oanh tạc, Mỹ lại tuyên bố với thế giới là vừa tấn công mục tiêu quân sự này nọ của Bắc VN. Đáp lại, phía VN cũng thường xuyên bác bỏ các tin tức đó và thông báo là máy bay Mỹ vừa phá hoại các công trình dân sự trên lãnh thổ của mình: đó là các trường học, bệnh viện, kí túc xá, nhà ở của nhân dân…Tôi nhớ rằng, ban biên tập TASS thường gọi điện sang và giao nhiệm vụ cho tôi đến tỉnh này hoặc tỉnh khác để chứng kiến tận mắt và tốt nhất là chụp được ảnh về hậu quả thực tế của các trận ném bom vừa xảy ra. Chẳng hạn như lần Mỹ oanh tạc bất ngờ vào hợp tác xã Thụy Dân ở tỉnh Thái Bình.

Trời vừa tảng sáng, tôi đã lắc lư trên chiếc xe GAZ cũ kỹ rời Hà Nội đi về phía Nam. Hai bên đường là những cánh đồng lúa vàng tươi trải ngút tầm mắt. Đồng lúa nối tiếp đồng lúa mênh mông. Tôi đang có mặt giữa vựa lúa của miền Bắc VN. Trong tiếng Việt “thái” có nghĩa là yên tĩnh, “bình” là không có chiến tranh. Tôi thầm điểm lại tên các tỉnh khác – hầu như trong mỗi địa danh đều có một trong hai từ trên hoặc các từ đồng nghĩa tương tự. Thậm chí ngay cả trong cách đặt tên cho làng xóm quê hương của mình, người VN luôn luôn hướng tới hòa bình và ổn định. Điều đó không hề là ngẫu nhiên: bao đời nay quân ngoại bang đã nhiều lần xâm lấn mảnh đất nhỏ bé này, và biết bao lần người dân đã phải đứng lên cầm gươm giáo để đánh lại chúng để gìn giữ hòa bình cho Tổ quốc mình.

Hợp tác xã Thụy Dân nằm xa đường quốc lộ. Để đến đó, phải men theo con đường nhỏ, cắt ngang những đoạn bờ lúa như ô bàn cờ. Một người nông dân mặc áo nâu, đội nón sụp kín mặt, chậm rãi lội trong nước, tay tung những nắm lúa xuống ruộng. (*Nguyên văn của tác giả). Cách đấy vài bước, một con cò trắng, cư dân tiêu biểu của làng mạc VN, đang co chân đứng rỉa lông. Bên cạnh không hề có nhà máy nào đang nhả khói, cũng chẳng thấy một trận địa pháo cao xạ nào. Thậm chí con đường liên hương cũng ở cách làng đến 3 cây số. Vậy thì phi công Mỹ đã tìm kiếm ở đây những mục tiêu quân sự nào?

Chúng tôi đứng bên những bức tường đổ nát của ngôi trường vừa bị ném bom – ngôi nhà to nhất ở làng Thụy Dân. Trên đống gạch vụn ai đó vừa dựng lên một tấm bia nhỏ còn tươi màu sơn. Trên đó có tên của hơn 30 em học sinh cả trai lẫn gái vừa bị bom Mỹ sát hại. Các em mới chỉ 14, 15 tuổi. Cùng đứng cúi đầu bên tấm bia với chúng tôi là những người dân trong làng, ai cũng đeo một dải băng tang nơi tay áo. Vào cái ngày bi thương ấy, hầu như trong làng không có nhà nào là không có người bị chết.

– Trời vừa đúng ngọ, nông dân mới ngoài đồng trở về, đang chờ trẻ con về ăn cơm trưa, – chủ nhiệm hợp tác xã Nguyễn Văn Điền kể lại bằng giọng khàn khàn: – Bỗng tiếng kẻng báo động vang lên. Lập tức 6 chiếc máy bay Mỹ gầm rú lao tới, bay sàn sạt trên thôn Anh Tiến. Hai quả bom rơi xuống bìa làng, quả thứ ba rơi giữa nhà ông Hách và ông Nghệ. Trước đây, dưới thời Pháp, họ là bần cố nông, đi làm thuê hết nhà này sang nhà khác. Sau cách mạng, họ vào hợp tác xã, xây được nhà ngói, bắt đầu có của ăn của để. Và thế rồi, trong một ngày, tất cả đều sụp đổ tan tành…

Tôi nhìn những người đồng hương của ông Hách – họ đang im lặng nghe phát biểu của chủ nhiệm hợp tác xã. Trên khuôn mặt họ không còn chút dấu vết nào của tính lạc quan yêu đời vốn có của người VN. Trong mắt của những con người có làn da cháy nắng và những đôi tay gầy đen như khô đi vì lao động chỉ có thể đọc thấy nỗi đau thương và câu hỏi thầm lặng. Mấy năm trước, có lẽ nhiều người trong số họ còn không hề biết rằng trên đời này có một nơi gọi là nước Mỹ. Giờ đây, nước Mỹ gợi cho người ta nhớ đến nó bằng tiếng rền của những trận bom.

– Trường phổ thong cấp hai của chúng tôi là ngôi nhà hiện đại nhất trong làng, – chủ nhiệm hợp tác xã nói tiếp: – Chúng tôi mới xây xong trường này vào năm ngoái. Máy bay Mỹ ném xuống sáu quả bom, bốn quả trong số đó đã rơi trúng ngôi trường và con hào giao thông, nơi các em học sinh đang ẩn nấp. Sau đó, máy bay Mỹ còn vòng lại, hai lần quần thảo trên đầu thôn này và thôn bên cạnh. Mãi hai tiếng đồng hồ sau, khi máy bay đi khỏi, dân làng mới vác cuốc xẻng chạy đến. Bới tìm và cứu sống được hai mươi hai em học sinh. Ba mươi em còn lại đã chết. Cô giáo Xuân cũng bị thiệt mạng, và đứa con trong bụng cô sẽ chẳng bao giờ còn được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Ngày đau thương mới qua chưa lâu, nhưng các em học sinh sống sót đã trở lại học tập. Ngôi trường mới của các em được dựng lên trong một vườn chuối um tùm. Đó là một ngôi nhà chẳng có gì giống so với ngôi trường cũ: cột của nó bằng tre, mái lợp rạ, có những đường hào từ trong lớp dẫn ra ngoài. Trên mỗi chiếc bàn học sinh đều có treo một bảng khẩu hiệu viết bằng nét chữ học trò: “Mãi mãi ghi nhớ ngày 21 tháng 10 năm 1966, thề đánh tan bọn giặc Mỹ trên mặt trận học tập!”

Những cậu bé tóc tai bù xù, tay đeo băng tang màu đen – (tất cả các em học sinh gái đã bị chết trong trận bom hôm ấy) – đang nghe lời giảng của thầy giáo mới được huyện cử về. Thầy giáo thánh thót đọc bài thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu nói về những người anh hùng không đội trời chung với quân xâm lược. Các cậu bé vừa thoát khỏi lưỡi hái của thần chết, hiểu hơn ai hết bài thơ của nhà thơ yêu nước từ thế kỉ trước.

Khi chúng tôi rời ngôi làng, từ phía biển xa, có tiếng bom nổ ì ùng vọng về. Vài tiếng đồng hồ sau, chúng tôi được thông báo về một tin buồn mới. Máy bom Mỹ đã ném 10 quả bom xuống làng Thụy Hà, ở cách đấy không xa.

Mùa hè, Hà Nội thường có những cơn mưa nhiệt đới. Từ bầu trời vần vũ, những đám mây đen kịt, nước tuôn xuống như trút. Hà Nội vốn rất nhiều hồ, nhưng sau mỗi trận mưa lớn, số lượng hồ ao tăng hẳn lên. Phố xá nom chẳng khác gì Vơnidơ, khác chăng là dân tình không di chuyển bằng thuyền, mà đi lại dưới nước bằng xe đạp và xe máy. Sau mỗi trận mưa như vậy, không khí mát mẻ lạ thường, đó là điều hiếm thấy ở đây trong những tháng mùa hè, thậm chí cả về đêm trời cũng thường rất nóng và ngột ngạt. Kể từ khi chiến tranh phá hoại xảy ra, những trận mưa nhiệt đới như thế không chỉ mang lại không khí mát mẻ dễ chịu, mà cả sự yên ổn, thăng bằng về mặt tinh thần. Nếu có trận mưa đang tuôn xuống, có nghĩa là sẽ có thể yên tâm để nghỉ ngơi, làm việc, giải trí – sẽ không có những trận oanh tạc của máy bay Mỹ. Chiều chiều, nơi tập trung đông người nhất là bờ hồ Hoàn Kiếm. Những cây liễu mọc ven hồ nghiêng bóng che chở cho những đôi lứa yêu nhau đang lặng ngồi trên ghế đá, bên những căn hầm trú ẩn, cạnh những kiôt bán hoa, nơi mà bất kì lúc nào, kể cả ban đêm, cũng có thể mua những cành lan đủ màu và những bông sen hình quả chuông hồng thắm – chúa tể của các loài hoa.


Tên gọi khác thường của hồ nước ở trung tâm Hà Nội này bắt nguồn từ một truyền thuyết về thanh kiếm, do Rùa Thần trao cho Lê Lợi, người anh hùng dân tộc Việt Nam vào thế kỉ XV. Với thanh gươm thần đó, Lê Lợi đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược nhà Minh. Tan giặc, khi thuyền Lê Lợi bơi trên mặt hồ, thanh gươm đã rời vỏ, Rùa Thần hiện lên ngậm lấy và lặn xuống nước. Từ đó, hồ có tên là hồ Hoàn Kiếm, hay còn gọi là hồ Gươm.

Giờ đây, chắc bạn có thể tưởng tượng ra được nỗi kinh ngạc của tôi, khi mà sau trận không kích của máy bay Mỹ, một phóng viên Việt Nam bạn của tôi gọi điện và bằng một giọng hồi hộp lạ thường đã bảo tôi hãy bỏ tất cả mọi việc để ra ngay Bờ Hồ – một cụ rùa đang nổi lên mặt nước. Khi tôi lao tới đó, trên đoạn bờ hồ đối diện với Bưu điện trung tâm đã có một đám đông người tụ tập. Độ lớn của con rùa thật đáng sửng sốt – phần lưng nổi lập lờ trên mặt nước của nó có lẽ cũng đã rộng chừng một mét rưỡi. Con rùa khổng lồ phơi nắng độ gần một tiếng đồng hồ rồi ồn ào lặn xuống đáy hồ.

Ngày hôm sau, các báo đăng lời bình của các nhà chiêm tinh học, đại ý là: con rùa cổ xưa hiện lên để nhắc với nhân dân rằng nó vẫn lưu giữ sức mạnh thần kì xưa kia và ngày nay, với sức mạnh ấy, VN nhất định sẽ chiến thắng quân thù hùng mạnh của mình.

Tôi vội gửi về tòa soạn một bản tin ngắn về hiện tượng con rùa và rồi sau đó quên lãng chuyện đó. Thế rồi mấy hôm sau, các đồng nghiệp của tôi báo tin hàng chục tờ báo tỉnh thành (ở LX – ND) đã đăng bài báo của tôi, và độc giả liên tục gọi điện đến các tòa soạn hỏi có đăng bài tiếp theo về hiện tượng lạ lùng đó hay không. Ngày nay, khi chúng ta biết rằng cuộc chiến tranh ở VN đã kết thúc, chỉ có thể nói tiếp về chuyện lạ đó vẻn vẹn một câu rằng; rất có thể, con rùa già đúng là có phép thần và các nhà chiêm tinh học VN đã tiên đoán về kết cục của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân VN với một độ chính xác tuyệt đối.

…Tôi phải thú nhận rằng, trong những ngày đầu tiên, khi còi báo động vang lên ở Hà Nội, quả là rất đáng sợ, một nỗi sợ hãi rất khó lòng mà khắc phục được. Một nỗi ám ảnh không thể giải thích được đè nặng lên tâm lí, tưởng chừng như tất cả bom đạn cứ nhè thẳng đầu mình mà trút xuống. Cuối cùng, tôi tìm ra được một phương pháp rất đơn giản để dập tắt nỗi sợ đó. Một lần, khi nghe tiếng báo động, tôi vớ lấy chiếc máy ảnh “Zenit” cũ kĩ mà hãng thông tấn Liên Xô TASS trang bị cho và tới tấp chụp tất cả những gì đang xảy ra xung quanh tôi và trên bầu trời thành phố. Và lạ thay, tôi kinh ngạc nhận thấy nỗi sợ hãi đã tan biến tự bao giờ.

Những tháng tiếp sau đó, tôi cố gắng không rời “vị cứu tinh” đó. Giờ đây, trong thời gian những trận oanh tạc của máy bay Mỹ, đối với tôi, mà chắc là cả đối với các đồng nghiệp của tôi, chiếc máy ảnh đã đóng vai trò như khẩu súng trường đối với những người dân quân, khi họ xả những loạt đạn tưởng chừng như vô hại đối với máy bay, hòa vào dàn đồng thanh của tiếng nổ đinh tai của pháo cao xạ. Chắc gì đã bắn rơi được máy bay phản lực chiến đấu bằng khẩu súng trường ba rãnh, nhưng việc khẩu súng đơn sơ xả đạn vào máy bay địch đã đem lại cho họ sự vững tin, và cho phép họ quên đi nỗi sợ tiềm ẩn nếu có.

Một lần, nếu tin vào nhật kí ghi chép của tôi thì hôm đó là ngày 6 tháng 7 năm 1966, tôi rời trung tâm báo chí, quên mang theo máy ảnh và sau đó đã phải rất lấy làm ân hận vô cùng vì điều đó. Hôm ấy là ngày nghỉ, trời đã về chiều, tôi định đến Tiểu lạc viên để “hạ bớt stress”. Từ khi máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá vùng ngoại ô Hà Nội, nhiều tiệm ăn, đặc biệt ở khu phố cổ đã đóng cửa. Chỉ còn một vài tiệm đếm được trên đầu ngón tay, trong đó có Tiểu lạc viên quen thuộc của chúng tôi là vẫn còn làm việc. Thật ra mà nói thì chất lượng các món ăn giảm đi thấy rõ, còn giá cả thì tăng vọt.

Trên đường tới khu phố cổ, tôi nhận thấy phố xá, ngày thường vốn vắng vẻ vì dân chúng đi sơ tán, hôm nay có vẻ náo nhiệt khác thường. Người tập trung từng nhóm trên hè phố, sôi nổi bàn tán, trên tay họ cầm những tấm khẩu hiệu với dòng chữ viết bằng mực đen “Đả đảo giặc Mỹ xâm lược!”. Sử dụng vốn tiếng Việt, tôi lao tới một nhân viên công an gần nhất hỏi xem có chuyện gì.

Tiện thể tôi xin nói thêm rằng những hiểu biết về tiếng Việt thời đó không phải lúc nào cũng giúp tôi được việc, mà thậm chí có những khi ngược lại, đã gây ra cho tôi nhiều rắc rối. Trong điều kiện thời chiến, cần cảnh giác với bọn gián điệp, một người châu Âu làu làu tiếng Việt thường dễ làm cho những người Việt Nam có tinh thần cảnh giác cao độ phải nghi ngờ. Đã có những trường hợp tôi và các bạn đồng nghiệp bị bộ đội và dân quân bắt giữ để xác minh, có khi bị tịch thu máy ảnh, nhưng rất may là cuối cùng rồi mọi việc cũng đã trôi chảy một cách tốt đẹp, người ta xin lỗi và thả cho chúng tôi đi làm tiếp nhiệm vụ.

Lần này, người công an chỉ liếc qua thẻ phóng viên của tôi rồi phấn khởi cười và bảo:

– Hôm nay ở nước tôi cũng giống như ở Matxcơva của anh hồi năm 1944. Ngời ta sẽ dẫn bọn giặc lái từ Nhà hát Lớn đến sân vận động trung tâm thành phố.

NGUYỄN THỊ KIM HIỀN dịch

(Theo tạp chí Đoàn Kết – LB Nga)

(Còn nữa)

Nguồn: vannghequandoi.com.vn