Phạm nhân thời phong kiến chờ xét xử - tranh tư liệu

Phạm nhân thời phong kiến chờ xét xử – tranh tư liệu

Một trong những nội dung mà nhà truyền giáo Ý G.F.de Marini (1608 – 1682) quan tâm quan sát và ghi chép đó là hình pháp.

Ngục hình và tử tội

Tại các tỉnh không có nhà ngục, trong nhà quan tỉnh vẫn có đủ dụng cụ để cầm giữ tra khảo: xiềng, xích, khóa tay và những dụng cụ bằng sắt khác nữa. Thông dụng nhất là gông. Gông làm bằng hai thanh gỗ to và dài như một cái thang, có hai miếng gỗ ngang nối thanh nọ với thanh kia, hai miếng gỗ ngang đặt như hai bậc thang kẹp đầu vào giữa không thể nào kéo ra được; phạm nhân phải đeo gông đến ngày tuyên án.

Ở Kẻ Chợ có nhiều ngục thất. Ngục hình thì làm dưới đất, không có cửa, chỉ có ánh sáng từ một ngọn nến viên cai ngục thắp cho và bắt tội nhân đến hạn phải trả tiền. Nếu người khốn nạn này không có tiền thì ngục tốt không ái ngại, đánh cho máu me đầm đìa, thừa sống thiếu chết, tội nhân không có ai để nói chuyện và than khổ bao giờ…

Chỉ có thân quyến mới được phép nói chuyện với tội nhân thôi. Họ đến báo cho tội nhân biết bản án tử hình và tụ họp lại để theo sau khi tội nhân được dẫn ra pháp trường. Ra đến nơi, tội nhân đã thấy có một bữa ăn sắp sẵn. Đến giờ hành hình, đao phủ thủ hoặc một tên lính nào đấy bảo hắn là đến lúc phải tuân vương mệnh; cứ ngồi sệp xuống đất chẳng xê xích đi đâu, hắn đưa tay cho người ta trói gập ra đằng sau. Xong rồi người ta búi tóc hắn lên đỉnh đầu và chẳng cần theo một nghi thức gì khác, đao phủ cầm đao đến gần và hạ thủ.

Các thân vương quý tộc không bị chém đầu như bọn thường dân. Lưu huyết là một điều nhục nhã đối với tôn tộc, người hoàng phái, quý phái. Vì thế nên các quốc thích chỉ bị người ta dùng một cái gậy bằng gỗ hoàng đàn dài ba thước, to vừa phải phang một gậy vào đầu cho chết, còn người quý phái nào bị tử hình thì chỉ bị thắt cổ hay treo cổ chết thôi – một lối chết danh giá nhất, ít nhục nhã nhất.

Bọn trộm cướp trước khi chết bị đem bêu ba ngày giữa một công viên cho công chúng sỉ vả, trên một chiếc xe bò dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời, chẳng có gì che phủ cả. Hình phạt này nhục nhã nhất đối với tội nhân và rất có công hiệu đối với quần chúng.

Một quốc thích nào đã làm loạn hoặc xui dân làm loạn thì bị kẹp cổ vào hai chiếc gậy gỗ như vào giữa hai bậc thang, rồi những kẻ đứng ra hành hình bóp hết sức chặt làm cho phạm nhân nghẹt thở và chết. Muốn thử xem phạm nhân đã chết chưa, người ta đốt hai chiếc đèn, đem hai bàn chân kề sát vào ngọn lửa; nếu tội nhân hơi còn một chút cảm giác thì hai đao phủ kẹp cho đến khi người ấy chết hẳn không cử động được nữa.

Lính đào ngũ bị xẻo mũi; quan binh đào ngũ bị chặt thêm hai bàn chân. Bọn du côn hay sinh sự cãi nhau, đánh nhau bị chặt một, một nửa hay tất cả các ngón tay.

Hình phạt

Nhân dịp này tôi kể một câu chuyện mới xảy ra lúc tiên đế sinh ra đức vua đang tại vị thăng hà. Đức Kim thượng ban chiếu muốn rút nửa lương các võ quan và quân lính. Sự cải cách này không làm vừa ý một quan cận thần của tiên đế đứng vào hàng thứ hai các triều thần, được tiên đế biệt đãi vì tài năng và đức tính. Viên thái giám này phẫn nộ đến nỗi dám cầm xé tờ chiếu trước mặt nhiều người.

Nhiều viên cố vấn được cắt ra để xét tội khi quân. Họ một phần vì ghen ghét địa vị cao sang của viên thái giám nên quyết nghị xin chặt một tay viên thái giám. Thiếu quân muốn tha thứ; ban rằng từ lúc tiên đế thăng hà, hình án này là hình án đầu tiên, ngài không muốn trừng phạt một tín thần của tiên đế, một đại thần lương đống của ngài; hơn nữa tiên đế khuyên ngài trong mọi việc nên độ lượng quảng đại, khoan hồng hơn là nghiêm khắc. Nhưng các quan biết rõ ý vua nhất định xin thi hành bản án và tâu rằng nếu bắt đầu dung túng những kẻ khinh nhờn phép vua tức là một việc nguy hại đến thanh danh của ngài, khi dân chúng đã cảm mến ngài và tin rằng ngài là một vị vua công bình chính trực nhất. Hơn nữa, đem trừng phạt một vị đại thần càng làm vững chắc uy danh ngài. Sau cùng, đức vua cũng không chịu nhận rằng tội ấy đáng phạt, nhưng bảo các quan nể ngài, phạt rút nhẹ đi một nửa. Viên thái giám tưởng chuyện đến lúc này có thể đút lót các án quan, xin đưa cứ mỗi ngón tay là một trăm đồng vàng. Nhưng các quan trót đã xin vua nghiêm phạt lại muốn tỏ rằng mình không vị lợi, cứ y án…

Sát nhân phải giả tử. Kẻ giết người không những phải thường mạng lại còn phải nộp cho ngân khố số tiền thuế người chết phải đóng từ năm hai mươi đến năm sáu mươi: tội nhân không có thì họ hàng phải đóng thay; nếu hắn không có bà con, hoặc họ hàng thì làng mạc phải chịu. Cũng có khi vua giao kẻ sát nhân cho gia đình người bị giết để cho bọn này tự trả thù lấy bằng các thứ hình phạt cho hả cơn giận. Cách đây không lâu đã có người muốn báo thù cho một thân nhân bị chết đã chém bằng búa và băm kẻ sát nhân ra làm nhiều mảnh từ chân lên đến đầu, để hắn chết dần.

Những kẻ gian tham trộm cướp không bị tội chết vì thế nên bọn bất lương rất nhiều; nhưng khi có chứng cớ thì họ bị nghiêm phạt, quan cũng vậy. Những người bình sinh là người can đảm mà mắc tội tử hình thì chẳng những được vua tha tội chết cho mà còn được trọng dụng trong quân đội.

Theo G.F.de Marini – Nguyễn Trọng Phấn (dịch) – Thanh niên

Exit mobile version