Masatsugu Ono ví sáng tác như việc đào một cái hang khiến nhiều độc giả Việt Nam ngỡ ngàng và thích thú. Việc đào một cái hang vừa là sự tìm kiếm cái mới, chôn giấu cái cũ đồng thời tìm ra một chốn bình yên. Thế nhưng, khi càng đào sâu thì càng không biết cuối cùng sẽ đi đến đâu và như thế nào vì lại có lỗ hổng mới, có những bất an mới. Tuy nhiên việc đào cái hang đấy thành công là phải thông với độc giả và tìm được đường đi.

Nhà văn Nhật Bản Masatsugu Ono.
Nhà văn Nhật Bản Masatsugu Ono.
Sáng 22/2 tại Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu giữa nhà văn Nhật Bản Masatsugu Ono với các nhà văn và độc giả Việt Nam.
Masatsugu Ono cho rằng: “Murakami viết về toàn cầu hoá nên ai cũng cảm nhận được, nhất là giới trẻ. Nhưng ở Nhật Bản vẫn sót lại những địa phương tiền hiện đại hoá và chỉ toàn người già sống ở đó. Trong một xã hội già hoá này, tôi thích và thoải mái khi viết những câu chuyện về người già và địa phương, và cách tôi mang tiếng cười vào tác phẩm của mình”.

Tiếng hát người cá là một trong số những tác phẩm điển hình của Masatsugu Ono viết về một vùng quê hẻo lánh, cách xa các thành phố trung tâm phát triển của Nhật Bản. Ở đó, quan hệ con người với con người rất thân thiết và hình thành một cộng đồng đặc thù với sự góp mặt của nhiều cá tính. Từ đặc thù của văn hoá vùng miền cho thấy những xung đột với xã hội hiện đại. Tuy nhiên, ngay cả cái vùng quê hẻo lánh của Masatsugu Ono ở Nhật cũng không còn như trước kia, nó cũng đang bị đô thị hoá và đang mất đi tính vùng miền.

Masatsugu Ono cảm nhận, con người Nhật Bản, nhất là sau thảm hoạ kép động đất và sóng thần cách đây gần một năm rất khó nở nụ cười. Bản thân Masatsugu Ono cũng cảm thấy bản thân mình bị ảnh hưởng. Tác giả từng nghĩ mình sẽ viết một tác phẩm tương tự cái không khí u ám bao phủ đó với tên gọi “những người sót lại”. Tuy nhiên, sau chuyến sang Việt Nam, Masatsugu Ono đã thay đổi ý định đó, bởi con người Việt Nam thật tươi vui, ấm áp. Sáng tác của Masatsugu Ono đã có tiếng cười, có sự trào phúng khiến cho tác phẩm nhẹ nhàng hơn mà vẫn chuyển tải được ý đồ nghệ thuật của tác giả.

Nói về lao động viết văn, Masatsugu Ono ví như việc đào một cái hang khiến nhiều độc giả Việt Nam ngỡ ngàng và thích thú. Việc đào một cái hang vừa là sự tìm kiếm cái mới, chôn giấu cái cũ đồng thời tìm ra một chốn bình yên. Thế nhưng, khi càng đào sâu thì càng không biết cuối cùng sẽ đi đến đâu và như thế nào vì lại có lỗ hổng mới, có những bất an mới. Tuy nhiên việc đào cái hang đấy thành công là phải thông với độc giả và tìm được đường đi.

Trở lại Việt Nam lần này, được gặp những nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam, đặc biệt nhà văn Bảo Ninh đã từng sang Nhật nhận giải thưởng và tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch sang tiếng Nhật, Masatsugu Ono thấy Việt Nam gần gũi và thân thiện hơn. Con người và đất nước Việt Nam đã khiến cho sáng tác của Masatsugu Ono thay đổi. Hi vọng sẽ có nhiều nhà văn, nhiều tác phẩm của Việt Nam được dịch và giới thiệu đến độc giả Nhật.

Hà Anh

Nguồn: Vanhocquenha.vn.

Exit mobile version