Nhiều người cho rằng muốn viết lách giỏi phải có năng khiếu. Cũng không ít người quan niệm ngược lại, rằng học viết lách không khác học chơi đàn hay bơi lội…
Ảnh: M.Đ
Nhưng có một điều chắc chắn, năng khiếu hay học qua trường lớp thì người viết lách luôn cần những kỹ năng và không ngừng rèn luyện, hoàn thiện các kỹ năng này.
Với kinh nghiệm của một người làm báo lâu năm, từng làm việc ở các Báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn; giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông (ĐH KHXH-NV TP.HCM), cố vấn biên tập các tạp chí Nhà và Đất, Nhịp cầu Đầu tư…, nhà báo Ngọc Trân vừa cho ra cuốn sách Thuật viết lách từ A đến Z (ảnh).
Sách không nhằm giải đáp thắc mắc viết lách do năng khiếu hay học qua trường lớp, mà như một tài liệu giúp người đọc “ôn lại” nhưng có mở rộng và theo phương pháp của tác giả sách.
Sách gồm 18 chương, do Nhà xuất bản Văn hóa TP.HCM ấn hành đúng dịp kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng VN (21.6).
Tác giả giúp người đọc phương pháp từ việc tìm ý tưởng, lập dàn bài, sắp xếp ý và thông tin… đến sử dụng ngôn từ cho lời văn thêm mạnh mẽ, cách giật tít cho thu hút và cuối cùng là tự biên tập. Sách đề “Dành cho bạn trẻ cầm bút do yêu thích hoặc dùng chữ nghĩa vì công việc”, nhưng nó thực sự hữu ích cả với những người đang viết lách chuyên nghiệp.
Theo Minh Đức (Thanh niên)