Nhân đọc tập đoản văn và tùy bút “Thả hy vọng” của nhà văn Trần Đức Tiến – Nhà xuất bản Trẻ, 2015

Trần Đức Tiến viết đủ các thể loại, từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, truyện vừa, truyện cho thiếu nhi, rồi tản văn. Tản văn, cái thể loại lưng chừng, viết dễ đấy mà khó đấy, nhưng luôn có sức hấp dẫn riêng. Nó là thể loại (dường như) phù hợp đặc biệt với bạn đọc hôm nay – những người quá bận rộn và luôn không đủ thời gian để đọc một mạch những cuốn sách dài.

Những suy ngẫm nho nhỏ, những tâm trạng nho nhỏ, những buồn vui nho nhỏ, như một vài khe lạch của sông suối, đánh thức người đọc sau những lo toan mệt nhoài của đời thường. Những ý tứ này có được sau khi tôi đã gập cuốn đoản văn – tùy bút “Thả hy vọng” của nhà văn Trần Đức Tiến lại.

Nhà văn Trần Đức Tiến.

Người ta thường nói, mọi thứ trôi qua người cầm bút, có lẽ sẽ không chỉ đơn giản là trôi qua. Nó luôn còn lại, mắc lại, là chất liệu quý giá để nhà văn trang trải trên từng trang sách. Điều này dường như tuyệt đối đúng với nhà văn Trần Đức Tiến. Những chuyện nho nhỏ dọc đường ông gặp, những chi tiết nhỏ trong đời sống hằng ngày, tưởng như chả có tí dính líu gì tới văn chương, mà lại trở thành rất văn chương trên trang viết của ông.

Chuyện đi Yên Tử, chuyện ăn bánh khọt, chuyện cái áo rách, chuyện ngồi quán cà phê, chuyện thả cá phóng sinh, chuyện cái váy, chuyện ăn phở, chuyện cái nhà ngập nước… những chuyện đời thường ai cũng gặp, cũng trải qua, như không khí để thở, như cơm ăn nước uống, nhưng dưới ngòi bút của Trần Đức Tiến, tất cả những vụn vặt hằng ngày đều mang một thông điệp nào đó về cuộc sống. Chẳng hạn, chuyện leo lên đỉnh Yên Tử, ông viết:

“Không có gì thật. Chỉ có đá và những bụi cây dại. Rừng trúc đã ở lại dưới xa. Ở lại dưới xa “thăm thẳm mây ngàn”. Ở lại dưới xa “véo von con sáo sậu”. Những câu hát nổi tiếng lãng mạn đã tự tắt trong lòng từ lâu. Chùa Đồng, đỉnh núi, tận cùng con đường. Chỉ đá và cỏ. Và gió hoang sàn sạt thổi mòn núi từ bao thế kỷ.

Anh chống gậy, ngửa mặt nhìn trời. Chợt hiểu vì sao bao nhiêu người bỏ cuộc ở lại dưới xa kia.

Cứ đi đi. Đừng nghĩ đến đích. Làm gì có đích. Đó không chừng là bài học câm lặng vĩ đại của Yên Tử”.

Có sự giật mình nào đó trong những câu chuyện thường là chưa đầy vài  ba trang sách. Đôi khi nó khiến người đọc dừng lại suy ngẫm rất lâu, vỡ vạc  ra điều gì đó nhỏ thôi, mà rất sâu sắc. Về đời sống thường nhật của một đôi vợ chồng, lúi húi kiếm tiền, nuôi con, cơi nới nhà cửa. Đến lúc chợt nhận ra “anh đã có tất cả, chỉ mất đi những buổi chiều”. Về đứa trẻ thành phố trên toa tàu đang chạy ngang qua cánh đồng, nhìn thấy đàn cò trắng bay, nó hỏi: “Bố ơi con gì kia hả bố?”. Về  người vợ cặm cụi ngâm thuốc hà thủ ô chữa bệnh bạc tóc cho chồng, mà người chồng thì vô tâm đâu biết rằng vợ mình “cả một vùng chân tóc trắng lâm râm như mầm mạ”. Về anh cán bộ đi công tác mua quà về tặng cho cô bồ trẻ, bị em chê ỏng chê eo ngay trước mặt, tiu nghỉu về gặp vợ. Quà cho vợ chỉ là câu chào quen thuộc sau những chuyến đi xa: “Mình ở nhà vẫn khỏe chứ”. Về anh Ba Chân, người lãnh đạo phản ứng cực nhạy với “văn hóa phong bì”, người “nửa nọ nửa kia” quý hiếm trong thời buổi ai cũng trọng vật chất, quà cáp. Một người lãnh đạo trước sau rất trân trọng những người viết văn làm nghệ thuật, và luôn giữ  cách ứng xử đặc biệt đối với văn nghệ sĩ…

Đọc tản văn của Trần Đức Tiến, cảm giác như được sống chậm, được thong thả đi lan man hết các ngõ ngách trong cuộc đời, được ngồi vỉa hè ăn bánh khọt, uống cà phê Trầm, hóng gió bờ biển, nghe những âm thanh hằng ngày, gần gũi bình dị nhất có thể. Nghe xong rồi chợt thấy yêu thêm cuộc sống này bao nhiêu, vì những điều nho nhỏ, những điều mà trong những toan tính vội vàng cuộc đời ta rất dễ bỏ qua. Dường như có sự nuôi nấng nào đó trong mỗi chi tiết đời thường, một bông hoa nở, một người bạn quý, một buổi rỗng không trò chuyện với chính mình.

Ngẫm ra, người ta sống ở đời, đừng cao siêu to tát đến mức quên đi những nhẩn nha thong thả. Sống chậm và sống kỹ là cách tự chăm sóc cho tâm hồn mình, cho sự phong phú nào đó trong ý nghĩa đời mình, hơn là cứ vội vàng lao lên phía trước để giành giật lấy có khi chỉ là sự vô nghĩa.

Tất nhiên, phải trải nghiệm đời sống đến mức nào thì những ý nghĩa như vậy mới kết tủa trong ngày tháng của người cầm bút. Tôi thích đọc tản văn của người đã trải đời với nhiều thành tựu và vui buồn như Trần Đức Tiến. Là bởi ông đã ở giai đoạn xử lý sành sỏi câu chữ văn phong, đã chiêm nghiệm sâu xa mỗi trải nghiệm của mình, đã nhận diện đời sống bình thản, giản dị như nó vốn vậy, không thiên kiến hay nghiêm trọng điều gì. Mỗi thông điệp trong từng trang sách như thể ông đã dùng cả đời của mình để soi chiếu vào đó. Những trang văn như vậy tặng cho người đọc một hàm lượng đáng kể cảm xúc và suy ngẫm.

Ở góc độ nào đó, nó giúp người đọc nhận thức lại ngày tháng mình đang sống. Tôi rất sợ đọc tản văn của những người ít trải nghiệm. Nó ngô nghê không thuyết phục, không làm người đọc giật mình. Nó trôi trượt qua như những giọt nước mưa rơi trên đầu chiếc lá.

Bởi vì, viết tản văn để người đọc thấy hay, thấy chia sẻ, thấy thú vị, thấy cảm mến, là cực kỳ khó. Tản văn không có nhiều chuyện, nhiều chi tiết để bám vào như truyện ngắn, truyện vừa hay tiểu thuyết. Tản văn là những chợt hiện, những lát cắt nhỏ, nhưng lại không được phép nhẹ hều trong cảm nhận của độc giả.


Bìa cuốn “Thả hy vọng” của nhà văn Trần Đức Tiến.

“Thả hy vọng” là một trong không nhiều cuốn tản văn tôi đã đọc và thích. Trong cuốn sách, có phần là tùy bút. Những tùy bút của ông viết về thế sự, về đời sống chở nặng nhiều ngẫm ngợi cuộc đời. Nhà văn Trần Đức Tiến có chia sẻ, ông không phân biệt thể loại nào là cao hay thấp trong văn chương. Ông gặp chuyện gì cảm thấy có một sự thúc giục nào đó thì ông viết. Văn chương của ông thường bắt đầu từ đời thật, và nếu có tưởng tượng thì cũng phải dựa trên những chi tiết từ đời thật. Nghĩa là người cầm bút phải sống, trải nghiệm thật sự, không ỷ lại vào khả năng hư cấu của văn chương.

Đối với Trần Đức Tiến, nghề văn cũng giống như bất kỳ nghề nào khác trên đời. Tâm thế của ông, không khoác cho văn chương sự phù phiếm nào đó như không ít người cầm bút khác đã quan niệm. Viết văn với ông là công việc nhọc nhằn, tuyệt đối tránh những hư danh hão huyền. Là để sẻ chia những gì ông đã trải đã ngẫm trong đời mình. Giống như người thả cá xuống hồ vào dịp sắp Tết, thả một chút hy vọng vào đời sống. Bởi thế, văn chương ông luôn gần gũi với cuộc đời và có chỗ đứng bền bỉ trong lòng bạn đọc…

– Thông thường giữa quãng nghỉ của hai cuốn sách, người viết quay ra viết tản văn, như một cách thư giãn, ông có vậy không?

+ Tôi chưa khi nào cảm thấy “thư giãn” bằng cách viết tản văn. Những đoản văn đầu tiên của tôi ra đời xuất phát từ việc “đặt hàng” của một tờ báo mà tôi yêu thích. Họ yêu cầu: ngắn, nhân văn. Viết ngắn, viết đều, và in được, trong khoảng thời gian khá lâu, thật chẳng thư giãn tí nào.

– Theo trải nghiệm của ông, viết tản văn khó và dễ ở điểm nào?

+ Dễ ở chỗ ít phải bịa như viết truyện. Còn khó là kể lại một chuyện bình thường có thật mà không đến nỗi lảm nhảm, vô duyên.

– Đọc “Thả hy vọng”, thấy ông giỏi trong việc biến những câu chuyện bình thường đơn giản trong cuộc sống mà dường như ai trong chúng ta cũng từng gặp đâu đó thành câu chuyện của văn học, tức là luôn khiến người ta giật mình suy ngẫm khi đọc đến những dòng cuối cùng. Theo kinh nghiệm viết và đọc tản văn của ông, đấy có phải là một bí quyết để viết hay tản văn?

+ Tôi chả có bí quyết, và cũng không quan tâm đến bí quyết khi viết văn. Nhưng tôi thích nhận xét của một người bạn khi đọc xong “Thả hy vọng”: đọc sách mà như đang ngồi nói chuyện với người.

– Trong cuốn sách của ông, ngoài tản văn, còn có một phần là tùy bút. Trong văn học, người ta thường xếp tùy bút, tản văn ở vị trí thấp hơn các thể loại khác như tiểu thuyết, truyện ngắn. Ông viết tất cả các thể loại này rồi, quan điểm của ông ra sao?

+ Tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, tản văn… là những thể loại khác nhau của văn học. Tôi không xếp cái nào cao hơn cái nào. Nhưng thích làm cái này hơn cái kia thì có.


Theo Bình Nguyên Trang (Văn nghệ công an)