1. Không phải ngẫu nhiên, trong lời tâm sự với độc giả, khi lý giải vì sao đã giành hơn 10 năm trong phần đời còn lại của kiếp người vốn mong manh và hư ảo để viết tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy,*

Trầm Hương chia sẻ: “Viết để chống lại sự lãng quên. Vì không cam tâm nhìn vào những chiếc lá đi vào “cõi tối tăm quên lãng””… (tr.11, t.1) Lời tâm nguyện ấy là thông điệp đầy tính nhân văn, là nỗi ám ảnh của một tâm thức hiện sinh, thể hiện ý thức trách nhiệm của người cầm bút có thiên lương trước cuộc sống đầy bất an đang vây khốn số phận con người mà thân phận của các nhân vật được phản ánh trong tác phẩm là một minh chứng cho tư tưởng chống “lại sự lãng quên”, nhà văn muốn gửi đến người đọc. Trong cơn lốc xoáy vì thế, là sự ám ảnh về thân phận những con người mà cuộc đời luôn đắm chìm trong bi kịch giữa được và mất, giữa có và không, giữa vinh quang và cay đắng, giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa hiện hữu và hư vô xoay quanh số phận một người đàn bà với “những vết thương sâu” đó là Jeannette… Và điều ấy chỉ được giải mã khi khám phá thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy, cơn lốc của những thân phận lưu đày mà chúng ta không hiểu định mệnh chọn họ hay chính họ chọn định mệnh…

2. Lần giở hai tập tiểu thuyết với hàng ngàn trang, người đọc như bị cuốn vào từng con chữ, từng sự kiện, từng hoàn cảnh, từng số phận. Song, đó không phải là những con chữ vô hồn mà là tâm huyết, là máu thịt, là hơi thở của nhà văn đang dẫn dụ người đọc sẻ chia với số phận các nhân vật trong hành trình sống của họ giữa cơn lốc cuộc đời. Có thể nói, mỗi con người, mỗi nhân vật trong tiểu thuyết là một thân phận, một cuộc đời, không ai giống ai, không có sự chọn lựa nào giống sự chọn lựa nào. Nhưng hành trình sống của họ đều không nằm ngoài dòng xoáy của lịch sử đã làm nên số phận dân tộc và số phận mỗi con người. Trong bối cảnh lịch sử ấy, không phải sự chọn lựa của mỗi người lúc nào cũng đúng, cũng viên mãn mà nhiều khi chính sự chọn lựa tưởng chừng “viên mãn” ấy lại là nguyên nhân đẩy con người vào bi kịch. Tất cả nghịch lý và nghịch cảnh này được nhà văn thể hiện khá sâu sắc qua cuộc đời của hai con người mà dường như họ sinh ra là để sống với nhau, sống vì nhau, sống cho nhau,. Đó là Jeannette, con gái ngài Tổng thuế ba miền Đông Dương và Vạn, con trai giáo Long, người tham gia “Thanh niên cao vọng”’, một tổ chức của Việt Minh.

Cuộc đời Vạn và Jeannette luôn bị cuốn vào những cơn lốc số phận của chính họ và số phận dân tộc, buộc họ phải chọn lựa. Đó cũng là sự chọn lựa của định mệnh. Bởi, không phải ngẫu nhiên, số phận Vạn luôn chìm trong cuộc sống bể dâu. Sau sự hy sinh của giáo Long, cha Vạn và sự ra đi vĩnh viễn của Hai Mân, mẹ Vạn, là những tháng ngày côi cút đói nghèo, cơ cực, chôn vùi tuổi thơ của Vạn. “Mẹ mất đã một năm nhưng Vạn không bao giờ quên cái ngày tang tóc ấy. Buổi tối hôm ấy khi nghe tin mẹ bị thổ huyết chết, Vạn vội vã lao ra ngoài trời đầy mưa gió. Mưa thấm ướt mặt, thấm ướt áo quần, thấm ướt cả những đồng tiền cậu chắt chiu lận lưng trong quần, định bụng ngày mai đi học sẽ ra tiệm hốt thuốc. Nhưng nay thì mẹ không còn nữa rồi. Vạn thấy tất cả đều trở nên vô nghĩa” (tr.61,t.1.) Và từ đây, Vạn dấn thân vào con đường cách mạng, con đường mà giáo Long cha Vạn, một trí thức sẵn sàng từ bỏ cuộc sống ấm êm của hạnh phúc gia đình để đấu tranh cho lợi quyền dân tộc đã khẳng định trước kẻ thù: “Phải, tao là “Thanh niên cao vọng đây”. Thanh niên cao vọng không bao giờ bán đứng Tổ quốc và đồng đội. “Hội kín” của chúng tao không có mục đích nào ngoài đòi tự do độc lập, giải thoát đồng bào ra khỏi ách thống trị của người Pháp. Vạn, Thọ các con hãy nhớ lấy lời cuối của… cha!” (tr.35, t.1)

Sự hy sinh anh dũng của giáo Long cùng những lời trăn trối đầy tinh thần trách nhiệm của một trí thức đối với tổ quốc đã thắp sáng trong tâm hồn non nớt của Vạn tình yêu tổ quốc và tinh thần đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc. Bởi, với Vạn “Cha anh là một người anh hùng” (tr/65, t.1) Nên khi trở thành học sinh của trường Pe’trus Ký, được tiếp cận với những người “thầy cộng sản”, Vạn luôn khắc sâu lời dặn “Vạn, em còn nhớ cái ngày máu của cha em ướt đẫm những tờ báo la cloche fêlee’ không? Cha em đã chọn cái chết để bảo toàn bí mật tổ chức. Hôm nay, em được trở thành một học sinh Ban Tú tài trường Pe’trus Ký, đừng quên và đừng để máu của cha em đã đổ một cách vô ích.” (tr.143, t.1) Lời nói đó, đối với Vạn là mệnh lệnh của trái tim, giúp anh chọn con đường cách mạng để dấn thân, sẵn sàng từ bỏ danh vọng, địa vị, tiền bạc và cả tình yêu, chấp nhận tù đày, để đấu tranh cho tự do độc lập của đất nước như lời Vạn đã xác quyết với Jeannette “Anh yêu em nhưng anh cũng sẵn sàng hiến dâng đời anh cho nền độc lập.” (tr.456, t.1) Vì vậy, trong tâm cảm của Jeannette sự dấn thân của Vạn là một hành động cao cả của những nhà cách mạng ái quốc: “Ai cũng có một cuộc đời nhưng anh đã chọn con đường dấn thân đến với cách mạng, chấp nhận nhà tù, đòn roi, cái chết. Có biết bao kỹ sư, bác sĩ, trí thức, dân Tây từ bỏ vinh hoa phú quí vào chiến khu, tham gia kháng chiến nhưng cũng có người chọn cho mình con đường yên bình như Ruby nơi kinh đô ánh sáng, với cuộc sống phù hoa” (tr.83, t.2). Và điều đó có xa lạ gì đâu, ngay trong tác phẩm này, ta cũng thấy hình ảnh một “trí thức trùm mền”, chỉ muốn sống trong “hạnh phúc ấm êm” đó là Thọ, em của Vạn, người đã từng được Vạn chở che trong những ngày côi cút, đói nghèo. Vậy mà, khi Vạn bị đưa lên xe đày ra Côn Đảo, gặp anh mình nhưng Thọ đã không dám nhận vì “Thọ đang chọn con đường làm thầy kiện” nên “Thọ không đủ đủ sức vượt qua cái lằn ranh khác biệt giữa con đường lựa chọn. Trong khoảnh khắc mong manh giữa lằn ranh ký ức và hiện tại, Thọ đã cứng rắn quay lưng. Anh thấu hiểu nếu cất tiếng gọi “Anh sáu”, chỉ vậy thôi, giấc mơ làm chủ một tòa nhà lộng lẫy, bên người vợ sắp cưới xinh tươi cũng sụp đổ, tan tành.” (tr.31, t.2) Thế mà, khi đất nước đã có độc lập tự do, Vạn lại rơi vào bi kịch. Đó là bi kịch đói nghèo của gia đình trong những ngày khó khăn thời bao cấp khi đồng lương nhỏ bé của Vạn không đủ lo cho vợ con. Rồi việc gì đến tất phải đến, cả gia đình được đi Mỹ định cư theo diện con lai, nhưng Vạn không đi, chấp nhận ở lại quê hương, sống trong cô đơn, trong ốm đau bệnh tật bởi di chứng của những ngày tù Côn Đảo, tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho việc kiến thiết đất nước… Vậy là từ bi kịch này, Vạn lại rơi vào bi kịch khác. Nhưng cái bi kịch đau đớn nhất, đó là bi kịch bị hoài nghi từ cái tổ chức mà vì nó Vạn đã không tiếc máu xương và những gì đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ để cống hiến, phụng sự. Vì thế, dù là một cựu tù Côn Đảo gần mười lăm năm, người chiến sĩ biệt động thành dũng cảm tổ chức đường dây “mua vũ khí quân trang, quân dụng phục vụ cho những trận đánh của quân cách mạng” nhưng Vạn vẫn phải “ngồi ở một góc khiêm nhường của một cơ quan đoàn thể, trong vai trò cũng rất khiêm nhường: Cán bộ ban Tuyên huấn Liên đoàn Lao động thành phố” (tr.326, t.2) cùng với cái “lý lịch theo cách đánh giá của tổ chức cán bộ “quá nhiều điều đáng ngờ, bí ẩn, cần thời gian xác minh.”(tr.326, t.2) Và những đắng cay trong cuộc đời của Vạn thời hậu chiến cũng được phản ánh phần nào qua suy nghĩ của Bảo Trân, con gái Vạn khi được Jeannette hỏi ý kiến về việc đặt hũ hài cốt của Vạn sau khi mất, mà khi đọc lên lòng ta không khỏi đắng chát: “Chúng con đều ở Mỹ, không thể về Việt Nam để hương khói cho ba con. Chúng con không có thời gian. Ai cũng bận rộn hết. Chúng con biết làm thế là không đúng với nguyện vọng của ba con, không hợp với cách nghĩ của những người đồng chí của ông. Nhưng lúc ba còn sống người ta đối xử với ba có ra gì. Ở tù Côn Đảo cả hai thời kỳ, ba con cũng có được gì đâu ngoài mấy cái huân chương mốc meo. Lương ba con thật bèo bọt, chẳng đủ nuôi sống ông nói gì đến chuyện nuôi sống cả gia đình. Mẹ con phải gồng gánh hết. Cuộc đời bà ấy chẳng ra gì, cũng một phần do ba con! Nếu ba con cũng có nhà lầu, xe hơi, giàu có như mấy ông Cộng sản đỏ khác thì mẹ con đâu có dắt dụi con theo chị Đoan Trang qua Mỹ….Ông đã chọn ở lại Việt Nam một mình, sống nghèo khổ, lay lắt để trung thành đến chết cho lý tưởng của ông. Đó là cái giá ông phải trả cho lòng tự trọng. Khi còn sống ba con có quyền được tự trọng. Chết đi rồi, mọi thứ vô nghĩa hết. Nói cho cùng cũng chỉ là hũ tro thôi mà má Jeannette” (tr.446, t.2). Đó là một sự thật phũ phàng. Nhưng càng phũ phàng hơn khi Jeannette tìm cách gửi hũ tro hài cốt của Vạn ở một nơi mà theo bà là phù hợp với lẽ sống cuả Vạn vì không đồng ý với đề nghị mang hài cốt Vạn qua gửi ở một ngôi chùa trên đất Mỹ, thì được một người bạn tù Côn Đảo của Vạn tư vấn, nên gửi vào nghĩa trang thành phố với một lời chia sẻ: “Bà yên tâm. Tiêu chuẩn xây mộ ở đây thì khó chứ chỉ để cái hũ thì dễ. Nhiều bạn tù của ông Vạn cũng được trong tòa nhà tưởng niệm ở nghĩa trang. Bà cho ông quản trang chút đỉnh tiền, đảm bảo bạn tôi được hương khói đầy đủ!” (tr.447, t.2). Lời căn dặn của người bạn tù với Jeannette nghe sao mà đắng chát!? Tại sao, có thể lãng quên cuộc đời của những con người đã thầm lặng chiến đấu, hy sinh cho lý tưởng cách mạng, cho độc lập tự do của dân tộc mà Vạn là một điển hình. Câu hỏi này có lẽ không bao giờ xưa cũ ở một đất nước mà những cuộc chiến tranh vệ quốc luôn là sự chọn lựa của định mệnh dân tộc. Bởi nói như luật sư Thành: “Lịch sử cần những tiếng hô xung phong, những bước chân rầm rập nện xuống đường phố nhưng cũng cần đến sự im lặng và hy sinh trong bóng tối” (tr.275, t.1) Và “Năm tháng trôi qua, sự lãng quên đã vùi lấp bao số phận con người.” trong đó có cuộc đời của Vạn. Vậy mà, ở Vạn điều ấy, không bao giờ anh nghĩ đến. Bởi, với anh không có chuyện nhớ và quên, được và mất mà chỉ có sự dâng hiến cho lý tưởng mà cả đời anh, cha anh cũng như bao người con đất Việt khác đã hy sinh máu xương cho sự tồn sinh của tổ quốc. Và những ý nghĩ cao đẹp này đã được thể hiện trong những trang nhật ký Vạn để lại cho Jeannette trước khi từ biệt cõi đời mà anh vô cùng yêu quí:“… Vậy đó, anh vẫn không thôi hy vọng vào một tương lai tươi đẹp. Cuộc sống này vẫn đang được xây nên bằng những viên gạch của nỗ lực con người, có cả những viên gạch lót đường mà anh và em là những người được lịch sử chọn lựa. Vâng, chúng ta đã đi qua chiến tranh với những vết thương giấu kín từ bên trong của mỗi số phận con người.” (tr.439, t.2)

Và cùng với Vạn, Jeannette cũng là sự lựa chọn của lịch sử, khi cuộc đời Jeannette luôn gắn với quá trình hoạt động cách mạng của Vạn như định mệnh. Đây là sự lựa chọn trớ trêu, nghiệt ngã, của lịch sử nhưng lại là một tất yếu của những người hoạt động nội đô trong chiến tranh cách mạng. Với nhiệm vụ được giao, trong vai trò người giúp việc cho một bà chủ Pháp, Vạn tìm gặp Jeannette để tạo cơ sở hoạt động. Nhưng rồi khi gặp nhau “Vạn lạnh người dự cảm cuộc đời anh không tách rời người con gái sinh ra trong thế giới dường như không dành cho cuộc chiến tranh khốc liệt này” (…) “Nàng sinh ra để được yêu thương và nâng niu, như một cánh hoa mỏng manh.”(tr.409, t.1) Anh nhận ra sức nặng của niềm tin cách mạng và kháng chiến ở Jeannette đang đặt nơi anh. Anh hiểu Jeannette “vì tình yêu mà đến với cách mạng.” Và đây chính là cội nguồn sức mạnh để Jeannette hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao phó dù phải hy sinh tính mạng của mình. Qui luật này là điều bình thường trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc và đã được Jeannette chia sẻ một cách thành thật: “Đời người phụ nữ, yêu và được yêu, thật đáng sống. Jeannette thầm nói với chính mình… Và cô đang sống những ngày thật đáng sống. Hạnh phúc khiến cô đi qua những tình huống nguy hiểm một cách thần kỳ, không hay biết dưới sợi dây căng bắt qua hai bến bờ hạnh phúc là vực thẳm của khổ đau và nước mắt. cơn lốc thời cuộc đang bắt đầu trỗi dậy, đang tiến đến gần cô và người cô yêu thương.” (tr.420, t.1) Và rồi, cũng như Vạn, cơn lốc của lịch sử trong cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập tự do và cơn lốc của tình yêu và thân phận đã biến “Jeannette trở thành một chiến sĩ binh địch vận trong đường dây chi đội 12 thật nhẹ nhàng, không có gì là ghê ghớm như lúc khởi đầu cô e dè, hoài nghi.” (tr. 420, t.1) Mặc dù, cô biết rằng: “ Bước qua bờ sông bên kia là một thế giới khác” Thế giới hoàn toàn đối nghịch với thành phần xuất thân của cô của gia đình cô, là “cảm giác phản bội lại người cha nuôi Joseph, ngài tổng thuế ba miền Đông Dương đã hết lòng yêu thương cô. Dù muốn hay không trong con người cô, dòng máu của người Y- Pha – nho và Philippin mang quốc tịch Pháp đang chảy tràn một nửa” (tr.422, t.1) Nhưng rồi, những gì cô đã chứng kiến trong đời mình khi thấy “những người con gái vô tội bị lính Pháp hãm hiếp, những người dân Việt Nam bị dồn vào tù tội, cái chết. Cảm giác ăn cắp tuổi thơ của Vạn khi cha anh bị những người Pháp tra tấn cho đến chết” (tr.422, t.1) nên cô đã lựa chọn con đường làm cách mạng cùng Vạn để góp phần nhỏ bé có thể của mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc, giành hạnh phúc cho đồng bào mình. Mặc dầu nàng biết “mình đi cùng Vạn là không còn có thể sống cùng gia đình ruột thịt của mình nữa. Hoặc là cô bị những người thân của mình từ bỏ, hoặc là cô phải từ bỏ họ.”(tr.422, t.1) Rõ ràng, đây là một lựa chọn hiện sinh, khi  Jeannette dám phá vỡ qui luật của cái hệ thống mà cô là một phần tử. Nhưng đó cũng là sự lựa chọn của số phận, của lịch sử. Vì vậy, Có thể nói, sự lựa chọn của Jeannette là sự lựa chọn đầy “lãng mạn”. Bởi, Jeannette đến với cách mạng không phải với cái lý lịch của một người nghèo khổ, để hy vọng ngày cách mạng thành công sẽ thoát cuộc sống đói nghèo mà Jeannette đến với cách mạng từ tình yêu của mình dành cho Vạn, một người cộng sản như chính cô đã xác quyết với Dược sĩ Cao: “Ông kinh ngạc vì tôi là người mang quốc tịch Pháp lại yêu một tay Việt Cộng sao?! Nhưng đó là sự thật. Tôi rất yêu anh ấy. Tôi không thể sống mà không có anh ấy”(tr.505, t.1). Có lẽ, đây là điều thú vị của tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy mà Trầm Hương gửi đến người đọc, để chứng minh rằng con đường đến với cách mạng không phải bao giờ cũng xuất phát từ lòng căm thù đế quốc, phong kiến như văn chương cách mạng xưa nay đã phản ánh mà nhiều khi, người ta đến với cách mạng từ những lý do rất riêng tư, rất lãng mạn và trong trường hợp này là tình yêu giữa Vạn và Jeannette, một tình yêu lạ lùng không dễ vượt qua, khi một người “con gái của thực dân” lại đi yêu một cán bộ Việt Minh có cha bị Pháp giết. Đây cũng là một cái nhìn mới của tư duy tiểu thuyết thời kỳ đổi mới. Và từ điểm nhìn này, nhà văn đã kiến tạo một kiểu tái hiện lịch sử dân tộc đi từ số phận của cuộc đời nhân vật chứ không đơn thuần chỉ miêu tả hiện thực lịch sử qua những sự kiện, những chiến công, những hành động anh hùng như cách viết trước kia trong văn học. Chính vì vậy, cũng viết về đề tài chiến tranh, cách mạng nhưng cảm hứng sử thi không phải là cảm hứng chính trong tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy mà điều ám ảnh trong tiểu thuyết này là cảm thức về thân phận con người với những nỗi buồn, niềm đau, sự cô đơn, những hạnh phúc và khổ đau, những vinh quang, cay đắng và những được, mất trong cuộc đời của các nhân vật qua những biến cố của lịch sử dân tộc và cũng là những biến cố của cuộc đời mỗi con người. Đây cũng là một giá trị phổ quát của văn xuôi thời kỳ đổi mới mà Trầm Hương đã tiếp nối một cách sáng tạo từ cảm hứng của các tác phẩm viết về đề tài chiến tranh và cách mạng như: Thời xa vắng (Lê Lựu), Ăn mày dĩ vãng(Chu Lai), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Bến không chồng (Dương Hướng)… Vì thế, Trong cơn lốc xoáy, dù không có các pha gay cấn của những “cơn bão” tình, không có các trường đoạn đậm “mùi sex” của những cuốn tiểu thuyết diễm tình nhưng vẫn hấp dẫn và lôi cuốn người đọc bởi nghệ thuật dẫn chuyện tinh tế, giàu cảm xúc, dung lượng các chương ngắn, kết cấu chặt, dồn nén sự kiện. Vận dụng thủ pháp đồng hiện, nhà văn đã đặt các biến cố cuộc đời nhân vật trong dòng xoáy của lịch sử để luận giải những bước ngoặt trong số phận của họ khá thuyết phục như khi miêu tả về cuộc sống của Vạn và Jeannette trong những ngày tham gia kháng chiến ở chiến khu:“Đi cùng Vạn Jeannette học cách trải nghiệm hạnh phúc từ những điều hoang sơ, giản dị của cuộc sống. Ở lại bưng biền, bên bờ Bắc Mỹ Thuận, Jeannette cùng Vạn qua đêm trong chiếc nóp, một loại túi ngủ chống muỗi được đan bằng những sợi lát của lực lượng kháng chiến. Thức giấc giữa đêm khuya, Jeannette rơi vào trạng thái không trọng lượng, quên cả không gian, thời gian. Chợt vòng tay ôm chặt của Vạn đưa cô về thực tế. Giọng Vạn thì thầm bên tai cô: “Dù có xảy ra vấn đề gì, bất cứ điều gì, đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu của anh. Không bao giờ, Không bao giờ. Em hứa nhé!” (tr.423, t.1) Còn đây là một tình huống rất hiện thực mà cũng rất lãng mạn chỉ có trong chiến tranh: “Tiếng đạn chiu chíu đuổi theo. Cách cô không xa, những đóa hoa sen trúng đạn, tan tác những cánh hoa. Vạn đè sấp cô xuống xuồng, lấy người che chỡ cho cô. Chiếc xuồng xoay tròn, chao đảo trên cánh đồng sen. Vào lúc ấy, Jeannette thầm nghĩ: “Nếu được chết lúc này thật hạnh phúc!?” (tr.424, t.1) Bởi chính Jeannette đã từng cật vấn Vạn để khẳng định tình yêu và lẽ sống mà cô đã lựa chọn để dấn thân, khi chấp nhận theo Vạn, tham gia kháng chiến: “Phải em sinh ra trong nhung lụa nhưng em cũng có một trái tim biết yêu công lý, biết rung cảm trước lòng nhân hậu, biết phản kháng trước bất công. Nhưng em là người Pháp nên em không thể đi cùng anh sao?! Được yêu và sống bên người mình yêu là điều khó khăn không tưởng sao?! Tại sao mơ ước nhỏ nhoi của người phụ nữ lại là điều xấu xa nhất?! Bao nhiêu câu hỏi vò xé lòng em. Em phải biết sống như thế nào đây?!”(tr.456, t.1) Phải chăng, tình yêu của Jeannette đối với Vạn là “một trong những sự thật kỳ diệu của kháng chiến” (tr.426, t.1) Chính sự kỳ diệu này là cơ duyên tạo nên sự hòa hợp lạ lùng giữa thù hận và yêu thương. Và điều này đã làm nên sức mạnh của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đó là sức mạnh của sự hòa hợp dân tộc, một nhân tố không thể thiếu để làm nên chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do mà qua tiểu thuyết này, Trầm Hương muốn chia sẻ với người đọc: “Đêm ấy, đứa con trai của người cộng sản chết dưới bàn tay bạo tàn của quân Pháp đã ôm lấy đứa con gái của một tên thực dân trong vòng tay cường tráng, đã yêu cô bằng tất cả sự dồn nén, cuồng nhiệt. Họ đến với nhau, hòa làm một, tất cả mọi khái niệm đều biến mất, chỉ có tình yêu thương giữa hai con người cô đơn, đang cần nhau, tìm thấy nhau trong mỗi con người. Đêm ấy họ đã kể cho nhau nghe mọi điều. Người con gái và người con trai từ những xuất phát điểm rất khác nhau, số phận đã xô đẩy họ đến với nhau, cùng hòa vào nhau trong những giọt nước mắt…” (tr.429, t.1)

Và cứ thế, những biến cố của cách mạng, của lịch sử được nhà văn thể hiện qua những suy nghĩ, tâm tư, cảm nhận của nhân vật về số phận của đời mình. Ta hãy nghe lời tâm sự của hai anh em Jeannette và Louis khi bất ngờ họ gặp nhau trong mật khu kháng chiến. Jeannette ngước nhìn Louis nghẹn ngào kể: “Chính vì sự tàn bạo của người Pháp đã đưa em đến đây gặp anh. Em không có khái niệm mình là người Pháp. Em được sinh ra ở Thủ Đức, mới mở mắt chào đời đã nhìn thấy hàng dừa, đọt rau muống. Rồi mẹ Luisa đưa em đi…  Rốt cuộc chính sự tàn nhẫn của những người trong gia đình đã xô đẩy em đến những bến bờ không định trước. Em đã phải làm vợ một sĩ quan tình báo Nhật để cứu cả gia đình. Nhưng em lại bị chính gia đình ruồng bỏ. Khi đi với Việt Minh, cũng có nghĩa là em phải từ bỏ gia tộc mình…” (tr.431, t.1) Còn Louis thì trầm ngâm trước những biến động của lịch sử và cuộc sống:“Cơn lốc xoáy còn đẩy chúng ta đi đến đâu nữa, anh cũng không biết. Nhưng trong lúc này, anh không có gì để hối tiếc khi có mặt trong chiến khu, được phục vụ trong chính phủ Hồ Chí Minh.”(tr.431, t.1) Và như lời Dược sĩ Cao nói về Jeannette, “Cô gái bé nhỏ này còn phải bị nhấn chìm vào cơn lốc xoáy cuộc đời đến đâu nữa.” (tr.529,t.1) Thế nên, trong những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, Jeannette đang ở Pháp nhưng quyết định về Việt Nam, chỉ với một điều vô cùng đơn giản nhưng thiêng liêng vì “Sài Gòn là một phần máu thịt cuộc đời bà. Trong sâu thẳm, bà mong ngày cuối cùng cuộc chiến sẽ đến”, để gặp lại Vạn. Vì “Số phận đẩy họ xa nhau, quăng họ vào cơn lốc xoáy cuộc đời, từ hai phía, để gần lại nhau, chạm vào nhau ở cái mốc lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975, ở hai đầu cầu của số phận. Họ gặp lại nhau, niềm hạnh phúc vở òa thành nước mắt, pha lẫn nỗi đắng cay. Họ ôm nhau khóc, không còn gì để cho nhau. Một người đàn ông bị biến dạng sau mười lăm năm ở tù Côn Đảo. Một người đàn bà không còn vú, không còn tử cung. Họ chỉ còn nước mắt…” (tr.322, t.2).

Chiến tranh thật tàn nhẫn, nó đẩy bao số phận con người vào những cơn lốc cuộc đời mà người ta không thể nào đoán định được. Nó cũng cướp đi của mỗi người những điều mãi mãi không tìm lại được đó là những “vết thương sâu” mà Trầm Hương với sự tinh tế, nhạy cảm của nhà văn đã dự báo: “Sau chiến tranh, người ta dễ dàng thấy được những người tù, những thương binh mất đi một phần thân thể nhưng những vết thương sâu trong cuộc đời mỗi con người thật khó nhìn thấy ở vẻ ngoài tưởng chừng như lành lặn. Không ai nhìn thấy cuộc đời của Jeannette bị rách từng mảng. Những vết thương sâu ấy hành hạ bà cho đến cuối đời.” (tr.336, t.2) Và đây cũng là điều trăn trở của Jeannette mỗi khi nghĩ về Vạn: “cuộc đời của mình và anh ấy bị quăng quật trong cơn lốc xoáy của thời cuộc. Để rồi cho đến giờ, nhìn càng thấy thương anh ấy. Đời anh ấy không có một ngày vui, thì tại sao mình không được sống cùng anh ấy trong tâm tưởng khi anh ấy không còn.” (tr.459, t.2) Vì vậy, cuộc đời của Jeannette mãi mãi gắn chặt với cuộc đời của Vạn như một định mệnh. Nhưng đó không chỉ là định mệnh của riêng hai người mà đó là định mệnh của cả một dân tộc trong những cơn lốc xoáy, lốc xoáy trong thân phận mỗi người và lốc xoáy của lịch sử dân tộc.

Một điều không thể không nói đến trong tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy đó là số phận những người phụ nữ. Ngoài hình tượng trung tâm là Jeannette, người đã gắn bó với Vạn như một sự lựa chọn của định mệnh, còn có những người phụ nữ khác mà số phận của họ cũng là một phần đời của Vạn, nếu không nói đến cũng là một sự lãng quên đáng tiếc. Bởi, như Vạn đã xác quyết “Lịch sử của dân tộc Việt Nam luôn nương tựa vào những người phụ nữ đẹp.” (tr.411, t.1) Đó là hình ảnh của Hai Mân, mẹ của Vạn, người phụ nữ cả một đời chịu thương chịu khó, hy sinh cho chồng con, chỉ ân hận một điều là không hiểu được nhiệm vụ cách mạng cao cả của chồng nên có lúc đã hiểu sai và hành xử không đúng với chồng. “Nghe tin chồng bị bọn Pháp tra tấn đến chết, chị vô cùng hối hận, đau đớn. Chị ân hận vì đã không hiểu được chí lớn của chồng, đã không sớt chia gánh nặng quốc sự lại còn chì chiết ghen tuông, hờn dỗi anh. Chị đã từng muốn nổ tung cơn giận khi thấy anh ngập ngừng muốn nói gì đó với chị rồi lại thôi. Nay thì anh vĩnh viễn không nói với chị điều bí mật ấy nữa.” (tr.35, t.1) Đó là hình ảnh Huệ, con của vị Đô trưởng Sài Gòn, một quan chức cao cấp trong chính quyền thực dân “được nhà nước Pháp cho nhiều bỗng lộc” (tr.145,t.1) vậy mà khi được nhóm học sinh yêu nước của Trường Pe’trus Ký, mời ký vào bản kiến nghị “đòi xóa những bất công trong nhà trường, lồng vào đó đòi trả tự do cho những người bạn bị bắt” (tr.145, t.1) Huệ đã xác quyết với Vạn về sự lựa chọn của mình: “Dù ba em là ai đi chăng nữa thì em là người Việt Nam. Người Việt Nam có quyền yêu Tổ quốc mình. Đừng gạt em ra ngoài. Em xin anh đó!” (tr.146, t.1) Hay việc Huệ dành tình yêu đầu đời cho Vạn, một học sinh nghèo lại có cha hoạt động Việt Minh đã hy sinh vì thực dân Pháp tra tấn cũng là một vẻ đẹp hiếm thấy của tình yêu, khi trong cuộc đời không thiếu những người xem tình yêu như một thứ để bán mua, trao đổi. Không những thế, sự lựa chọn cái chết của Huệ, khi từ chối cuộc hôn nhân với một người Pháp giàu có để giữ trọn tình yêu với Vạn và tình yêu đối với tổ quốc vì không muốn mình trở thành một kẻ phản bội dân tộc càng cho thấy vẽ đẹp tâm hồn của Huệ mà lá thư Huệ viết cho Vạn trước khi giã từ cõi sống là một minh chứng: “Em chọn cái chết vì đó là giải pháp thanh thản hơn khi phải sống và chịu đựng. Em luôn sống trong đau khổ khi bị dằn xé giữa chữ hiếu và chữ tình…. Em biết anh có những rung cảm về em nhưng anh đã cố kiềm chế và chừng mực với em, bởi anh không bao giờ muốn đi đến tận cùng tình cảm của anh dành cho em, bởi em có một lỗi lầm không thể tha thứ được “Con gái của một quan chức khét tiếng chống cộng sản”” (tr.195, t.1); Hay hình ảnh cô Tím bán than dám vượt lên giới hạn của đạo đức và tuổi tác để trao tình yêu và mong được chăm sóc Vạn như một “người vợ” nhưng đã bị Vạn từ chối. Vậy mà, cô ấy vẫn yêu thương và lo lắng, nuôi dưỡng Vạn trong những lúc ốm đau, cô độc ở những ngày cuối đời, để rồi Vạn chua chát nhận ra: “Ôi, lý tưởng hoài bão, ước mơ vá biển lấp trời của ta rốt cuộc đều thua cuộc trước thực tế đàn bà. Không có cái thực tế ấy đôi cánh chim bằng thế là bị cắt rụng. Những người đàn ông không thể sống thiếu đàn bà. Ngay cả lúc này đây, nếu không có con Tím bán than, mình chết chắc. Ào một cái, cô biến mãnh đất đầy rác thành nhà, thành vườn rau. Cô ta cắt rau muống nuôi heo, đào ao thả cá… Cô ta giúp mình có thêm tiền để mua những viên thuốc trị bệnh phổi mà đồng lương hưu của ta không kham nổi. Ôi đàn bà!” (tr.421, t.2)

3. Phải chăng những điều trăn trở của Vạn đã khẳng định vẻ đẹp của những người phụ nữ đã gắn bó với cuộc đời của Vạn như định mệnh của số phận mà không có họ Vạn sẽ không làm được điều gì cho dân tộc, cho cách mạng. Thế nên, cùng với Vạn, với Jeannette, những phụ nữ hiện hữu trong tiểu thuyết là những người không được phép lãng quên. Đây cũng là điều người đọc cần thấu cảm để từ đó hiểu hơn thông điệp mà Trầm Hương đã xác quyết khi viết tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy đó là: Viết để chống lại sự lãng quên. Vì mọi sự lãng quên, nhất là lãng quên lịch sử và số phận những con người đã làm nên lịch sử của dân tộc là một lỗi lầm không thể tha thứ… Vì vậy, điều mà tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy của Trầm Hương đã chạm đến trái tim, đến tâm cảm người đọc như một sự ám ảnh của vô thức và tâm linh cũng chính là ở đó. Và đây cũng là thành công của tác giả nhìn trong bối cảnh của tiểu thuyết hiện nay nói chung và tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh cách mạng nói riêng. Song, cuộc sống không có gì là hoàn hảo, tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy của Trầm Hương cũng không là ngoại lệ. Vì vậy, nếu ở tiểu thuyết này, nhà văn tỉnh hơn một chút, tinh hơn một chút, biết chọn lọc chi tiết đặc sắc trong kiến tạo hình tượng nhân vật, để dung lượng của tiểu thuyết bớt dàn trải hơn, sức khái quát cao hơn, tính triết luận sâu hơn, ngôn ngữ trau chuốt hơn thì sẽ hấp dẫn hơn đối với người tiếp nhận. Và như thế, tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy của Trầm Hương không chỉ chống lại sự lãng quên đối với sự hy sinh của những con người đã lặng lẽ, âm thầm dâng hiến đời mình cho lịch sử dân tộc mà còn “chống lại sự lãng quên” trong tâm thức người đọc với chính tiểu thuyết này vì những giá trị nó đến cho người tiếp nhận hôm nay và mai sau…

______________________

* Những dẫn chứng trong bài trích trong tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy của Trầm Hương, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2016. (Tác phẩm đạt giải A Tiểu thuyết cuộc thi sáng tác về đề tài Cách mạng và Kháng chiến (giai đoạn 1930 -1975) do Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng năm 2015)

Trần Hoài Anh – (Nguồn: Tạp chí NV&TP)

(Đăng lại từ Vanvn.net)

Exit mobile version