Thứ Năm ngày 14 tháng sáu năm 2012 vừa qua, nhà văn Pháp gốc Liban, Amin Maalouf, đã được đón tiếp trọng thể dưới mái vòm hoành tráng của viện Hàn Lâm Pháp. Năm 2011, ông đã được bầu vào chiếc ghế bỏ trống của cố nhà văn Claude Lévi-Strauss.

Trước ông, với sự hòa hợp và phát triển song song hai ngôn ngữ và hai nền văn hóa Pháp – Arập, vào năm 2006, viện Hàn Lâm Pháp đã từng đón tiếp nữ văn sỹ chuyên viết tiểu thuyết gốc Algérie: Assia Djebar, nhân vật đầu tiên của xứ Malgreb (Bắc Phi) được bầu vào Viện Bất tử.

Ông là nhà văn người Pháp gốc nước ngoài thứ năm được bước vào địa điểm huyền thoại này, nơi mà từ lâu vốn chỉ là pháo đài dành cho những người Pháp, trước khi hé mở cho các văn sỹ có gốc ngoại quốc. Lần đầu tiên vào năm 1983, dành cho thi sỹ – Tổng thống (Sénégal) Léopold Sédar Sengor. Sau đó nơi này tiếp tục đón nhận Hector Bianciotti gốc Argentine, François Cheng gốc Trung quốc.

“Tôi đem theo mình tất cả những gì mà hai tổ quốc của tôi đã cho tôi: nguồn cội, ngôn ngữ, cách phát âm, niềm tin vào chính mình, những ngờ vực, và hơn tất cả là những ước mơ của tôi về sự hòa hợp, về sự tiến triển và tồn tại song phương…” đó là lời tâm tình của tân thành viên viện Hàn lâm Pháp trước các đồng sự của mình.

Cuộc đời và sự nghiệp

Sinh tại Beyrouth, nhưng những năm tháng đầu đời của Amin Maalouf lại diễn ra ở Ai Cập, quốc gia này đã đón nhận ông ngoại của thành viên Hàn lâm tương lai. Khi quay trở lại Liban, gia đình ông đã sinh sống trong một khu phố của những người thích di cư ở thành phố Beyrouth, nhưng thường đi nghỉ vào mỗi mùa hè ở Machrah, một ngôi làng thuộc Mont-Liban vốn là cái nôi của dòng tộc Maalouf.

Cha của ông là phóng viên rất nổi tiếng của Liban, đồng thời cũng là một thi sỹ và họa sỹ, xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm nghề giáo viên và giám đốc các trường học. Tổ tiên ông là người Công giáo nhưng sau này đã chuyển sang đạo Tin lành vào giữa thế kỷ XIX.

Mẹ ông xuất thân từ một gia đình có dòng dõi nói tiếng Pháp và theo Công giáo, thuộc một chi họ đến từ thành phố Istanbul, và thành phố này đã trở thành biểu tượng trong những cuốn tiểu thuyết sau này của Amin Maalouf, thành phố duy nhất được nhắc đến trong mỗi tác phẩm của ông.

Nền văn hóa di cư và “thiểu số” trong sự nghiệp sáng tác của ông có lẽ giải thích một phần nào đó do sự di cư qua nhiều quốc gia mà cuộc đời nhà văn đã trải qua, và do cái cảm giác luôn luôn thấy mình là kẻ ngoại bang: Công giáo trong thế giới người Arập, hoặc người Arập trong thế giới Tây phương.

Học đường tuổi hoa niên của nhà văn diễn ra tại Beyrouth trong một trường dòng của Pháp, trường Notre Dame de Jamhour. Những tác phẩm đầu tiên mà cậu bé Amin ngày ấy đọc thì được viết bằng tiếng Arập, nhưng những ý định thầm kín viết văn của mình thì cậu lại viết ra bằng tiếng Pháp, thứ tiếng mà đối với cậu ngày ấy là “ngôn ngữ tối”, để đối nghịch với “ngôn ngữ sáng” là tiếng Arập.

Thời sinh viên ông nghiên cứu xã hội học và khoa học kinh tế tại trường Đại học Beyrouth Saint-Joseph, và tại đây ông gặp Andrée – nữ giáo viên chuyên ngành mà sau này trở thành vợ ông vào năm 1971. Sau đó ít lâu, ông trở thành nhà báo viết cho tờ nhật báo chính của Beyrouth, tờ An-Nahar. Tại báo này ông viết những phóng sự về chính trị thế giới.

Cuộc nội chiến ở Liban bùng nổ vào năm 1975 buộc gia đình ông phải lui về làng Mont-Liban. Amin Maalouf nhanh chóng quyết định rời khỏi Liban để đến Pháp vào năm 1976. Vợ con ông cũng đến đất nước này vài tháng sau đó. Tại Pháp, ông tìm được chân phóng viên cho một tạp chí kinh tế. Những tác phẩm văn chương đầu tiên của ông đã được gửi đi mà không có hồi âm. Chỉ đến năm 1981 thì ông mới ký được một hợp đồng xuất bản cho cuốn Những cuộc viễn chinh dưới cái nhìn của những người Arập (Les Croisades vues par les Arabes), và sẽ được xuất bản vào năm 1983. Sách của ông từ đây bắt đầu được đông đảo bạn đọc Pháp biết đến. Cuốn Léon, chàng trai châu Phi (Léon l’Africain) xuất hiện vào năm 1986, và kể từ đó ông quyết định dành hết tâm huyết cho văn chương. Sau đó là cuốn Samarcande, cuốn tiểu thuyết viết về cuộc đời của thi sỹ và bác học Omar Khayyam, người xứ Perse (thuộc Iran bây giờ) và cuốn Những khu vườn ánh sáng (Les jardins de lumière) về nhà tiên tri Mani, đây có thể nói là những nhân vật được nhà văn coi là một bộ mặt quan trọng của các cuốn tiểu thuyết dã sử của ông lấy cảm hứng từ phương Đông.

Thế kỷ đầu tiên sau Béatrice (Le premier siècle après Béatrice), xuất hiện năm 1992, là một tác phẩm tiểu thuyết huyễn tưởng, mang một quan điểm lo lắng về tương lai của nền văn minh.

Năm 1993, ông đoạt giải Goncourt cho tác phẩm Mỏm núi ở Tantos (Le rocher de Tantos) trong đó ông miêu tả những miền đồi núi của Liban trong thời thơ trẻ của ông mà ông vốn lui về ở ẩn cả nhiều tháng liền trong năm để mơ mộng viết những trang văn đầu tiên.

Tác phẩm Những cung bậc của phương Đông (Les échelles du Levant) xuất bản năm 1996, đây là lần đầu tiên ông nói về cuộc chiến tranh ở Liban, mà chính nó đã buộc ông viễn xứ. Đất nước Liban từ đây sẽ bắt đầu trở thành một chủ đề càng ngày càng hiện hữu trong sự nghiệp văn chương của Amin Maalouf. Năm 1998, ông cho xuất bản cuốn truyện ký thứ hai của mình: Những danh phận bị tổn thương (Les identités meurtrières), nhờ tác phẩm này, ông đã đoạt giải thưởng Giải Truyện ký châu Âu Charles Veillon vào năm 1999.

Sau đó ông bắt đầu thử sức viết kịch bản cho opéra, với vở Tình yêu từ xa (L’amour de loin) cùng với nữ soạn nhạc người Phần Lan Kaija Saariaho. Vở opéra này được dàn dựng vào tháng tám năm 2000 cho Liên hoan ở Salzbourg. Nhân dịp chuyến trình diễn quốc tế của mình, ông đã được đón tiếp và chúc mừng bởi một lượng khán giả đông đảo và những bài phê bình khả quan đầy thiện chí. Sự hợp tác của ông với Kaija Saariho còn tiếp tục và đã cho ra đời ba vở opéra nữa, trong đó vở cuối cùng có tựa đề Emilie, sáng tác và dàn dựng năm 2010 tại Nhà hát Opéra ở thành phố Lyon.

Cuốn tiểu thuyết cuối cùng Cuộc dạo chơi ở Baldassare, (Le périple de Baldassare) xuất bản từ năm 2000. Bởi từ thời gian đó, nhà văn dành thời gian để viết truyện ký Nguồn cội (Origine) vào năm 2004, và Sự lệch hướng của thế giới: Khi các nền văn minh của chúng ta cạn kiệt (Le dérèglement du monde: Quand nos civilisations s’épuisent) xuất bản năm 2009.

Ngoài ra ông còn sáng tác rất nhiều tác phẩm, thuộc các thể loại khác nhau.

Trong những năm 2007-2008, ông đã chủ trì một nhóm nghiên cứu và bàn luận về chủ đề đa ngôn ngữ cho Cộng đồng châu Âu, và đã đưa ra một bản báo cáo chi tiết có tựa đề: “Một sự thách đố bổ ích: Tính đa ngôn ngữ sẽ có thể củng cố châu Âu như thế nào”.

Những cuốn tiểu thuyết của Amin Maalouf được đánh dấu bởi kinh nghiệm của ông trước cuộc nội chiến và tình trạng nhập cư. Chúng được khắc họa rõ nét bởi hình ảnh những đám dân di cư lang thang trên các miền đất lạ, các ngôn ngữ khác nhau và những tôn giáo khác nhau. Ông phẫn nộ trước cách cư xử của loài người khi muốn khẳng định mình thì thường xuyên đi kèm với việc phủ nhận người khác. Là một nhà nhân đạo, Amin Maalouf tin chắc rằng con người ta vẫn có thể trung thành với những giá trị bản lai được thừa hưởng mà không nên nghĩ sẽ bị đe dọa bởi những giá trị bản lai của người khác. Trong một bài trả lời phỏng vấn với tạp chí La vie, ông nói: “Tôi không từ chối nguồn cội của mình, tôi được sinh ra trong một truyền thống và tôi quyết giữ gìn và duy trì nó”. Chính mối quan hệ với đất nước mình, cộng đồng mà trong đó ông đã sinh ra và lớn lên, với một tôn giáo mà ông đã gắn bó, sẽ cho phép ông chiêm nghiệm sâu xa về phương Đông. Và nước Pháp (tổ quốc thứ hai của ông) mà ông cũng vô cùng yêu mến, nhất là ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ mà ông đã chọn để sáng tác các tác phẩm của mình. Trong thanh kiếm bất tử của ông (biểu tượng của thành viên Hàn lâm Viện), chúng ta cũng nhìn thấy hình ảnh một Cây thông tuyết và một Marianne, điều đó như một minh chứng cho lời nói của ông.

Các giải thưởng đã nhận:

1986: Giải Tình bằng hữu Pháp – Arập cho tác phẩm Léon, chàng trai châu Phi.

1988 Giải của giới Báo chí cho tác phẩm Samarcande

1993: Giải Goncourt cho tác phẩm Mỏm núi ở Tanios

1999: Giải Truyện ký châu Âu Charles Veillon cho tác phẩm Những danh phận bị tổn thương

2004 Giải Địa Trung Hải cho tác phẩm Nguồn cội

2000 Giải Jacques Audiberti – ville d’Antibes cho tác phẩm Cuộc dạo chơi ở Baldassare

2010: Giải Prince des Asturie des lettres

Ảnh hưởng và cảm hứng sáng tác:

Tân thành viên Viện Hàn lâm thổ lộ rằng ông chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của Thomas Mann, Albert Camus, Lev Tolstoi, Marguerite Yourcenar, Charles Dickens, Stefan Zweig cũng như từ Omar Khayyam và thơ ca Arập.

Nếu như tài năng kể chuyện của Amin Maalouf khiến ta nghĩ đến Ngàn lẻ một đêm, thì nội dung truyện của ông được họa tiết trong một kiểu hoàn toàn nhân đạo và hiện đại, hòa điệu âm vang giữa quá khứ và hiện tại, vừa chung vừa riêng, vừa là tự truyện vừa là tiếng nói chung của cộng đồng. Mặc dù những tác phẩm của ông mang đầy tính triết lý sâu xa, nhưng chúng lại cận kề cuộc sống, dễ đọc. Các tác phẩm của ông đã xuất bản hàng trăm ngàn bản và được dịch ra hơn hai mươi thứ tiếng trên thế giới.

Paris 19 tháng sáu 2012

HIỆU CONSTANT

(Sưu tầm và giới thiệu)

Exit mobile version