Tôi chưa bao giờ giỏi toán, hay cứ nói thẳng ra là, tôi chưa bao giờ thích học toán. Tôi thậm chí chẳng có lấy một lần được điểm tốt ở bộ môn này khi còn đi học. Vì vậy, tôi cũng không biết làm thế nào để phân chia được 3% hay 26 %. Đó là lý do tôi tìm đến Internet để hoàn thành bài nghiên cứu của mình. Như hầu hết mọi người đã biết, 3% là ước tính sơ bộ số lượng trung bình các bản dịch từ ngôn ngữ khác sang tiếng Anh trong một năm. 26% là tỷ lệ tác giả nữ được công bố trong các bản dịch so với tổng số.

Khi làm việc với văn chương, điều quan trong hơn nhiều so với những con số là giá trị tượng trưng của nó. Những phát hiện bất thường thúc giục chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu. Trong bốn năm qua, sự hiện diện của phụ nữ trong những tạp chí lớn hay những đánh giá sách vẫn chiếm một con số khiêm tốn. Trang web Vidaweb.org đã thực hiện một số thống kê của họ trong hầu hết các ấn phẩm văn học tại Hoa Kỳ và Anh quốc. Kết quả được đưa ra thật sự rất ảm đạm. Mặc dù phần lớn độc giả của tiểu thuyết là phụ nữ, nhưng tác giả nữ vẫn là một con số vô cùng khiêm nhường so với nam.

Một tuần trước Hội chợ sách London thường niên năm nay, tôi đã quyết định phải xác nhận rõ ràng về những gì mà tôi luôn nghi nghi hoặc hoặc trong những năm làm việc với tư cách là một tác giả dịch văn học. Tôi muốn biết con số cụ thể giữa nam và nữ trong văn học dịch. Tôi bắt đầu ngồi xuống trước máy tính của mình và chọn ra bốn chỉ số cơ bản làm cơ sở cho việc điều tra chính thức. Một cơ sở dữ liệu và ba giải thưởng văn học, đó là những gì mà tôi tìm được.

Cơ sở dữ liệu về dịch được biên soạn bởi Thư ngỏ (Open Letter Books) tại Đại học Rochester, New York. Trong hai năm qua, phụ nữ chiếm 26% tiểu thuyết hay thơ ca được xuất bản tại Hoa Kỳ.

Trong giải thưởng dành cho sách dịch xuất sắc nhất, cũng theo Thư ngỏ, trong ba năm qua, phụ nữ chiếm 17% ở vòng sơ khảo, 21% trong tổng số tiểu thuyết và thơ ca kết hợp.

Đối với giải thưởng PEN dịch, trong hơn hai mươi năm qua, chỉ có 3 phụ nữ giành được giải thưởng, chiếm 15%.

Cuối cùng là giải thưởng Independent Foreign Fiction (IFFP) dành cho những tiểu thuyết gia độc lập người nước ngoài, trong ba năm qua, phụ nữ chiếm 13% số sách ở vòng sơ khảo và 16% trong danh sách rút gọn. Và, chỉ có duy nhất một nữ tác giả đã từng giành được giải thưởng này kể từ khi nó được thành lập vào năm 1990.

Phát hiện liên quan đến IFFP là một điều đáng tiếc, đồng thời, nó cũng là một trong những vấn đề được bàn luận một cách sôi nổi tại Trung tâm văn học dịch của Hội chợ sách London năm nay. Sẽ thật thiếu sót khi vắng bóng các tác giả nữ trên các danh sách rút gọn của các giải thưởng. Nếu như họ không được đề cập đến trong các danh sách ấy, dù còn rất rụt rè, tôi cũng sẽ nâng cao cánh tay của tôi lên và yêu cầu một lời giải thích.

Thật may mắn là câu hỏi của tôi đã được đưa đi. Các thành viên hội đồng, trong đó có Boyd Tonkin – nhà phê bình và biên tập viên của Independent, Gabriel Josipovici – tiểu thuyết gia, nhà phê bình và lý luận văn học người Anh, Elif Shafak – tác giả người Thổ Nhĩ Kỳ, cùng tất cả các thành viên trong ban giám khảo của giải thưởng đồng ý luận bàn về câu hỏi được đưa ra trên một diện tổng quát. Bà Shafak đã ngay lập tức chỉ ra sự thiếu hụt của người phụ nữ với một chút gay gắt. Tuy nhiên, vẫn không ai có thể cung cấp một lời giải thích chính đáng.

Vấn đề không phải ở những con số hay danh sách, mà nằm trong tiến trình gia nhập. Nữ tác giả dịch văn học đang ở đâu? Tại sao lại không có họ trong các bản dịch tiếng Anh? Hai phần ba các tác phẩm được đề cử cho giải thưởng IFFP có bản gốc là của tác giả nữ. Vậy thì tại sao lại không có nhiều nữ dịch giả dịch những tác phẩm này? Có phải đơn giản là vì phụ nữ ít hơn so với nam giới trong việc viết bằng những thứ tiếng như Na Uy, Urdu, Hy Lạp hiện đại? Hay phụ nữ thì khó được nhận xuất bản? Hoặc phụ nữ thì khó để có thể đạt được những danh tiếng hay sự công nhận ở một số quốc gia, đặc biệt là trong thế giới văn chương?

Tôi nhớ mình đã từng tìm kiếm một cách vô vọng tại Paris trong một vài năm trước đây. Tôi cố tìm một người nào đó từ ban biên tập của Tạp chí văn học Lire để phản ánh về việc vắng bóng phụ nữ trên các trang viết của họ mà không được. Trong khi đó, tại bất kỳ cửa hàng sách nào của Pháp, tỉ lệ giữa số lượng sách của tác giả nam và nữ lại có vẻ khá cân bằng.

Bao nhiêu phần của sự việc này là do vô thức, thiếu tự nguyện trong vấn đề bình đẳng giới? Có phải lý do phụ nữ ít có khuynh hướng gửi bài, viết đánh giá và sáng tác tiểu thuyết hơn nam giới, là nguyên nhân? Hay đây chính là điều minh chứng cho thái độ gia trưởng trong một số quốc gia đối với nữ giới?

Có phải các nhà xuất bản ở Anh và Mỹ chỉ miễn cưỡng nhận tác phẩm của các dịch giả nữ? Tôi đã làm việc chăm chỉ trong suốt những năm tháng đời mình. Tôi đã dịch 17 cuốn sách của các nam tác giả và 20 cuốn sách của các nữ tác giả. Theo kinh nghiệm mà tôi có qua thời gian đó, phần lớn các cuốn sách dịch của phụ nữ không được nhận bất cứ một đánh giá nào, thậm chí là cả trên Amazon, cũng không có bất cứ một quảng cáo nào dành cho họ, ngay cả trên Facebook. Sách dịch hiếm khi nhận được đánh giá, nhưng một số tác giả nam mà tôi dịch lại được những tờ như New Yorker hay New York Times gật đầu cái rụp.

Hội trường của Trung tâm văn học dịch năm nay tại Hội chợ sách là một giảng đường nhỏ với ghế gỗ. Tôi, một thành viên trong ban hội thẩm phần dịch, nghiêm túc lắng nghe cuộc phỏng vấn với Dasa Drndic, một nữ tác giả có mặt trong danh sách rút gọn của IFFP. Vậy là cũng có một nữ tác giả, dù chỉ là một nữ tác giả duy nhất trên danh sách. Dasa Drndic đã đọc cho tôi nghe một trích đoạn được thiết lập trong Chiến tranh thế giới II, khu vực thảm sát và hỗn loạn ở vùng biên giới giữa Italia và Nam Tư, trong cuốn sách của bà. Đó là một văn bản tuyệt vời. Bạn sẽ không thể phủ nhận điều đó khi tiếp xúc với nó.

Tôi đã đến để gặp Dasa ngay sau cuộc phỏng vấn. Chúng tôi nói về thực tế Dasa là tác giả nữ duy nhất, và rằng nếu bà thắng cuộc, bà sẽ là tác giả đầu tiên trong giải thưởng. Dasa Drndic đã nói vui với tôi rằng, bà đã nghĩ đến việc tới lễ trao giải với một bộ vec cài nơ đỏ và một bộ ria mép cũng cũng nên! Tuy nhiên, chiến thắng đã đến với Gerbrand Bakker, một nam tác giả người Hà Lan với tác phẩm Đường vòng (The Detour).

Vũ Thị Huế (theo Book Trust)

———

*Alison Anderson sinh ra trưởng thành tại bờ Đông, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cuộc sống của bà không dành cho nơi này. Phần lớn thời gian của Alison là ở Châu Âu như Thụy Sĩ, Pháp, Anh,… Bà là người thông thạo ba ngôn ngữ Anh, Pháp và Nga. Là người có đam mê lớn đối với văn học, Alison dịch rất nhiều tác phẩm. Bà đã trở lại Hoa Kỳ sau 20 năm sống ở nước ngoài. Công việc của Alison Anderson, ngoài dịch thuật còn giảng dạy tiếng Anh và sáng tác.

(Văn nghệ số 25/2013)

Exit mobile version