Vi Thùy Linh – giữa những quyền lực của lời (1)
Những phát ngôn của các chủ thể khác về Vi Thùy Linh: Như chúng tôi đã chỉ ra trong phần tổng quát, những lời này có nhiều sắc điệu, diện mạo. Do tính đa dạng, phong phú của những phát ngôn này, chúng tôi đặt tất cả dưới sự kiểm soát của hai giả thuyết (đã nêu) như là một ngầm định cho sự phân loại. Hai dòng lời này không tách bạch, có khi chân tướng của phát ngôn này lại được dấu dưới một hình tướng phản trái với nó và ngược lại.
Những phát ngôn về lời ngoài thơ của Vi Thùy Linh
Chúng tôi chú ý đến những bài viết có tính chất bao quát, xác định rõ được đối tượng là lời ngoài thơ của Vi Thùy Linh mà không phải là những diễn giải nhằm minh họa cho phê bình thơ. Trong ý thức đó, chúng tôi nhận thấy Trần Thiện Khanh là người có được những suy tư bao quát và khá công tâm. Bài viết Vi Thùy Linh và một kiểu tư duy về lời của Trần Thiện Khanh là một khảo sát nghiêm túc về phát ngôn ngoài thơ của Vi Thùy Linh. Có nhiều vấn đề đặt ra trong bài viết như: Vi Thùy Linh thực sự không đem lại cái gì mới mẻ cho thơ ca trên phương diện chất liệu, tư duy của Vi Thùy Linh, đề tài mà Linh quan tâm… Bài viết thành thật chỉ ra: “lời của Linh hay bị hơ quá lửa” vì thế người đọc có cảm giác nóng gắt khi tiếp cận. Tác giả bài viết cho rằng Vi Thùy Linh có “một tư duy đa phức” nên chị không thuộc về một trật tự nào. Vấn đề này cần phải được xem xét kĩ lưỡng và có sự quy chiếu cụ thể hơn. Bởi lẽ, tư duy thông thường và tư duy thơ là hai phạm trù không đồng nhất. Tư duy của Vi Thùy Linh trong phát ngôn ngoài thơ – dù có là một diễn dịch nào đó về tư duy thơ của chị cũng không đáng tin cậy bằng chính những biểu hiện từ văn bản thơ. Sau đó Trần Thiện Khanh lại tiếp tục chỉ ra Vi Thùy Linh “thực sự mang trong mình một kiểu tư duy thơ hiện đại”. Đây là điều làm chúng tôi băn khoăn và dừng lại lâu hơn cả trong quá trình đọc bài viết của anh. Thế nào là kiểu tư duy thơ hiện đại? Tính hiện đại được nhìn nhận từ góc độ nào? Phải chăng “Linh cố gắng vận động để tư duy cũ tiêu trầm đi” chính là Linh mang tư duy thơ hiện đại? Điều đó không phải là một hệ luận có thể suy ra từ nhau. Điều tâm đắc nhất chính là tác giả bài viết đã cho rằng nghiên cứu Vi Thùy Linh nên “bàn tới một tinh thần cải tạo thi ca, đan xen trong những nhận xét về vấn đề cá tính, tư tưởng của chị… liên hệ với những rào cản của văn hóa, của xã hội… không nên tin nhiều vào chữ… vì trên thực tế, ngôn ngữ không chỉ thể hiện tư tưởng mà còn xuyên tạc tư tưởng”. Nhưng ngay ở đây, ta đã thấy dường như Trần Thiện Khanh đã dự cảm được điều Linh chưa có, chưa đạt đến trong thơ – và có lẽ cũng đã làm ẩn hiện những giới hạn của cây bút này. Tất cả những diễn giải của Trần Thiện Khanh đều dựa trên những phát ngôn ngoài thơ của Vi Thùy Linh, chính vì thế nó cũng chỉ mới là những khả thể. Lời giải vẫn nằm trong thơ của thi sĩ.
Có một điều dễ nhận ra là xung quanh những hiện tượng thơ trẻ, gây tranh cãi đa chiều trên báo chí và các phương tiện truyền thông, các nhà phê bình, nghiên cứu danh tiếng hàng đầu dường như vẫn chưa lên tiếng. Một thực trạng khá phổ biến đó là giới phê bình dường như không để ý hay mặc nhiên thừa nhận quyền lực được lên tiếng thay thế của lời ngoài thơ. Lời thơ và lời ngoài thơ, dù có mối quan hệ khăng khít, tương thông bao nhiêu cũng không thể đại diện cho nhau. Các luận điểm của các nhà phê bình được triển khai dựa trên hệ thống luận cứ thiếu uy lực chính ở chỗ này. Khi cần một dẫn chứng cho quan niệm nghệ thuật, kiểu tư duy thơ, xúc cảm thẩm mĩ, những vùng mĩ cảm ưu trội, những hướng vận động của mạch thơ, thể loại… nhà phê bình sẵn sàng trích ngay một lời ở ngoài thơ – dạng một “tuyên ngôn” mà không cố gắng tìm những lời nghệ thuật trực tiếp biểu tỏ những quan niệm, tư tưởng ấy. Khoảng cách giữa lý thuyết, tuyên ngôn và thực tiễn sáng tác là điều bất kì ai trong chúng ta cũng có thể hình dung ra. Và đó là chỗ mà Vi Thùy Linh bị hệ lụy. Người ta không đọc thơ chị, không hiểu, không đồng cảm với chị, nhưng vẫn có thể viết và bình luận, tản mạn, mạn đàm về Vi Thùy Linh bởi những diễn dịch của chị về thơ và những gì xung quanh nó – dạng dao hai lưỡi mà chúng tôi đã nói tới ở trên. Người ta nhớ đến Dạ Đài bởi tuyên ngôn của nó hơn là các thực hành thi ca mà nhóm tạo dựng nên từ nền tảng lý thuyết ấy. Dù sao, những tuyên ngôn đã thể hiện một thái độ sống, một ứng xử giữa cuộc đời của kẻ mang tâm hồn thi sĩ.
Những phát ngôn về thơ Vi Thùy Linh
Trong hướng đón nhận, động viên, ngợi ca, tôn vinh thơ Vi Thùy Linh, ta có thể điểm ra đây những tên tuổi: Nguyễn Trọng Tạo (cuối tập Khát, tái bản 2007), Nguyễn Huy Thiệp (Hiện tượng Vi Thùy Linh), Trần Đăng Khoa (Đọc lại Vi Thùy Linh), Vũ Mão (Lời giới thiệu Đồng Tử), Phạm Xuân Nguyên (Người “tận lực tham ô tuổi trẻ” để sống thơ), Thanh Thảo (Một ước mơ dữ dội: làm mẹ), Dương Tường (nhận định đầu tập Đồng Tử), Nguyễn Việt Chiến (Thơ Vi Thùy Linh cơn cuồng lưu từ những mê-lộ-chữ), Nguyễn Đăng Điệp (Màu yêu trong đồng tử thơ Linh), Lưu Khánh Thơ (Vi Thùy Linh phiêu du cùng “Phim đôi tình tự chậm”), Chu Văn Sơn (Vi Thùy Linh thi sĩ ái quyền), Văn Giá (Vi Thùy Linh – Những trận bạo động chữ), Thụy Khê (Vi Thùy Linh, nhục cảm sáng tạo), Trần Thiện Khanh (Vili là ai?), Nhã Thuyên (Thơ nữ: giới là một vấn đề), Nhụy Nguyên (Tìm tòi và cách tân một lối thẩm thơ), Nguyễn Thị Mai Anh (Luận văn Thạc sĩ: Thơ trẻ Việt Nam đương đại qua 3 tác giả Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly)… Trong các phát ngôn này, những lời của Nguyễn Trọng Tạo, Vũ Mão, Thanh Thảo, Dương Tường, Hoàng Hưng, Trần Đăng Khoa, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Việt Chiến, Nhụy Nguyên… chủ yếu mang tính chất động viên, khích lệ, ngợi ca và tôn vinh. Người đọc hình dung về Vi Thùy Linh từ những lời này là một nữ thi sĩ trẻ, có ý thức cách tân mãnh liệt trong thơ ca, một hiện tượng đầy sáng tạo, một nguồn thi cảm dào dạt và khả năng biểu đạt mới lạ, một tinh thần dấn thân vì nghệ thuật, vượt lên là một người lĩnh xướng cho thi đàn đương đại Việt Nam. Với những lời ấy, người ta thấy không ai có thể vượt qua Linh được nữa. Những động viên, đón đợi rất đáng quý, những ưu ái dành cho Linh thể hiện sự trân trọng của cộng đồng đối với hiện tượng thơ này. Tuy nhiên, những phát ngôn dường như chỉ được kiến tạo dựa trên ấn tượng chủ quan cộng với rất nhiều tưởng tượng, liên tưởng của những tâm hồn nghệ sĩ “đồng điệu” dạt dào xúc cảm mà chưa có sự kiểm soát của một lý trí khoa học nghiêm túc. Sự minh chứng cho những nhận định hào nhoáng, bóng bảy hầu như không có. Những cấu trúc mạch lạc, với các luận điểm, luận cứ lớp lang, bài bản cũng chưa được triển khai, các phát ngôn dừng lại ở dạng “tản mạn”, “mạn đạm” hoặc bình giải thơ. Phần lớn các bài viết này chú ý đến việc định danh, định vị cho Vi Thùy Linh trong thi đàn đương đại, nhưng lại quên đi thao tác quan trọng nhất là sự bảo chứng từ thực hành nghệ thuật của chị. Bởi thế, người đọc chưa dám tin vào những nhận định có phần cảm tính của các nhà thơ, nghệ sĩ trên. Nếu đặt những phát ngôn này vào hai giả thuyết như đã nêu, người ta không khỏi giật mình, bởi trong viên kẹo ngọt có khi ẩn chứa những mê ảo khiến chúng ta quên đi chân tướng của sự việc.
Xem xét những phê bình về thơ Vi Thùy Linh, chúng tôi nhận thấy diễn giải của Chu Văn Sơn, Văn Giá, Thụy Khuê, Lưu Khánh Thơ, Trần Thiện Khanh, Nhã Thuyên… là những phát ngôn quan trọng, có thể níu giữ niềm tin về một giá trị nào đó từ hiện tượng thơ này.
Im lặng theo dõi, đọc và suy ngẫm về thơ Vi Thùy Linh hơn mười năm qua, mặc cho bao nhiêu lời ca tụng, tán dương, mặc cho bao lời thị phi, biếm trích về Vi Thùy Linh, Chu Văn Sơn vẫn lặng im. Dư luận đã lên tiếng về tính trạng “phê bình không có trọng tài”. Trọng tài phải là người biết luật. Và dường như thi đàn vẫn chờ đợi những lời có ý nghĩa phân xử về thơ Linh. Tháng 9/2011, Chu Văn Sơn trình làng công trình phê bình Vi Thùy Linh thi sĩ ái quyền trên Tạp chí nghiên cứu văn học. Đây là một sự lên tiếng cần kíp và chính danh trên một tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín. Sẽ có người chưa bằng lòng với những gì Chu Văn Sơn trình hiện, tuy nhiên theo chúng tôi, đây là một bài quan trọng, một bài lớn trong đời Vi Thùy Linh. Nhìn về những bài phê bình mang dấu ấn của sự kết hợp Ấn tượng – Thi pháp học – Phong cách học của Chu Văn Sơn mà gần đây nhất là Vi Thùy Linh thi sĩ ái quyền ta có thể hình dung ra mô hình nghiên cứu – phê bình của nhà nghiên cứu này. Bằng việc phát hiện ra cấu trúc tam vị nhất thể trong thi giới của một nhà thơ trữ tình, Chu Văn Sơn phăn lần, phân tích, tổ hợp và phục dựng những điểm hội tụ tỏa sáng thi giới. Tam vị đó là cái tôi trữ tình – người tình – thế giới. Nếu chỉ dựa vào ba điểm ấy để thâm nhập một thế giới nghệ thuật thì hẳn những lời của Chu Văn Sơn sẽ không tránh được sự lặp lại giản đơn những người đi trước. Lấy kiểu tư duy làm lõi cốt, lấy “tư tưởng nghệ thuật” làm nền tảng quyết định quan niệm về “chất thơ”, xoáy vào những phương tiện biểu đạt có tính ưu trội (ở tác giả này có mà tác giả khác không có hoặc ít nổi trội) đó là những thao tác trong tư duy phê bình của Chu Văn Sơn. Tuy nhiên, để hình thành cấu trúc mang tính chỉnh thể của thế giới nghệ thuật, điểm quan trọng chính là Chu Văn Sơn nhìn thấy mối quan hệ xoắn bện, hữu cơ giữa cái tôi trữ tình – người tình và ngoại giới. Người tình về thực chất là một đối ảnh của cái tôi trữ tình. Nhân quần, ngoại giới là những đối ảnh của cái tôi cá nhân, và chính cá nhân là một đối ảnh của người tình, ngoại giới. Cách làm việc của Chu Văn Sơn là khảo sâu vào văn bản, đọc ra những thông điệp thẩm mĩ từ ngôn từ nghệ thuật. Thơ Vi Thùy Linh đã được đọc một cách cẩn thận, cảm xúc được đặt dưới sự kiểm soát của suy tưởng nên có độ tiết chế cần thiết. Vi Thùy Linh thi sĩ ái quyền được triển khai trên 5 điểm mấu chốt: 1. Để được đón đợi; 2. Nữ quyền hay ái quyền; 3. Giữa vườn địa đàng… ; 4. … thèm đế chế yêu; 5. Dệt tầm gai thành thơ. Phần 1 như là một sự “dẫn khởi” về hành trình hiện hữu của Vi Thùy Linh trong nền thơ ca đương đại Việt Nam. Phần 2 đi sâu vào tư tưởng nghệ thuật của nhà thơ. Phần này tác giả bài viết minh định “chú ý thẩm mĩ” làm nên mĩ cảm và tư duy thơ riêng biệt của Vi Thùy Linh là “Ái quyền”. Vấn đề đã được đặt ra lâu nay là Vi Thùy Linh thi sĩ nữ quyền hay thi sĩ của tình yêu… Mọi sự không đơn giản thế. Chu Văn Sơn cho rằng Vi Thùy Linh là thi sĩ ái quyền với hai lớp nghĩa có thể truy xuất: thứ nhất, quyền được yêu, được sống trong tình yêu với tất cả nội lực và phẩm tính cuồng nhiệt của mình; thứ hai, ái quyền còn là “quyền năng của tình yêu”. Đây có lẽ mới là thủ phạm gây nên cơn địa chấn ái tình trong thơ Vi Thùy Linh. Quyền năng này chi phối tất cả mọi ngõ ngách trong đời sống và cả trong nghệ thuật của Linh. Vi Thùy Linh nỗ lực hiện diện là một cái tôi bản thể khao khát sống trong tình yêu và chịu phép dưới quyền năng của ái tình. Đó là dung mạo – tinh thần của ViLi. Giữa vườn địa đàng… thèm đế chế Yêu chính là sinh quyển trong sự “mơ về” của cái tôi bản thể Vi Thùy Linh. Để kiến tạo sinh quyển ấy, Linh đã “dệt tầm gai thành thơ” bằng những “sợi máu chữ” – những cật lực cho một “tạo thiên lập địa” trong thi giới. Phê bình văn học lấy đối tượng cụ thể nhất là tác phẩm văn học, không quên có những tham chiếu từ mọi diễn biến xung quanh một hiện tượng. Tuy nhiên, tác phẩm ngôn từ vẫn là trung tâm để soi chiếu và suy ngẫm, diễn giải. Vi Thùy Linh thi sĩ ái quyền cho thấy cách làm phê bình rất nghiêm túc, với những tư duy riêng biệt của Chu Văn Sơn. Không xủng xẻng những khái niệm, thuật ngữ, không nặng nề những lý thuyết, học phái, không ồn ào chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ… Chu Văn Sơn trình hiện tinh chất của mình từ những nung luyện bền bỉ, nghiêm túc, cho thấy độ chín trong việc lĩnh hội các chủ thuyết cũng như khả năng tư duy độc lập làm nên sinh lộ của riêng mình.
Cũng đề cập đến thơ Vi Thùy Linh từ góc độ tư duy và mĩ cảm – những “động hưởng” của nó, Lưu Khánh Thơ trong bài viết Vi Thùy Linh phiêu du cùng “Phim đôi – tình tự chậm” đã chỉ ra “hướng của véctơ” tinh thần trong sáng tạo thơ của thi sĩ. Với văn phong điềm đạm, tác giả nêu lên vấn đề “tổ chức bài thơ theo sự dẫn dắt của vô thức” trong Phim đôi – Tình tự chậm. Liên tưởng, tưởng tượng là những thao tác của tư duy được Lưu Khánh Thơ đề xuất nghiên cứu như là một hướng vận động làm nên trường thẩm mĩ của Vi Thùy Linh. Đây là hướng nghiên cứu, phê bình sẽ đem lại những đóng góp có ý nghĩa.
Thế giới mầu gì trong mắt Vi Thùy Linh? Bài viết Màu yêu trong đồng tử thơ Linh của Nguyễn Đăng Điệp là những phác họa ban đầu về mầu của cõi yêu cùng với cái tôi bản thể, trường chữ, nhịp điệu, thái độ tận hiến cho nghệ thuật… của thi sĩ. Trong rất nhiều diễn giải, đặt định về Vi Thùy Linh, tác giả đã tìm ra mã gen trong cấu trúc tinh thần của thi sĩ: “khát khao và hối hả – dâng hiến và chiếm đoạt – hòa hợp và sinh thành”. Nhịp điệu thơ Linh là “Cơn gió tình đồng vọng”, chữ của Linh là “cuồng phong thân người” và “yêu là động lực để tích tụ năng lượng thơ ca”. Luôn mở rộng “vùng địa chấn thơ ca”, “nâng tầm văn hóa thơ”, có ý thức trường vốn trong sáng tạo… là những hành trang để Vi Thùy Linh đi xa hơn về phía những vòm trời khác. Một bài viết ngắn nhưng quả thực đã chạm đến nhiều vấn đề mang tính bản thể của thơ. Và, Vi Thùy Linh, trong hoài đợi của Nguyễn Đăng Điệp (một Thế Lữ của hôm nay?) có thể nào là một Xuân Diệu khác đã sinh ra giữa cõi người, cõi thơ đương đại?
Với những bài phỏng vấn Vi Thùy Linh, những dẫn chứng khi bàn về thơ ca đương đại Việt Nam và gần đây trong bài viết Vi Thùy Linh, nhục cảm sáng tạo, Thụy Khuê tỏ ra là người am hiểu Vi Thùy Linh trước hết trên phương diện tâm lý một người cùng giới. Nhục cảm chính là cội nguồn sáng tạo của Linh. “Anh” là “kim chỉ nam” là ảo ảnh không bao giờ vươn tới của Linh trên đỉnh sóng cuồng si. Thơ sinh ra từ “cuộc hợp cẩn giữa tình yêu và sáng tạo, trong thống khổ và hạnh phúc”. Bài viết của Thụy Khuê tập trung vào tập Đồng tử với trọng tâm là việc truy tìm cội nguồn mĩ cảm của Linh. Khẳng định thơ Linh hay ở mảng thơ tình, cái tình đau thống thiết, rách xé hợp cẩn với cơn ngất ngây sáng tạo đã hạ sinh những vần thơ “ứa máu”. “Tình yêu trong thơ Linh là một thứ tình yêu không bao giờ đạt đích, một thứ tình chưa tìm tới bến, mà càng lao vào, càng mù mịt đơn côi. Tình yêu trong thơ Linh là thứ tình chưa thỏa, và chẳng bao giờ được thoả”. Cái tình đau đớn cũng là nguồn mĩ cảm và Linh luôn hướng tới sự “khai nhụy, nở hoa”. Đồng tử ra đời là kết quả của cuộc tình cuồng nhiệt, tuyệt vọng và thống lụy của Linh.
Cũng trong bài viết, Thụy Khuê đã có những nhắc nhở nghiêm túc đối với Linh: “Những đoạn thơ trí tuệ của Linh có nhiều câu không tự nhiên, dùng những chữ lớn mà rỗng”. Đó là một hạn chế của Linh mà ta bắt gặp khá nhiều trong thơ chị. Thụy Khuê đã chỉ ra bằng thái độ bao dung nên vấn đề vẫn được nhận thức trong sự thanh thản. Trong một bài luận khác có tính chất tổng quát (Tính văn chương trong tác phẩm văn học – Sóng từ trường II, thuykhue.free) Thụy Khuê đã có một nhận định quan trọng: “Những người viết trẻ như Nguyễn Quốc Chánh, Vi Thùy Linh… thế hệ lớn lên trong xã hội chủ nghĩa có thể chưa từng đọc Thanh Tâm Tuyền, nhưng họ đang làm thơ “kiểu” Thanh Tâm Tuyền”.
Xem chữ như là một sự hiện hữu của tinh thần thi ca, Văn Giá cho rằng thơ Linh là “những trận bạo động chữ”. Tư duy của Văn Giá hướng đến vấn đề “chữ” như là bản thể của thơ ca (Ngôn từ), từ đó nhận diện chân dung nghệ thuật của Vi Thùy Linh. Ta nhớ đến luận đề quan trọng của M. Heidegger “Ngôn ngữ là ngôn nhà của hữu thể” để thấy rằng Văn Giá có lý khi muốn phục dựng chân dung nghệ thuật của Vi Thùy Linh từ việc thâm nhập ngôi nhà ngôn ngữ của chị. Hướng đi của Văn Giá là con đường quan trọng để tiếp cận bản thể của thể loại này. Xem xét toàn bộ thơ Vi Thùy Linh, Văn Giá cho rằng: “Thơ Vi Thùy Linh bời bời những chữ, mỗi bài thơ là mỗi trận mưa lũ ngôn từ xối xả, cuồng hứng… .đó là một thứ ngôn từ trào vọt “ngùn ngụt” như đám cháy, như “bão cuốn”, một thứ hỏa diệm sơn của chữ nghĩa. Đó là những con chữ chỉ mức độ cực hạn, tuyệt cùng, mang tính cách bạo động. Chúng kết hợp và tổng lực làm nên những trận bạo động của chữ”. Trong biện giải của Văn Giá, chữ của Linh “tuyệt cùng”, “cực hạn” đó là sự hiện hữu của một “người nữ – kẻ thèm khát cái tuyệt cùng”. Phần lớn sự nghiên cứu của Văn Giá tập trung vào việc làm hiện lên dung mạo của “người nữ” này trong thơ Vi Thùy Linh. Như thế, về mặt lý thuyết Văn Giá đã khảo sát cái tôi trữ tình trong thơ Vi Thùy Linh. Đó là một cái tôi mang hai tư cách: “người tình – người mẹ”. Thực tế, trong sâu thẳm tâm lý của người nữ, “người tình – người mẹ” chính là hai tư cách mà họ khao khát nhất. Khi là một tình nhân, người nữ ấy bộc lộ đam mê tuyệt cùng của mình trong hai trạng thái “tâm tình” và “làm tình”. Điều quan trọng là Văn Giá làm phát lộ quan niệm về tình yêu của Linh “Tình yêu được là tình yêu chỉ khi mang tính thiêng liêng”. Chính quan niệm này đã đưa Linh tìm đến tư cách thứ hai “người mẹ”. Đó là hệ quả cũng rất thiêng liêng từ một tình yêu thiêng liêng. Sự đồng hiện hai phẩm tính, hai tư cách này trong cái tôi trữ tình cho thấy khát vọng bản thể của Linh hướng tới một giá trị nhân bản sâu xa. Văn Giá cũng cho rằng Thùy Linh đã hóa giải những mặt cực đoan của kiểu tình yêu thuần túy tinh thần (Platonique) và đề cao nhục dục bởi chính tinh thần hướng đến cái thiêng của ái tình.
Rất khách quan và công tâm, Văn Giá đã chỉ ra trong thơ Vi Thùy Linh những điểm chưa tiết chế về ngôn từ và cảm xúc. Đây là vấn đề giới nghiên cứu – phê bình đang quan tâm. Như ở trên chúng tôi có dịp bàn đến, có thể đây là cá tính, là “thi cách” của chị. Với thơ, sự cô đọng, tính hàm súc, dồn nén chính là nguyên lý sinh tạo năng lượng nghệ thuật. Vi Thùy Linh có những bài cô đọng, giàu năng lượng, chất thơ, nhưng cũng có nhiều bài dài dòng làm mỏi lòng người đọc, thậm chí khiến người ta không thể đọc hết một bài thơ của chị.
Bài viết của Văn Giá nghiêm túc với những đề xuất quan trọng về cái tôi trữ tình mang hai tư cách trong thơ Linh. Tuy nhiên, vẫn thấy luận đề “những trận bạo động chữ” chưa được giải quyết thỏa đáng, nhất là trên phương diện ngôn ngữ học và cũng chưa thật triệt để với việc xoáy sâu vào bản thể của thơ là “Chữ”. Vi Thùy Linh không được xếp vào những nhà thơ thuộc dòng chữ (Lê Đạt, Trần Dần, Dương Tường, Hoàng Hưng, Đặng Đình Hưng… ). Thơ là chữ, là ngôn từ nghệ thuật lấy nó làm mục đích. Chữ hay là lời, là diễn ngôn hiện hữu tinh thần thẩm mĩ của chủ thể. “Bạo động chữ” trong tư duy nghiên cứu triệt để phải là từ “chữ” hình họa chân dung cái tôi trữ tình. Tư duy về chữ không thể không bàn đến những vần đề thuộc về cấu trúc chữ (lời). Văn Giá luôn khẳng định từ đầu đến cuối ngôn ngữ thơ Vi Thùy Linh “cuồn cuộn, hừng hực, bạo động” nhưng không chỉ ra cấu trúc lời thơ biểu đạt phẩm tính ấy (nhịp điệu, tiết tấu, biên độ dao động của lời, tần suất của hình ảnh, trạng thái nơi chữ… ). Qua bài viết ta thấy tác giả đã nhấn mạnh hạt nhân của kiểu ngôn ngữ “bạo động” này là “tình”. Tuy nhiên, trên bình diện hình thức (mang tính quan niệm) sự hiện hữu tất nhiên của một trạng thái tinh thần thường trực đến vô thức có thứ ngôn ngữ riêng của nó. Điều này sẽ cần đến những bàn thảo kĩ hơn trong những bài viết khác của tác giả chăng?
Lời của những người trẻ dành cho nhau có được một nét riêng mang tính thế hệ. Điều đó ta nhận ra trong những bài Trần Thiện Khanh viết về Vi Thùy Linh. ViLi là ai? là một diễn ngôn tuân thủ quan niệm “cái chết của tác giả”. Không cần biết Vi Thùy Linh tác giả là ai, Trần Thiện Khanh chỉ chú ý đến ViLi – chủ thể phát ngôn trong thơ. Sử dụng một quan điểm của Antoine Compagnon, Trần Thiện Khanh cho rằng “ViLi là “một sinh thể bằng giấy”, nói chính xác là như vậy. Ở đây, rõ ràng Vi Thùy Linh nhà thơ buộc phải nhường “phía trước sân khấu cho sự viết, cho văn bản hoặc cho người viết, kẻ chỉ là một “chủ ngữ” theo nghĩa ngữ pháp hay nghĩa ngôn ngữ” (Antoine Compagnon). Tuân thủ luận đề “cái chết của tác giả” Trần Thiện Khanh đã phủ nhận mọi thể thức tồn tại của tác giả. ViLi chỉ là một chủ ngữ trong lời, sinh ra cùng với phát ngôn trên văn bản bằng giấy. ViLi là một đại từ nhân xưng, là một chủ ngữ theo nghĩa ngữ pháp chính là như thế.
Chúng ta biết rằng bất kì lý thuyết nào cũng có tiền đề của nó dù là sự kế thừa hay phủ nhận để xác lập một lý thuyết mới. Người ta nhận ra sự bất ổn của việc diễn giải văn chương từ những căn cứ bên ngoài tác phẩm (tiểu sử, ấn tượng, lịch sử văn hóa, xã hội học, phân tâm học…) vì thế văn bản và sự đọc lên ngôi cùng với lời tuyên cáo về cái chết của tác giả. ViLi là một sinh thể sinh ra từ văn bản, sinh ra trong sự viết, trong sự đọc. Chính Saussure đã nói : bản thân mỗi từ tự nó kêu gọi và có một trường liên tưởng. Nói cách khác, ViLi được hiện lên trong và sau khi có hành động phát ngôn. ViLi là một sinh thể sinh ra từ những liên tưởng, hình dung trong sự tự biểu hiện của từ ngữ, trong khả năng lý hội và vẫy gọi một trường liên tưởng của từ. ViLi yêu cuồng nhiệt, khát khao dâng hiến trong sự lặng lẽ quy thuộc, ViLi nữ tính và đam mê phục tùng sự thống trị của đàn ông,…tất cả đem đến cho ta một ViLi được hình dung trong tâm tưởng của người đọc, được kiến tạo từ ngôn từ. ViLi là hình tượng trong trường liên tưởng, trường thẩm mĩ, trường văn hóa của người đọc – sản phẩm của một quá trình thông diễn. “Vi Thùy Linh chỉ là một “sinh thể bằng giấy” là cách nói ẩn dụ, biểu đạt một sự ngưng đọng, bất biển, sự hoàn tất đánh dấu thời khắc của cái chết tác giả. Tác giả nằm ngoài văn bản, không còn sức chi phối tới tác phẩm khi tác phẩm đã trở thành một khách thể tinh thần có đời sống tự trị. Khi tác giả “chỉ là một “chủ ngữ” theo nghĩa ngữ pháp hay nghĩa ngôn ngữ học, một sinh thể bằng giấy, không phải một “người” theo nghĩa tâm lý học: (đó là) chủ ngữ của phát ngôn, không tồn tại trước khi có sự phát ngôn của anh ta, mà tự sản sinh cùng với sự phát ngôn này. Trong cuốn sách của Compagnon ở trang 68 (Bản mệnh của lý thuyết – Nxb ĐHSP, 2006) tác giả viết: “Vậy là tác giả nhường phía trước sân khấu cho sự viết, cho văn bản hoặc cho người viết, kẻ chỉ là một “chủ ngữ” theo nghĩa ngữ pháp hay nghĩa ngôn ngữ học…”. R. Barthes trong bài viết Nhà văn và người viết (Lã Nguyên dịch, http://lyluanvanhoc.com) đã bàn về vấn đề này. Người viết trong quan niệm của R. Barthes là một người thực hiện hành động viết, sử dụng ngôn ngữ nhằm mục đích được xác định, khoảng trắng trong văn bản không có gì cả, không có gì ngầm ẩn, ngôn ngữ không có “bóng”. Tất cả nằm trong những gì ngôn ngữ trình hiện với mục đích cụ thể (chứng minh, giải thích, giáo huấn,…). Trên tinh thần đó tôi cho rằng có thể xem Vi Thùy Linh là “người viết” còn ViLi là “chủ thể của phát ngôn” chỉ được trừu xuất nhờ thông diễn, nhờ sự đọc.
Bài viết của Trần Thiện Khanh có những ám ảnh vô thức về vấn đề giới và nữ quyền. Tuy nhiên, phát hiện quan trọng của anh mà chúng tôi cũng rất tán thành chính là “ViLi là người mang hai gương mặt: tự yêu mình và tòng thuộc nam quyền”.
Có một bài viết chúng tôi cho là khá sắc sảo về Linh đó là bài Thơ nữ: giới là một vấn đề của Nhã Thuyên (http://nguvan.hnue.edu.vn). Bằng lối văn thông minh, Nhã Thuyên đã chỉ ra những điểm cơ bản khả thủ trong thi giới của Vi Thùy Linh từ góc độ giới. Tác giả bài viết cho rằng, “Vi Thùy Linh đã cố công tạo dựng một bầu trời huyền thoại, tình yêu, xưng tụng nó với niềm tin mãnh liệt”. Từ góc độ giới, Nhã Thuyên cho rằng Linh là thi sĩ có ý thức mãnh liệt về “tính nữ” của mình. Tính nữ ấy biểu hiện trong tình yêu, trong dâng hiến, trong xác thân… Nhã Thuyên khẳng định: “Có thể nói, ý thức tính nữ trong thơ nữ Việt từ sau Đổi mới đến Vi Thùy Linh là giai đoạn chuyển động đầu tiên: phá dỡ dần định kiến xã hội lên người nữ, đòi hỏi được nói tiếng nói cá nhân, tái hiện kinh nghiệm nữ giới trong văn chương, trong điều kiện chính trị, văn hóa, xã hội thay đổi”. Xuất phát từ quan điểm giới và những chuyển động của nó trong đời sống đương đại, Nhã Thuyên “chiêu tuyết” cho nhà thơ: “Khỏa Thể trong thơ Vi Thùy Linh, không nhục dục mà thanh tân, thậm chí nhiều khi còn Đức Hạnh”. Trong bài của mình, Nhã Thuyên đã phát hiện ra những dấu hiệu của việc “tòng thuộc nam quyền” của Linh – “người phụ nữ tự đóng đinh lên cây thánh giá giới tính của riêng mình” còn người nam luôn là thánh thần. Tiếc là Nhã Thuyên không đi theo hướng này (Trần Thiện Khanh cũng đã đề cập tới). Từ góc độ giới để chỉ ra tính nữ trong thơ Vi Thùy Linh, nhưng cuối cùng Nhã Thuyên cũng đành thừa nhận: “Áp lực tính nữ của người phụ nữ Việt Nam đến cả Vi Thùy Linh cũng không thoát ra được”- nghĩa là thi sĩ vẫn sáng tạo trong sinh giới của người nữ. Tính nữ đã trở thành một thứ quyền lực gần như tuyệt đối áp chế lên tinh thần sáng tạo của Vi Thùy Linh.
Về mặt bút pháp và ngôn ngữ, Nhã Thuyên thành thật chỉ ra những hạn chế của Vi Thùy Linh. Đó là điều cần thiết trong một phê bình khách quan, tích cực. Thơ Linh nhiều lời, nhiều mĩ từ và đại ngôn. “Bút pháp thơ Vi Thùy Linh thuộc về một quan niệm thẩm mĩ đã bị vượt qua và nhất là không còn sức khơi gợi”.
Trên tinh thần chung, những lời chào đón, tôn vinh, khích lệ cho thấy những nỗ lực ghi nhận dấu ấn của Vi Thùy Linh trong nền thơ đương đại Việt Nam. Trong đó đáng kể nhất vẫn là những diễn ngôn hình hóa chân dung nghệ thuật Vi Thùy Linh (ái quyền, nữ quyền, tính nữ, tự yêu mình và tòng thuộc nam quyền… ). Cùng với đó là những phân định bước đầu về cách thức biểu đạt mĩ cảm và tư duy của Vi Thùy Linh. Thực tế, Vi Thùy Linh đã được nghiên cứu trên nhiều bình diện: ấn tượng, thi pháp học, phong cách học, ngôn ngữ học, hậu cấu trúc luận và cả phân tâm học… Kẹo ngọt cho Linh từ những lời tôn vinh, khích lệ ấy. Tuy nhiên, Linh cũng cần cảnh giác, bởi có những viên kẹo ngọt dẫn ta đi khỏi căn nhà của bố mẹ, đưa ta vào những vọng tưởng đầy hiểm nguy.
Có một mạch lời cũng mạnh mẽ không kém làm nên quyển phê bình xung quanh hiện tượng Vi Thùy Linh, đó là nhưng lời phê phán, phủ nhận, biếm trích. Tiêu biểu trong mạch nguồn này là Trần Mạnh Hảo, Chu Thị Thơm, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Trọng Bình, Trần Wũ Khang, Lê Thị Huệ, Nguyễn Mạnh Trinh, Hoàng Anh Tuấn…
Cảm nhận đầu tiên từ những bài viết này là tinh thần phê phán Vi Thùy Linh và thơ của chị. Các tác giả đã bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình, đôi khi không nhằm vào nhà thơ mà nhằm vào những lời ngợi khen, tôn vinh mà theo họ là không phù hợp. Trần Mạnh Hảo có bài Từ “thơ vọt trào” đến hội chứng khen trào vọt: “Cứ tiếp tục đanh đá, lắm lời, cứ xổ hết ra đi!”(http://vantuyen.net). Đối tượng của Trần Mạnh Hảo trong bài viết này là trường phái thơ “vọt trào, vụt hiện”. Các “thi huynh, thi đệ” của thi phái này đã thực hành lối thơ “vọt trào, vụt hiện” với nguyên lý mĩ học xuất phát vô thức, từ sự bùng nổ ngoài ý thức của con người. Phê phán Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, tác giả bài viết cho rằng những lời ca tụng mà đại diện dòng thơ “vọt trào – vụt hiện” dành cho Linh là một dạng “vọt trào – vụt hiện” đầy “vô thức”. Những lời tán dương sáo rỗng, những nhận định chung chung, những “bốc thơm” lên tận mây xanh theo Trần Mạnh Hảo là không có căn cứ. Dĩ nhiên, tác giả đã dùng một thủ thuật “bốc bùn sang ao”, đánh lận nguyên lý mĩ học của dòng thơ “vọt trào – vụt hiện” có cơ chế tạo sinh từ vô thức với lời phê bình rất cần sự nghiêm cẩn, tỉnh táo của lý trí. Từ đó, các nhà thơ của trường phái vụt hiện đã lãnh gọn cú “Hồi mã thương” – lời phê bình từ “vô thức”, phê bình không có cái đầu, vô căn cứ, lộng ngôn và sáo rỗng. Quả thật, đọc những lời của Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, có lúc người đọc ngượng thay cho Vi Thùy Linh. Điều đó sẽ được giải quyết khi các tác giả có được những luận giải cụ thể, minh bạch, có bằng cứ. Sức thuyết phục rõ ràng là chưa có từ những bài viết ấy. Trần Mạnh Hảo chỉ ra điều ấy không sai, nhưng cách anh chỉ ra cũng không kém phần “đanh đá”, cũng “xổ ra hết” nên làm cho sự tranh luận trở nên khiếm nhã. Trong bài viết Trần Mạnh Hảo tỏ ra trân trọng Vi Thùy Linh. Sự trân trọng trước hết ở tinh thần lao động và ý thức sống. Còn thơ, Trần Mạnh Hảo chưa tin, chưa thấy hay. Đó cũng là một ý kiến. Thơ Vi Thùy Linh còn phải chờ đợi một “trọng tài” phán xử. Trong lúc chờ đợi, mọi sự thái quá (khen – chê) đều cần phải hết sức thận trọng và tiết chế.
Bàn đến vấn đề nhục cảm trong thơ Linh, Chu Thị Thơm cho rằng “nhục cảm đã vượt qua con chữ”. Đây cũng là vấn đề mà dư luận lên tiếng nhiều nhất khi đọc thơ Vi Thùy Linh. Dường như không tán đồng với những ý kiến này, Nguyễn Trọng Tạo tranh biện: “Vẫn biết con người thường có những ngộ nhận, nhưng người phê bình ngộ nhận thường đưa ra những phán xét liều lĩnh đến nực cười. Tỷ dụ như với thơ Vi Thùy Linh, Hoàng Xuân Tuyền phán: “Chúng tôi không coi những ghi chép lộn xộn đó là thơ “, còn Nguyễn Thanh Sơn thì bảo, đó chỉ là “một món-nộm-thơ nhạt nhẽo”. Tất nhiên, thích hay không thích là quyền của mỗi người, nhưng đâu phải cứ phán bừa như thế thì thơ Vi Thùy Linh sẽ bị hạ thấp xuống đáy vực hay trở thành văn xuôi, mà ngược lại, nhà thơ trẻ này vẫn KHÁT, vẫn LINH, vẫn SONG MÃ nước đại “Tới vùng sa mạc ánh nhũ mặt trời xanh/ Cùng cả tham sân si đầu thai kiếp khác” (Phê bình văn chương, giải minh hay phá bĩnh, nguồn: TCSH số 151 – 09 – 2001). Trong bài viết Linh ơi! Nguyễn Thanh Sơn đã bày tỏ đầy đủ ý kiến của mình về Vi Thùy Linh. Theo tác giả, trong thơ Linh đầy những từ ngữ to tát, những đại ngôn, hàm ngôn, những diễn dịch tối nghĩa. Đó là sản phẩm của “mặc cảm chưa thành người lớn”. Nguyễn Thanh Sơn quả quyết “Dù rằng ngôn ngữ có vẻ hiện đại, chất đầy những phần mềm, cập nhật, mã hoá, nhưng không vì thế mà rõ ràng hơn, và nhất là, hay hơn”. Từ chối gọi những dòng như thế trong thơ Linh là thơ, Nguyễn Thanh Sơn hy vọng những sáng tác sau trên con đường thi ca của Vi Thùy Linh sẽ hạn chế dần đại ngôn sáo rỗng và có được những vẫn thơ chân thành, có giá trị.
Một trong những ý kiến phản đối mạnh mẽ nhất là Nguyễn Hoàng Đức với bài viết Sự khả tín, khả ngờ về “hiện tượng thơ mới – trẻ thứ thiệt. Sự phủ bác, biếm trích là tâm thế bao trùm bài tranh luận của nhà nghiên cứu này. Tác giả tỏ ra nghi ngờ “ống phóng” Nguyễn Trọng Tạo, người đã “có công” phát hiện ra hiện tượng Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải… Bài viết đặt ra vấn đề có hay không một dạng “ông Kễnh”, ông Bầu, “lăng xê” hay “dìm hàng” trong văn nghệ? Sự khẳng định đã cần có bằng cứ, phủ bác lại càng cần bằng cứ. Nguyễn Hoàng Đức đưa ra ý kiến của mình, phủ nhận Nguyễn Trọng Tạo, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải nhưng bằng cứ của anh ít ỏi quá, lại không tiêu biểu. Lý lẽ của Nguyễn Hoàng Đức không thể hiện sự tiết chế cần thiết của một người được mệnh danh là “nhà triết học”. Ồn ã và cũng xô bồ, chợ búa, Nguyễn Hoàng Đức cùng với Trần Mạnh Hảo là hai nhân vật “gay gắt” nhất trong cuộc phán xử Vi Thùy Linh. Điều đó không có gì lạ. Nguyễn Trọng Tạo, Vi Thùy Linh bản thân họ cũng đã không tiết chế, sự nhiều lời của cả đôi bên làm cho lý trí trở nên lú lẫn và chỉ có thể sử dụng những kiểu lời có tính “gây hấn” để đả kích nhau. Những lời ấy dĩ nhiên vẫn có tác dụng, nhưng giá như Nguyễn Hoàng Đức để lòng mình vào việc lý giải cái chưa được, “kỳ đức” chưa xứng với “danh xưng” trong thơ Vi Thùy Linh bằng những luận giải thấu tình đạt lý có lẽ sẽ nhiều giá trị hơn nữa.
Chú ý đến mảng thơ trình diễn của Vi Thùy Linh, Đỗ Nguyên Phong có bài Đột biến” hay “mượn đỡ” đồ cũ, đăng tải trên Website http://tienve.org. Tác giả cho rằng sự trình diễn thơ của thi sĩ “hơi rởm”. Bài Yêu ở Rome được trình diễn là một tiết mục vừa “rởm” lại vừa “mượn đỡ” của người khác. Như lời Đỗ Nguyên Phong, bài thơ ngoài việc nhắc đến cái tên tháp nghiêng Pisa cho sang không có gì đáng nói. Phần trình diễn lại mượn ý tưởng từ “các bức tranh mà Rene Magritte đã vẽ cách đây gần một thế kỉ”. Sự phê phán của Đỗ Nguyên Phong có điểm rất đáng lưu ý. Tuy nhiên, bài viết cũng chỉ mới dừng lại là những diễn dịch mang tính chủ quan, đóng góp thêm vào chuỗi dài những lời phê bình kiểu diễn dịch ấn tượng.
Cách chúng ta hơn 70 năm, Nam Cao đã từng đau đớn phán xét: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Với những hiện tượng văn học như Vi Thùy Linh, trong một sinh quyển phê bình như hiện tình, không phải không có những biểu hiện “cẩu thả” ở mức độ này khác. Những kiểu phê bình này sinh ra từ việc đọc không đến nơi đến chốn, phê bình kiểu nghe đồn… Đây không phải là trường hợp cá biệt ở phê bình về Linh mà là một “tật bệnh” đang tồn tại trong đời sống phê bình văn nghệ nước ta. Trong quá trình khảo sát những diễn ngôn phê bình về Vi Thùy Linh, những bài viết của Nguyễn Trọng Bình, Hoàng Anh Tuấn thực sự làm chúng ta âu lo…
Trong một bài viết có vấn đề đặt ra khá lớn: Một số hiện tượng văn học Việt Nam ở đầu thế kỉ XXI (http://edu.go.vn) của tác giả Hoàng Anh Tuấn, ta nhận những thiếu khuyết đến giật mình của tác giả. Phần tổng quát được trình hiện ở đầu bài viết cho thấy tri thức lịch sử văn học thế giới của Hoàng Anh Tuấn rất có vấn đề. Sự lẫn lộn các thời kì văn học, xếp cả chủ nghĩa lãng mạn thế kỉ XIX với Victo Hugo vào thời kì văn học Phục Hưng. Dẫn giải về sự phát triển của văn học Việt Nam đưa ra cả tác phẩm Phế đô của Giả Bình Ao (tác phẩm văn học Trung Quốc). Mọi sự dừng lại ở đó có lẽ chưa đến mức làm người ta “kinh tâm” về tri thức của Hoàng Anh Tuấn. Khi giới thiệu Vi Thùy Linh – gương mặt tiêu biểu cho thơ ca đương đại Việt Nam, Hoàng Anh Tuấn đã trích dẫn lại những nhận định của người khác một cách vô cùng cẩu thả. Không hiểu Hoàng Anh Tuấn lấy tư liệu và khảo sát tư liệu như thế nào mà anh đem ý kiến của Nguyễn Huy Thiệp gắn cho Dương Tường, đem ý kiến của Dương Tường gắn cho Thanh Thảo, đem ý kiến của Thanh Thảo gắn cho Nguyễn Trọng Tạo. Lẽ ra chúng tôi sẽ vứt bỏ những dạng bài viết như thế, nhưng nhận ra dạng bài viết này phản ánh một kiểu làm phê bình hời hợt, cẩu thả, đang làm suy thoái chất lượng phê bình của ta, nên cần nêu ra để cảnh giác.
Một tác giả khác cũng bày tỏ sự quan tâm đến trường hợp Vi Thùy Linh, đó là Nguyễn Trọng Bình. Trong khả năng bao quát của chúng tôi, Nguyễn Trọng Bình có ba bài viết đề cập đến vấn đề Vi Thùy Linh: Văn chương trẻ – rất cần một chiều sâu và tầm nhìn văn hóa; Thơ Vi Thùy Linh – “Những trận bạo động… tình (http://www.viet-studies.info); Thử bàn về trách nhiệm của “người đi trước” qua trường hợp Vi Thùy Linh (http://phongdiep.net). Đây là một sự quan tâm đáng trân trọng. Tuy nhiên, đọc những bài viết của Nguyễn Trọng Bình, điều còn lại sau cùng là nỗi chán chường, bực bội vì một sự “cẩu thả” trong phê bình – nghiên cứu. Các diễn ngôn bình đẳng với nhau trong quyển văn hóa đa thanh. Điều đó không sai, nhưng chán chường ở chỗ diễn ngôn ấy đang làm mất thời gian của chúng ta. Ba bài viết của Nguyễn Trọng Bình tràn ngập những lỗi sai chính tả (mới mẽ, nông nỗi, chính chắn, suồng sả, chiêu thuyết, ngọe ngậy, không chồng mà chữa, tầm ruồng… ), sai khái niệm “cái nhìn về quan niệm”, cách diễn đạt rất lủng củng, thiếu mạch lạc (Dù sao đây cũng là, nói gì thì nói, ít nhiều đã có, công bằng mà nói, thật sự mà nói, có không biết bao nhiêu là bài viết đánh giá và khen ngợi hết lời của không biết bao nhiêu nhà phê bình, nghiên cứu, nào là… rồi nào là… ), trích dẫn sai thơ Xuân Quỳnh, trích dẫn sai nhận định của Bùi Việt Thắng về truyện ngắn, nhận định về Bóng đè một cách cẩu thả, viết về Vi Thùy Linh nhưng dường như tác giả không theo dõi được sự vận động của nhà thơ trong nền thơ đương đại thời gian qua… Theo dõi ba bài viết của Nguyễn Trọng Bình, chúng tôi liệt kê được khoảng 3 trang A4 những lỗi cơ bản về tư duy và diễn đạt. Về mặt ý tưởng nghiên cứu, bài Văn chương trẻ rất cần một chiều sâu văn hóa thực ra đã được Chu Văn Sơn biện giải rất kĩ lưỡng trong bài Tác phẩm lớn-Tại sao chưa? (http://www.vietvan.vn). Bài Thơ Vi Thùy Linh “những trận bạo động… tình dưới hình thức tranh luận cùng Văn Giá, nhưng kì thực là một chiêu “tá thi hoàn hồn”. Ý tưởng ấy vẫn nằm trong mạch tư duy của Văn Giá như chúng tôi chỉ ra ở trên. Bởi lẽ, không “bạo động… tình” thì làm sao có “bạo động… chữ” đó là hai mệnh đề nằm trong một mạch tư duy không hề phân lập. Điều đáng nói hơn nữa đó là trong ba bài viết, về thời gian không xa nhau, nhưng nhận định, đánh giá của Nguyễn Trọng Bình không thống nhất. Trong một bài anh cho rằng “hiện tượng thơ” ngày nào cũng chẳng còn mấy ai quan tâm (ngoại trừ một vài người trong giới). Cây bút trẻ này đang bay cao, bay xa tới đâu cũng chẳng còn ai biết, ai hay?”. Nhận định Vi Thùy Linh chưa có chiều sâu văn hóa, cách diễn đạt chưa tế nhị, không giữ được phẩm tính Á Đông trong mĩ cảm và sự thể hiện… (Văn chương trẻ rất cần một chiều sâu văn hóa, lên trang viet-studies ngày 9.9.2010). Tuy nhiên, đến bài Thử bàn về trách nhiệm “những người đi trước” qua trường hợp thơ Vi Thùy Linh, Nguyễn Trọng Bình lại viết : “những cái mới, cái lạ về cảm xúc và ngôn ngữ trong thơ Vi Thùy Linh cũng như sự chân thành, tinh thần dấn thân sống chết với thơ của Vi Thùy Linh là điều mà tất cả chúng ta phải tôn trọng, thừa nhận và tri ân chị”. Một nhà thơ chỉ cần “mới”, “lạ”, “chân thành” cùng phẩm chất “dấn thân” nghĩa là thi sĩ ấy đã hội tụ đầy đủ những tiêu chuẩn của một thi gia ưu tú rồi. Trong bài viết này, Nguyễn Trọng Bình nhằm phê bình những lời “có cánh” tùy tiện dành cho Vi Thùy Linh. Trong suy nghĩ của tác giả, đó là những vuốt ve làm hỏng đứa trẻ. Điều đó có thật trong tình trạng phê bình về hiện tượng thơ này. Chúng tôi cho rằng Nguyễn Trọng Bình đã có suy nghĩ một cách nghiêm túc về vấn đề này và thẳng thắn nêu ra. Tiếc rằng những phát ngôn của anh lại làm hỏng nỗ lực nâng cao chất lượng phê bình của chúng ta.
Thế giới của chúng ta là sự thống nhất của các mặt đối lập. Mâu thuẫn là cơ chế có tính nguyên lý của sự tồn tại, vận động và phát triển. Bàn về vấn đề lời và quyền lực của nó xung quanh một hiện tượng thơ đương đại Việt Nam, chúng tôi muốn nêu lên tính thống nhất, biện chứng của các mặt đối lập, cũng như chỉ ra mâu thuẫn, bản chất của các tồn tại – ở đây là những tồn tại trong lời – quyền lực của tri thức, của mĩ học ngôn từ. Trong sự mô tả, lý giải và đánh giá của mình, chúng tôi cố gắng đi đến một nhận thức chung về tính “đa khả thể” của lời. Hiệu ứng tương tác trong môi trường truyền thông đa phương tiện như hiện nay là con dao hai lưỡi. Lời của Linh trong thơ và ngoài thơ cũng mang tính hai mặt, đầy mâu thuẫn. Lời ngoài thơ của Vi Thùy Linh đem đến hình dung về một người thông minh, sắc sảo, có cá tính nhưng hơi nhiều lời và ồn ã. Là con đẻ của truyền thông, Vi Thùy Linh biết tận dụng những khả thể từ công nghệ làm cho tên tuổi của mình nổi lên giữa trùng trùng những thi sĩ đang bung nở như hiện nay. Nói nhiều và xuất hiện nhiều Linh làm cho cộng đồng phải chú ý, nhưng trong đó có cả những sơ hở, dại dột từ sự nhiều lời. Những phát ngôn ngoài thơ của Linh đã được cộng đồng phản hồi, được giới phê bình mổ xẻ, đặt định. Những diễn giải có tính bổ trợ cho thơ hay cả những phát ngôn hướng tới mục đích PR đều làm hiện lên một Vi Thùy Linh như là sản phẩm ưu tú của kỉ nguyên truyền thông.
Vấn đề quan trọng mà bài viết muốn nêu lên là bản thể nghệ thuật của Vi Thùy Linh, là vị trí của Linh trong sự vận động của đời sống thơ ca dân tộc. Khảo sát thế giới nghệ thuật của Vi Thùy Linh, thâm nhập vào cõi yêu của ViLi, đi qua những mùa tình, ngắm chân dung ViLi trong đế chế Anh, cảm nhận cuộc yêu từ chữ, nghe lời tỏ tình thủ thỉ với nhịp tình tự chậm… ta nhận ra một ViLi nhiều mâu thuẫn với Vi Thùy Linh. Đúng hơn là sự mâu thuẫn như chính nỗi sợ hãi của con nhím khiến nó phải dương những chiếc gai nhọn lên ngụy tạo. Thi giới của Vi Thùy Linh không đem đến cho ta nhiều hương sắc mới. Thơ Linh vẫn là sự nối dài của thơ ca truyền thống. Trong đó, người nữ là một cái tôi lệ thuộc tuyệt đối vào quyền lực của nam giới. Vi Thùy Linh không hề có sự đột phá nào về mặt tư tưởng, nếu không muốn nói là đã nằm gọn trong mạch nguồn thi ca viết về sự quy thuộc phái tính của người nữ. Linh dứt khoát không phải là một thi sĩ nữ quyền như nhiều người đặt định. Đúng ra, Vi Thùy Linh là một nhà thơ đã tuyên xưng đến tuyệt đối giới quyền của người nam. Khi không có một tư tưởng cách tân, thơ Linh là sản phẩm của một tâm hồn đã ăn sâu vào truyền thống. Viết về tình yêu, phải thừa nhận rằng Vi Thùy Linh mạnh bạo, diễn đạt một quan niệm tự do về ái tình trong thời hiện đại. Nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở những khát khao, nhung nhớ, những trăn trở tương tư, những tự tình đắm đuối của em và Anh – những xúc cảm của con người tự ngàn xưa tới giờ. Hình thức nghệ thuật dù có được khai triển bằng một sự khéo léo và khá phong phú về ngôn từ vẫn thấy nhiều vết dấu của những người đi trước. Cùng viết về ái tình, cùng khao khát hướng tới những bản thể ngôn từ mang sức mạnh mĩ học, nhưng với những gì đã trình hiện, Vi Thùy Linh vẫn chưa thể khẳng định mình như là một giá trị mới của thời đại. ViLi trong thế giới nghệ thuật của Vi Thùy Linh vẫn là một cái tôi đầy nữ tính – đó mới là bản thể của Vi Thùy Linh mà dường như Linh không chịu thừa nhận. Chị cứ phải gồng mình lên để tuyên xưng một thứ không thuộc về mình. Linh hợp với những tâm tình thủ thỉ, với nhịp tình tự chậm trong cuộc yêu đắm đuối mà Anh dành cho. Tất cả làm hiện lên một dòng Linh vẹn nguyên chảy tự cội nguồn. Cần có nền tảng triết mĩ vững chắc, cần phải có tư tưởng nghệ thuật riêng, có những đột phá trong tư duy nghệ thuật Vi Thùy Linh mới có thể hình thành một dòng Linh khác và mới. Và như thế, chúng ta phải nói rằng, Vi Thùy Linh chưa xây dựng được mĩ học của riêng mình.
Nghĩ về phê bình xung quanh Vi Thùy Linh, “đòn roi” và “kẹo ngọt” có thể là hai hình ảnh biểu đạt được bản chất của lời trong khả năng tạo ra, áp chế một trường quyền lực lên tâm thức của Vi Thùy Linh và chúng ta. Có thứ đòn roi làm chúng ta đau đớn, nhưng cũng có khi là bài học đích đáng để ta trưởng thành. Tương tự thế, kẹo ngọt có thể là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực có khi lại là những ru vỗ, lừa mị. Những lời khen và cả những lời chỉ trích đã buông ra, hơn mười năm qua Vi Thùy Linh đã sống giữa những lời ngược xuôi như thế. Có lẽ, hơn ai hết Vi Thùy Linh là người hiểu rõ bản chất của từng lời.
Khảo xét những lời mà giới phê bình đã dành cho Vi Thùy Linh, chúng tôi nhận ra có những lời được kiến dựng một cách vội vã trên một nền tảng lý thuyết chưa thực sự kĩ càng. Nhiều diễn giải là một vọng động theo mốt thời thượng trước sự quyến rũ của những lý thuyết lạ. Trong bối cảnh hiện nay, sự du nhập ồ ạt của các lý thuyết là cơ hội để mở ra một viễn cảnh phong phú, sinh động cho đời sống phê bình văn học. Thế nhưng, có một thực tế là các lý thuyết ở ta chưa được lĩnh hội thấu đáo đã vội vã đem ứng dụng. Điều đó ít nhất dẫn đến ba hệ lụy: a. Không đem đến sự minh giải một cách thấu đáo các hiện tượng văn học, nhất là những hiện tượng phức tạp. b. Làm tổn hại đến uy tín của chính lý thuyết đó. c. Làm lạc hướng tiếp nhận của cộng đồng. Phê bình về Vi Thùy Linh là một trường hợp khá điển hình. Và cách đặt định Vi Thùy Linh là thi sĩ nữ quyền là một nhầm lẫn thể hiện sự mơ hồ về lý thuyết ấy.
Chúng ta và bản thân Vi Thùy Linh cần phải suy nghĩ về những sự im lặng. Sự im lặng của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đặt tất cả vào tình thế tự truy vấn. Vi Thùy Linh có thể chưa phải là hiện tượng đáng để quan tâm hay nhà phê bình không theo kịp sự vận động của văn học đương đại? Chuẩn mực, thị hiếu thẩm mĩ, tư duy và mĩ cảm của người sáng tác và độc giả (trong đó có nhà phê bình) có những sai biệt với nhau khiến cho hiện tượng văn học mới xuất hiện chưa có được cơ hội sinh dưỡng tốt nhất. Sáng tác – in ấn, xuất bản (sản xuất), phân phối, điều tiết, tiếp nhận và phản hồi là những vấn đề trọng yếu của đời sống văn học. Có hay không một bi kịch trong đời sống văn học của chúng ta?
Những lời đã xưng xuất đều mang bản mệnh lịch sử của nó. Nghĩa là, trong sự đắp đổi liên tục của thời gian, những lời nói đầu tiên, rất sớm (cả ngợi khen, cổ vũ lẫn phê phán tẩy chay) có giá trị báo hiệu – cảnh báo về Vi Thùy Linh là những tín hiệu “phản hồi” quan trọng để hiện tượng Vi Thùy Linh có thể tồn tại trong sinh quyển văn học đương đại (chẳng hạn những lời của Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thanh Sơn,…). Mặt khác, không thể không đặt ra vấn đề những vận động trong thời gian của các chủ thể. Những xác tín thuở ban đầu khi Vi Thùy Linh vừa xuất hiện, đến hôm nay có thể đã khác, thậm chí thay đổi hoàn toàn. Những dòng mạch của lời vì thế không hề tách biệt. Dòng sông hôm nay đã khác và chúng ta đâu còn là mình của ngày cũ nữa!
Trong một khả năng không thể truy nguyên về tính thứ nhất của tồn tại, ý thức và ngôn ngữ, thế giới xung quanh Vi Thùy Linh, bản diện của thi sĩ và những hiện hữu của dư luận… đều được tri nhận từ ngôn ngữ – chúng ta phải chấp nhận một thực tế lời đang tạo nên tất cả. Xem xét vấn đề Vi Thùy Linh – giữa những quyền lực của lời không chỉ là sự mô tả, lý giải, đánh giá những quyền lực trong lời của Vi Thùy Linh, của cộng đồng về Linh, sự hiện hữu của Linh từ ngôn ngữ, những “khuôn mặt trong đám đông” mà còn kêu gọi những lời khác (mang được quyền lực của tri thức) trong tính “khả nhiên” (Trần Đình Sử) của sự phát triển.
Nguyễn Thanh Tâm
Nguồn: vanhocquenh.vn.