Theo thông lệ, đến tháng 9, giải thưởng Hồ Chí Minh mới chính thức được vinh danh nhưng đến thời điểm hiện nay đã nóng. Giới văn chương khá bất ngờ xen bất bình khi giải thưởng cao quí đợt này để lỡ một gương mặt lớn của thi ca Việt Nam hiện đại, cố thi sĩ Thu Bồn.
Tác phẩm và nhân cách đều “ngon”
Di sản văn học Thu Bồn để lại gồm cả thi ca và văn xuôi nhưng ghi dấu ấn đặc biệt ở thi ca với tác phẩm nổi tiếng Bài ca chim Chơ – rao (trường ca, 1962). Thu Bồn có xứng đáng với giải thưởng Hồ Chí Minh không? Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam lập tức trả lời: “Tôi không biết nói gì hơn là: Xứng đáng”.
Đặt câu hỏi tương tự với tác giả “Gọi nhau qua vách núi”, nhà thơ Thi Hoàng, cũng nhận được đáp án đồng tình cao: “Thu Bồn để lại tài sản tinh thần có sức nặng, xứng đáng giải. Anh ấy là người đầu tiên đoạt giải thưởng Á- Phi với tác phẩm Bài ca chim Chơ- rao. Trong phong cách Thu Bồn có chút tráng sĩ nghênh ngang, nhưng có sao, cái nghênh ngang đó thi sĩ nào chẳng có? Nói đến tác động của tác phẩm với xã hội thì tác phẩm của Thu Bồn có tác động lớn. Những tác phẩm của anh khiến người đọc có tâm thế, tâm lí lên đường. Tư cách nhà thơ của anh như thế là “ngon” rồi, nhân cách lại quá “ngon”.
Một thi sĩ với đầy đủ sản phẩm tinh thần và tư cách sống, một thi sĩ sống cùng, đồng hành cùng với thời đại”. Nghe tin Thu Bồn lỡ giải thưởng Hồ Chí Minh, thi sĩ đất Cảng không khỏi ngỡ ngàng và phản ứng: “Không biết ban thẩm định nghĩ ngợi thế nào, tôi chưa biết dùng từ nào để diễn tả”.
Một trong những bạn văn chương thân thiết của cha đẻ “Bài ca chim Chơ- rao” cũng là người được quyền bỏ một lá phiếu trong sự định đoạt giải thưởng cao quí đợt này, nhà văn Trung Trung Đỉnh bày tỏ cảm xúc như kẻ “lạc rừng”: “Tôi cứ đinh ninh kì này anh Thu Bồn thắng to rồi”. Tưởng thế mà đâu phải thế, Thu Bồn không có tên trong danh sách để được nhận lá phiếu của bạn thân. Cố thi sĩ đã “rớt” từ vòng loại hồ sơ.
Thiếu cái gì phải bảo chứ !
Không chạm được vào giải thưởng cao quí vì tác phẩm chưa tới tầm thì miễn bình luận đằng này hụt giải chỉ vì thủ tục hồ sơ chưa đầy đủ, thật ngậm ngùi cho người đã khuất. Nhà văn Ngô Thảo, người bạn thân thiết của Thu Bồn lúc sinh thời, người luôn âm thầm tôn vinh người bạn đã khuất bằng những hình thức khác nhau (như cần mẫn làm sách cho bạn), tỏ ra buồn bã và bất bình, khi Thu Bồn bị loại. Bởi chính anh là người chuẩn bị hồ sơ cho bạn: “Thủ tục đầy đủ, sách tôi photo tôi gửi rồi, tác phẩm gửi rồi… bây giờ còn bảo thiếu cái gì nữa? Chẳng lẽ một ông bố đã chết lại làm giấy ủy quyền cho đứa con trai còn sống, mà đứa con trai ấy trí tuệ lại không bình thường ? Họ đòi khai gì thì khai rồi. Hội đồng này cứ quan liêu. Thiếu cái gì phải bảo chứ?”.
Biết tin Thu Bồn lỡ giải, Ngô Thảo đã gõ cửa nhiều vị có trách nhiệm của Hội nhà Văn Việt Nam để tìm hiểu: “Tôi hỏi văn phòng Hội thì văn phòng bảo cái này hỏi anh Khoa. Tôi hỏi anh Khoa, (Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, PV), anh Khoa bảo cái này phải hỏi ông Thỉnh (nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – PV)”. Sau rồi, nhà phê bình văn học ở tuổi ngoài 70 chán nản không buồn hỏi thêm ai nữa.
Tương tự Ngô Thảo, tôi hỏi Chánh văn phòng Hội, anh nhiệt tình nói: “Trường hợp những nhà văn lớn thì xứng đáng cả thôi song vấn đề của Thu Bồn tôi không nắm rõ, bạn có thể hỏi nhà thơ Nguyễn Hoa, người phụ trách việc này”. Tôi tìm đến nhà thơ Nguyễn Hoa thì “trái bóng” lại được đá sang nơi khác: “Mình cũng xin giải thưởng Nhà nước đợt này, mình nộp hồ sơ rồi, nên mình cũng không bén mảng đến việc người ta làm giải thưởng, qui định mà. Mình không biết gì nhiều về việc Thu Bồn, không rõ nội tình sự việc thế nào, mình có dự họp đâu, tổ thư ký người ta làm riêng, mình muốn để vô tư nên không hỏi, hỏi người ta lại nghĩ anh đi săn đuổi cái gì, cho nên bạn thông cảm hộ. Bạn phải hỏi các anh trong hội đồng, trong tổ thư kí”.
Nghe lời chỉ dẫn của nhà thơ Nguyễn Hoa, tôi lại chạy đến một người trong hội đồng, nhà văn Khuất Quang Thụy. May mắn thi sĩ Sơn Tây không đá bóng đi đâu, trả lời mạch lạc, rõ ràng: “Không chỉ riêng Thu Bồn mà tất cả những người đã khuất dự xét thì trong hồ sơ phải có giấy ủy quyền của gia đình, trong 5,7 người con thì ủy quyền cho ai, để tránh tình trạng khi công bố, gia đình người ta mâu thuẫn, kiện cáo. Nguyên tắc hồ sơ phải đủ: Phải có bản thảo những cuốn sách xét tặng, phải có đăng ký đồng ý tham gia dự giải hay không? Rồi giấy ủy quyền. Đây là vấn đề thủ tục, không có vấn đề gì cả. Hồ sơ không đầy đủ thì không đưa vào danh sách bỏ phiếu. Một số người cũng thiếu bản đăng kí, bởi họ cứ hiểu lầm bản đăng kí là đơn xin. Không phải như vậy, bản đăng kí ấy chính là đơn đăng kí tham gia dự giải, chấp nhận tất cả qui chế của cái giải ấy. Những người hồ sơ chưa đầy đủ gác lại hết, tránh mọi sự kiện cáo”.
Như vậy đã rõ, thiếu cái giấy ủy quyền, hồ sơ của Thu Bồn bị để lại, không sai về mặt lí nhưng đạt lí mà chẳng thấu tình. Cho nên không thuyết phục được nhà văn Ngô Thảo: “Trong giấy tờ thủ tục, điện thoại gia đình Thu Bồn tôi ghi rồi, điện thoại con ông Thu Bồn tôi cũng ghi rồi, người ta nghi ngờ thì gọi điện hỏi thôi. Gia đình người ta đồng ý, tôi mới đi làm chứ, thắc mắc thì anh có thể hỏi ngược lại, anh có số điện thoại cơ mà, anh chẳng thèm hỏi, anh bảo thiếu thủ tục. Thủ tục gì? Ông này đã khuất ai ủy quyền, ủy quyền cái gì? Ai đi xin? Nói cho cùng, gia đình người ta cũng chả thèm đi xin, đưa tiền giải thưởng cho người ta chưa chắc người ta đã nhận, vì những lần trước nhuận bút của Thu Bồn, bà vợ đều đưa đi làm từ thiện, bà có tự trọng của bà, bà đủ sức để nuôi con chứ không phải bà đòi tiền. Nhưng tôi nghĩ anh Thu Bồn xứng đáng thì làm hồ sơ cho anh”.
Đành rằng, thiếu thủ tục thì loại, theo đúng qui định nhưng lẽ nào, người nhận hồ sơ chỉ biết nhận như một chiếc máy, không kiểm tra xem hồ sơ còn khuyết gì? Và khi loại hồ sơ, những người có trách nhiệm không bần thần đôi chút trước những tên tuổi lớn, lại đã khuất như Thu Bồn? Liệu họ có biết rằng, hiến tặng cuộc đời cho văn chương, cho cuộc trường chinh máu và nước mắt của dân tộc, tác giả “Bài ca chim Chơ – rao” để lại cho đời hai người con đều nhiễm chất độc màu da cam. Người con đầu đã ra đi ở tuổi 16, người con còn lại hiện nay đã ở tuổi trung niên, không có khả năng làm việc hay học hành? Nếu du di cho trường hợp Thu Bồn, ai nỡ kiện?
Còn nhớ trường hợp của nhạc sỹ Phạm Tuyên, ở tuổi 82, ban đầu ông không chịu làm hồ sơ xét giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng được sự giải thích, hướng dẫn nhiệt tình của Hội nhạc sỹ Việt Nam, ông đã bỏ qua thành kiến, người tự trọng sẽ không làm đơn xin giải, vui vẻ hoàn thành mọi thủ tục hồ sơ. Và với kiến nghị của Hội nhạc sỹ Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao du lịch đã đồng ý cho phép nhạc sỹ Phạm Tuyên làm hồ sơ xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, cho dù hạn chót nộp hồ sơ đã kết thúc cách đó 9 tháng.
Nhà thơ Thi Hoàng: Tại sao để anh ấy lại, có tác động nào ngoài văn chương chăng? Còn vấn đề thủ tục, tôi thấy nói thiếu thủ tục là vô trách nhiệm với người đã mất, thiếu thủ tục thì các anh, những người chấm giải, phải lo làm cho ông ý, người ta mất rồi bảo làm đơn thì làm sao?
Nhà văn Thái Bá Lợi: Tào lao quá, thủ tục con người làm ra thì người sống khắc phục khó gì đâu?
Nhà thơ Thu Bồn tên thật Hà Đức Trọng, sinh ngày 1/12/1935, tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông mất ngày 17/6/2003 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các tác phẩm bao gồm: 5 tập thơ, 10 trường ca, 10 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn. Những tác phẩm nổi bật: Bài ca chim Chơ rao, Badan khát, Campuchia hi vọng, Chớp trắng, Dưới đám mây màu cánh vạc, Vùng sáng hỏa châu, Dưới tro, Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên…
Các giải thưởng: Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu 1965, Giải thưởng Văn học Á Phi Lotus 1973, Giải thưởng Nhà nước 2001.
Theo Nông Hồng Diệu – Tiền phong