Giới dịch thơ và mê văn học dịch từ lâu đã không còn xa lạ với cái tên Tomas Transtroemer (giải Nobel văn chương năm 2011) qua những vần thơ mang tính triết lý về sinh, lão, bệnh, tử. Ông vừa qua đời hôm 26/3 ở tuổi 84.

Sinh thời, Tomas Transtroemer là người có tình yêu đặc biệt lớn dành cho thơ, vẫn tiếp tục sáng tác thơ khi chỉ còn tay trái hoạt động sau cơn đột quỵ.

Giấu sự phức tạp trong sự đơn giản

Trong sự nghiệp thi ca của mình, Transtroemer tung ra ít tác phẩm (chỉ hơn 15 tập thơ), nhưng tất cả đều được đánh giá cao.

“Một trong những bí mật dẫn tới thành công của Tranströmer trên khắp thế giới là ông luôn viết về mọi thứ trong đời thường. Đặc điểm tiết kiệm câu chữ trong các bài thơ của ông còn thể hiện qua việc số lượng tác phẩm ông cho ra đời rất ít ỏi. Bạn có thể đưa gần hết các tác phẩm của ông vào một cuốn sách bỏ túi dài chừng 220 trang. Bạn cũng có thể đọc hết toàn bộ cuốn sách đó chỉ sau một buổi tối” – Peter Englund, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển, từng nhận xét.


Dù tung ra ít tác phẩm, Tomas Transtroemer vẫn là nhà thơ được yêu mến và có ảnh hưởng lớn ở Thụy Điển

Thơ của Transtroemer được viết bằng một thứ ngôn ngữ Thụy Điển đặc biệt thuần khiết, không hoa mỹ, kiểu cách, nhưng luôn ẩn chứa chiều sâu. “Một bài thơ điển hình của Transtroemer giấu sự phức tạp trong sự đơn giản, các từ ngữ ít ỏi của ông chứa những chiều sâu đáng kinh ngạc và dường như mọi câu chữ đều được cân nhắc cẩn thận chi li” – nhà thơ David Orr từng viết trong một bài đánh giá đăng trên tờ New York Times hồi năm 2011.

Tờ Guardian, trong bài viết tôn vinh Transtroemer khi ông giành giải Nobel Văn chương, nói rằng ông là một nhà thơ có “phong cách rất đơn giản, khiến cho việc sử dụng thêm từ ngữ trong câu thơ của ông sẽ trở thành điều thừa thãi, không cần thiết”. “Các bài thơ cho thấy một nhà thơ với khả năng chuyển tải đời thường vào tác phẩm của mình, thông qua một thứ ngôn ngữ giản dị, thông dụng. Thế giới ông nhìn thấy đôi khi thật tệ hại, ảm đạm, nhưng luôn tràn đầy hứa hẹn” – tờ báo viết.

Còn tại bài viết trên tờ Dagens Nyheter, nhà phê bình Bjoern Wiman đã ca ngợi Tranströmer vì khả năng biến đổi những chuyện bình thường của đời sống thường nhật thành sự ngạc nhiên thú vị. Wiman dẫn ví dụ là bài thơ C Major(Cung đô trưởng). Ông nói rằng đây là tác phẩm rất độc đáo trong lịch sử văn chương, do nó “vừa mô tả, vừa tổng kết niềm vui sướng thuần khiết”.

Per Waestberg, một thành viên khác của Viện Hàn lâm Thụy Điển và là bạn từ bé của Transtroemer, viết trên tờ Svenska Dagbladet rằng “các bài thơ của ông mở ra nhiều cánh cửa, vừa khiến bạn chóng mặt, nhưng cũng làm bạn thấy bình tâm”.

Được dịch ở Việt Nam 20 năm trước khi giành Nobel

Năm 80 tuổi, Tomas Transtroemer giành Nobel văn chương sau nhiều lần xuất hiện ở đề cử. Hầu hết các tác phẩm được sáng trong giai đoạn từ 1954 đến 1996 của Tomas Transtroemer đã được thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh dịch qua bản tiếng Pháp từ đầu thập niên 1990 sau đó được NXB Văn học in năm 2000 với tên gọi Toàn tập thơ. Được biết, năm 1998, Nguyễn Xuân Sanh đã sang Thụy Điển để gặp Tomas Transtroemer, cùng đàm đạo và làm sáng tỏ nhiều ý tưởng mà ông muốn chuyển sang tiếng Việt. Họ đã trở thành “hai người bạn chí thân”.

Tuy nhiên, trước Nguyễn Xuân Sanh, Diễm Châu có thể là người Việt đầu tiên dịch thơ Tomas Transtroemer, từ những năm 1980. Sau hai “tiền bối” kể trên còn có Lê Đình Nhất Lang với nhiều bản dịch khá phổ biến trên mạng hiện nay… “Những người đàn ông mặc đồ công nhân cùng màu với đất đi lên từ một cái hào/ Ðây là một chỗ chuyển tiếp, trong bế tắc, không phải đồng quê cũng chẳng phải thành phố…” – bài Vùng ngoại ô do Lê Đình Nhất Lang dịch.

Cũng xin nói thêm, trước khi đoạt giải Nobel, tác phẩm của Tomas Transtroemer đã được dịch ra gần 60 thứ tiếng.

Theo Tường Linh – Bảo Long – Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version