Những nhân vật trong Nhà giả kim đều có một điểm chung: họ đều có một ước mơ, một vận mệnh của đời mình nhưng không phải ai cũng đi theo được nó, quyết liệt đến cùng với nó.

Tiểu thuyết Nhà giả kim (The Alchemist) của nhà văn Paulo Coelho là hiện tượng văn học của thế giới.

Tiểu thuyết Nhà giả kim (The Alchemist) của nhà văn Paulo Coelho viết bằng tiếng Bồ Đào Nha xuất bản lần đầu năm 1988 tại Brazil.

Theo Sparknotes, trước khi Nhà giả kim đưa tác giả của nó trở thành tên tuổi lẫy lừng trên văn đàn thế giới, nhà văn Paulo Coelho từng trải qua một sự nghiệp viết lách không mấy suôn sẻ.

Ở tuổi niên thiếu, ông thừa nhận mình là người không dễ gần và thường sống tách biệt với mọi người. Với tính cách đó, khi ông nói với cha mẹ việc muốn trở thành nhà văn, cha mẹ đã gửi ông tới bệnh viện tâm thần và ở đó biệt lập trong suốt ba tháng.

Sau thời gian này, Paulo Coelho chiều theo ý cha mẹ, nộp đơn đăng ký học trường luật, tuy nhiên chỉ sau một năm ông bỏ học và trở thành một tín đồ hippie rong ruổi khắp nơi.

Trong thời gian đó ông xuất bản cuốn sách Hell Archives (1982) không mấy thành công và gần như đắm chìm trong thuốc phiện. Ông viết lời ca khúc cho các ngôi sao nhạc pop của Brazil thời ấy như Elis Regina, Rita Lee và Raul Seixas.

Mặc dù không thành công trong sự nghiệp viết lách, Paulo Coelho lại kiếm được rất nhiều tiền từ việc viết lời bài hát. Rất có thể ông đã tạo dựng được sự nghiệp với công việc này nhưng rồi chuyến đi tới Tây Ban Nha đã dẫn ông theo một lối rẽ khác của cuộc đời.

Nhà văn Paulo Coelho – Ảnh: Huffington Post

Bước ngoặt đến với sự nghiệp văn chương của Coelho vào năm 1982 khi ông đi trên con đường Santiago de Compostela (Con đường của thánh James) của Tây Ban Nha, một lộ trình hành hương quan trọng của những người Thiên Chúa giáo thời trung cổ.

Trong hành trình đó, Coelho có một sự thức ngộ tinh thần mà sau đó ông thể hiện trong cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình, cuốn The Pilgrimage (Chuyến hành hương) in năm 1987.

Cuốn sách đó có gây được đôi chút ảnh hưởng, nhưng điều quan trọng hơn là sau cuốn sách này, Coelho kiên định hơn với ý tưởng muốn xây dựng một sự nghiệp văn chương.

Ý tưởng về cuốn sách tiếp theo, cuốn Nhà giả kim (The Alchemist) in năm 1988 tới với ông từ một truyện ngắn viết năm 1935 của nhà văn người Argentina Jorge Luis Borges có tên Tale of two dreamers (Câu chuyện về hai gã mộng mơ).

Cũng giống như tác phẩm Nhà giả kim, truyện ngắn của Borges kể về hai kẻ mộng mơ trên đường đi tìm kho báu. Coelho bán cuốn sách của ông cho một nhà xuất bản nhỏ ở Brazil. Họ chỉ in lần đầu với số lượng khiêm tốn là 900 bản và quyết định không tái bản nữa.

http://static.new.tuoitre.vn/tto/i/s626/2015/11/05/the-alchemist-book-clubcleaned2-1446695508.jpg

Tranh minh họa trong những ấn bản Nhà giả kim trên thế giới.

Nhà giả kim chỉ thực sự đạt được thành công vang dội về mặt thị trường sau khi Coelho tìm được một nhà xuất bản lớn hơn là Rocco khi muốn xuất bản cuốn sách viết sau cuốn Nhà giả kim là cuốn Brida (1990).

Cuốn Brida được báo chí Brazil đánh giá rất tốt và với sự cộng hưởng này, Nhà giả kim mau chóng lọt vào danh sách bestseller của Brazil.

Năm 1993, nhà xuất bản HarperCollins của Mỹ quyết định in lại cuốn Nhà giả kim với 50.000 bản. Mặc dù tại thời điểm đó là con số bản in vô cùng ấn tượng, nhưng nó vẫn chưa thấm vào đâu so với thành công đặc biệt vang dội sau này của cuốn sách.

Sau khi được in tại Mỹ, Nhà giả kim được ghi vào sách Kỷ lục Guiness thế giới ở mục cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất của một tác giả còn sống. Tính tới nay Nhà giả kim được dịch sang 67 thứ tiếng (trong đó có tiếng Việt), bán được hơn 65 triệu bản trên toàn thế giới.

Cuốn sách cũng giành được nhiều giải thưởng văn chương quốc tế, trong đó có Giải thưởng sách vàng Nielsen 2004 của Vương quốc Anh, Giải thưởng Grand Prix Litteraire Elle của Pháp năm 1995 và Giải thưởng quốc tế Corine dành cho tiểu thuyết năm 2002 của Đức.

Thành công chưa từng có tiền lệ của Nhà giả kim đưa Coelho lên vị thế nhà văn của thế giới và trong số rất nhiều người hâm mộ tác phẩm của ông, có những tên tuổi độc giả đặc biệt như tổng thống Bill Clinton, ca sĩ Madonna, diễn viên, ca sĩ  Will Smith….

“Kho báu không phải là đích đến, kho báu là cả cuộc hành trình”

Chàng chăn cừu Santiago ở Tây Ban Nha, một người từ bỏ kế hoạch cha mẹ định sẵn để “đi đây đi đó”. Lúc nào cậu cũng có một quyển sách bên mình, không chỉ để đọc, mà còn để gối đầu khi ngủ.

Vào một đêm bầu trời nhiều sao sáng, cậu kê sách ngủ cùng bầy cừu trong một nhà thờ làng đổ nát, nơi có một cây dâu mọc trong phòng thay áo lễ. Trong giấc ngủ đó, lần thứ hai liên tiếp cậu mơ thấy mình được một đứa trẻ dẫn đến Kim Tự Tháp Ai Cập tìm kho báu…

Đó là nơi câu chuyện bắt đầu và cũng là nơi nó kết thúc, gói trọn chuyến hành trình “đem tất cả những gì mình có để đổi lấy một giấc mơ” của chàng chăn cừu trong 52 chương sách.

Câu chuyện ngập tràn những thông điệp từ giản đơn đến phức tạp, được nói hoặc thể hiện bởi những vĩ nhân thông tuệ như ông vua xứ Salem hay nhà giả kim, đến những người bình thường như anh bán kem, ông chủ cửa hàng pha lê, cô gái sa mạc, và cả những tên cướp ngày…

Dẫu có nhiều khác biệt, và cách bộc lộ cũng khác nhau, nhưng tất cả những nhân vật trong Nhà giả kim đều có một điểm chung: họ đều có một ước mơ, một vận mệnh của đời mình nhưng không phải ai cũng đi theo nó, không phải ai cũng đưa ra được lựa chọn giữa “một bên là những gì quen thuộc gần gũi và một bên là những gì mình muốn sở hữu”.

Santiago gặp không ít thử thách trong cuộc hành trình, nhưng với con mắt của một kẻ phiêu lưu đi tìm kho tàng, với niềm tin mãnh liệt vào những dấu hiệu tốt lành, với lòng dũng cảm, sự chân thành và quyết tâm theo đuổi vận mệnh, cuối cùng, cậu đã hiểu được ngôn ngữ của vũ trụ, học được cách trò chuyện với trái tim mình và đã tìm được nhiều hơn một kho báu. (THÁI MINH CHÂU)

Theo D.Kim Thoa – Tuổi trẻ online

Exit mobile version