Di Li – Lao động cuối tuần
Vị làng nay đã mai một đi nhiều rồi. Về quê thấy toàn nhà tầng, bữa cơm cũng chẳng còn món quê nữa, ra chợ hiếm hoi lắm mới mua được một thức về làm quà.
(Minh họa: Choai)
Nhưng về Đường Lâm, “vị làng” vốn đã đậm đà từ mùi tương đặc trưng tỏa ra từ những vại ủ giữa sân nhà, từ những vệt nắng lấp lánh thành vệt trên những sợi tóc tiên, từ mềm mại rơm rạ tời trên bánh xe lăn qua ngõ nhỏ, thì còn phải kể đến “vị làng” theo đúng nghĩa đen là vị giác.
Thứ nhất là món bánh tẻ, thường được bán ở cổng chùa Mía. Tôi không thích bánh tẻ, cái món ăn bứ miệng ấy, nhưng ngồi cái ghế đẩu bên cổng chùa mà bóc lá bánh tẻ, lại đương lúc đói, thấy cũng ngon hơn hẳn. Vừa ăn vừa thấy bình yên. Hoặc giả, mình đang nuốt cả miếng bình yên vào trong bụng, rồi thấy lòng chợt dậy lên nỗi ấm an và hạnh phúc.
Ngoài cổng chùa Mía, giống như một cái chợ, người ta bán đủ thứ quà quê, từ chuối ngự, mít mật, nhót chín cho đến các loại bánh kẹo quê, bánh gai, bánh tẻ, trứng gà và cả tương.
“Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Không biết câu ca dao này có phải được sáng tác ở đất hai vua hay không nhưng rõ ràng tương Đường Lâm ngon cũng chẳng kém tương Bần vốn đã nổi tiếng rằng tương phải đi kèm với Bần.
Người làng này cũng rất sành món cà dầm tương, củ cải dầm tương và cả thịt lợn dầm tương nữa. Tương ăn thì ngon, nhưng khi trời nắng, mọi thứ đều nhiệt tình bốc hơi, những vại tương ngoài sân luôn khiến cho khứu giác phải khó chịu, có lẽ chỉ kém khi ngồi cạnh xưởng chế pho mát hay đậu phụ nhự tí xíu thôi.
Song đặc sản ấn tượng nhất Đường Lâm không gì khác chính là chè lam. Gánh chè lam của cô Hoa nằm ngay đầu làng, đối diện đình Mông Phụ.
Thoạt đầu tôi không định nếm thử món quà quê muôn năm cũ ấy. Ba mươi năm trước có lẽ đã rất thèm thứ quà vặt con nít này, giờ thì đến chocolate Thụy Sĩ còn ngoảnh mặt, nhưng nể cô Hoa đã sốt sắng chỉ đường cho tôi vào nhà thờ, đành ngồi nán vài phút bên chiếc chõng tre đơn sơ vài thức kẹo rẻ tiền và nhón tạm một miếng chè. Rồi không kìm được nhón thêm miếng thứ hai, thứ ba.
Tôi ăn tì tì như trẻ thơ lạc bữa. Chè lam nguyên bánh to tròn gần bằng chiếc mâm. Cô chủ quán cắt thành từng miếng nhỏ rồi ngào với bột thơm nức. Khách ăn nhanh đến nỗi chủ không kịp cắt bánh. Chè lam Đường Lâm mềm, mịn, thơm và ngậy vị bột nếp, vị gừng và vị lạc. Ấy là vị làng. Miếng chè lam ngon nhất trần đời. Tôi mua hết sạch mâm chè về làm quà. Chủ hàng cắt thành miếng nhỏ rồi đóng gói nilon cẩn thận.
Tôi hỏi hết gánh hàng rồi lấy gì mà bán. Cô kêu giờ vào sân làm tiếp mẻ khác, và hứa lần sau tôi về làng dư dả thời gian cô sẽ cho xem trọn vẹn quy trình làm chè và sẽ làm bữa cho tôi ăn trưa luôn. Qua mấy bánh chè lam mà chủ khách đã thành người quen. Đường Lâm thân thiết là thế, bình yên và tĩnh lặng là thế. Đi đến đâu cũng thấy mình được yêu mến, như thể từ ngàn kiếp đã sinh ở nơi đây.
Bữa ấy là thu, tôi đã nếm đủ dư vị làng qua thị giác, thính giác, khứu giác và vị giác. Trước khi rời làng, tôi ngồi trong một ngôi nhà ngay lối đường cái gần cổng làng. Công trình này đã xây lại hoàn toàn bằng nguyên vật liệu mới nhưng vẫn theo lối cổ Đường Lâm với tường đá ong và kèo cột gỗ.
Đường Lâm nên thơ không chỉ bởi những mái đình cổ kính, bởi rải rác rơm rạ và tiếng chuông nhà thờ mà còn là ơ hờ những sợi tóc tiên xòa kín trước mỗi hiên nhà. Ngôi nhà này cũng vậy, tóc tiên lõa xõa ngăn cho nắng chỉ được dừng bước bên thềm mà thôi. Tôi tự rót nước vối từ chiếc tích ủ trong ấm giỏ, tự bật quạt rồi tự bóc kẹo lạc.
Chủ nhà thì trước khi chạy đi đâu chẳng biết đã nhắn gửi “Các bác cứ ngồi chơi”. Gian này thiết kế mở giống hệt quán cà phê, với nhiều bộ bàn ghế mây san sát trông ra vườn cây um tối. Tôi hứng làn gió thu hanh hao làm se sắt những giọt mồ hôi sau một buổi sáng du ngoạn trên những con đường làng.
Ngồi trong yên ả, thanh bình, thấy cuộc sống dường trôi chậm lại, không còn đâu nỗi sốt ruột của hàng chục e-mail giục giã những nợ nần công việc, những con đường tắc nghẽn giao thông, xe sau hối xe trước đi nhanh bằng những tiếng còi chói tai, những bụi bặm bốc lên từ đường phố và cả những lời dằn hắt của một người bán hàng ngoài chợ khi không vừa ý.
Nơi này dường không thứ gì chuyển động, không thứ gì vội vã ngoài những sợi tóc tiên thi thoảng đu đưa trong heo may và vài chú chim sà xuống sân nhặt cơm rơi. Thảng hoặc có đôi thanh niên người Âu lưng đeo ba lô chậm rãi đạp xe qua những rơm rạ. Họ đi khắp làng bằng những chiếc xe đạp thuê giá rẻ từ một ngôi nhà cổ nào đó. Kẹo lạc bỗng ngon hơn bình thường.
Cái thức quà ăn chơi bình dân bằng lạc và đường cát ấy, lại quện với thứ nước uống rẻ tiền sao mà hợp nhau đến thế. Một hớp nước vối ấm lại kèm miếng kẹo lạc giòn tan, thơm lừng vị mè trắng và đường nướng cháy.
Vị làng ngon là thế, mà không hiểu sao, cũng chè lam ấy, kẹo lạc ấy, bánh tẻ ấy, tôi lỉnh kỉnh mang tuốt về nhà, ngồi salon xem HBO ăn nó không được ngon bằng. Bỗng đâm tiếc. Hẵng để vị làng ở đúng chỗ của nó mà thôi. Ăn kẹo lạc ở ngõ làng, vị của nó còn trộn bời rơm rạ, lúa đòng và cả hương tóc tiên nữa. Dù tôi chả biết tóc tiên có mùi hay không.
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài