Nhà văn Vi Hồng (1936-1997). Dân tộc Tày. Quê quán: Đức Long, Hoà An, Cao Bằng. Giảng viên trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (sau này là Đại học Sư phạm Thái Nguyên). Ông là tác giả của khoảng 30 đầu sách, chủ yếu là tiểu thuyết (Đất bằng, Núi cỏ yêu thương, Thung lũng đá rơi, Tình yêu hai nửa, Người trong ống, Dòng sông nước mắt, Tháng năm biết nói, Gã ngược đời…) Giải thưởng chính: Giải thưởng Báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam năm 1971. Giải thưởng Uỷ ban Dân tộc Chính phủ năm 1985. Giải thưởng Nhà Xuất bản Kim Đồng 1997. Giải thưởng Nhà nước năm 2012.
Nhà văn Vi Hồng
Tôi đã được đọc Vi Hồng từ những năm cuối thập kỉ 60 của thế kỉ trước nhưng chưa được tiếp xúc với anh. Có lẽ hồi đó Vi Hồng viết chưa nhiều nên tôi cũng chỉ có trong tay vài ba truyện ngắn. Nhưng ngày ấy, chỉ cần dăm ba tác phẩm như vậy cũng đã có thể mang lại tiếng tăm cho người viết. Cuối năm 1971, thật bất ngờ, Vi Hồng và tôi được giải truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ. Ngày lĩnh giải, biết tôi người cùng tỉnh, Vi Hồng đến ngồi cạnh. Đó là một cử chỉ rất nhỏ nhưng lúc ấy với tôi lại như một đặc ân. Hồi đó, tôi đang là một anh giáo ở một trường làng xa xôi hẻo lánh mà lại về tận thủ đô, ngồi cạnh những nhà văn nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Khải, không… chết ngất là may. Được Vi Hồng ngồi “trấn an” bên cạnh thì quả cũng có phần yên tâm hơn. Sau ngày dự lễ trao giải, tôi và Vi Hồng trở thành đôi bạn vong niên. Nghe nói Vi Hồng không phải là người dễ tính trong quan hệ bạn bè, đặc biệt là những người đến vì mục đích văn chương. Nhưng không hiểu sao, đối với tôi, Vi Hồng lại có một sự cư xử rất thoải mái và cởi mở khác hẳn với mọi người. Tôi nghĩ, có lẽ do anh thấy tôi cũng có vẻ đồng cảnh với anh, nghĩa là nhiều vất vả trên đường đời nhưng lại rất say mê, cầu tiến trong văn nghiệp chăng.
Kể từ ngày ấy, in ấn được gì Vi Hồng đều tặng tôi. Về phía mình, tuy biết lối viết của tôi và anh hoàn toàn khác biệt nhưng trong thâm tâm tôi luôn coi anh là người anh trong văn nghiệp.
Về đời tư cũng như đời văn, Vi Hồng vất vả đủ đường. Câu chuyện ngày học phổ thông anh phải vượt hàng trăm cây số đường rừng để đến với trường Lương Ngọc Quyến đã được anh mô tả trong cuốn tự truyện “Đường về với mẹ chữ” (tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc Vận động Sáng tác cho Thiếu nhi 1996-1997 của Nhà xuất bản Kim Đồng, đồng thời cũng là một trong hai tác phẩm xét trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2012) làm cho người đọc sởn tóc gáy về sức chịu đựng phi thường của con người. Về đường sáng tác, nếu người không biết sẽ tưởng Vi Hồng là một nhà văn luôn thuận thảo, suôn sẻ. Không đâu. Con đường của Vi Hồng vô cùng gập ghềnh, nếu không muốn nói là có lúc tưởng như “không còn đường về quê mẹ”. Cách đây gần bốn chục năm, Vi Hồng có tặng tôi một tập truyện ngắn in chung với vài tác giả khác. Tôi đã đọc phần truyện của anh một cách kĩ lưỡng và thích thú bởi giọng văn đẹp, đầm ấm và đặc biệt là nguồn văn hoá dân gian Tày – Nùng được anh đưa vào tác phẩm một cách khá nhuần nhuyễn, mà sau này có nhà nghiên cứu đã cho rằng đó là phong cách “hiện đại hoá dân gian”. Gặp nhau tôi bày tỏ lòng khâm phục và chúc mừng sự thành công của tác giả. Tưởng anh phấn khởi, nào ngờ nét mặt anh rầu rầu: “Tôi đang bị cạo vì tập truyện ngắn ấy đấy”. Nghe anh giải thích tôi mới hiểu thì ra anh bị một vài người có thế lực nào đó ở Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Việt Bắc lúc bấy giờ, do suy diễn, định kiến nên đã bắt bẻ tập truyện của anh. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng tác phẩm của anh nói xấu Đảng, nói xấu Nhà nước. Vào những năm tháng ấy mà bị “trên” chụp cho cái “đại mũ” ấy thì đồng nghĩa với con đường treo bút, thậm chí còn tệ hại hơn. Tôi hết sức ngạc nhiên vì không hiểu sao một người cầm bút hiền lành chân chất và giàu lòng nhân ái như Vi Hồng mà lại có thể gặp hoàn cảnh oái oăm đến vậy. Sự kiện ấy của anh đã khiến tôi, một kẻ mới ho he viết lách, tới một năm sau không dám động tới bút nghiên. Nhưng thật may mắn cho Vi Hồng, sau đó anh được một đồng chí lãnh đạo cao nhất của Khu Việt Bắc lúc bấy giờ giải oan. Nếu không, có lẽ chưa chắc đã có một Vi Hồng đoạt Giải thưởng Nhà nước hôm nay.
Ngày ấy, cả khu Việt Bắc (gồm sáu tỉnh miền núi), ngoại trừ những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi, đã trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu… thì chưa có ai trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Một cây bút đã ít nhiều có thành tựu như Vi Hồng lúc bấy giờ là một tài năng hiếm hoi. Tôi biết, ngoài công việc giảng dạy ở trường đại học, là công việc thường xuyên của mình, thì trái tim của Vi Hồng đã hết thảy dành cho văn chương.
Cuối năm 1980, Vi Hồng đến thông báo cho tôi một tin cực kì quan trọng rằng anh đã được kết nạp vào Hội Nhà văn. Những năm tháng ấy mà được vào Hội Nhà văn thì có khác gì được…lên tiên. Tôi và rất nhiều anh em sáng tác ở trong tỉnh mừng cho anh. Ngày ấy chẳng có tiệc tùng chiêu đãi như bây giờ nhưng đó là nỗi mừng từ trong gan ruột mừng ra.
Từ ngày được vào Hội, sức viết của Vi Hồng thật…kinh hoàng. Tôi phải dùng từ ấy là vì theo dõi tác phẩm của các nhà văn trên toàn quốc lúc bấy giờ, tôi thấy không mấy người, trước hết là về số lượng tác phẩm, được xuất bản nhiều như Vi Hồng. Chỉ khoảng hơn chục năm sau đó, Vi Hồng đã cho xuất bản tới 20 đầu sách, chủ yếu là tiểu thuyết dày hàng ba, bốn trăm trang. Việc anh viết nhiều cũng còn một lí do nữa là phải kiếm sống. Thời gian này vợ anh không có việc làm, hai cậu con trai sinh đôi còn quá nhỏ, cộng với nhiều nỗi vất vả, gian truân khác trên đường đời. Tôi biết nhiều khi Vi Hồng đã phải “nương theo chiều gió” chỉ cốt sao tác phẩm có thể ra đời để lấy nhuận bút nuôi vợ, nuôi con. Có một số người cũng đã phê phán anh về điểm này. Tất nhiên họ phê không sai nhưng cũng nên hiểu và thông cảm cho anh. Vi Hồng từng nhiều lần nói với tôi rằng anh có thể khổ nhưng không thể nhìn vợ con đói rách được. Đúng là như vậy. Anh làm việc suốt ngày đêm. Đến nhà anh lúc nào tôi cũng nghe thấy tiếng máy chữ lạch sạch vang lên trong căn nhà tranh rách nát. Cho nên ngày ấy tôi thường bảo với anh em bạn bè rằng, chê anh về chuyện ấy cũng được nhưng trước hết cần phải coi đó như một chiến công oanh liệt về tình phu thê, phụ tử. Cơm áo đâu có đùa với khách thơ. Về việc này, đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ như in một câu chuyện bi hài về một cuốn sách của anh. Năm ấy, Vi Hồng đang lâm bệnh nặng, vợ anh mang nộp Hội Văn học, Nghệ thuật Bắc Thái một bản thảo tiểu thuyết có nhan đề là “Ái tình và kẻ hành khất”. Sau khi đọc xong, tôi thấy bản thảo có thể sử dụng, liền cho biên tập rồi đưa anh Hà Đức Toàn, chủ tịch Hội duyệt. Nhưng khi đưa bản thảo sang Sở Văn hoá xin cấp giấy phép thì anh Ma Trường Nguyên lúc ấy là Phó Giám đốc phụ trách mảng xuất bản, trao đổi với tôi:
– Cuốn tiểu thuyết viết khá đấy nhưng ngại một nỗi là nhân vật tướng cướp Hỉ Phoọc tác yêu tác quái như thế mà cuối cùng vẫn không bị bắt thì khó cấp giấy phép lắm.
Để một vướng mắc như vậy mà cuốn sách không ra được thì thật tiếc. Hơn nữa, nhuận bút cuốn sách tuy chẳng nhiều nhặn gì nhưng lúc ấy cũng có thể “chống đói” cho cái gia đình bé nhỏ của Vi Hồng khoảng hai tháng. Chúng tôi cùng nghĩ thế rồi cả ba kéo nhau đến nhà Vi Hồng thuyết phục anh sửa chữa bản thảo.
Tôi cùng các anh Ma Trường Nguyên, Hà Đức Toàn đến nhà Vi Hồng giữa lúc anh đang ngồi thở không ra hơi, người gầy yếu, tiều tuỵ (anh mắc căn bệnh tâm phế mãn khá hiểm nghèo). Anh Hà Đức Toàn trình bày sự việc rồi kết luận là cần phải bắt thằng Hỉ Phoọc nhốt vào trại giam thì cuốn sách mới xuất bản được. Sau một hồi nghĩ ngợi rất nung nấu, Vi Hồng nói như thở hắt ra:
– Thôi được! Các anh muốn bắt thằng nào thì bắt. Nhưng thú thật với các anh là tôi đang bệnh tật yếu đau, thằng Hỉ Phoọc lại giỏi võ và hung dữ, quả là tôi không đủ sức.
Tôi cố nhịn cười.
Một lát sau, Vi Hồng đưa mắt sang tôi:
– À, mà trong ba anh thì Hồ Thuỷ Giang còn trẻ, khoẻ và nhanh nhẹn hơn cả, vậy tôi nhờ anh bắt thằng Hỉ Phoọc có được không?
Chỉ là câu nói đùa, nhưng mà trong đùa lại có cái thật nên tôi vui vẻ:
– Được! Bác cứ nghỉ ngơi để em bắt thằng Hỉ Phoọc thay bác.
Thế là sau đó tôi thức liền mấy đêm đọc và sửa lại cuốn tiểu thuyết. Vi Hồng có giọng văn rất riêng, rất độc đáo nên động bút vào bản thảo của anh không cẩn thận dễ trở nên chắp vá. Vì thế, tôi phải cố “nhập vai” và giả giọng văn của Vi Hồng để viết ba trang cuối, với mục đích “bắt thằng Hỉ Phoọc nhốt vào trại giam” theo yêu cầu của anh Ma Trường Nguyên.
Xong xuôi, tôi đến đọc lại cho Vi Hồng nghe, lòng rất lo bị anh phản đối. Nào ngờ, sau khi nghe hết câu cuối cùng, anh vỗ đùi đánh đét, nhại Nam Cao:
– Giỏi! Giỏi đến thế là cùng! Tôi viết 300 trang không bắt được thằng Hỉ Phoọc mà anh viết có 3 trang đã tóm gọn nó. Giỏi đến thế là cùng!
Những lời “khen” của anh làm lòng tôi tê tái. Đó là những năm tháng mà các cơ quan xuất bản, nhất là xuất bản ở địa phương dường như phải co mình lại.
Nhưng dù sao thì chúng tôi vẫn vui. Vui vì anh có thêm tác phẩm và vui hơn là vì vợ con anh có được chút ít nhuận bút còm để mâm cơm thêm chút thịt.
Những năm tháng ấy, Vi Hồng viết liên tục. Do sức khoẻ kém, Vi Hồng không có điều kiện đi thực tế nên nghe được ai kể gì anh đều ghi chép để chờ thời cơ đưa vào tiểu thuyết. Chính vì điều này mà Vi Hồng từng bị rày rà đôi chút. Đó là khi tiểu thuyết “Người trong ống” của anh vừa ra đời đã bị một giám đốc bệnh viện cho rằng anh viết về ông, vu khống đời tư của ông. Nghe đâu vị lãnh đạo này đã kiện lên tận Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (vì cuốn sách do Nhà Xuất bản Lao động ấn hành). Thực ra, Vi Hồng không hề biết mặt và đặc biệt là chẳng thù ghét gì vị giám đốc bệnh viện nọ. Những tình tiết vô tình trùng lặp có lẽ do anh “nhặt” được đâu đó trong đời sống thường nhật mà thôi. Tất nhiên, văn học chỉ là văn học nên anh không sao cả. Nhưng tôi biết, từ đó mỗi khi ốm đau, anh luôn phải tránh vào cái bệnh viện ấy. Thật buồn!
Đời văn của Vi Hồng đã trải qua cả vinh quang và cay đắng. Đến hôm nay, anh được trao Giải thưởng Nhà nước, tuy chỉ là truy tặng, nhưng đó là niềm tự hào không chỉ riêng anh và gia đình mà còn là niềm vui của tất cả những người cầm bút ở Thái Nguyên. Những người bạn tâm giao của anh đều hiểu rằng, giải thưởng này, vinh dự này, không chỉ trao tặng cho những tác phẩm của Vi Hồng, mà còn trao cho một tinh thần sáng tạo quên mình của một nhà văn đã vượt qua bao chông gai, gian khổ của đời người để đến với văn chương.
Liệu ở nơi xa thẳm, Vi Hồng có hiểu được rằng, những gắng công của anh đã phần nào được đáp đền.
(Nguồn: Văn nghệ số 35 – 36/2012)