Một tác phẩm mang màu sắc của ký ức và những cảm xúc của hiện tại, được dựng thành phim và được chia sẻ bởi chính người dịch và những bạn đọc yêu văn học Đức. Đó là “Vị hạt táo” của Katharina Hagena, vừa được NXB Phụ nữ chuyển ngữ và giới thiệu trong dịp Những ngày văn học châu Âu.

ảnh Internet

Cách đây hai năm, cũng trong khuôn khổ Những ngày châu Âu tại Việt Nam, tác giả Katharina Hagena đã giới thiệu “Vị hạt táo” tại Viện Goethe. Khi đó dịch giả Lê Quang đã có dịp ngồi cạnh tác giả và cùng xem bộ phim cùng tên được chuyển thể từ tác phẩm. Anh cho biết ngay từ khi ấy đã có mong muốn chuyển ngữ để bạn đọc Việt Nam có cơ hội tiếp cận và hiểu hơn về cuộc sống và con người Đức, nhất là cách họ trải nghiệm những gì từng xảy ra trong quá khứ.

Dịch giả Lê Quang chia sẻ: “Khi đọc cuốn sách bằng tiếng Đức, tôi đã thực sự xúc động và muốn giới thiệu cuốn sách sang tiếng Việt. Khi đó tôi đã gợi ý với NSB Phụ nữ vì thấy cuốn này rất hợp với bạn đọc nữ”.

“Vị hạt táo” kể lại câu chuyện của một gia đình có ba thế hệ trong mắt của một phụ nữ. Trung tâm câu chuyện là một ngôi nhà mà Ines được thừa hưởng từ bà ngoại thừa kế cho sau khi mất, ngôi nhà là nơi chưa đựng bao điều bí mật của gia đình. Ines đi tìm những bí mật này và dần trở lại với ký ức tuổi thơ của mình…

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng chia sẻ: “Tôi được biết “Vị hạt táo” là một cuốn sách dầy mê hoặc, là best seller của Đức trong hai năm liền. Tôi hết sức thú vị và ngạc nhiên trước cái tài của tác giả: Từ một cuộc thừa kế của người cháu trong gia đình, mà rất nhiều bí mất, những câu chuyện của quá khứ, quá khứ tưởng chừng đã ngủ yên đã trở lại rát sinh động với những điều bất ngờ”. Quang Hưng nhận xét, cách kể chuyện rất cuốn hút, trong sách có thuần túy một câu chuyện trong gia đình, giữa các thế hệ, nhưng lại chứa đựng những điều lớn lao, những bí mật trong những câu chuyện đó, kể cả những bí mật đau xót nhất.

Nhà thơ Thụy Anh cũng nhận xét rằng, ngôn ngữ của cuốn sách có âm nhạc trogn đó, và rất giàu hình ảnh. Nhưng theo chị, đó cũng là một kiểu ngôn ngữ “đánh lừa người đọc”: Ẩn giấu dưới những từ ngữ lấp lánh êm dịu là những mảng tối hay sự ghê gớm của ký ức. Lịch sử không chỉ xoay quanh những nhân vật đã được ghi vào sử sách, mà đơn giản chỉ là những lát cắt của một gia đình nào đó, có khi chỉ là những vị hạt táo.

Lấp lánh, buồn, vui hay đau khổ, đó là những trải nghiệm của riêng mỗi người đọc khi đọc “Vị hạt táo”. Giám đốc NXB Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng nói: “Do tính chất của công việc nên tôi phải đọc hầu hết những cuốn sách sẽ được xuất bản. Với “Vị hạt táo”, tôi thấy cuốn sách được tiếp cận như thế nào là tùy từng thế hệ. Lịch sử của nước Đức được kể qua những câu chuyện gia đình rất thú vị”.

Dịch giả Lê Quang chia sẻ: “Có hai bạn đọc inbox cho tôi khóc nức nở trước những chi tiết bi thương, đó là điều khiến tôi nhớ nhất khi dịch cuốn sách. Thông thường, khi bắt tay vào dịch, tôi đọc sách theo kiểu công việc nên không có cảm xúc nào chi phối. Mỗi câu, tôi phải đọc đến ba lần, phải nhìn với con mắt mổ xẻ của người dịch, nên không còn thấy hay nữa. Nhưng những tin nhắn đó của bạn đọc đã làm tôi xúc động”.

Đối với độc giả Việt, văn học Đức là một địa hạt không phải đã được cày xới nhiều, mặc dù có không ít tác phẩm đã được chuyển ngữ và giới thiệu với bạn đọc. Dịch giả Lê Quang cho biết, xưa nay thị trường sách Việt Nam thường khai thác những tác phẩm kinh điển của Đức, và thường thông qua các bản dịch bằng những thứ tiếng khác như tiếng Nga, tiếng Hungary. Cách phổ biến này đã đem lại cái nhìn phần nào thiên lệch đối với văn học Đức. Anh cho biết, văn học Đức hiện đại rất tươi trẻ, phóng khoáng, không quá nặng nề và không quá thiên về tính triết luận. Anh nói: “Ngay cả tôi và những người từng sinh sống ở Đức trong một thời gian tương đối dài cũng chỉ hiểu được một phần nào về người Đức, nếu không có gia đình, họ hàng, không trải qua những trang lịch sử tăm tối. Chúng ta chỉ như những người khách du lịch ghé qua và nhìn thấy đất nước, con người Đức ở một mặt, một thời điểm nào đó”.

Dịch giả Lê Quang chia sẻ, đọc sách là một cách để có thể hiểu được một phần của người Đức: “Tôi muốn bạn đọc Việt Nam từ nay sẽ được làm quen với hình ảnh mới về nước Đức qua dòng văn học tươi trẻ này”.

 

Theo Tuyết Loan – Nhandan

Exit mobile version