“Người Mê” là cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Uông Triều, sau “Tưởng tượng và Dấu vết” và “Sương mù tháng Giêng”.
Đúng như tên gọi của tiểu thuyết Người Mê, tôi đã trở thành người mê, say, mải miết đọc suốt buổi chiều.
Bìa sách
Sự phá cách của Uông Triều trong Tưởng tượng và Dấu vết tiếp tục được phát huy ở cuốn tiểu thuyết này.
Những câu chuyện, những kí ức, những tình cảm, những lời dị nghị, nghi hoặc… đều được nhen lên từ quán cà phê. Từ quán cà phê, những mặn chát, ngọt bùi, đắng cay của hiện thực lan tỏa.
Vị đắng của cà phê cũng chính là vị đắng của cuộc đời. Cái cảm giác hồi hộp, chờ đợi, ngóng trông… từng giọt cà phê hệt như chúng ta đang thưởng thức từng cảnh, từng lớp trong một bộ phim đầy lý thú, hấp dẫn. Người đọc bị lôi cuốn, dấn sâu hơn vào chính mê cung tâm hồn của ông B… Ở đó, có sự đan bện giữa thực tại và quá khứ, giữa thực và mộng, giữa đối thoại và độc thoại, giữa tỉnh và mê, giữa tự do và ràng buộc, giữa vui và buồn, giữa sống và chết, giữa tình yêu và vô cảm… Các mặt đối lập ấy va đập, xô đẩy, chồng chéo vào nhau bật lên một trạng thái tinh thần hoang mang, băn khoăn, trăn trở về kiếp người, về cuộc đời. Tiểu thuyết đặt ra những câu hỏi day dứt, ám ảnh, vượt qua mọi thời đại về tình yêu, về lẽ sống, nếp nghĩ. Cuộc đời của ông B. cũng chính là một câu hỏi lớn. Nó buộc người đọc phải nghiền ngẫm, sắp xếp những mảnh rời, vỡ trong dòng kí ức, tâm tư bề bộn và đầy triết lý của nhân vật để khám phá chiều sâu bí ẩn của tâm hồn con người. Cái mụn thịt, bức tượng, bình sứ hai lỗ khuyết, yếu tố sex… như là hiện thân mặt trái của nhân vật. Góc khuất ấy như được cơi nới, phơi trần giữa mùa lòng bão tố.
Vì thế, có thể nói, với Người Mê, Uông Triều đã rất sắc sảo khi phân tích tâm lý nhân vật, đã thực sự chạm vào bản ngã, vùng tối của tâm hồn con người. Đúng như một nhận định: “Đọc Người Mê độc giả như đứng trước một thế giới va đập bạo liệt giữa niềm tin và sự khủng hoảng, cái được và sự mất mát, tội lỗi cùng nỗi sợ hãi, sám hối và lòng ham sống…”
Hoàng Thuỵ Anh – Tổ Quốc