Nguyễn Văn Học có một lối viết nhẹ nhàng, tỉnh khô nhưng cũng đầy ám ảnh. Đọc tiểu thuyết ngắn Vết thương hoa hồng, vừa được NXB Hà Nội và Limbook phát hành, độc giả không chỉ được chìm trong những câu văn đẹp đẽ về con người và phong cảnh miền quê Việt Nam mà còn bị ám ảnh bởi những lớp nghĩa ẩn mà tác giả muốn truyền tải.
Trong giai đoạn hiện nay dường như các tác phẩm văn chương phản ánh đề tài nông thôn và đặc biệt khắc họa sâu vào những nỗi đau mới của đồng chiêm mùa trũng đang vắng bóng. Vết thương hoa hồng là tác phẩm chạm được vào những vấn đề đang nhức nhối của những miền quê đang đứng trước sự thay đổi diện mạo từng ngày. Qua lăng kính của tác giả bất kỳ ai cũng sẽ thấy những thân phận và các vấn đề mới của nông thôn được miêu tả hết sức uyển chuyển và không kém phần đau đớn.
Để khắc họa được những nỗi đau mà nông thôn đang từng ngày gánh chịu, tác giả đã khéo léo sử dụng hình ảnh vết thương đậm chất huyền ảo. Nhân vật chính là Hoa – cô gái sinh ra và lớn lên ở một miền quê Bắc Bộ, thông minh và xinh đẹp nổi trội, trong cô chứa đầy hoài bão tươi đẹp cho tương lai. Số mệnh nghiệt ngã lại đẩy cô đến một bi kịch, đang từ một cô gái xinh đẹp và yêu đời bỗng nhiên nhan sắc và cả tương lai rộng mở bị hủy hoại. “Hồng nhan thì bạc mệnh” người xưa đã nói vậy. Với Hoa mọi chuyện còn hơn thế. Từ đây cuộc đời cô chìm vào một nỗi bất hạnh với một vết thương kỳ dị. Hình ảnh vết thương như rễ cây không thể chữa trị trên mặt cô là nỗi ám ảnh xuyên suốt không chỉ gây đau khổ cho cô và gia đình nó còn là nỗi ám ảnh của cả dân làng.
Nếu cốt truyện của Vết thương hoa hồng chỉ có vậy sẽ chẳng có nhiều điều để nói, nhưng qua những biến cố cuộc đời hay những vết thương thể xác và tâm hồn mà Hoa phải chịu đựng, người đọc sẽ thấy được những dự báo và cả cái nhìn về tổn thương của nông thôn trong thời đại mới. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì người nông dân thấp cổ bé họng vẫn là những người chịu thiệt thòi nhất. Đó là ông bà Chiến -cha mẹ của Hoa chỉ biết than khóc và nhận lấy sự phóng tay bằng tiền bạc để bịt miệng của hai cha con Tích khi con gái bị cưỡng bức. Là hai vợ chồng anh Bỉnh, chị Hiền cùng đường phải tự mình vùng lên dùng vũ lực để chống lại cái ác nhưng kết cục thê thảm.
Những con người chân chất chỉ mong yên ổn cấy cầy trên quê hương đồng ruộng mình họ thật đáng thương trước những kẻ có quền thế và tham lam. Không ai bênh vực và bảo vệ, cuộc sống của họ chìm trong sự tủi nhục và o ép bất công. Hai mẹ con bà Nắng, cái Vẹt phải bỏ xứ ra đi dù họ đã phải sống chui nhủi và bị dân làng ghẻ lạnh ở nơi người ta gọi là gò hủi. Hay như anh Tõn cũng phải tha hương kiếm sống chỉ vì có khả năng dị biệt hơn người.
Tất cả họ muốn yên ổn và được sống bình thường chỉ còn cách rời khỏi mảnh đất quê hương mình đó là nỗi đau của sự yếu thế đến cùng cực.
Tích và bố hắn – chủ tịch Hỗn là đại diện cho thế lực cường hào ác ba thời hiện đại. Lợi dụng chức quyền và sức mạnh của tiền bạc, hai bố con hắn đã gieo rắc đau khổ lên những thân phận thấp cổ bé họng. Và vì lòng tham họ chà đạp lên những giá trị nhân đạo, phẩm hạnh của những người dân chân chất. Trong lối hành xử của hai bố con ông Hỗn chỉ có đồng tiền, họ sử dụng nó trong mọi mối quan hệ và tác nghiệp mình gây ra. Nhưng rồi gieo gió thì gặp bão, hai bố con Tích lần lượt phải đền tội. Ông Hỗn đang ở đỉnh cao quyền lực và tiền bạc phải chết vì căn bệnh ung thư. Còn Tích trở thành nỗi ám ảnh của làng quê vì là người gieo rắc căn bệnh đáng sợ.
Rồi những vết thương ấy ăn sâu vào và những thế hệ sau sẽ phải hứng chịu. Cuộc đời của Hoa đã trải qua những chuỗi bi kịch nhưng đứa con của cô cũng phải gánh chịu hậu quả. Từ vết thương trên mặt Hoa đến những đường kẻ hình caro xuất hiện dần trên gương mặt đứa con xinh đẹp của cô là một nỗi ám ảnh mai sau. Nó là hậu quả và cũng là sự cảnh tỉnh. “Bãi sông, chân đê, cánh đồng tất cả đang bị đầu độc, bị chém và nhận về những vết thương nham nhở. Hoa cảm giác chính mình bị thương, trái tim non nớt tuổi mười bảy của cô bị cào tơ mướp. Ai mà biết được có phải những bãi gạch là nguyên nhân của sự phát triển không bình thường của những đứa trẻ. Để chúng sinh ra, đứa thiếu chân tay, đứa oặt ẹo ngồi xe lăn, đứa thì hơn hai mươi tuổi vẫn mang vóc dáng đứa trẻ. Con người cứa vào chính cộng đồng họ sự đớn đau có phải thế không?”
Đó không chỉ là câu hỏi mà cô gái tội nghiệp như Hoa tự hỏi mình. Từ nỗi đau của cá nhân tác giả đẩy đến bị kịch lớn của nông thôn trong thời đại mới. Ngày nay quá trình đô thị hóa gấp gáp, nhà máy công xưởng mọc lên ở khắp nơi. Những cánh đồng, dòng sông đầy phù sa đang phải hứng chịu sự bức tử. Hình ảnh những lò gạch với ống khói phủ xuống khiến những cánh đồng cháy xém thực sự đã lột tả những gì mà công nghiệp gây ra cho những vùng quê nghèo yên ả.
Xuất thân từ làng quê Bắc Bộ, nhà văn Nguyễn Văn Học có những am hiểu và đồng cảm với nỗi cơ cực của những ngời nông dân một nắng hai sương, bằng cái nhìn sâu sắc của một nhà văn, anh đã viết một câu chuyện đầy tính dự báo. Nông thôn và quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa sẽ gây ra những nỗi đau gì cho con người và môi trường. Những thiết chế và phong tục làng quê còn lại bao nhiêu khi các ống khói nhà máy bao trùm lên lũy tre cổng làng, khi lòng tham của con người là vô hạn?
Chi tiết cơn bão cuối truyện là sự giận dữ của mẹ thiên nhiên trước sự đối sử tàn ác của con người. Những thứ đại diện cho sự tàn phá và hủy hoại của con người sẽ bị thiên nhiên phá hủy. Những hàng cây mà Hoa chăm sóc vẫn nảy mầm xanh tốt sau con bão là một gợi ý về sự ăn năn và hàn gắn những vết thương của những con người biết quý trọng giá trị thực của cuộc sống. Con người phải chăng không chỉ chú ý chữa lành những vết thương cho bản thân mình mà còn phải có trách nhiệm cải tạo thiên nhiên để lưu giữ được những gì tốt đẹp cho cuộc sống mai sau.
Bằng một phong cách sáng tạo đan xen giữa hiện thực và huyền ảo trong Vết thương hoa hồng, Nguyễn Văn Học đã tạo nên một câu chuyện rất đời nhưng cũng đầy tính dự cảm về tương lai của người nông dân. Đó là những suy nghĩ trăn trở của một tác giả có tâm hồn nhạy cảm và vốn sống dày dặn. Vết thương hoa hồng là tác phẩm viết về nông thôn và nông dân đáng đọc và suy ngẫm.
Theo Nguyễn Văn Toan