Ít ai biết tại sao trên di tích cổng thành ở phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) lại xuất hiện hai vết lõm lớn. Chúng ẩn chứa bí mật lịch sử gì?
Di tích thành Cửa Bắc.
Đi trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội), mọi người sẽ bắt gặp một cổng thành đồ sộ đặc trưng cho kiến trúc thành quách cổ nhưng ít người biết tại sao trên mặt thành lại có 2 vết lõm lớn và những bí mật lịch sử xung quanh nó.
Trận đánh bi tráng
Di tích cổng thành hiện nay nằm trên phố Phan Đình Phùng là cửa Bắc của thành Hà Nội được xây dựng đầu thời Nguyễn. Tại đây, vào năm 1882, đã diễn ra trận đánh giữa quân nhà Nguyễn do tổng đốc Hoàng Diệu chỉ huy với quân Pháp do đại tá Henri Riviere đứng đầu. Trận đánh này còn được biết đến trong sử sách với tên gọi là trận hạ thành Hà Nội lần thứ 2 (lần đầu vào năm 1873).
Theo Việt Nam sử lược của sử gia Trần Trọng Kim, từ đầu năm 1882, lấy lí do việc đi lại của người Pháp ở Bắc Kỳ bị quân Khách (tức quân đội nhà Thanh đóng ở miền Bắc nước ta) ngăn trở, quân Pháp do đại tá hải quân Henri Riviere thống lĩnh một số binh thuyền tiến ra Bắc Kỳ. Đoàn thuyền của Riviere ra Hải Phòng rồi đi thuyền nhỏ lên Hà Nội đóng ở Đồn Thủy (là khu nhượng địa của người Pháp bên bờ sông Hồng, gần thành Hà Nội).
Sáng ngày 25-4-1882, Riviere gửi tối hậu thư cho tổng đốc Hà Ninh là Hoàng Diệu đòi giải giáp binh lính, giao nộp thành Hà Nội và các quan võ triều đình phải đến Đồn Thủy đợi lệnh trước 8h nếu không thì quân Pháp sẽ đánh thành. Nhận được thư, Hoàng Diệu sai quan Án sát là Tôn Thất Bá ra thương thuyết nhưng khi ông này vừa trèo thang xuống chân thành thì quân Pháp bắt đầu bắn pháo vào thành nên ông này đã bỏ trốn.
Từ điển Wikipedia trích dẫn các tài liệu của Pháp như: Annam, le Tonkin et l’Intervention de la France en Extrême Orient; La France Coloniale đã mô tả lại cuộc chiến đấu giữa đôi bên: “Đúng 8:15, các pháo thuyền Fanfare, Surprise, Massue và Carbine từ bờ sông Hồng bắn đại bác vào thành. Tới 10:45, quân Pháp đổ bộ tấn công vào thành. Vào lúc 11 giờ thì quân Pháp chiếm được thành. Thiếu tá Berthe des Villers và 3 binh sĩ Pháp bị thương.
Trong thành Hà Nội, Hoàng Diệu cùng lãnh binh Hồ Văn Phong chỉ huy phòng thủ cửa Bắc, đề đốc Lê Văn Trinh giữ của Đông, lãnh binh Lê Trực giữ cửa Tây và lãnh binh Nguyễn Đình Đường giữ cửa Nam. Phía quân triều đình có 40 tử trận và 20 bị thương, còn đa số binh lính đều bỏ thành chạy trốn.
Ở cửa Đông và cửa Nam, Lê Văn Trinh và Nguyễn Đình Đường sợ hãi bỏ trốn. Tổng đốc Hoàng Diệu cố gắng chống cự nhưng quân Pháp đã tràn vào thành, đành treo cổ tự vẫn dưới một cái cây trước Võ Miếu (Võ Miếu, sau bị phá hủy cùng thành Hà Nội, nằm tại góc tây nam thành ở vị trí đầu phố Chu Văn An trước mặt trụ sở Bộ Ngoại giao ngày nay)”.
Hai trong số những quả đại bác của pháo thuyền Pháp bắn từ sông Hồng vào thành Hà Nội đã trúng vào mặt tường thành ở cửa Bắc và để lại di tích. Ngày nay trước mặt thành có tấm biển ghi: “Đây là hai vết đạn đại bác của quân đội Pháp bắn vào thành Hà Nội trong đợt đánh chiếm thành lần thứ 2 ngày 25/4/1882. Tổng đốc Hoàng Diệu đã anh dũng chỉ huy quân dân Hà Nội chiến đấu bảo vệ thành”.
Vết đạn trên thành cửa Bắc do pháo thuyền của quân Pháp bắn vào ngày 25-4-1882.
Những bí mật lịch sử
Thông thường, trong quân sự, yếu tố bất ngờ là 1 yếu tố quan trọng để tạo ra thắng lợi. Tuy nhiên, trong việc thành Hà Nội thất thủ lần thứ 2, quân nhà Nguyễn không hề bất ngờ, thậm chí triều đình đã có tin tình báo từ trước đó cả mấy tháng trời.
Theo cuốn sử Quốc triều chánh biên toát yếu của Cao Xuân Dục, từ cuối năm 1881, triều đình đã được tin quân Pháp sắp đánh ra Bắc Kỳ. Cuốn sử viết: “Đàng Đình Canh (quan người Trung Quốc) tới kinh, Ngài (vua Tự Đức) khiến quan Thương Bạc là Trần Thúc Nhẫn khoản tiếp. Đình Canh nói: “Quan khâm sai nước Tàu tới trú ở nước Anh tên là Tăng Ký Trạch có báo rằng: Lãnh sự Pháp là Thoát Lãng đã xin một hai ngàn quân đánh lấy đất Đông Kinh nước Nam, Nghị viện đã y rồi; nay mai sẽ đem binh Pháp qua và các đạo binh ở Tây Cống đến một lần, đánh tiếng nói đuổi Lưu Vĩnh Phúc chẳng qua thác từ đó thôi; nước Nam nên chóng bàn mưu mà giữ nước”.
Tuy nhiên, thay vì điều binh bố phòng, vua Tự Đức lại còn xuống chiếu trách Hoàng Diệu là đã đem binh dọa giặc và chế ngự sai đường khi ông này ra lệnh giới nghiêm và tổ chức chuẩn bị chiến đấu khi quân Pháp ra tới Bắc Kỳ. Bởi chiến đấu đơn độc nên quân lính của Hoàng Diệu nhanh chóng tan vỡ, thành Hà Nội thất thủ mà tổn thất của người Pháp không có gì đáng kể.
Lửa chiến tranh lúc này đã lan rộng nhưng vua Tự Đức vẫn u mê không quyết chiến. Trong lúc nguy cấp không dựa vào chính mình mà lại còn gửi thư sang cầu cứu nhà Thanh. Nhà sử học Trần Trọng Kim viết trong bộ Việt Nam sử lược: “Triều đình ta bấy giờ nghĩ nước Pháp có ý chiếm đoạt, và lại tưởng rằng nước Tàu có thể bênh vực được mình, cho nên mới sai ông Phạm Thận Duật sang Thiên Tân cầu cứu. Chẳng qua là người mình hay có tính ỷ lại, cho nên mới đi kêu cầu người ta, chứ không biết rằng người Tàu giữ nước Tàu không xong còn đi cứu ai được.
Tuy vậy, không những người Tàu không cứu được mình mà lại còn muốn nhân dịp để mượn tiếng sang lấy nước mình. Xem như khi thành Hà Nội thất thủ, quan tổng đốc Lưỡng Quảng là Trương Thụ Thanh làm mật sớ về tâu với vua nhà Thanh, đại lược nói rằng: “nước Nam và nước Tàu tiếp giáp với nhau mà thế lực nước Nam thật là suy hèn, không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ ở các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy những tỉnh ở về phía bắc sông Hồng Hà”.
Từ khi người Pháp khởi chiến vào năm 1858, triều đình nhà Nguyễn cứ lùi dần. Giặc đánh tới đâu triều đình lại cắt đất cầu hòa tới đó. Cho tới năm 1884 với hòa ước Giáp Thân thì nước Nam cơ bản mất chủ quyền, vua chỉ còn là bù nhìn. Nam Kỳ là thuộc địa Pháp, Bắc Kỳ, Trung Kỳ là xứ bảo hộ.
Nhà Nguyễn (mà thời Tự Đức là chủ yếu nhất) mất nước vì nguyên nhân chính là đã đi khác con đường với dân tộc nên xa dân không tập trung được sức mạnh toàn dân. Nguyên nhân khiến họ không muốn đi chung đường với dân tộc là sợ mất đặc quyền đặc lợi hoàng gia, quý tộc. Nhưng sự yếu hèn thì không bao giờ có thể khiến kẻ thù vì nể.
Vua Tự Đức vừa mất thì con cháu ông đã thành nạn nhân trong những vụ phế lập của người Pháp và mấy chục năm sau, nhân dân đã lật đổ cả thực dân lẫn những vua bù nhìn nhà Nguyễn. Bài học này có lẽ tới muôn đời vẫn còn giá trị.
Nguồn: Kiến thức