ĐOÀN VĂN MẬT
Cuộc trở về với tuổi thơ trong Thì thầm tiếng cát là cuộc trở về của những gợi nhớ gợi thương, cuộc trở về của những kỷ niệm, chất chứa và vọng gọi trong lòng tác giả. |
Ở đó ta như bắt gặp tuổi thơ giữa dữ dội, khốc liệt của đạn bom, chiến tranh mà vẫn đầy lên sự trong trẻo, khôi nguyên. Ta như bắt gặp một thời gian khó nơi cát trắng gió Lào in lên vùng đất Quảng Bình, hằn lên từng mặt người, lên một tuổi thơ dầu dãi nhưng cũng đầy tha thiết ân tình. Cũng chính vì thế, Thì thầm tiếng cát đã vượt qua tiếng lòng của một nhà thơ, vượt qua giới hạn của “viết cho những điều bé nhỏ” để đến với độc giả. Có một điều thường thấy và dễ thấy qua 19 tản văn trong tập Thì thầm tiếng cát là nhà thơ Nguyễn Hữu Quý chỉ viết xoay quanh khúc tuổi thơ lên tám, lên mười. Bởi đó là quãng tuổi thơ đẹp nhất và khi ấy ở tác giả còn có sự đùm bọc, của bà của mẹ. Nhà thơ kể: “Tuổi thơ tôi có nhiều kỷ niệm ấm áp về mẹ. Mẹ luôn là người yêu và thương con hết thảy. Nhưng, vào năm 1968, mẹ đã mãi mãi rời xa bởi trận bom bi của Mỹ trút xuống làng quê, khi tôi mới mười hai tuổi, khi tóc người chưa một sợi bạc và những em tôi còn rất nhỏ”. Thế nên, tuổi thơ và chiến tranh, tuổi thơ và mẹ luôn đồng hiện lên từng con chữ, lên từng hình ảnh với biết bao tình cảm chứa chan, đằm thắm của tác giả qua từng trang viết. Đọc Thì thầm tiếng cát như gọi ta về câu thơ đầy ấn tượng mà nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã viết về mẹ, về mảnh đất Quảng Bình ngày nào “Cát đi mãi chẳng thành đường/ Tôi đi theo lối mẹ thường hát ru”. Cái lối mẹ thường hát ru ấy, dường như đã đưa tác giả về lại tuổi thơ của mình, dẫn dắt bạn đọc sống lại tuổi thơ của mình mà cùng thổn thức theo những tản văn: Cát làng, Nồm nam một thuở, Ba và Mẹ, Bà và Chị, Một góc trăng quê, Em Hà… Sau này, khi đã rời xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn, trở thành nhà thơ, công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì Đại tá Nguyễn Hữu Quý vẫn hướng về kỷ niệm tuổi thơ qua: Trung thu và con, Con gái và mèo…, là những kỷ niệm tuổi thơ với con mình. Cất lên từ kỷ niệm, đằm thắm, tinh tế, giàu cảm xúc trong từng câu chữ, Thì thầm tiếng cát thật sự là một tập sách rất đáng đọc, đặc biệt là cho những ai muốn thấy lại những ngày xưa cũ, muốn trở về với tuổi thơ thuở cắp sách đến trường. (Tập tản văn “Thì thầm tiếng cát”, Nguyễn Hữu Quý, NXB Kim Đồng, 2017). Nguồn: Báo Thời Nay Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |