Nhà văn Nguyễn Bình Phương
« Con của chó » hay « Con của cú », đấy là cách mà người ta có thể gọi nhân vật chính thiểu năng trong cuốn tiểu thuyết phức tạp của Nguyễn Bình Phương. Nhân vật « thằng Tính » này gợi nhớ đến truyện ngắn « Con của chuột » của nhà văn siêu thực André Pieyre de Mandiargues.
Truyện này hay truyện kia đều có điểm chung là các nhân vật nằm trong một bối cảnh có các nhóm người luôn luôn mâu thuẫn, tranh chấp. Nhân vật chính, trong truyện ngắn của Mandiargues, bị tóm sống bởi những kẻ đối đầu. Sau đó họ đã đưa anh ta cùng bảy người bạn xấu số ra chịu sự xét xử của một con chuột cống. Giữa một căn phòng lớn tám góc, một con chuột cống đầm lầy (câu chuyện diễn ra ở Venice, thành phố châu Âu mang dáng dấp phương đông nhất) đứng cách đều tám tù nhân bị treo trên một cái hộp đục lỗ phía trước, lỗ đó được quết một lớp bột. Cái hộp mà con chuột cống bước vào có giá trị với mạng sống của con người. Như thế, nhân vật chính sẽ sống nhưng cả đời với một con chuột cống, từ giờ anh ta sẽ bị cách ly khỏi loài người.
Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương có nhiều điểm chung với truyện ngắn này. Đó không hẳn là cách viết hay nghệ thuật kể chuyện được thể hiện qua một bản dịch trau chuốt. Cũng giống như bối cảnh trong Con của Chuột, nơi mà con người « giết nhau vì màu áo sơ mi », Tính và một số nhân vật khác trong Thoạt kỳ thủy cũng bị hành hạ bởi đồng loại, những kẻ không thể kiểm soát nổi hành vi đầy bản năng. Bố của Tính là ông Phước, một kẻ nghiện rượu nặng. Tính là nạn nhân của một số phận bi kịch theo đúng nghĩa từ nguyên. Anh ta bị bố đạp thốc tháo khi còn ở trong bụng mẹ. Một nhân vật khác, ông Khoa, chủ một gia đình công giáo duy nhất trong làng sống rất hiền lành, thế nhưng cũng bị một số dân làng nghi ngờ là kẻ hiếu sát vì thờ phụng tượng chúa bị đóng đinh câu rút. Cuối truyện ông bị Tính đâm chết trong một cơn điên. Ông Phùng là một văn sĩ đi ở ẩn cũng bị nhiều người trong làng coi thường, rẻ rúng và cuối cùng bị Hưng, một kẻ tâm thần do vết thương trong chiến tranh bắn chết…
Sự giàu có của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương không chỉ gắn với cách viết . Ở đây ta còn thấy những số phận mất mát giữa sự phi lý và võ đoán từ đó kéo theo sự đa bội những cách đọc . Phải chăng tính cách bạo liệt của Tính dường như gắn với số phận của một con cú trong ngày hạ chí ? Con cú ấy, sinh vật câm lặng bí ẩn bị bắn hạ đã xuất hiện ngay từ những dòng mở đầu câu chuyện. Sau khi bị bắn nó trôi trên dòng sông, từ 11h15 tới 12h. Sau đó nó bay lên quắp theo cả một dòng sông giống như kéo một tấm vải. Đó cũng là thời điểm quyết định quyết định số phận của nó, cũng như của Tính (Tính giết ông Khoa rồi tự sát đúng vào thời khắc này). Có thể thấy sự tương thông giữa Tính và cú. Độc giả có cảm giác rằng cuộc đời của Tính thôi ra từ con cú đó hoặc ngược lại. Nói một cách ẩn dụ, Tính là thuộc về cú hoặc là « con của cú ». Tính cũng là « con của chó ». Điệp khúc « mắt chó vàng như trăng » xuất hiện chín lần trong những dòng tâm tư lộn xộn, kỳ cục của Tính (được in nghiêng trong tác phẩm). Sự thấu cảm đặc biệt với một giống loài khác khiến Tính ngày càng khác biệt đồng lại. Ngay cả ngoại hình Tính cũng khác người : « Tai dài, lưng dài, chân ngắn. Lông tay đỏ hồng, ngón không phân đốt… Tiếng nói đục, đi như vượn , ngồi như gấu ». Ở Tính có sự hoang dã của động vật ăn thịt, đặc biệt hiếu sát. Tính thường đâm chết lợn của người trong làng vào ban đêm, sau đó thì giết người không vì một lý do cụ thể. Tính là lý do để tác giả đặt tên cuốn tiểu thuyết là Thoạt kỳ Thủy, cái tên gợi đến một thủa ban đầu hỗn mang và hoang sơ. Trạng thái hỗn mang và hoang sơ đó thấm đẫm trong từng thế bào của Tính. Trạng thái này nếu đặt vào một không gian yên ả nào đó nó sẽ mang một vẻ đẹp sơ khai bí ẩn nhưng trong không gian đầy u ám và hung hiểm nơi Tính sinh ra thì nó sẽ được chất thêm lên sự man rợ và tàn bạo.
Đọc xong cuốn tiểu thuyết người đọc bị choáng ngợp bởi cuộc đời của Tính, một nhân vật thiểu năng có những dòng tâm từ đầy hỗn loạn và kỳ quặc. Họ cũng bị lôi cuốn vào số phận của một số dân làng trong đó có Hiền, một cô bé bồ côi xinh đẹp và thánh thiện. Có thể thấy rằng, Nguyễn Bình Phương, trong bối cảnh các tác giả Việt Nam đương đại được dịch sang ngôn ngữ của Duras (1), đã mang đến một điểm nhìn độc đáo xứng đáng được khám phá.
Ngọc Hương dịch từ nguyên bản tiếng Pháp
Nguồn : Mang văn học La Revue des Ressuorces
(1). Marguerite Duras, nữ nhà văn Pháp được giải Goncourt năm 1984. Tiểu thuyết Người Tình, Rào Chăn Thái Bình Dương… của bà đã được dịch sang tiếng Việt.
(Đăng lại từ Vanvn.net)