Kristjana Gunnars sinh năm 1948, người Canada, hiện đang là giáo sư danh dự môn Anh văn và Viết văn tại đại học Alberta. Bà đồng thời là tác giả của một số tập thơ, hai tuyển tập truyện ngắn và năm tác phẩm văn xuôi tự sự. Tác phẩm của bà có sự pha trộn thể loại hư cấu và phi hư cấu, thơ ca, tiểu luận. Bà đã được nhận nhiều giải thưởng văn học có uy tín của Canada

Gunnars


Trong một tiểu luận về tác phẩm hư cấu của Jorge Luis Borges, Mario Vargas Llosa đã giải thích vì sao Borges lại viết những tác phẩm ngắn. Borges, theo Vargas Llosa, coi khinh cái hình thức truyền thống của tiểu thuyết vì nó quá gần với cuộc đời, nặng về tính mô phỏng, và do đó, không hoàn hảo. Ông muốn chuyển hóa đống đất nặn của đời sống đó thành nghệ thuật. Vargas Llosa đã trích từ lời tựa của Borges trong tác phẩm Mảnh vườn có những lối đi rẽ nhánh, trong đó viết: “Thói quen viết những cuốn sách dài, kéo một ý tưởng đi lê thê đến chừng năm trăm trang mà phải mất đến vài tháng mới diễn đạt hoàn chỉnh được, là một công việc nặng nề và làm cạn kiệt sức lực”. Vargas Llosa không đồng ý với Borges, ông dẫn ra Moby Dick, Don Quixote, Tu viện thành Parme để cho thấy sự phiến diện trong nhận định của Borges. Tuy nhiên, ông lại dùng trích dẫn đó để minh họa vì sao chính Borges lại viết những tác phẩm hư cấu ngắn.

Ý hướng muốn viết ngắn hơn là viết những tác phẩm dài được định hình một cách rõ nét hơn bởi Italo Calvino trong tuyển tập tiểu luận xuất bản năm 1995 Sáu điều cần ghi nhớ cho thiên niên kỉ tới. Calvino cho rằng chúng ta đang bị hành hạ bởi sự lạm dụng – và do đó rẻ rúng – ngôn từ. Nhiệm vụ của nhà văn bây giờ, theo ông, là từ bỏ sự lắm lời và hướng đến sự trong sáng và vẻ đẹp thật sự của một hành vi giao tiếp giản dị. Một xu hướng của chủ nghĩa hiện đại mà chúng ta gọi là xu hướng tối giản chính là nằm trong dòng mạch này. Nhiều nhà văn khẳng định viết ngắn đòi hỏi một sự công phu và kĩ năng nhiều hơn là viết dài. Chính Walter Scott khi được hỏi vì sao ông lại viết những tiểu thuyết dài như vậy, đã trả lời đó là vì ông không có thời gian để rút ngắn nó hơn. Samuel Beckett cho chúng ta một ví dụ khác về lối viết tối giản gắn với một mục đích triết học. Đối với Beckett, như Paul Auster đã nhắc chúng ta, “càng ít càng nhiều” (less is more).

Càng ngày người ta lại càng thấy rõ có quá nhiều lời ở bên ngoài và nhà văn cảm thấy bị hăm doạ bởi sự thừa mứa của ngôn từ. Trong một tiểu luận ngắn có nhan đề Bàn về sự viết: Những gián điệp với âm nhạc, Barry Hannah cho rằng cái ý hướng sẵn sàng làm tất cả những gì ngược lại với sự chờ đợi của công chúng là cần thiết vì thời hiện đại vốn dĩ đã lắm lời. Ông muốn đọc những gì “lệch chuẩn” và viết những tác phẩm ngắn. Ông nói với chúng ta một cách thẳng thắn:

“Tôi chưa nhiều tuổi đến mức cứ nhẩn nha chút một về những gì đang diễn ra. Có một điều mà tôi luôn nhận thấy là tôi viết cho một công chúng cũng am hiểu như tôi, hay thậm chí còn hơn thế, và tôi ý thức rõ trên thế giới này có quá nhiều từ. Tôi chống lại xu hướng của các nhà văn tiêu xài từ ngữ vung vãi. Như Carver và một số nhà văn khác dấn thân theo khuynh hướng “tối giản” gần đây, bao giờ tôi cũng tin tưởng ở sự cô đọng và súc tích.”

Ở đây có sự thừa nhận rằng những tác phẩm ngắn, những văn bản ngắn thể hiện trong hình thức cuốn sách đôi khi là những cái gì đó “lệch chuẩn” và đi ngược với xu hướng của thời đại. Cái mà bây giờ người ta cần là một cuốn sách dài, một pho tùng thư đồ sộ, một sử thi, một tác phẩm lịch sử. Ngắn gọn thường bị coi là biểu hiện của sự non yếu, là dấu hiệu của sự thất bại.

Đó là quan điểm nảy sinh bất ngờ từ tiểu thuyết của A. S. Byatt, nhà văn được biết đến với các tác phẩm có độ dài đáng nể, đặc biệt là tiểu thuyết xuất sắc của bà: Ám ảnh (Possession). Cuốn tiểu thuyết này dài đến độ nó có thể dung chứa hầu như tất cả mọi thứ, theo ý nghĩa mà Bakhtin đã nêu, có thể xem như một tác phẩm hậu hiện đại đích thực. Ngược lại, trong tiểu thuyết sau này của bà, cuốn Truyện kể của nhà viết tiểu sử, Phineas G. Nanson, người kể chuyện, một nghiên cứu sinh chuyên ngành văn chương, đã nếm đủ mùi “hậu hiện đại” và giờ đây lại thèm khát những gì là “thực tế”, là “có thật”. Anh ta lấy chính khóa học nghiên cứu sinh của mình làm ví dụ cho sự mệt mỏi, chán chường: “Chúng tôi đã phải bù đầu với những văn bản không quá dài do các nhà văn nữ viết. Và một lượng khá lớn Freud.” Anh ta mệt mỏi vì phải giải cấu trúc tất cả mọi thứ và thú nhận rằng không thể nào nhớ nổi những gì đã đọc bởi vì “Thực ra tất cả những buổi thảo luận đều hao hao giống nhau như anh em một nhà. Chúng lặp đi lặp lại đến khó chịu.”…

Trong một lần trao đổi với Paul Auster, Edmond Jabès đã nói đến sự cô đọng trong lối viết như là một hình thức của sự phân mảnh, và ông đã gọi cuốn Cuốn sách về những câu hỏi của mình là một câu chuyện rời (récit éclaté), một câu chuyện bị phân mảnh. Theo quan sát của ông thì chúng ta không thể nào nhìn thấy được trạng thái toàn thể của sự vật, và nhãn quan của chúng ta được nhận biết bởi chính bản chất phân mảnh của thời gian. Ông lưu ý: “Tính toàn thể là một ý niệm và nó chỉ có thể biểu hiện thông qua những mảnh vỡ mà thôi”. Bản chất của một cuốn sách tự nó đã mang tính phân mảnh; chúng ta đọc từng phân mảnh và hình dung từng chút một, từng mảng một. Ông lưu ý: “Ta biết rằng mình đang ở giữa một cái gì đó rất rộng lớn, nhưng ở từng thời khắc ta lại chỉ có thể thấy được cái ở ngay trước chúng ta…Tính toàn thể là một cái gì đó mà chúng ta tự tái thiết cho chính mình thông qua tất cả những mảnh vỡ này, vì những mảnh vỡ này là những cái đem lại sự hữu hình.” Giống như mắt của loài ruồi, chúng ta chỉ nhìn thấy từng phần, mỗi phần chỉ vừa đủ để gói gọn ý niệm mà nó phải chuyên chở. Chỉ sau này khi tất cả những mảnh vỡ đó hợp nhất lại, bức tranh lớn mới lộ diện.

Kroetsch và Jabès đều tin tưởng một cách sâu sắc rằng tự sự, giống như chính cuộc đời thực, trở nên rõ ràng trong hình thức của những mảnh vỡ. Không những có một nhu cầu kể lại các câu chuyện theo những mảnh đoạn mà còn có một sự thôi thúc tạo ra những cuốn sách mà chính chúng lại chỉ là mảnh vỡ của của những “cuốn sách” lớn hơn. Những cuốn sách rất lớn như thế có thể không bao giờ kết thúc cả, và có lẽ mảnh vỡ – hay câu chuyện nhỏ, cuốn sách nhỏ – là tất cả.

Theo nhận định của nhiều nhà văn thì những tác phẩm ngắn, mặc dù thể loại có tính chất mở, đều có xu hướng bị phân mảnh, mang tính thơ và tính lí luận. Một điều đáng băn khoăn là hình thức tự sự có độ căng, cô đọng và có sự liên phối về đặc tính (intergeneric) này lại được thể nghiệm rộng rãi hơn, tự giác hơn, và gặt hái những kết quả xuất sắc hơn bởi các nhà văn ngoài khu vực Bắc Mĩ. Franoise Sagan, Magueritte Duras và Collette, Tove Ditlevsen và Anais Nin là những ví dụ. Cuốn Bên nhà ga trung tâm tôi đã ngồi xuống và bật khóc của Elizabeth Smart và Ông già và biển cả của Ernest Hemingway cũng thuộc nhóm này, cũng như cuốn Dòng chảy cuộc đời của Clarice Lispector. Kẻ xa lạ của Albert Camus cũng là một ví dụ về sự cô đúc, mãnh liệt, có chiều sâu triết học và phong cách thơ.

Một hậu bối của Camus là Abdelkebir Khatibi, ông cũng viết về cùng một vùng địa lí, cùng một bầu khí hậu và nhân vật cũng thể hiện một số triệu chứng như trong tác phẩm của Camus. Khatibi cũng đồng thời là một cây bút hàn lâm; lối viết của ông thấm đẫm những vấn đề cũng như hành ngôn của triết học và lí luận. Tiểu thuyết mang hơi hướng luận văn của ông về môi trường song ngữ, Mối tình giữa hai ngôn ngữ là một minh họa tốt cho hình thức tự sự cô đọng, nén chặt được thể nghiệm ở mức độ cao nhất. Câu chuyện kể về một người đàn ông Ả rập vùng Bắc Phi cùng một phụ nữ Pháp, liên quan đến một chuyện tình va chạm với tất cả những vấn đề rắc rối thuộc về hiện tượng giao thoa văn hóa, môi trường song ngữ, khoảng cách trong những mối quan hệ. Nói khác đi, đó là “một cuộc hôn nhân hỗn hợp” và Khatibi đã nhìn nhận với một thái độ cực kì hài hước về hầu hết những rắc rối mà một mối quan hệ như vậy đem lại.

Điều ta thấy rõ là người kể chuyện có nhiều điều để nói nhưng thật nghịch lí khi thấy rằng nói ra bất cứ điều gì cũng là vô duyên. Tiểu thuyết mang hơi hướng của tiểu luận này, với sự dồn nén những cảm xúc, ý nghĩ, suy xét, quan sát, cảm giác, tự mâu thuẫn với chính nó. Đó cũng chính là mục đích của nó; nó cho thấy một tình yêu như thế có thể đem đến tất cả ngoại trừ sự hợp nhất và nảy nở. Một cuốn tiểu thuyết thông thường với dung lượng khoảng hơn 200 trang sẽ phải khổ sở với tính chất xô bồ của một câu chuyện như thế này, một câu chuyện được kể bằng một giọng điệu thành thật và mạnh dạn. Có một điểm mà nhân vật người kể chuyện có biểu hiện khiến ta nhớ đến nhân vật của Camus: “Anh có linh cảm rằng chính sự bất ổn trong lòng mình đã khiến anh dần dần có thể tưởng tượng ra tất cả mọi thứ, phát minh ra mọi thứ từ chính những ám ảnh của mình.” Anh ta bắt đầu hồ nghi cảm giác của mình về thực tại và bản thân khả năng nhận thức cũng trở nên đáng ngờ. Giống như người kể chuyện trong Kẻ xa lạ, nhân vật trung tâm của Khatibi đã phải chịu đựng sự mệt mỏi, chóng mặt, nhãn quan trở nên nhập nhòa và trong anh ta nảy sinh cảm giác về cái phi hiện thực. Trạng thái này có thể có mối liên hệ với cái nóng và ánh sáng đặc thù vùng Bắc Phi, nhưng cái cảm thức rằng mọi thứ đều có ý nghĩa đồng thời mọi thứ đều vô nghĩa thể hiện rõ trong cả hai cuốn sách.

Một trong những đặc điểm quan trọng của “tiểu thuyết” ngắn là tính chất thể loại của nó thường phức tạp. Có sự khác biệt giữa truyện vừa và tiểu thuyết ngắn, và có sự khác biệt giữa tiểu thuyết ngắn và cái thường được xem như là một truyện ngắn kéo dài. Mục đích của bài viết này không nhằm đào sâu vào vấn đề thể loại, mà đúng hơn là soi chiếu hình thức tự sự ngắn này, vốn có quyền tồn tại độc lập như một cuốn sách, từ một cái nhìn cận cảnh và nhận diện một số đặc trưng của nó. Cuốn tiểu thuyết ngắn Foe của J.M.Coetzee là một minh họa tốt cho thấy một tác phẩm như vậy có thể có diện mạo thế nào khi mà nhìn bề ngoài nó có vẻ chỉ như một tiểu thuyết thông thường. Câu chuyện được trần thuật từ điểm nhìn của Susan Barton, một người phụ nữ bị đắm tàu và cuối cùng dạt đến hòn đảo của Robinson Crusoe, nơi đó cô ta kết bạn với cả Crusoe và Thứ Sáu. Crusoe chết, Barton và Thứ Sáu được cứu sống; cuối cùng họ về nước Anh, đi tìm Foe. Ý tưởng của nhân vật trung tâm là tìm được tác giả Robinson Crusoe và đề nghị ông viết câu chuyện của cô ta. Cô ta sẽ trở thành nàng thơ còn ông sẽ trở thành nhà văn. Chiếm phần lớn cuốn “tiểu thuyết” là diễn ngôn về hành động viết thay vì câu chuyện, và mối bận tâm thực sự của câu chuyện nằm ở cuộc tranh luận về sự viết lách và những nguồn cảm hứng của nó. Nên xem cuốn sách như là một cuộc tranh luận về viết lách được hư cấu hóa hơn là một “tiểu thuyết”.

Cuối cùng, có một hình thức tự sự dường như dành riêng cho loại tiểu thuyết ngắn – “truyện cổ tích” dành cho người lớn. Trong nhóm này, phải kể đến tiểu thuyết rất ngắn Lụa của Alessandro Barrico. Có lẽ đây là ví dụ rõ nét nhất về thể loại “tiểu thuyết ngắn” bởi vì nó thật sự ngắn và được kể lại theo những mảnh đoạn. Một vài mảnh đoạn chưa trọn một đoạn, phần còn lại của trang sách được để trắng. Hệ quả mà ta thu nhận được từ tác phẩm tương tự như những gì ta cảm nhận được từ thơ: khoảng trắng chiếm một phần đáng kể trong câu chuyện. Ta được đề nghị phải tận dụng những khoảng trắng đó, và ta có được cơ hội để ngẫm lại những gì đã đọc. Câu chuyện là một “chuyện cổ tích” vì nó kể lại một câu chuyện lạ thường, một câu chuyện gần với cuộc đời mà chúng ta hằng biết đủ khiến ta muốn cho trí tưởng tượng của mình được nghỉ ngơi.

Câu chuyện kể về Hervé Joncour, một thương gia buôn bán tơ lụa người Pháp. Vào những năm 60 của thế kỉ XIX, anh liên tục sang Nhật để mua tằm phục vụ cho ngành công nghiệp tơ lụa của Pháp. Hành trình của anh ta vượt ra ngoài cái thế giới mà anh từng biết, và câu chuyện vừa giống như một giấc mơ vừa mang tính chất của một ngụ ngôn. Baricco bỏ qua những chi tiết về cuộc hành trình mà chỉ dừng lại ở những cảm giác mê hoặc, mơ mộng nhất, những cảm giác đó được phóng đại bởi khoảng lặng mênh mang giữa các chương sách. Cuộc hành trình, và những con tằm, tự thân đã mang một lớp ý nghĩa tượng trưng và một trọng lượng triết học. Mối quan hệ giữa cuộc đời và khát vọng cũng được phóng đại bởi gắn với cuộc hành trình còn có một thứ ma lực tình ái đã thôi thúc Joncour không ngừng theo đuổi những gì mình làm. Dường như người ta cảm nhận được từ đây một ý niệm: chúng ta bị lôi cuốn đi trong cuộc đời này bởi những động cơ nào đó không phải do ta tạo nên. Có một cái gì đó lớn hơn bản thân chúng ta đã làm chủ chúng ta, và ta cần phải theo chu trình của nó. Nếu không ta sẽ không thể nào tồn tại được. Bởi vậy, cuốn sách nhỏ đầy khoảng trắng và độ nhòa mờ này có thể xem là hình thức lí tưởng để biểu hiện một tri thức sâu xa mà ý niệm nói trên hàm ẩn. Tuân theo định mệnh, buông xả và để cho “con sóng” của số phận đẩy đưa (liên hệ với hình ảnh biển trong tác phẩm của Khatibi) là một ý niệm mà người ta không nên cật vấn trước khi có những suy xét kĩ lưỡng về mặt triết học.

Trong tiểu thuyết Nhà giả kim của Paulo Coelho, một “truyện cổ tích” dành cho người lớn có tính bình dân, chàng chăn cừu Santiago phát hiện ra rằng “những cuốn sách giống như những đoàn lữ hành”, chúng tồn tại theo cách của những con lạc đà trên sa mạc, theo cách một câu châm ngôn truyền từ người này sang người kia. Sự phụ thuộc lẫn nhau của những cuốn sách trở nên đặc biệt nổi bật khi ta xem xét những tác phẩm ngắn, thể loại thể hiện rõ nét tính liên văn bản. Liên quan đến tính liên văn bản, ta nhớ lại Edmond Jabès từng nói: mỗi một cuốn sách chỉ là một trang rời của một thư viện mênh mông của nhân loại, cũng như Anne Morrow Lindberg đã nói: mỗi cuốn sách trước mắt ta chỉ như một mẩu nhỏ của những kho báu vô biên ẩn sâu trong lòng biển (cũng như trong ngôn từ). Hơn thế (như Abdelkebir Khatibi đã cho thấy), bạn đọc một cuốn sách, rồi lại đọc tiếp, đọc tiếp, nhưng sẽ chẳng bao giờ bạn đọc đủ cả vì xét cho cùng, thật sự chúng ta không thể nói ra cái mà ta cần biểu hiện: tầm quan trọng của những tác phẩm ngắn là ở chỗ đó. Chân lí luôn nằm bên ngoài chúng ta, và thay vì lèn chặt đời mình bằng những ngôn từ, chúng ta có thể rút lại, nói ít đi, nhưng hãy làm sao gia tăng trọng lượng cho mỗi từ, hãy làm mỗi từ chứa đầy sự bí ẩn và niềm kính sợ, ngôn ngữ xứng đáng được như vậy. Trang viết phân mảnh, lối trần thuật mang tính thơ tương đồng với truyện cổ tích, ngụ ngôn, luận văn triết học và truyện kể (récit) – tất cả những thể loại đó có thể gắn kết với nhau trong một hình thức phù hợp với bản chất liên phối đặc trưng của những tác phẩm ngắn. Đối với các cây bút chú trọng đến tính thơ, hình thức này có thể là lí tưởng

Trần Ngọc Hiếu dịch – Văn nghệ quân đội