Chính ở điểm này xã hội học văn học theo phương pháp của Goldmann khác hoàn toàn với lối tiếp cận xã hội học về nội dung. Ông khẳng định: “ về điểm này, chủ nghĩa cấu trúc phát sinh đã thể hiện một sự thay đổi toàn diện có tính định hướng, giả thiết căn bản của nó, một cách chính xác là tính chất tập thể của sự sáng tạo văn học xuất phát từ sự kiện là những cấu trúc của tác phẩm có tương quan đối ứng với các cấu trúc tinh thần của một vài nhóm xã hội hoặc là có mối quan hệ rõ ràng với các nhóm ấy, trong khi đó về mặt nội dung, có nghĩa là về mặt sáng tạo thế giới tưởng tượng được chi phối bởi các cấu trúc này, nhà văn có sự tự do hoàn toàn.”[1]
Thượng Đế ẩn giấu (1956) là tác phẩm chính của Goldmann thể hiện quan niệm tương quan đối ứng giữa tác phẩm và ý thức nhóm xã hội.
Ngay từ trang bìa, dưới tên sách Thượng Đế ẩn giấu, Goldmann đã xác định giới hạn nội dung của cuốn sách: Nghiên cứu quan niệm bi kịch trong tác phẩm Tư tưởng của Pascal và trong kịch của Racine.
Tác phẩm dày 451 trang, được chia làm bốn phần.
Phần thứ nhất: Quan niệm bi kịch đề cập đến Cái toàn thể và các bộ phận (Chương I), Quan niệm bi kịch: Thượng đế (Chương II), Quan niệm bi kịch:Thế giới (Chương III), Quan niệm bi kịch: Con người ( Chương IV).
Phần thứ hai: Nền tảng xã hội và trí thức gồm các chương: Những quan niệm về thế giới và các giai cấp xã hội (Chương V), Giáo phái Jansen và quý tộc áo dài (Chương VI), Giáo phái Jansen và quan niệm bi kịch (Chương VII).
Phần thứ ba: Pascal với các chương: Con người:ý nghĩa cuộc sống con người (Chương VIII), Nghịch lý và fragment (Chương IX), Con người và thân phận con người (Chương X), Những thực thể sống và không gian (Chương XI), Nhận thức luận (Khoa học luận) (Chương XII), Đạo đức và mỹ học (Chương XIII), Cuộc sống xã hội: luật pháp, quyền lực, tiền bạc (Chương XIV), Sự thách đố (Chương XV), Đạo Cơ đốc (Chương XVI).
Phần thứ tư: Racine với một chương duy nhất (khá dài với 99 trang sách) đồng thời là chương cuối cùng trong cuốn sách của Goldmann, đó là Chương XVII: Quan niệm bi kịch trong kịch của Racine, trong đó gồm các phần:a) Những vở bi kịch chối từ: Andromaque, Britannicus, Bérénice;b)Những vở bi kịch trong giới thượng lưu:Bajazet,Mithridate; Iphigénie;c)Bi kịch với kết thúc bất ngờ và nhận ra nhau (thừa nhận): Prèdre; d)Những vở bi kịch thần thánh:Esther; Athalie.
Ngay từ những dòng đầu tiên ở Lời nói đầu của tác phẩm Thượng Đế ẩn giấu, Goldamnn đã xác định: “Trong khi đề cập đến công trình này chúng tôi nêu lên hai mục đích vừa khác nhau vừa bổ sung cho nhau:
Đưa ra một phương pháp thực chứng trong nghiên cứu các tác phẩm triết học và văn học, và góp phần lý giải một tổng thể có giới hạn và chính xác của các văn bản, tuy có khác nhau đáng kể, nhưng chúng tôi cảm thấy chúng có quan hệ gắn bó một cách chặt chẽ.
Phạm trù của tính tổng thể vốn nằm ở trung tâm của tư duy biện chứng đã ngay lập tức không cho phép chúng tôi phân chia bất luận như thế nào giữa tư duy về phương pháp và nghiên cứu cụ thể, vốn chỉ là hai mặt của một tấm huy chương. (…)
Tư tưởng cơ bản của tác phẩm này là ở chỗ các sự kiện nhân văn bao giờ cũng tạo nên những cấu trúc hàm nghĩa tổng thể, vừa mang tính chất thực tiễn, lý thuyết, đồng thời thuộc cảm xúc và những cấu trúc này chỉ có thể được nghiên cứu dưới góc độ thực chứng, có nghĩa là chúng đồng thời được giải thích và lý giải, trong một quan điểm thực tiễn dựa trên sự chấp thuận của một tổng thể nhất định của các giá trị”.[2]
Để nói rõ hơn phương pháp làm việc của mình, Goldmann đã khẳng định: “Và không có sự khác nhau cơ bản giữa lý giải và giải thích. Nếu như tôi muốn giải thích tác phẩm Tư tưởng của Pascal, tôi phải dựa trên toàn bộ tác phẩm ấy, tôi sẽ lý giải tác phẩm ấy. Nhưng cần phải giải thích sự ra đời của tác phẩm, và tôi phải tìm đến giáo phái Jansen và nhóm quý tộc áo dài”. Lý giải không phải là một quá trình cảm xúc, trực giác, mà là một quá trình nghiên cứu với những tri thức sâu rộng, xác định các quan hệ chủ yếu gắn kết các thành tố của một cấu trúc (của một tác phẩm). Giải thích là công việc nghiên cứu có tính tiếp tục, gài lồng một cấu trúc nghĩa vào một cấu trúc khác rộng hơn. Như vậy, hai “công đoạn” này không phải hai quá trình, mà chỉ là một quá trình, với hai mức độ khác nhau, có quan hệ gắn bó hữu cơ và chi phối lẫn nhau.
Nhà xã hội học văn học Goldmann nhận thấy sự giống nhau tương tự giữa các tác phẩm văn học lớn và những trào lưu triết học. Ông khẳng định có sự tương quan đối ứng giữa Descartes và Corneille, Pascal và Racine, Hegel và Goethe và chỉ có thể giải thích hiện tượng này nếu ta gắn nó vào một bối cảnh rộng hơn, đồng thời sử dụng một khái niệm vượt qua phạm trù cá nhân: đó là ý thức tập thể. Goldmann cho rằng tác phẩm là sản phẩm của một chủ thể tập thể và tầm quan trọng về mặt triết học hay văn học của nó nằm ở sự gắn kết giữa tác phẩm và ý thức khả năng tối đa của nhóm xã hội mà tác phẩm được nghiên cứu chính là sự thể hiện ý thức ấy.
Điều quan trọng trước hết trong tác phẩm Thượng đế ẩn giấu là chỉ ra sự tương quan đối ứng, một mặt, đó là sự tương quan đối ứng giữa các cấu trúc của tác phẩm triết học của Pascal và các vở bi kịch của Racine, mặt khác, đó là sự tương quan đối ứng của quan niệm về thế giới của giáo phái Jansen mà cả hai tác giả Pascal và Racine cùng có quan hệ.
Goldmann đã phát hiện ra sự tương đồng trong quan điểm bi kịch của hai tác giả vĩ đại này, mặc dù lĩnh vực họ quan tâm không phải trên cùng một bình diện. Quan điểm bi kịch của thế giới đã khiến hai tác giả này xích lại gần nhau chính là quan điểm của giáo phái Jansen mà xuất xứ của nó được giải thích dưới góc độ quyền lợi và cấu trúc của tầng lớp quý tộc áo dài ở thế kỷ XVII. Nghiên cứu tác phẩm của nhà triết học Pascal và tác giả bi kịch Racine, Goldmann nhấn mạnh rằng hai tác giả này chỉ được hiểu và giải thích một cách xác đáng nếu chúng ta đặt tác phẩm của họ vào bối cảnh mang tính tổng thể nhất của hệ tư tưởng đương thời thuộc về giáo phái Jansen, đồng thời cho rằng sự tương quan đối ứng này phù hợp với quan niệm về thế giới của giáo phái Jansen (Jansénisme: một giáo phái có tư tưởng có nguồn gốc từ Jansénius (Cornelius Jansen), nhà thần học Hà Lan (1585-1638). Trào lưu tôn giáo này được nghiên cứu không phải với mục đích tự thân, mà được xem xét như là sự thể hiện của ý thức khả năng của một tầng lớp xã hội đặc biệt, tầng lớp quý tộc áo dài và vấn đề đáng quan tâm ở đây là những quan hệ biện chứng giữa tác phẩm của Racine và bối cảnh xã hội của nó.
Vì vậy, Goldmann đã nghiên cứu sự tương quan đối ứng giữa văn bản tác phẩm và quan niệm về thế giới ( tư duy bi kịch của Racine, Pascal và giáo phái Jansen), giữa quan niệm về thế giới và nhóm xã hội (giáo phái Jansen và tầng lớp quý tộc áo dài). Ông muốn rút ra từ nội dung có tính bi kịch từ tác phẩm Tư tưởng của Pascal và các vở kịch của Racine một sơ đồ cấu trúc về tư duy chung cho cả hai tác giả. Trong trường hợp của Pascal, người ta nhận thấy những đòi hỏi tuyệt đối của một con người trước những giá trị thẩm mỹ đích thực và tuyệt đối và sự lựa chọn dường như không thể của con người trước một thế giới đầy mâu thuẫn: hoặc phải sống trọn vẹn trong một thế giới không có Thượng Đế và cuộc tìm kiếm cái tuyệt đối đã trở thành vô ích, hoặc là phải tách khỏi thế giới, từ bỏ việc chối từ thỏa hiệp, chối từ cuộc sống. Sơ đồ tư duy của Pascal, theo Goldmann phù hợp với bốn vở bi kịch của Racine: Andromaque, Britannicus, Bérénice, Prèdre, nơi các nhân vật được đặt vào những mâu thuẫn thật vô cùng khó khăn để chọn được một cách ứng xử hợp lý. Trong cuộc đấu tranh để thực hiện các giá trị hoặc rời bỏ thế giới, con người bi kịch không thể quyết định. Đối mặt với thế giới, con người bi kịch cảm thấy xa lạ vì thế giới trở nên đen tối và lộn xộn. Sự hiện diện của Thượng Đế không chắc chắn, vừa như có mặt lại vừa như không. Tình trạng ấy đã tạo nên sự ẩn giấu của Thượng Đế, đối với con người bi kịch, sự vắng mặt của Thượng Đế lại chính là sự hiện diện thường xuyên nhất và hiện thực nhất. Ý tưởng Thượng Đế ẩn giấu có tính chất nền tảng trong tư duy có tính bi kịch, chi phối cấu trúc tinh thần của cả hai tác giả, nó cũng là quan niệm có tính chất trung tâm của những người theo giáo phái Jansen.
Khẳng định Racine là nhà văn của giáo phái Jansen, Goldmann viết: “Chúng ta cảm thấy tất cả những vở bi kịch của Racine đều khá gần gũi với giáo phái Jansen, với luận thuyết và những kinh nghiệm của “những người bạn của Port-Royal”. Nhưng nếu như Andromaque, Britannicus, và Bérénice là sự chuyển luận thuyết và kinh nghiệm của những tu sĩ vào bình diện văn học với tư cách là học thuyết và kinh nghiệm của giáo phái Jansen bi kịch ở thời kỳ trước 1669 (…) và nếu như sự gần gũi này về quan niệm với nhóm bị bức hại một cách chính xác là nguyên nhân tránh nói bóng gió đến giáo phái Jansen trong các lời nói đầu; nếu như ba vở kịch sau thể hiện tính nhị nguyên, một thái độ vừa tích cực vừa chừng mực về phía nhóm giáo phái Jansen đã được nhập vào thế giới bởi sự che chở của Nhà thờ, thì vở Prèdre lại một lần nữa thiết lập sự đồng thuận hoàn toàn, nhưng trên bình diện hoàn toàn khác. Racine hoàn toàn ngừng viết theo quan điểm của giáo phái Jansen mang tính bi kịch vốn từ chối thế giới, để chuyển đổi sang bình diện văn học kinh nghiệm thực tế của nhóm giáo phái Jan sen vào giữa những năm 1669 và 1675” [3].
Nghiên cứu quan niệm bi kịch trong tác phẩm của Pascal và Racine, ông tiến hành phân tích các văn bản cụ thể của họ, làm rõ những “cấu trúc vi mô” và những tương quan đối ứng về mặt cấu trúc giữa các phần đã phân tích và tổng thể tác phẩm.
Đối với Goldmann, những sự kiện thuộc tâm lý học hoặc tiểu sử học trong suốt cuộc đời của một nhà văn cũng như những ảnh hưởng từ môi trường gia đình, xã hội và văn hóa không đủ để giải thích và lý giải tác phẩm văn học của anh ta. Ông lấy một ví dụ điển hình từ trường hợp của Balzac, mặc dù nhà văn Pháp theo quan điểm chính thống và bảo hoàng, chính Balzac lại là người “miêu tả tốt hơn ai hết những thói xấu của tầng lớp quý tộc và chế độ chuyên chế đang suy tàn”. Goldmann khẳng định rằng tác phẩm văn học là một hiện tượng của xã hội, cụ thể hơn, nó là sản phẩm của một chủ thể tập thể và tầm quan trọng văn học, triết học của nó nằm ở sự gắn kết giữa tác phẩm và tối đa ý thức khả năng của nhóm xã hội: “…ngay khi chúng ta nghiên cứu một số lượng khá nhiều các cá nhân phụ thuộc vào một nhóm xã hội, hành động của các nhóm xã hội khác nhau mà mỗi nhóm lại phụ thuộc giữa chúng với nhau và các yếu tố tâm lý do sự phụ thuộc này triệt tiêu lẫn nhau thì chúng ta đứng trước một cấu trúc đơn giản nhất và gắn kết nhất”.
Chịu ảnh hưởng những tư tưởng của tâm lý học từ J.Piaget và chủ nghĩa Marx, nhưng nhà xã hội học văn học Goldmann đã thể hiện những nét đổi mới của mình: không còn quan tâm đến nội dung của tư duy, mà chú ý đến cấu trúc hình thức của một kiểu tư duy tập thể. Ông nghiên cứu những cấu trúc đối lập của tư duy bi kịch khi tiếp cận các tác phẩm của Racine và Pascal, từ đó xác định nhóm xã hội và khuynh hướng tư tưởng, những điều kiện xã hội và tinh thần dọn đường cho sự ra đời của tác phẩm đó.
Vì một xã hội học tiểu thuyết (1964)
Các quan điểm về xã hội học văn học của Goldmann một lần nữa được trình bày rõ qua tác phẩm Vì một xã hội học tiểu thuyết. Trước hết, đó là sự tiếp tục nghiên cứu của ông về các mối quan hệ giữa tác phẩm văn học và thời đại đã sản sinh ra nó, cụ thể hơn là sự nghiên cứu “mối tương quan giữa lịch sử hình thức tiểu thuyết và lịch sử của cuộc sống kinh tế trong xã hội phương Tây” (Lời nói đầu).
Những nghiên cứu xã hội học của Goldmann được thực hiện trong thời gian làm việc ở Trường Cao học thực hành Paris và ở Trung tâm xã hội học văn học thuộc Viện xã hội học của Trường Đại học Tổng hợp Tự do Bruxelles đã được tập hợp trong cuốn Vì một xã hội học tiểu thuyết.
Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1964 tại nhà xuất bản Gallimard, một trong những nhà xuất bản hàng đầu tại Pháp. Sau đó cuốn sách này còn được tái bản tiếp tục. Bản chúng tôi có trong tay là bản in năm 1992. Sách dày 372 trang gồm năm phần (không dùng số thứ tự):
Dẫn nhập các vấn đề của một xã hội học về tiểu thuyết:
-Dẫn nhập về nghiên cứu cấu trúc của các tiểu thuyết Malraux
-Tiểu thuyết Mới và hiện thực
– Phương pháp cấu trúc phát sinh trong lịch sử văn học.
Trong cuốn sách này, người đọc sẽ được tiếp xúc với hai Lời nói đầu : Lời nói đầu được viết vào tháng 6 năm 1964, năm cuốn sách được xuất bản và lời bổ sung khi sách được tái bản ngay vào năm sau, trong đó tác giả đã giải thích thêm quan điểm của mình: “Chúng tôi xin nói thêm rằng lời khẳng định “những chủ thể đích thực của sự sáng tạo văn hóa là những nhóm xã hội mà không phải các cá nhân đơn lẻ” đã gặp phải nhiều lời phê phán; được viết ra để gợi nên các cuộc tranh luận, ngày nay chúng tôi nhận ra rằng hình thức của quan niệm này quá tỉnh lược, đã có thể gây hiểu lầm.
Chúng tôi đã kiên trì giải thích trong nhiều bài nghiên cứu trước đây. (…)Theo chúng tôi, và theo ý của Hegel đã cho rằng “Cái chân lý (vrai) là cái toàn thể”, thì đúng ra, các chủ thể đích thực của sự sáng tạo văn hóa là các nhóm xã hội mà không phải là các cá nhân đơn lẻ; nhưng cá nhân sáng tạo là một bộ phận của nhóm, thường được xác định bởi sự ra đời cũng như bởi vị thế xã hội của anh ta, bao giờ cũng bởi ý nghĩa khách quan từ tác phẩm của anh ta, và trong nhóm đó anh ta chiếm một vị trí không phải là quyết định hoàn toàn nhưng là vị trí đặc biệt”.[4]
Goldmann đã nghiên cứu tác phẩm Lý thuyết tiểu thuyết của G.Lukacs và Bịa đặt của tiểu thuyết và sự thực của tiểu thuyết của R.Girard để từ đó đưa ra cách tiếp cận xã hội học của mình đối với một thể loại trong văn học, đó là tiểu thuyết.Cho rằng những phân tích của hai tác giả trên thường chỉ chú ý đến mối quan hệ của một số thành tố của nội dung tác phẩm và sự tồn tại của một thực tại xã hội mà các tiểu thuyết đã phản ánh, Goldamnn nhấn mạnh vấn đề đầu tiên mà một xã hội học về tiểu thuyết phải quan tâm là mối quan hệ giữa hình thức tiểu thuyết và cấu trúc của môi trường xã hội trong đó nó đã phát triển: “Trong thực tế, chúng tôi cảm thấy rằng hình thức tiểu thuyết là sự chuyển đổi sang bình diện văn học của cuộc sống bình thường trong xã hội mang tính cá nhân chủ nghĩa được sinh ra từ nền sản xuất thị trường.Tồn tại một tương quan đối ứng chặt chẽ giữa hình thức văn học của tiểu thuyết như chúng ta vừa xác định tiếp theo Lukács và Girard, và quan hệ hàng ngày của con người đối với tiền bạc nói chung, và nói rộng hơn, của những người này với những người khác, trong xã hội sản xuất thị trường”.[5]
Xác định sự khác biệt về quan điểm xã hội học của mình với các nhà phê bình mác xít truyền thống, Goldmann cho rằng đối với hiện thực của xã hội phương Tây đương đại, lối phân tích theo kiểu mác xít sẽ là không đủ để lý giải và giải thích. Tiểu thuyết cũng như thơ ca hiện đại là những hình thức của sáng tạo văn hóa không còn phụ thuộc vào một nhóm xã hội nào đấy, mà trên một bình diện rộng hơn.
Tiếp thu tư tưởng của Marx và tiếp theo đó là Lukacs về sự đồ vật hóa, Goldmann đã nghiên cứu mối quan hệ giữa những cấu trúc của một nền kinh tế hàng hóa trong xã hội tư bản hiện đại và những biểu hiện văn học từ trong một xã hội mà mối quan hệ ấy đã xảy ra ngoài tầm của ý thức tập thể.
Trong tác phẩm này chúng ta sẽ thấy từ việc nghiên cứu thể loại tiểu thuyết sẽ dẫn đến việc thay thế nhóm xã hội trong Thượng đế ẩn giấu bằng toàn bộ xã hội. Goldmann định nghĩa tiểu thuyết như việc tìm kiếm những giá trí đích thực mà “nhân vật có vấn đề” mang lại trong một thế giới đang suy thoái. Ông cho rằng một cấu trúc trần thuật tương tự sẽ thể hiện sự tương quan đối ứng chặt chẽ với cấu trúc kinh tế của một xã hội thương mại cá nhân chủ nghĩa. Xã hội này cũng là một thế giới suy thoái, ở đó giá trị phẩm chất của mọi vật đã bị giá trị đo đếm của tiền bạc chế ngự. Tiểu thuyết được coi như thể loại đặc trưng cho xã hội hàng hóa được xem xét một cách toàn thể mà không phải một thể loại đặc trưng (như bi kịch của thế kỷ XVII) của một nhóm xã hội nào đó ( một bộ phận của xã hội).
Sự tương quan đối ứng còn được Goldmann đề cập tới khi nghiên cứu sáng tác của Malraux, đặc biệt là ba tiểu thuyết của ông: Những người đi chinh phục (1928); Con đường Hoàng gia (1930); Thân phận con người (1933). Goldmann cho rằng: “những mối quan hệ chặt chẽ mà chúng tôi có thể thiết lập giữa quá trình phát triển các sáng tác của Malraux từ sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, cũng như mối quan hệ gắn kết bên trong của các tác phẩm của ông mà chúng tôi đã cố gắng soi sáng dường như đã khơi gợi rằng giờ đây chúng tôi đang đứng trước một nhà văn đặc biệt tiêu biểu và quá trình phát triển của ông, đã đặt ra, trong ý nghĩa kép của bản chất quá trình và những nỗi hiểm nguy mà nó ẩn chứa, các vấn đề cơ bản nêu lên những mối quan hệ giữa văn hóa và giai đoạn mới đây của lịch sử của các xã hội công nghiệp phương Tây”.[6]
Tiếp nối tư tưởng của Marx về “sự bái vật hóa hàng hóa” và tư tưởng của Lukacs về “sự đồ vật hóa”, Goldmann đã giải thích sự biến mất của các nhân vật trong tiểu thuyết Mới, cụ thể hơn, trong các tiểu thuyết của N. Sarraute và A.Robbe-Grillet. Từ hai bài trình bày của hai nhà văn này, mà theo Goldmann, là những “tác phẩm phê bình văn học một cách xuất sắc và vô cùng thông minh”, Goldmann trước hết tỏ thái độ đồng thuận với những quan điểm của các nhà tiểu thuyết Mới: “Trong khi nhiều nhà phê bình và phần lớn công chúng nhận thấy ở tiểu thuyết Mới một tổng thể những thực nghiệm thuần về hình thức, và trong những trường hợp đúng nhất, là những toan tính vượt ra ngoài hiện thực xã hội, thì trái lại, hai đại diện tiêu biểu nhất của trường phái này vừa nói với chúng ta rằng tác phẩm của họ được nảy sinh từ những cố gắng nghiêm túc và triệt để nhất có thể để chiếm lấy hiện thực của thời đại chúng ta trong những nét cơ bản nhất”.[7]
Ông khẳng định hai nhà văn N. Sarraute và A.Robbe-Grillet đã áp dụng một hình thức khác với các nhà tiểu thuyết thế kỷ XIX là bởi xã hội đã thay đổi. Ông nói rõ hơn qua trường hợp tác phẩm Ghen nổi tiếng của A.Robbe-Grillet: “Như Robbe-Grillet đã trình bày trong bài của ông, nếu như tiểu thuyết Mới miêu tả theo cách khác những mối quan hệ của một anh chàng ghen tuông với vợ của mình, người tình của người phụ nữ này và những đồ vật xung quanh họ, đó không phải là tác giả bằng bất kì giá nào tìm kiếm một hình thức độc đáo, mà bởi vì chính cấu trúc mà tất cả các yếu tố tham gia vào đã thay đổi về bản chất. Trong thực tế, người phụ nữ và đáng lẽ cần phải thêm vào người tình, và bản thân anh chàng ghen tuông đều trở thành đồ vật, và trong tổng thể của cấu trúc này và của tất cả các cấu trúc cơ bản của xã hội đương thời, những tình cảm nhân văn (luôn luôn là và đã là sự thể hiện của những mối quan hệ giữa con người với nhau và những quan hệ giữa con người với thế giới vật chất, tự nhiên và sản xuất) thể hiện những mối quan hệ trong đó đồ vật mang tính thường trực và có quyền tự trị, những thứ mà con người dần dần bị mất đi”[8].
Với tư cách là một nhà xã hội học, Goldmann nêu lên những biến đổi xã hội đã tạo ra nhu cầu đòi hỏi phải có hình thức tiểu thuyết mới đồng thời giải thích một số đặc điểm của “hiện thực nhân văn kiểu mới” được thể hiện trong tác phẩm của Nathalie Sarraute và Robbe-Gillet.
Ông cho rằng, về mặt văn học, sự thay đổi chủ yếu trước hết là ở cấu trúc nhân vật-đồ vật, thể hiện qua sự biến mất ít hay nhiều của nhân vật và sự tăng cường khá rõ quyền tự trị của các đồ vật. Từ những nghiên cứu về hình thức tiểu thuyết trong nhóm xã hội học văn học của Viện nghiên cứu thuộc Trường Đại học Tổng hợp Bruxelle, Goldmann đưa ra giả thiết rằng “hình thức tiểu thuyết, trong số tất cả các hình thức thuộc về văn học, gắn bó trước tiên và trực tiếp nhất với những cấu trúc kinh tế theo nghĩa hẹp của từ, với những cấu trúc trao đổi và sản xuất đối với thị trường”.[9]
Không chỉ một lần nhắc đến tư tưởng và quan điểm của Marx, Goldmann đặt ra vấn đề là phải chăng đã tồn tại sự tương quan đối ứng giữa các cấu trúc có tính đồ vật hóa và cấu trúc của tiểu thuyết? Ông viết: “Hai giai đoạn sau của xã hội tư bản phương Tây, giai đoạn đế quốc chủ nghĩa – nằm khoảng giữa 1912 và 1945 – và giai đoạn chủ nghĩa tư bản của tổ chức đương đại, được xác định trên phương diện cấu trúc, giai đoạn thứ nhất bởi sự biến mất dần dần của cá nhân với tư cách là hiện thực chủ yếu, và, một cách tương quan, bởi sự gia tăng độc lập của đồ vật, giai đoạn hai bởi sự hình thành thế giới đồ vật này – trong đó con người mất đi hoàn toàn với tư cách cá nhân cũng như với tư cách cộng đồng – , thành một vũ trụ tự trị có cấu trúc riêng của nó, chỉ có nó cho phép, cũng chỉ là đôi khi, một cách khó khăn, con người được tự thể hiện”[10]. Goldmann viết tiếp: “Tôi có cảm tưởng rằng hai giai đoạn cuối cùng của lịch sử kinh tế và đồ vật hóa trong xã hội phương Tây phù hợp thực sự với hai thời kì lớn trong lịch sử của các hình thức tiểu thuyết: thời kì mà tôi xác định bởi sự biến mất của nhân vật và trong đó tồn tại những tác phẩm quan trọng nhất như tác phẩm của Joyce, Kafka, Musil, Buồn nôn của Sartre, Người xa lạ của Camus, và rất có thể, như một trong những ý quan trọng nhất của tôi, tác phẩm của Nathalie Sarraute; thời kì thứ hai chỉ bắt đầu tìm thấy sự thể hiện văn học của nó mà Robbe-Grillet là một trong những đại diện đích thực và sáng giá nhất, chính xác đó là thời kì đánh dấu sự xuất hiện của một thế giới tự trị của các đồ vật, chúng có cấu trúc và những quy luật riêng, và qua thế giới ấy mà hiện thực nhân văn có thể còn được thể hiện trong chừng mực nào đấy”.[11]
Quan tâm đến sự khác biệt trong sự nghiệp sáng tác của hai nhà văn, Goldmann nhận thấy Nathalie Sarraute tuy sáng tạo ra một phương thức mới, nhưng về cơ bản vẫn là phương thức của các nhà văn không có nhân vật như Kafka, Musil, Joyce, “cấu trúc chủ yếu của quan hệ đồ vật-con người vẫn còn như của cấu trúc trong tiểu thuyết cổ điển”. Trong khi đó thì Robbe-Grillet “tập trung vào việc thể hiện từ bên ngoài cuộc sống xã hội, không miêu tả đặc điểm chủ yếu của con người và tâm lý của những mối quan hệ có xuất xứ từ đồ vật hóa và quyền tự trị ngày càng tăng của các đồ vật”, ông thể hiện hiện thực của xã hội đương đại trong một hình thức mới. Goldmann tập trung khai thác ba tiểu thuyết quan trọng của Robbe-Grillet. Về hai tiểu thuyết Những chiếc tẩy và kẻ đứng nhìn, ông nhận xét: “Điều mà Ribbe-Grillet nhận thấy, đó là chủ đề của hai tiểu thuyết đầu tiên, đó là sự thay đổi lớn trong xã hội và của con người, nảy sinh từ sự xuất hiện hai hiện tượng mới và từ sự quan trọng đặc biệt, một mặt, đó là sự tự điều chỉnh của xã hội, mặt khác, đó là tình trạng thụ động ngày càng tăng, đặc điểm của “người đứng nhìn” mà con người trong xã hội hiện đại ngày càng thể hiện rõ, sự vắng mặt của việc tham gia tích cực vào cuộc sống xã hội, điều mà, trong sự thể hiện rõ nhất của nó, các nhà xã hội học hiện đại gọi là sự phi chính trị hóa mà thực chất là một hiện tượng vô cùng cơ bản mà theo mức độ tăng dân, người ta có thể gọi bằng những thuật ngữ như: sự phi chính trị hóa, sự làm mất thiêng, sự mất nhân tính, sự đồ vật hóa”[12].
Goldmann nhấn mạnh: hiện tượng đồ vật hóa được thể hiện triệt để nhất trong tác phẩm Ghen, đó là hiện tượng biến con người thành đồ vật đến mức không thể phân biệt người và vật. Ông cho rằng qua tác phẩm này, người ta nhận thấy quyền tự trị của các đồ vật ngày càng tăng, chính chúng mới là một hiện thực cụ thể, ngoài đồ vật, con người và tình cảm không còn chỗ đứng nào: “chính là cấu trúc của một thế giới trong đó đồ vật sở hữu một hiện thực riêng, tự trị, trong đó con người không thể nói đến chuyện làm chủ nó, mà còn bị đồng hóa vào chúng; và trong đó, các loại tình cảm không tồn tại nữa trong chừng mực ở đó chúng còn có thể thể hiện qua hiện tượng đồ vật hóa”[13].
Trên cơ sở phân tích cụ thể các tác phẩm khác nữa của Robbe-Grillet Goldmann đi đến kết luận: “Tác phẩm của Robbe-Grillet đã đặt ra nhiều vấn đề hoàn toàn thuộc về mỹ học và trước hết liên quan đến những thay đổi mà nội dung đã tác động đến hình thức của tiểu thuyết. Thế nhưng chúng ta có cảm giác rằng sự phân tích đơn giản nội dung trực tiếp nhất những tiểu thuyết của Nathalie Sarraute và Robbe-Grillet và phim của Robbe-Grillet như chúng ta vừa phác thảo cũng đủ để chỉ ra rằng nếu người ta đem lại cho thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực ý nghĩa sáng tạo một thế giới mà cấu trúc của nó tương tự như cấu trúc cơ bản của hiện thực xã hội mà tác phẩm được viết ra từ trong lòng xã hội ấy, Nathalie Sarraute và Robbe-Gillet được liệt vào trong số những nhà văn hiện thực triệt để nhất của văn học Pháp đương đại”.[14]
Lộc Phương Thuỷ
_____________________