Làm nên một nền văn học phát triển, phải có vô số những tác giả, phần nhiều trong số họ không được biết tới ở ngoài biên giới, một phần trong số họ mãi mãi im lặng, và chưa hẳn họ ít quan trọng hơn các nhân vật tiếng tăm trong một sự phát triển chung, thậm chí, phải tính đến cả một nền văn học vô danh vẫn chảy sâu trong lịch sử nhân loại từ quá khứ tới hiện tại.

Khi tôi còn nhỏ, sống ở đồng bằng, lúc nào tôi cũng mơ tới những ngọn núi. Tôi nhớ lần đầu trốn nhà thám hiểm ngọn núi nhỏ mọc ở một cánh đồng phía xa làng, tôi tưởng mình đã khám phá được một chốn thần tiên. Tôi ngồi trên đỉnh núi, nhìn dòng sông uốn dưới chân, những bóng người nhỏ bé phía dưới, cánh đồng trải xa xa… Cảm giác trên cao ẩn chứa cám dỗ tuyệt diệu. Ngọn núi tôi ròng rã mơ ước chinh phục ấy, sau này, lớn lên, tôi biết rằng đó chỉ là một quả đồi trọc thấp nằm chơ vơ như một cái bát úp giữa cánh đồng, không hiểu cơn chấn động địa chất lạ lùng nào đã tạo nên sự lẻ loi ấy, người làng gọi là Núi Một. Tôi không khỏi thấy thất vọng, tôi đã có thể bước lên đó dễ dàng chỉ trong ít phút như người đi dạo trên đường. Tôi lại nghĩ tới một ngọn núi cao hơn, nơi người ta được trải nghiệm nỗi cô đơn kiêu hãnh hay sự kiêu hãnh trong cô đơn của kẻ ở trên tất thảy:

Ta cao quá, mà núi non thấp lắm
Chẳng chi so, chẳng chi đến giao hòa!
(Hi Mã Lạp Sơn, Xuân Diệu)

Mỗi lần nghe câu hỏi tại sao văn học Việt Nam nhiều năm nay không có “đỉnh”, hơi buồn cười, tôi lại thấp thoáng thấy hình ảnh ngọn núi ngày xưa, và lại nghĩ tới những giấc mơ leo núi không thôi đeo bám tôi khi còn nhỏ.

Sự mênh mông của vùng đất văn học cần tới nhiều người lao động, cần tới những cánh đồng phì nhiêu đủ màu hoa trái, cần tới những dòng sông, những cánh diều, tiếng gió, cần tới những con giun, con dế, cần tới cả những thửa ruộng đang nằm ải chờ được gieo trồng mà không cần một tượng đài lồng lộng đứng giữa cánh đồng bỏ hoang.

Tại sao văn học Việt Nam nhiều năm qua không thấy tác giả lớn, không thấy tác phẩm đỉnh cao? Những đỉnh cao văn học của chúng ta như thể đều là những người đã chết. Câu hỏi được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần này trong các cuộc phỏng vấn, trò chuyện văn chương với các tác giả đã thành danh hay những nhà văn tập sự có phải bộc lộ một ước mơ, một kì vọng mãi chưa thỏa mãn? Và bởi đã được/bị đặt câu hỏi, tất cả chúng ta đều cố gắng trả lời: vì đời sống kinh tế – chính trị – xã hội, vì chúng ta trải qua chiến tranh, vì những vấn đề kiểm duyệt văn hóa, vì thiếu những nhà văn tài năng lớn, vì những nhà văn (bộc lộ) tài năng lại thiếu tư tưởng lớn và thiếu sức bền, vì xã hội tiêu dùng dẫn tới xung đột cơm áo gạo tiền khiến người viết lao đao, vì thiếu phê bình làm động lực thúc đẩy sáng tạo văn học, vì thiếu thốn dịch thuật làm những bài học văn chương, vì thiếu trào lưu, vì thiếu những cơ hội giao lưu, tiếp xúc với thế giới, vì thiếu các tờ báo văn chương như các diễn đàn thực sự, vì không đẩy mạnh quảng bá, vì thiếu không khí đối thoại… Trong bảng liệt kê này, tôi nghĩ có thể thêm vào vô tận những lí do để chúng ta yên tâm sống tiếp, yên tâm với những sáng tác tầm tầm, yên tâm với một nền văn chương loanh quanh, mỏi mệt, yên tâm với việc đặt ra những câu hỏi mãi mãi nằm ở bên ngoài mình, những câu hỏi như ở tầm vĩ mô không liên quan gì đến cuộc viết thường nhật của chúng ta. Tại sao độc giả, và nhiều tác giả muốn đặt ra câu hỏi này? Bỏ qua những cơn khát “ngôi sao văn học” của truyền thông thường chờ đợi văn chương cũng rộn ràng như sân khấu biểu diễn, tôi nghĩ, sự chờ đợi vào các tác giả lớn nằm trong khát vọng lớn hơn của cộng đồng văn chương, trong đó hẳn bộc lộ niềm yêu mến của độc giả. Chúng ta đều biết những nhà văn, nhà thơ lớn có thể thành niềm tự hào, thậm chí thành biểu tượng cho tâm hồn một quốc gia, một dân tộc, một nền chữ viết.

Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng, đỉnh cao văn chương không bao giờ chỉ thuộc về một cá nhân và để cả xã hội ve vuốt cá nhân đó như một thứ đặc sản duy nhất của vùng miền. Thật thiệt thòi cho văn hóa một dân tộc, một quốc gia nếu họ chỉ có duy nhất một thứ đặc sản để thỉnh thoảng mang trưng bày trong các hội chợ quốc tế. Sự mênh mông của vùng đất văn học cần tới nhiều người lao động, cần tới những cánh đồng phì nhiêu đủ màu hoa trái, cần tới những dòng sông, những cánh diều, tiếng gió, cần tới những con giun, con dế, cần tới cả những thửa ruộng đang nằm ải chờ được gieo trồng mà không cần một tượng đài lồng lộng đứng giữa cánh đồng bỏ hoang. Nước Nga không phải chỉ có một A.Pushkin, còn N. Gogol, còn L.Tolstoy, còn Dostoyevsky… Balzac không tạo thành một nền văn học Pháp. Mọi nền văn học đã lớn, hay những nền văn học mới trỗi dậy không bao giờ được xây dựng chỉ bằng vài ngọn núi trồi lên ngẫu nhiên, vài cái tên làm mẫu trong các cuộc giao lưu xuyên văn hóa. Làm nên một nền văn học phát triển, phải có vô số những tác giả, phần nhiều trong số họ không được biết tới ở ngoài biên giới, một phần trong số họ mãi mãi im lặng, và chưa hẳn họ ít quan trọng hơn các nhân vật tiếng tăm trong một sự phát triển chung, thậm chí, phải tính đến cả một nền văn học vô danh vẫn chảy sâu trong lịch sử nhân loại từ quá khứ tới hiện tại. Hơn nữa, theo thời gian, vị trí của những cái tên này cũng thay đổi, những cơn chấn động địa chất làm cho ngọn núi này cao hơn, và đỉnh núi khác sụp đi. Vậy là, điều bất ổn dường như đã nằm sẵn ngay trong bản thân câu hỏi: sẽ là thiếu công bằng khi các cộng đồng văn chương chỉ trông chờ và ve vuốt một vài cái tên như là bằng chứng của sự phát triển, như là những biểu tượng quốc gia.

… chúng ta có những khu vực văn chương không tính được bằng biên giới địa lý quốc gia, những nhà văn lớn trở thành “đặc sản”, không phải của quốc gia đó, mà là đặc sản của vùng lãnh thổ ngôn ngữ mà họ lao động.

Từ một góc quan sát khác, chúng ta có những khu vực văn chương không tính được bằng biên giới địa lý quốc gia, những nhà văn lớn trở thành “đặc sản”, không phải của quốc gia đó, mà là đặc sản của vùng lãnh thổ ngôn ngữ mà họ lao động. Tôi băn khoăn người ta coi L.Borges là biểu tượng văn chương của Argentina, O.Paz là đặc sản của Mexico, G.Marquez là thần tượng của Colombia và nhiều nhà văn Mỹ Latin nổi tiếng khác trong quá khứ và đương đại là những đỉnh cao của nền văn chương Mỹ Latin hay là những đỉnh cao của văn chương tiếng Tây Ban Nha nói chung, thứ tiếng được truyền tới bởi một đế quốc sừng sỏ châu Âu, thứ tiếng của kẻ thực dân, thứ tiếng không dẫn tới sự áp chế văn hóa mà lại là con đường khai mở văn hóa các dân tộc bị áp bức? Quả thật, nếu có một cái gọi là “nền văn học Mỹ Latin”, chủ yếu viết bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha, thì nền văn học đó phải chịu món nợ dằng dai với ngôn ngữ của những kẻ thống trị trong quá khứ. Cũng vậy, người ta sẽ nói tới những khu vực văn chương tiếng Anh, văn chương tiếng Pháp. Và ngôn ngữ tiếng Việt, khi theo chân người Việt tới nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới sẽ sản sinh những thành quả có thể không còn thuộc quyền kiểm soát của quốc gia nữa. Gần đây, chúng ta biết những nhà văn gốc Việt được vinh danh đâu đó, ở trong hay ngoài Việt Nam: Linda Lê, Nam Lê chẳng hạn, chúng ta vinh danh họ như một niềm hi vọng vào giá trị của người Việt, nhưng đó là những giá trị không thuộc về ngôn ngữ Việt, cũng không thuộc về lãnh thổ địa lý quốc gia Việt. Tôi biết không hiếm nhà văn bị từ chối ở ngay mảnh đất quê hương họ, chỉ vì những tư tưởng khác biệt mang tiềm năng chia sẻ những giá trị văn hóa lớn lao hơn khuôn khổ tư tưởng bị chi phối bởi hệ thống quyền lực của một dân tộc: chẳng hạn, Mario Vagas LLosa, nhà văn người Peru viết tiếng Tây Ban Nha, kẻ bị quê hương ruồng bỏ và được vinh danh Nobel văn học.  M.LLosa nên được xem là đỉnh cao của văn chương Peru, hay nền văn chương Mỹ Latin, hay nền văn chương tiếng Tây Ban Nha hay văn chương thế giới nói chung? Câu hỏi về đỉnh cao của nền văn học một quốc gia, một lần nữa, bộc lộ sự hẹp hòi, vô ích khi văn chương vượt ra ngoài đường biên địa lý, khi các tác giả văn chương lớn đồng thời là những người chia sẻ các giá trị lớn lao của toàn nhân loại, mà đôi khi, thật không may, dân tộc sở hữu nhân thân của tác giả đó lại không dung chứa nổi sức sáng tạo của họ.

Văn học Việt Nam không cần đỉnh, văn học Việt Nam cần những tác giả, có thể nằm trong hay ngoài biên giới địa lý Việt Nam nhưng chia sẻ ngôn ngữ tiếng Việt. Độc giả Việt Nam tôi nghĩ cũng không nên kì vọng hão hờ vào những nhà văn bóng loáng trên mặt báo như những bóng núi ảo tưởng lòe những con mắt quen nhìn thấp.

Trở lại với câu hỏi về văn học Việt Nam, thay vì cố gắng trả lời một câu hỏi mà mọi trả lời đều dễ trở thành những ngụy biện, tôi muốn đề xuất một giải pháp: bỏ qua câu hỏi đó. Trong hành trình viết hẳn mỗi tác giả nhiệt tâm sẽ vẽ ra một ngọn núi nào đó của riêng mình để hướng tới sự hoàn hảo, tới đỉnh cao, một khát vọng đẹp của nhân loại. Nhưng mọi nền văn chương thực sự không cần tới đôi ba anh hùng làm biểu tượng, nhất là trong thời đại vắng trào lưu và hướng tới một sự sống đa dạng của thời toàn cầu hóa. Văn học Việt Nam không cần đỉnh, văn học Việt Nam cần những tác giả, có thể nằm trong hay ngoài biên giới địa lý Việt Nam nhưng chia sẻ ngôn ngữ tiếng Việt. Độc giả Việt Nam tôi nghĩ cũng không nên kì vọng hão hờ vào những nhà văn bóng loáng trên mặt báo như những bóng núi ảo tưởng lòe những con mắt quen nhìn thấp. Và tôi nghĩ, những câu hỏi khác, hẳn là thiết thực hơn, sẽ đến với chúng ta, những người viết, người đọc đang viết và đọc ngôn ngữ tiếng Việt của người Việt ở nhiều nơi trên thế giới.

Thành thực, tôi không chờ vào việc sớm có thêm vài ba đỉnh núi cao cao trong một nền văn học bình bình, tôi chỉ chờ đợi có những người viết người đọc cùng đứng trên một cái nền cao đủ để ngước nhìn ra xa hơn, và khi đó, chúng ta có thể còn gì đó để hi vọng vào những giấc mơ phiêu lưu mới.

1/3/2012
Nhã Thuyên
Nguồn: Tia Sáng.

Exit mobile version