Lương Đình Khoa là một cây bút trẻ thuộc thế hệ 8X, trưởng thành từ Báo Thiếu niên Tiền phong. Khi truyền thông trên mạng xã hội bùng nổ, Lương Đình Khoa khá nổi tiếng với vai trò là một blogger, những lời thơ, bài viết của anh xoay quanh chủ đề đời sống và tình cảm giới trẻ đã tạo ra “cơn sốt” trong cộng đồng mạng thế hệ 9x, 10x. Vừa qua tập thơ và tản văn Về nhà đi của Lương Đình Khoa ra mắt đã thu hút được đông đảo độc giả trẻ.

334A9034
Về nhà đi là đứa con tinh thần thứ 5 của cây bút trẻ thế hệ 8x

“Về nhà đi, tháng ngày dần ngắn lại
Những sân ga trong mỗi cuộc đời
Ngày xuống tàu biệt li nào hẹn trước
Nên rất cần tay nắm lúc còn vui.

Về nhà đi, bởi trong mỗi cuộc đời
Ai  người cũng chỉ có một mái nhà để học cách yêu,
Một mẹ, một cha cho bàn chân tìm lối về hiếu nghĩa
Dù giang cánh chạm chân trời góc bể
Hãy cứ về khi có thể – để thương…
Níu giữ trên tay thứ hạnh phúc cội nguồn…”

Về nhà đi là tập thơ và tản văn của Lương Đình Khoa  phác họa chân dung của mỗi con người trên hành trình tôi đi tìm tôi”. Dù là ai, ở độ tuổi nào đều có thể tìm thấy những mảnh kí ức tương đồng. Cuốn sách Về nhà đi được sắp xếp theo từng phần với bước phát triển của tình yêu và nhận thức trên hành trình trưởng thành của mỗi con người; giữa bộn bề vui – buồn – được – mất của cuộc đời, chúng ta luôn tìm thấy một nơi được gọi là “nhà” để đón đợi, để trở về. Cuốn sách còn là món quà yêu thương dành trao gửi, khơi nguồn cho từng bước chân, từng tâm hồn, và trân trọng những gì đang có trên tay trước khi chúng sẽ mất đi, tan biến theo ngọn gió vô thường.

14311232 1432583486757514 2543582315250953715 o
Tập sách do Người Trẻ Việt phối hợp với NXB Văn học ấn hành.


Nói về tác giả trẻ Lương Đình Khoa, nhà phê bình Văn Giá chia sẻ: “Lương Đình Khoa là một trường hợp tiêu biểu cùa lớp người trí thức trẻ đang vật vã sống, quyết liệt sống với tất cả sức vóc, tâm huyết, tri thức và cả những…bạt mạng. Khoa không ngần ngại phơi lên mặt giấy toàn bộ đời sống của mình. Chữ nghĩa đối với anh như một niềm hoan lạc, nhiều khi như một cứu cánh. Qua con chữ để bấu vào đời sống, để được sống, được quyền hy vọng…  “
Còn theo Lương Đình Khoa thì: Về nhà đi là lời thủ thỉ dài như sông Hồng mang phù sa mặn nồng đắp bồi vào tháng năm đời người, thanh lọc những bụi bặm đua chen để tâm hồn không khô héo chai sạn.

Phương Phương – Văn nghệ quân đội