Trong lịch sử phê bình văn học Việt Nam, dịch thuật đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tiếp nhận các trường phái, lý thuyết phê bình của nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà thời kỳ nào dịch thuật phát triển thì phê bình văn học cũng phát triển theo.

Chúng ta có thể hình dung lịch sử phê bình văn học Việt Nam được hình thành từ những diễn ngôn phê bình và việc dịch các công trình nghiên cứu – phê bình văn học nước ngoài góp phần rất lớn trong việc hình thành, thay đổi và chuyển dịch diễn ngôn đó. Trong giới hạn bài tham luận này, đầu tiên, chúng tôi sẽ cố gắng tái tạo lịch sử diễn ngôn phê bình văn học và diễn ngôn dịch thuật của Việt Nam. Sau đó, từ một số khái niệm về diễn ngôn, tri thức, quyền lực của Michel Foucault, chúng tôi sẽ làm rõ sự tác động của diễn ngôn dịch thuật lên diễn ngôn phê bình như một công cụ kiến tạo tri thức, cắt nghĩa sự tác động trở lại của phê bình văn học đối với dịch thuật trong mối quan hệ quyền năng và từ đó đề ra những giải pháp nâng cao chất lượng và vai trò của công tác dịch lý thuyết văn học.

Bàn về mối quan hệ giữa tri thức và quyền lực, Foucault viết: “Không có quan hệ quyền lực nếu một trường tri thức tương quan không được hình thành, cũng không có tri thức nào không đồng thời đòi hỏi và hình thành các quan hệ quyền lực…”.[1] Việc dịch sách lý luận, với tư cách là một diễn ngôn, không thể không bị chi phối bởi các quan hệ quyền lực. Theo ngôn ngữ Foucault, dịch giả lý thuyết văn học nước ngoài chịu sự chi phối của thư khố (archive). Thư khố, như Foucault đã giải thích: “không phải là tổng thể các văn bản được lưu trữ trong một nền văn minh, cũng không phải toàn bộ các vết tích được cứu vớt và lưu giữ trong nền văn minh đó mà là tất cả những quy luật chi phối sự xuất hiện và sự biến mất của các phát ngôn, sự tồn dư và sự xóa bỏ, đời sống nghịch lý đầy sự kiện và sự vật của chúng.”[2] Ở đây, chúng ta phải tính đến sự tác động của quyền lực Nhà nước, quyền lực chính trị trong việc hình thành diễn ngôn dịch thuật và diễn ngôn phê bình. Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ hai mươi, diễn ngôn phê bình Việt Nam bắt đầu manh nha từ sự chuyển mình của đất nước khi tiếp xúc với phương Tây. Vào giai đoạn này, việc dịch sách triết học (chủ yếu qua ngòi bút của Phạm Quỳnh) và việc tiếp nhận các trường phái phê bình Pháp (có thể không thông qua dịch liên ngôn mà thông qua dịch nội ngôn) đã thổi vào đời sống văn học một luồng sinh khí mới đầy tính học thuật. Tri thức ngôn ngữ và văn hóa mà dịch thuật đã góp phần kiến tạo đã tạo nên một sự chuyển biến rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực phê bình. Đúng như Đỗ Lai Thúy đã nhận định: “[…] cũng như sáng tác phải trải qua những giai đoạn quá độ là dịch và phóng tác, con đường hình thành phê bình như một hoạt động chuyên ngành cũng phải trải qua dịch và khảo cứu. Như vậy, dịch là công đoạn chung cho cải hai: sách văn chương lẫn sách phê bình.”[3]

Trước khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây, ở Việt Nam, nói như Thibaudet, “có những người làm phê bình […] nhưng không có phê bình.”[4], như tình trạng phê bình văn học ở Pháp trước thế kỷ 19. Như vậy, có thể nói giai đoạn này mới chỉ là giai đoạn thai nghén của diễn ngôn phê bình văn học Việt Nam, diễn ngôn này chỉ thật sự được hình thành từ 1932 đến 1945 với sự ra đời của nhiều văn đàn cũng như sự phát triển của báo chí, xuất bản, và đặc biệt là sự trưởng thành của quốc ngữ. Mặc dù số bản dịch về lí luận phê bình còn ít ỏi[5], nhưng chúng ta cần khẳng định rằng những tác phẩm dịch giai đoạn trước đã có những ảnh hưởng rất lớn đối với phê bình văn học giai đoạn này, đó là chưa kể vai trò của dịch nội ngôn trong các công trình, bài viết về lý luận văn học. Trong một bài viết, Kiều Thanh Quế khẳng định: “Nước ta sau này hay dở thế nào đều nhờ ở sách dịch, và sự phiên dịch nó là nòng cốt khả dĩ đưa văn học quốc ngữ đến chỗ hoàn mỹ.” [6] Quả vậy, nói đến giai đoạn này, chúng ta không thể không kể đến Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn, là người mà Đỗ Lai Thúy đánh giá là “chịu ảnh hưởng nhiều của lý thuyết phê bình hiện đại Pháp, đặc biệt là của G. Lanson”[7] và Đào Duy Hiệp cho là đã “ảnh hưởng rất rõ từ phê bình Pháp” “qua việc trích dẫn các nhà phê bình cùng với việc đặt tên sách”.[8] Đây là công trình mà nhiều nhà nghiên cứu sau này đánh giá là đã đặt nền móng cho nền lý luận văn học Việt Nam hiện đại. Mặc dù không phải sách dịch nhưng cuốn sách này chứa đựng những phạm trù về phê bình – lý thuyết văn học được chuyển tải từ các nền văn học nước ngoài, trong đó có nền văn học Trung Hoa và nền văn học Pháp.

Giai đoạn 1954-1975 là giai đoạn đặc biệt trong lịch sử tri thức Việt Nam. Đó là giai đoạn mà miền Nam và miền Bắc duy trì hai chế độ khác nhau. Ở miền Bắc, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trở thành một quan điểm nghệ thuật thống trị, phục vụ cho đường lối văn học phục vụ chính trị. Cho dù không phát triển rầm rộ, dịch thuật tiếp tục đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng một hệ thống lý luận văn học lúc bấy giờ. Mở đầu bằng bản dịch Bàn về văn học nghệ thuật của Mao Trạch Đông, và sau đó là hàng loạt bản dịch các cuốn sách của J. Fréville, K. Marx, F.Engels, V.I. Lénine, M. Gorky, L. Timophiep v.v… [9] Tất cả các công trình dịch thuật này đã góp phần hình thành diễn ngôn phê bình Marxist mà chúng ta có thể tìm thấy trong các cuốn sách, bài viết của Trường Chinh, Tố Hữu, Trịnh Xuân An, Hoàng Trinh v.v… Hành trình trở thành nhà nghiên cứu – phê bình văn học của Đỗ Đức Dục cho chúng ta thấy rõ ý thức “nghiên cứu văn học nước ngoài […] không thể tách rời nghiên cứu với dịch thuật và giới thiệu.”[10] Đỗ Đức Dục tâm sự:

Suốt năm năm đầu ở Viện Văn học để làm sự nghiệp mới, tôi quyết tâm “đóng cửa đọc sách” với ý muốn trong một thời gian nhất định phải nắm cho được lý luận cơ bản về văn học. Đó là thời kỳ tôi say mê đọc nào là Mác và Ăngghen bàn về văn học nghệ thuật, nào là Lênin bàn về văn học nghệ thuật, nào là Plêkhanốp, Măcxim Gorki, Timophêep, Nubarốp… Cùng những sách đó tôi ngốn ngấu những Nguyên lý văn học, Nguyên lý mỹ học Mác-Lênin và cả […] Lịch sử văn học Pháp của Đê Grăng, của G. Lăngxông, của E. Phaghê… Lịch sử văn học Xô Viết, Lịch sử văn học Trung Quốc…[11]

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa suy cho cùng là tri thức được thiết lập bởi thể chế chính trị nhằm tạo ra “cái khung lý luận”[12] để thiết trị văn học nghệ thuật. Tri thức này gói gọn trong chủ trương: “Phương pháp phân tích giai cấp, quan điểm lịch sử và tỉnh Đảng Cộng sản là tư tưởng chỉ đạo trong nghiên cứu văn học.”[13] Và thực tế cho thấy, việc kiến tạo tri thức để quản lý văn học nghệ thuật này đã có ảnh hưởng rất lớn đến các nhà phê bình Việt Nam. Năm 1969, Trịnh Xuân An viết:

Có người đặt vị trí của phê bình trong nền văn học như người lính gác. Đã là người lính gác thì luôn luôn đề cao cảnh giác và kiên quyết không cho kẻ lạ mặt đến gần với tinh thần là bảo vệ doanh trại. Tất nhiên, chức năng chủ yếu của người lính gác là chống: chống địch, chống sự xâm nhập của kẻ lạ mặt để bảo vệ cái cần phải bảo vệ. Đó là chức năng thông thường, phổ biến của bất kỳ người lính nào phải làm nhiệm vụ canh gác. […] Hình tượng này nói lên tinh thần trách nhiệm của các nhà phê bình, nồng nhiệt muốn bảo vệ sự trong sáng, lành mạnh và tốt đẹp của nền văn học ta.[14]

Trính đoạn này cho chúng ta thấy sự đối kháng giữa một bên là nền lý luận – phê bình chính thống, được so sánh như một “doanh trại” trong đó nhà phê bình được xem như một “người lính gác”, và một bên là những “kẻ lạ mặt” được hiểu như những trào lưu lý luận phê bình ngoài luồng, trong đó phải kể đến các trào lưu lý luận văn học phương Tây. Chúng ta thấy diễn ngôn phê bình marxist đã trở thành một diễn ngôn thống trị, đồng thời chiếm vị trí trung tâm của trường văn học Việt Nam. Trong khi đó, việc tiếp nhận văn học – triết học nước ngoài ở Miền Nam giai đoạn này có đặc điểm lai tạp (hybride), khác với tính thống nhất (và thống trị) của đường lối văn nghệ miền Bắc. Quả thế, trong những năm tháng chia cắt, miền Nam là sân khấu “hậu hiện đại” trên đó diễn ra sự va chạm của nhiều trào lưu triết học và văn học khác nhau, trên đó dịch giả đóng vai chính trong việc giới thiệu cho bạn đọc những thông tin cập nhật nhất về văn chương và học thuật từ những chân trời xa xôi của Pháp, của Mỹ, của Đức, của Anh v.v… Những Nguyễn Văn Trung, Thái Kim Đỉnh, Tam Ích, Trần Thiện Đạo, Hào-Nguyên Nguyễn Hóa, Vũ Đình Lưu, Bùi Hữu Sủng, Đoàn Thêm, Bùi Giáng, Võ Phiến, Huỳnh Phan Anh v.v… đã giới thiệu khá kịp thời cho người đọc miền Nam các trào lưu tư tưởng và văn học đang thịnh hành thời đó ở các nước phương Tây như chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, tiểu thuyết phi lý, tiểu thuyết mới v.v… cũng như các tác giả nổi tiếng mà ngày nay chúng ta đều biết và tham khảo: M. Heiddeger, E. Husserl, S. Kierkegaard, J..P. Sartre, S. de Beauvoir, A. Camus, A. Robbet-Grillet, N. Sarraute v.v…

Từ sau năm 1975 đến những năm 1990 là giai đoạn mà sách dịch lý luận – phê bình ở nước ta rất ít. Đó là giai đoạn mà đất nước ta từ từ rũ bỏ những sự gò bó kinh tế – văn hóa – chính trị – xã hội “do lịch sử để lại”. Năm 1991, Nguyên Ngọc còn đánh giá: “Các sách lý luận văn học nước ngoài cho đến nay còn quá ít, và nói chung chỉ một dòng, một chiều, còn nghèo nàn. Lý luận văn học thế giới mấy chục năm qua phát triển rất mạnh mẽ. Chúng ta tất phải tìm lấy con đường đi, con đường phát triển đúng và tốt nhất của riêng ta.”[15] Thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nền học thuật nước nhà đang có những khởi sắc, “cởi mở hơn, tầm nhìn được mở rộng hơn”[16]. Nhiều công trình của M. Kundera, Y. Lotman, K. Hamberger, P. Ricoeur, A. Compagnon, J. Derrida, O. Paz, U. Eco, R. Barthes v.v… đã được dịch và giới thiệu rộng rãi cho bạn đọc Việt Nam và nhờ vậy, nền phê bình – lý luận văn học nước ta đã có những bước tiến quan trọng, nhiều nhà phê bình đã áp dụng có chọn lọc và nhuần nhuyễn những lý thuyết văn học của phương Tây: từ phân tâm học đến thi pháp học, từ hậu hiện đại đến giải cấu trúc… Những nhà lý luận – phê bình văn học như Trương Đăng Dung, Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Dân, Đỗ Lai Thúy, Lộc Phương Thủy v.v… đang thực sự là những nhà nghiên cứu đầu đàn của Việt Nam hiện tại, nhất là trong lĩnh vực tiếp nhận các lý thuyết văn học nước ngoài. Họ tạo nên một quyền lực phê bình có tầm ảnh hưởng rất lớn đến nền lý luận – phê bình của nước nhà.

Dịch lý luận hình thành một tri thức và tri thức này có tác động mạnh mẽ vào trường văn học, trong đó có phê bình, lý luận văn học. Cơ chế tác động của hoạt động dịch lý luận lên hoạt động nghiên cứu, phê bình tuân theo cái mà Foucault gọi là “quy tắc hình thành” diễn ngôn: hình thành các khách thể, hình thành các phương thức diễn ngôn, hình thành các khái niệm, hình thành các chiến lược. Quả thế, các công trình thuyết văn học được dịch sang tiếng Việt đã gợi ý rất nhiều đề tài mới, các điển phạm (canons) cho các nhà nghiên cứu – phê bình Việt Nam, tạo cơ sở để họ có một lập trường khoa học rõ ràng để từ đó có một diễn ngôn phê bình hợp lý. Sách dịch lý luận cũng cung cấp cho các nhà nghiên cứu – phê bình những khái niệm mới, những khái niệm mà bản thân họ có quyền điều chỉnh, thay đổi sao cho hợp lý. Phạm Quốc Lộc và Lê Nguyên Long không phải không có lý khi cho rằng: “Dịch giúp thiết lập nên những điển phạm (canon); sau những lần tiếp xúc mới, chính dịch lại góp phần giải phá những điển phạm cũ, hình thành những điển phạm mới.”[17]

Ở chiều ngược lại, phê bình văn học tạo cơ sở cho các dịch giả lý thuyết văn học nước ngoài trong việc lựa chọn các lý thuyết cần dịch. Các nghiên cứu – phê bình văn học có vai trò làm rõ tình trạng của nghiên cứu văn học, xem đâu là chỗ được, đâu là chỗ chưa được, chỗ nào cần phát huy, chỗ nào cần bổ khuyết. Những hội thảo mà Viện Văn học Việt Nam tổ chức liên quan đến “những khả năng và thách thức” của nghiên cứu văn học Việt Nam và việc “Tiếp cận văn học châu Á từ lý thuyết phương Tây hiện đại: vận dụng, tương thích, thách thức và cơ hội” đã góp phần thắp sáng những ngọn hải đăng để những lý thuyết văn học phương Tây nói riêng và lý thuyết văn học nước ngoài nói chung cập bến Việt Nam.

Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam hiện tại, đội ngũ vừa nghiên cứu vừa dịch sách lý luận là không nhiều, chủ yếu những người đã có tuổi và tên tuổi. Do vậy, việc xây dựng một đội ngũ dịch giả – nghiên cứu viên trẻ, đủ mạnh để tiếp bước những cây đa cây đề hiện tại là một việc làm hết sức cấp thiết. Để dịch các văn bản lý thuyết văn học, người dịch phải giỏi ngoại ngữ và tiếng mẹ đẻ, phải có năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực mình dịch. Đội ngũ dịch giả này phải được chia thành các nhóm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga v.v… và làm việc cùng nhau với một sự phối hợp chặt chẽ. Bên cạnh đó, chúng ta phải xây dựng một Tủ sách lý thuyết văn học và phải có người hoặc nhóm người điều phối chung, kiểu Tủ sách tinh hoa thế giới nhưng chỉ giới hạn ở lĩnh vực lý thuyết văn học. Khi xây dựng tủ sách này, chúng ta phải tiến hành sưu tầm và tổng hợp các sách lý thuyết từ trước tới nay (kể cả sách lý thuyết được dịch ở miền Nam giai đoạn 1954-1975). Đồng thời, chúng ta cũng sẽ bổ khuyết một cách có hệ thống tủ sách này để bắt kịp các nước trên thế giới trong nghiên cứu văn học.

Trong thời buổi mà khoa học xã hội và nhân văn đang thực sự lâm nguy và nghề nghiên cứu, dịch thuật vẫn là một cái nghề bạc bẽo như xưa nay nó vẫn thế thì sự dấn thân của những người trẻ trên con đường đầy chông gai, thử thách này là một hành động hết sức có ý nghĩa. Quá trình chủ thể hóa của các dịch giả lý luận trẻ tuổi phải bắt đầu bằng việc khảo cổ học quá trình dịch thuật tri thức lý luận văn học nước ngoài, tìm hiểu các điều kiện hình thành của các diễn ngôn phê bình văn học trong lịch sử văn học nước nhà để từ đó có sự lựa chọn đúng đắn các công trình lý thuyết cần dịch. Và quá trình này chắc chắn sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn nếu họ nhận thức được quyền lực của chính mình và các (vi) quyền lực đang chi phối mình, Họ cũng cần phải biết rút ra những bài học kinh nghiệm từ những lớp người đi trước và cố gắng làm việc theo nhóm để nâng cao sức mạnh truyền chuyển. Tương lai của nghiên cứu văn học ở Việt Nam đã bắt đầu phụ thuộc vào họ.

Chú thích:

[1] Michel Foucault, Surveiller et punir, Gallimard, 1975. Tr. 32.

[2] Foucault, “Réponse au Cercle d’Epistémologie”, Cahiers pour l’Analyse. Généalogies des sciences, số 9, 1968. Tr. 19.

[3] Đỗ Lai Thúy, “Phê bình văn học, nhìn nghiêng từ phương pháp”, Nghiên cứu văn học Việt Nam, những khả năng và thách thức, NXB Thế Giới, 2009, tr. 43.

[4] Albert Thibaudet, Physiologie de la critique, 1930, Tr.7,

[5] Thạch Lam dịch Comment on devient écrivain của A. Albalat, Hoài Thanh dịch bài diễn văn của André Gide đọc tại Hội nghị quốc tế các nhà văn ngày 22 tháng 6 năm 1935 v.v

[6] Kiều Thanh Quế (Mộc Khuê), “Dịch thuật”, Ba mươi năm văn học, NXB Tân Việt, 1941. Trích theo http://lyluanvanhoc.com/?p=2606

[7] Đỗ Lai Thúy, Sđd. Tr. 45.

[8] Đào Duy Hiệp, “Phê bình văn học phương Tây ở Việt Nam – Tiếp nhận và ứng dụng”, Tạp chí nghiên cứu Văn học, số 5, năm 2006.

[9] Xem Trịnh Bá Đĩnh, “Nửa thế kỷ giới thiệu những tư tưởng mĩ học và lí luận văn học nước ngoài ở Việt Nam”, Nghiên cứu văn học, số 5, 2005.

[10] Lê Thị Phong Tuyết (chủ biên), Đỗ Đức Dục, Hành trình văn học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003. Tr. 22.

[11] Ntr. Trang 21.

[12] Trần Đình Sử, “Nghiên cứu văn học Việt Nam : đổi thay như thế nào”, Nghiên cứu văn học Việt Nam, những khả năng và thách thức, Sđd. Tr. 18.

[13] Trần Đình Sử, Sđd. Tr. 17.

[14] Trịnh Xuân An, “Về vị trí và chức năng của công tác phê bình văn học”, Tạp chí văn học, số 5 năm 1969. Tr. 82.

[15] Nguyên Ngọc, “Vai trò văn học dịch trong sự phát triển văn học dân tộc” (Bản sơ kết cuộc hội thảo “Văn học dịch trong nền văn học dân tộc” do Viện văn học và Hội nhà văn tổ chức vào ngày 7 tháng 12 năm 1990 tại Hà Nội), Tạp chí văn học, số 2, 1991, tr. 3.

[16] Lộc Phương Thủy, “Tác động của lý luận văn học nước ngoài đối với lý luận văn học Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 1/2005.

[17] Phạm Quốc Lộc, Lê Nguyên Long, “Dịch và lí thuyết dịch như một hệ hình lí luận mới cho Việt Nam hiện nay,” Nghiên cứu văn học, tháng 12 năm 2009.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An