Mùi thơm của miếng ngói được hun bằng rơm và lá sim khiến tôi cảm phục cách mà ông bà xưa chế biến một món ăn thật lạ – hiếm thấy trên địa cầu, trở nên hấp dẫn. Có thể lắm, món ăn này đã nuôi sống con người qua một giai đoạn khó khăn nào đó?

Mấy người bạn ở Hà Nội nhún vai lắc đầu khi tôi hỏi mượn chiếc xe chạy lên thị trấn Lập Thạch, Vĩnh Phúc với lời giải thích: tớ muốn khám phá một vùng đất cổ. Thoát ra khỏi thành phố bụi bặm mù mịt chưa đầy một tiếng, tôi đến thành phố Vĩnh Yên đón cô bạn là phóng viên đài phát thanh truyền hình tỉnh. Cô bạn nhận lời dẫn tôi đến Lập Thạch, bởi đơn giản đây chính là quê hương của cô.

Đường về vùng đất cổ
Ngồi trên xe, cô chỉ cho tôi ao nước ngay trung tâm thành phố. Đây từng là nơi hội tụ cái đẹp và sự thơ mộng nhất của người dân Vĩnh Yên: Đầm Vạc. “Hơn chục năm trước, nơi này thơ mộng, xanh sạch và mát mẻ, vạc, bồ nông, cò, vịt trời, mòng, két, le le về kiếm thức ăn, và trú ngụ. Đầm Vạc là tài sản quý, là biểu tượng của Vĩnh Yên, nhưng các dự án du lịch, nhà hàng, các công trình xây dựng đã giết chết cảnh quan này. Bọn tớ đã chiến đấu rất quyết liệt nhưng không ăn thua”, cô nhìn xuống Đầm Vạc còn sót lại với ánh mắt đầy luyến tiếc.

Hai ông bà vẫn thưởng thức món ngói khi thèm.

Bỏ lại sau lưng Vĩnh Yên với đầy đủ tính chất của một thành phố đang phát triển, chúng tôi vào đường 305. Từng là địa bàn sinh sống của người Việt cổ, vùng đất Lập Thạch có truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời với nhiều phong tục cổ của nền văn minh lúa nước. Hàng chục vị thần núi, thần sông được thờ trong các làng quanh vùng. Những lễ hội về tín ngưỡng phồn thực cũng được tổ chức phong phú. Lập Thạch có nhiều di sản văn hoá với hàng trăm đình, chùa, miếu vẫn tồn tại. Mảnh đất này cũng là quê hương của nhiều danh nhân như Tả tướng quân Trần Nguyên Hãn; lưỡng quốc trạng nguyên Triệu Thái.
Xuyên qua làng Hoàng Chung, rất nhiều ngôi nhà cổ khá ấn tượng lấp ló phía sau tường gạch. Cô bạn tôi giải thích: Nhiều người dân đang sống trong những ngôi nhà có tuổi thọ hàng trăm năm. Kiểu nhà cổ xây hai chái ba gian lợp ngói, với các mái vòm cong cong, nét chạm trổ tinh xảo. “Đây là tài sản quý giá về mặt lịch sử, văn hoá và kiến trúc nhưng hiện chỉ do con cháu trong nhà tôn tạo chứ chính quyền địa phương chưa có chính sách bảo tồn. Nhiều căn nhà xuống cấp bị bỏ hoang hoặc bị phá đi xây mới. Tớ chẳng biết lần sau trở lại, liệu còn bao nhiêu căn nhà thế này”. Hàng ngàn huyền thoại và những dấu tích lịch sử vẫn còn ghi dấu trên con đường từ Vĩnh Yên vào Lập Thạch.

Có một loại đất ăn được như quà bánh
Những câu chuyện về vùng đất Lập Thạch mà cô bạn tôi kể khiến cho đoạn đường 20km gần lại. Vào trung tâm thị trấn, cô bạn cười kể: “Cậu cứ cho việc ăn đất là kỳ lạ chứ ngày xưa, tớ ăn thường xuyên. Mẹ đi chợ về là mua cho bọn tớ “ngói”, người dân gọi đất thế, như món quà chợ ấy. Mà mẹ tớ đấy, ngày xưa khi đau bao tử, bà ăn vài miếng “ngói” lại hết đau mà chẳng hiểu tại sao. Có điều lâu rồi người dân ở đây không bán “ngói” nữa. Giờ cậu nhắc lại, tớ lại thèm”. Cô bạn đã giấu tôi chi tiết thú vị này đến tận khi đặt chân tới Lập Thạch.

Hai ông bà làm sạch ngói trước khi mang hun khói.

Chúng tôi đến nhà ông bà Khổng Văn Loa khi trời đã xế chiều. Ngôi nhà mái rạ nằm dưới chân đồi nhỏ tại làng Bò Vàng, nay là tổ dân phố Thống Nhất. Giữa mùa đông lạnh, bà Loa đi chân không cho bò ăn cỏ trên bờ ao trước nhà. Hai ông bà ngót nghét 80 tươi cười lấy ghế, mang nước, vài trái bắp luộc mời khách từ Sài Gòn ra thăm.
Khi tôi thắc mắc về loại đất có thể ăn được, chị Khuyên, con dâu ông bà Loa, kéo tôi lên ngọn đồi sau nhà, chỉ một cái hố sâu đã đào đến tảng đất sét mịn màu xám khẳng định là “ngói ngon”. Chị mới lấy một ít phơi khô, nướng để cô con gái mang cho bạn bè vì họ tò mò muốn thử. “Xưa gia đình tôi ngày nào cũng đào cả gánh ngói mang ra chợ bán. Ngày đó hàng quà bánh còn hiếm, người dân Lập Thạch vẫn mua loại ngói này về ăn vặt. Các gia đình khu này trước đây đều đào ngói đi bán. Cả dải đồi này đều có ngói ngon ăn được”, chị Khuyên chỉ tay về mấy quả đồi nằm liền kề với ngọn đồi sau nhà.
Quay xuống chân đồi, bà Loa đã cầm chiếc rổ đựng những viên “ngói” màu vàng vừa được hun bằng rơm và lá sim ra khỏi bếp. Ông Loa, hai người con và cô bạn phóng viên đều cầm một miếng đưa lên miệng. Mùi thơm là lạ khiến tôi mạnh dạn lấy một miếng ăn. Những hạt đất sét mịn lạo xạo tan ra trong miệng và dừng lại ở đó đợi miếng nước trà đưa chúng xuống cổ họng. Tất cả mọi người đã với tay cầm miếng tiếp theo. “Chúng tôi nghiện cái mùi ngói nướng lá sim. Ngửi thấy mùi này là phải tìm ngói ăn bằng được. Ở Lập Thạch, chắc chỉ còn chúng tôi hay ăn ngói”, ông Loa nói.
Đêm đó tôi ngủ lại với ông bà Loa để nghe thêm những huyền thoại về vùng đất Lập Thạch. Ông bà say sưa kể những câu chuyện truyền miệng về những con người và thứ đất mà người dân Lập Thạch đã ăn bao đời nay. Không chỉ nhiều phụ nữ có thai thèm ăn món ngói; trẻ em, thanh niên nam nữ đều thích… ngói. Nhiều năm trước, một đĩa ngói thơm đặt trên bàn trà cũng là một món quà tết đãi bà con lối xóm trong những ngày đầu năm. Tôi thắc mắc mãi, khả năng nào đã cho những người dân nơi đây tiêu hoá món ăn kỳ lạ này?
Rời Lập Thạch, tôi suy nghĩ mãi ý kiến của nhà khảo cổ Nguyễn Việt về việc làm sao để tục ăn đất này được trân trọng như một di sản của người dân vùng Lập Thạch. Đến nay vẫn chưa ai biết tự bao giờ người dân Lập Thạch biết về một loại đất sét sâu dưới lòng đất để ăn. Hơn nữa, người dân còn biết dùng các loại lá có mùi thơm kết hợp với khói để hun loại đất sét này.

Kim Dung

Nguồn: Sài Gòn Tiếp thị.