1. Đặt vấn đề nghiên cứu

1.1. Phác họa tiểu thuyết đương đại Việt Nam thập niên đầu thế kỉ XXI


Diện mạo tiểu thuyết đương đại Việt Nam 10 năm đầu thế kỉ XXI, theo chúng tôi, một phần quan trọng được thể hiện qua hai cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 2 (2002 – 2004) và lần thứ 3 (2006 – 2009) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã gặt hái được những thành công nhất định. Ngoài ra còn phải kể đến hai cuộc thi tiểu thuyết và ký với chủ đề “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (vào hai đợt 1999 – 2002 và 2007 – 2010).

Dĩ nhiên như người ta nói, các cuộc thi và các giải thưởng dù cao đến đâu cũng không tạo nên văn chương trong tính tổng thể và toàn vẹn của nó, nhưng chí ít trong một chừng mực nào đó là những “sân chơi” bổ ích, tạo nên sự kích thích thi đua sáng tác, nhất là đối với những cây bút trẻ mới vào nghề và có khát vọng khẳng định mình trên văn đàn. Ở cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 2 (2002 – 2004), Ban tổ chức đã nhận được 200 tác phẩm của 150 tác giả dự thi. Cuộc thi lần này có cái bề thế của một cuộc ra quân, hay như Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhà thơ Hữu Thỉnh – nhận xét, đây là một cuộc “tự vượt đáng trân trọng”. Tất nhiên không thể dựa vào số lượng tác phẩm để đánh giá chất lượng cuộc thi, mà căn cứ vào sự nỗ lực của nhà văn muốn khái quát hoá bằng nghệ thuật hiện thực đời sống đang phơi mở rất nhiều phương diện bất ngờ và mới mẻ. Nhiều tác giả có ý đồ nghệ thuật tổng kết đời văn, muốn khái quát hoá nghệ thuật đời sống cả bề rộng lẫn bề sâu. Đào Thắng với Dòng sông mía, Từ Nguyên Tĩnh với Cõi người, Xuân Đức với Bến đò xưa lặng lẽ, Trần Văn Tuấn với Rừng thiêng nước trong, Nguyễn Khắc Phục với Ma nữ, Vũ Huy Anh với Trăm năm thoáng chốc, Hoàng Đình Quang với Cánh đồng lưu lạc… Một số nhà văn khác có ý đồ tổng kết chiến tranh bằng những tiểu thuyết có tính sử thi như Nam Hà với Ngày rất dài, Hồ Phương với Những cánh rừng lá đỏ, Khuất Quang Thụy với Những bức tường lửa, Trịnh Đình Khôi với Cán cờ tre… Có tác giả lần đầu trình làng và ngay lập tức thành công như trường hợp Mạc Can với Tấm ván phóng dao. Có tác giả trẻ mạnh dạn lật xới lại quá khứ để soi chiếu, chiêm nghiệm như Nguyễn Xuân Hưng với An lạc dưới trời. Đáng tiếc là trong cuộc thi này còn thiếu những tiểu thuyết có khả năngáp sát cuộc sống, mở tung các cánh cửa vào cõi trần gian, soi tỏ mọi mặt cuộc đời thường nhật vốn rất “đa sự, đa đoan”. Tuy nhiên cũng cần ghi nhận sự nỗ lực của một số tác giả như Lê Ngọc Mai với Tìm trong nỗi nhớ, Võ Thị Xuân Hà với Tường thành, Thùy Dương với Ngụ cư, Đình kính với Cỏ lông chông… đã ít nhiều chạm đến được cõi đời vốn lúc nào cũng như một “mê cung”.

Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 (2006 – 2009) đã thu hút được sự tham gia củađông đảo các tác giả trong và ngoài nước. Ban tổ chức đã nhận được 247 tác phẩm của 245 tác giả tham dự. Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải A cho tác phẩm Hội thề của Nguyễn Quang Thân, giải B cho các tác phẩm Chân trời mùa hạ của Hữu Phương, Vùng lõm của Nguyễn Quang Hà, Quyên của Nguyễn Văn Thọ và 10 gải C cho các tác giả khác. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – trong Báo cáo tổng kết nhân lễ trao giải thưởng đã lạc quan nhận xét về thành công của cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 thể hiện trên bốn phương diện quan trọng: 1/ thực tiễn sáng tác tiểu thuyết bác bỏ dự báo nản lòng cho rằng “tiểu thuyết đã chết”; 2/ tiểu thuyết đương đại có độ mở về không gian nghệ thuật đời sống; 3/ thái độ nhập cuộc của nhà văn thể hiện tính tích cực xã hội của nhà văn ngày nay; 4/ quan trọng nhất, cuộc thi đã góp phần quan trọng nâng cái nền chung của văn chương Việt Nam ngày nay lên một tầm mới.

Tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỉ XXI còn được bồi đắp bởi sáng tác của những cây bút có sức “hồi xuân”, đó là Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly (2000), Mẫu Thượng Ngàn (2006)Đội gạo lên chùa (2011), Bùi Ngọc Tấn với Chuyện kể năm 2000 (2000), Biển và chim bói cá (2008) Ma Văn Kháng với Gặp gỡ ở La Pan Tẩn (2001), Một mình một ngựa (2009), Bóng đêm (2011), Nguyễn Khải với Thượng Đế thì cười (2003), Châu Diên với Người Sông Mê (2005), Mạc Can với Tấm ván phóng dao (2004), Những bầy mèo vô sinh (2008), Thái Bá Lợi với Khê Ma Ma (2004), Minh Sư (2010)… Đặc biệt năm 2011 tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của cố nhà văn Trần Dần (1926 – 1997) được công bố sau 44 năm nằm im trong “ngăn kéo”. Có thể coi đây là một hiện tượng của tiểu thuyết đương đại Việt Nam.

Sức sống của một một nền tiểu thuyết, như lịch sử đã chỉ ra, thường cậy nhờ vào lực lượng sáng tác trẻ luôn kịp thời bổ sung vào đội ngũ hùng hậu những nhà văn có khát vọng tôn vinh thể loại “máy cái” của văn chương mọi thời đại. Đầu thế kỉ XXI chúng ta đã vợi bớt nỗi lo về sự thiếu hụt các nhà tiểu thuyết trẻ như Ma Văn Kháng đã có lúc đặt ra một cách sát sườn “Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có hơn 700, trong đó có 335 nhà văn viết văn xuôi. Trong số này, nhà văn viết truyện ngắn, phóng sự, bút kí chiếm tỉ lệ lấn át. Số người viết tiểu thuyết không lớn, khoảng 50 và cũng không hẳn chuyên viết một thể loại. Đáng chú ý là tiểu thuyết gia dưới 40 còn quá hiếm hoi” (1). Tuy vậy trên văn đàn hiện thời, các nhà tiểu thuyết thuộc thế hệ 6X, 7X, 8X, có thể nói đang chiếm thế thượng phong. Đó là Thùy Dương (SN 1960), tác giả 3 tiểu thuyết Ngụ cư, Thức giấc, Trần gian; Nguyễn Việt Hà (SN 1962) tác giả của 2 tiểu thuyết Cơ hội của Chúa và Khải huyền muộn; Nguyễn Bình Phương (SN 1965) tác giả của 5 tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy và Ngồi; Lê Anh Hoài (SN 1966) tác giả của hai tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ và @ tình; Thuận (SN 1967) tác giả của 5 tiểu thuyết Made in Vietnam, Phố Tàu, Paris 11 tháng 8, T mất tích và Vân Vy; Nguyễn Đình Tú (SN 1974) với 6 tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù, Nét mặt buồn, Nháp, Bên dòng Sầu Diện, Phiên bản và một tiểu thuyết có tên rất gợi – Kín. Danh sách các tác giả trẻ viết tiểu thuyết còn kéo dài, đó là Nguyễn Thế Hùng (SN 1972) với Họ vẫn chưa về (2009), Phùng Văn Khai (SN 1973) với Hư thực (2009) và Hồ đồ (2011), Đỗ Tiến Thụy (SN 1970) với Màu rừng ruộng (2006), Vũ Đình Giang (SN 1976) với Song song (2008) và Bờ xám (2010), Mai Anh Tuấn (SN 1982) với Giảng đường yêu dấu (2010), Đặng Thiều Quang (SN 1974) với Chờ tuyết rơi (2007), Nguyễn Quỳnh Trang (SN 1981) với 1981, Nguyễn Thế Hoàng Linh (SN 1982) với Chuyện của thiên tài (2005), A Sáng (SN 1976) với Thân xác (2011), Thủy Anna (SN 1982) với Lạc giới (2008), Vũ Phương Nghi (SN 1983) với Chuyện lan man đầu thế kỷ (2006), Trần Thu Trang (SN 1982) với Phải lấy người như anh (2005) Cocktial cho tình yêu (2009), Dương Thụy (SN 1975) với Nhắm mắt thấy Paris (2010), Gào (tên thật là Vũ Phương Thanh, SN 1988) với Nhật ký son môi…

Như thế bước đầu có đủ cơ sở để chúng ta tin tưởng và kì vọng vào một nền tiểu thuyết trẻ Việt Nam trong tương lai gần và xa.

1.2. Cơ sở lí luận và thực tiễn của dòng tiểu thuyết “thân xác”

– Từ con người là “tổng hòa các quan hệ xã hội” đến con người “tự nhiên”.

Theo quan điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác, con người là một “tổng hòa các quan hệ xã hội”. Trong văn chương cách mạng Việt Nam (từ sau 1945), con người công dân – xã hội – chức năng được đề cao lên hàng đầu. Con người cá nhân, con người bản năng với toàn bộ tính chất phức tạp và phong phú của nó bị đẩy lùi về phía sau bởi nhiều lí do khách quan và chủ quan. Về sau này Nguyễn Khải cảm thán mà viết “Vậy thì mấy chục năm qua tôi đã viết về những ai nhỉ? Thì vẫn là viết về đồng đội, về bạn bè, về người thân kẻ thuộc, là những người cùng thời với mình mà chính tôi là kẻ sinh ra họ cũng cảm thấy còn xa lạ. Hình như họ sạch sẽ quá, thơm tho quá, như từ khoảng không bước ra chứ không phải từ bùn đất của Việt Nam sinh ra. Họ không có chỗ đứng cụ thể, không có điểm tựa cụ thể, nội lực tự sinh chứ không qua bất kì sự gạn lọc nào từ các nguồn nuôi dưỡng. Nó không thuộc cõi người nên không thể bay lên cõi văn chương. Nghĩ mà tiếc cho những năm tháng đã qua, chỉ hiểu đời có một nửa, chỉ biết người có một nửa, cái nửa ai cũng nhìn thấy, còn lại bỏ hẳn cái nửa chỉ nhà văn mới nhìn thấy”(2).

Theo cách diễn đạt của Nguyễn Khải, thì trong một thời gian dài chúng ta đã quên đi “một nửa” kia cũng rất quan trọng của con người – nửa bản năng, mà nếu không có nó, con người sẽ lệch lạc, sẽ xơ cứng và vônghĩa.

M.Bakhtin, tác giả công trình Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, cũng từng nhấn mạnh, nhiệm vụ của nhà tiểu thuyết là đi tìm “con người trong con người”.

– Lý thuyết của “chủ nghĩa tự nhiên” và quan niệm về con người trong văn chương.

Trước đây đã có lúc chúng ta bày đặt ngôi vị cho các “chủ nghĩa” (chẳng hạn: chủ nghĩa hiện thực tiến bộ hơn chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ưu việt hơn chủ nghĩa hiện thực, còn chủ nghĩa tự nhiên thì bị xếp vào cái rọ “phản tiến bộ nghệ thuật”). Nhưng đã đến lúc cần nhận thức lại “chủ nghĩa tự nhiên” trong văn chương một cách công bằng, bởi vì “Khái niệm chủ nghĩa tự nhiên khi bị tách khỏi văn cảnh lịch sử cụ thể, trở thành một thuật ngữ bị chuyển nghĩa, chỉ chung nhiều hiện tượng văn hoá, văn học khác nhau, được nhận định là có những dấu hiệu như: lối tiếp cận sinh học, phi xã hội đối với con người; lối miêu tả như ghi biên bản hồ sơ đối với các hiện tượng đời sống, thiếu sự chọn lọc một cách có phê phán, thiếu sự lí giải xã hội – triết học và sự khái quát, đánh giá bằng nghệ thuật”(3). Như vậy vấn đề đặt ra là khi tiếp cận “chủ nghĩa tự nhiên” cần gắn nó với một văn cảnh lịch sử cụ thể để nó không “bị chuyển nghĩa”. Chúng tôi cho rằng, trong văn chương đương đại Việt Nam (từ sau 1975), có dấu hiệu của “chủ nghĩa tự nhiên” trong sáng tác của nhiều nhà văn từ Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Việt Hà, Y Ban đến Nguyễn Văn Học, Vũ Đình Giang, A Sáng, Vũ Phương Nghi, Nguyễn Quỳnh Trang…

– Vấn đề “tình dục” trong văn chương đương đại đại Việt Nam.

Tôi rất thích câu của Mác, đại ý “Tất cả những gì gần gũi với con người đều không xa lạ với tôi”. Ngay như Tô Hoài (1920), được đánh giá là nhà văn viết rất hay về phong tục của một vùng ngoại thành Hà Nội xưa với những tác phẩm gọn ghẽ, tinh tế và thâm trầm thì trong cuốn tiểu thuyết Ba người khác (2006) cũng gây tranh luận sôi nổi xoay quanh vấn đề “con người thân xác” (thậm chí có người cho rằng tục). Nguyễn Huy Thiệp đặc biệt quan tâm tới vấn đề này khi sáng tác. Ông viết “Khi nói đến “con người tự nhiên” và “con người xã hội”, tìm hiểu nó, lí giải nó, nhà văn bị đẩy vào thế hiểm nghèo giữa hai thế lực: một là Tạo hoá khôn cùng và hai là những thành kiến ràng buộc trong lịch sử và luật lệ của thể chế chính trị đương thời. Những kẻ đểu cáng nhất trong số các nhà văn đương thời thường bất chấp Tạo hoá, bất chấp tự nhiên, giày xéo lên bản tính người để tìm kiếm danh lợi ở cơ chế chính trị trước mắt. Những nhà văn trẻ, chất phác hơn nhưng do đó ngu ngốc hơn, cả tin nồng nhiệt ở Tạo hoá và tự nhiên, chĩa ngòi bút của mình vào xã hội (…). Hình như chỗ giỏi của các nhà văn thiên tài là bằng lòng tốt và ngòi bút bất lực của mình, anh ta kéo được sức mạnh của Tạo hoá tự nhiên cùng với sức mạnh của thể chế chính trị xã hội đương thời xích lại được gần nhau”(4).hi lấn lướt “con người xã hội” (kiểu như Tướng về hưu, Sang sông, Không có vua, Cún, Những bài học nông thôn, Những người thợ xẻ, Huyền thoại phố phường…). Trong truyện Bài học tiếng Việt tác giả viết “Tự nhiên có những lí lẽ khác với chúng ta” và “Con người tự nhiên vốn dĩ vô luân, nó tự do”(5).

Nhà văn Bùi Anh Tấn, tác giả tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà, xuất bản năm 2000 (tác phẩm đạt giải A cuộc thi viết tiểu thuyết và ký về chủ đề “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, 1999-2002, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức) đã thẳng thắn thừa nhận “Đồng tính luyến ái – đây là đề tài mà chúng tôi quan tâm (…). Đồng tính luyến ái, vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam (…). Chúng ta đã nhìn nhận và đánh giá những hiện tượng này như thế nào? (…). Đồng tính luyến ái – nếu bạn hay tôi – chẳng may ai đó bị “đồng tính luyến ái” thật sự, chúng tôi xin được gửi đến với tất cả tấm lòng cảm thông sâu sắc nhất. Hãy dũng cảm phấn đấu vượt qua và chiến thắng chính bản thân mình, đừng để sa vào những dục vọng thấp hèn, trái tự nhiên, sa đọa, để rồi ăn năn hối tiếc. Còn nếu, đây là sự thật, là những thôi thúc bản năng của cá nhân, xin hãy sống và ngẩng cao đầu đón bình minh, để tin vào một ngày mai cuộc sống bạnn tốt đẹp hơn”(6).

Còn Thủy Anna, tác giả tiểu thuyết Lạc giới (tức Điếm trai) và Thoát y dưới trăng thì tự tin trả lời “Thực ra sex không còn là một khái niệm xa lạ với văn chương nữa, nhưng viết làm sao để câu chuyện hàm chứa bi kịch tột cùng của nhân vật, đó chính là sứ mệnh của người viết”.

2. Hiện trạng dòng tiểu thuyết thân xác

2.1.Các tiểu thuyết được khảo sát

Một thế giới không có đàn bà (2000) của Bùi Anh Tấn, Gái điếm (2007) của Nguyễn Văn Học, Tiểu Long Nữ (2006) và Gạ tình lấy điểm (2007) của Nguyễn Huy Thiệp, Chuyện lan man đầu thế kỷ (2006) của Vũ Phương Nghi, Chờ tuyết rơi (2007) của Đặng Thiều Quang, Lạc giới (2008) của Thủy Anna, Tiểu thuyết đàn bà (2008) của Lý Lan, Vân Vy (2008) của Thuận, Thời loạn (2009) của Lê Lựu, Quyên (2009) của Nguyễn văn Thọ, Cocktail cho tình yêu (2009) của Trần Thu Trang, Thể xác lưu lạc (2009) của Tiến Đạt, Sợi xích (2009) của Lê Kiều Như, Nhật ký son môi (2010) của Gào (tên thật là Vũ Phương Thanh, SN 1988), Dại tình (2010) của Bùi Bình Thi, @ tình (2010) của Lê Anh Hoài, Bờ xám (2010) của Vũ Đình Giang, Thân xác (2011) của A Sáng, Mảnh vỡ (2011) của Đào Bá Đoàn.

Hai mươi cuốn tiểu thuyết mà chúng tôi khảo sát chưa phải là con số đầy đủ về dòng tiểu thuyết “thân xác” trong văn chương đương đại Niệt Nam thập niên đầu thế kỉ XXI. Tuy nhiên, theo chúng tôi, là khá điển hình để qua đó chúng ta có thể nhận biết được một cách căn bản bộ phận tiểu thuyết viết về “thân xác”, hay gọi khác đi là đời sống tình dục, một hoạt động bản năng của con người.

2.2.Ý thức khám phá phần “bản thể” con người.

Có thể nói Một thế giới không có đàn bà (2000) của Bùi Anh Tấn là cuốn tiểu thuyết “hot” nhất, khai thông cho dòng tiểu thuyết “thân xác” thập niên đầu tiên của thế kỉ XXI. Mở đầu tiểu thuyết là một cái chết, vì thế một vụ án được mở ra, nạn nhân là một nhà khoa học độc thân, có uy tín với mọi người. Các trinh sát Công an được tung vào cuộc và phát hiện ra một thế giới đã và đang tồn tại trong xã hội hiện đại – thế giới dị biệt của những người đồng tính luyến ái nam (gay). Thành Trung, thiếu úy trinh sát Công an, là nhân vật chính, được giao điều tra vụ án. Vụ án liên quan đến người đồng tính nam. Cũng vì được giao điều ta vụ này mà Thành Trung bỗng nhiên phát hiện ra mình cũng “dính” bệnh. Thời gian tưởng như khỏa lấp căn bệnh quái ác đó vì “Năm tròn 17 tuổi, ngay sau đêm sinh nhật của tuổi mười bảy, ngủ và Trung chợt thức giấc nửa đêm kinh sợ vì trong mơ khi nó thấy mình và thầy có những quan hệ tình dục với nhau. Khác hẳn với những lần thầy vẫn làm cho nó trong phòng tập, Trung thấy có những cảm giác không thể giải thích nổi nếu như không muốn nói là nó thích thú điều đó. Thành Trung sợ hãi trước sự thật này”. Sau này khi bệnh tái phát (trong thời gian đánh án) đã có lúc Thành Trung muốn tự tử vì “Bởi vì chúng ta không là ai cả, không giống ai cả. Đấy là một điều bất hạnh mà chúng ta không hề tự chọn lựa cho mình điều ấy (…). Trong cuộc đời mênh mông này, chúng ta chỉ là những kẻ lạc loài, trôi dật dờ bên lề cuộc sống, vì đời không chấp nhận chúng ta” (7). Nhưng may mắn, cuối cùng anh đã thoát ra được khỏi cái chết vô nghĩa và vô lí. M.Kundera ví nhà tiểu thuyết như một nhà thám hiểm, trong trường hợp của Bùi Anh Tấn, rõ ràng tác giả đã thám hiểm vào miền của “cái nghịch dị” (grotesque) – ở đây là “gay” (đồng tính nam). Tôi gọi tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn là “chuyện trinh thám buồn”.

Năm 2010, thị trường sách suốt từ bắc chí nam, nhất là Hà Nội, nóng lên vì tiểu thuyết Dại tình của Bùi Bình Thi. Đây là cuốn sách kể chuyện ngoại tình của những người phụ nữ có tên là Thuần, Hồng, Hương, Thoa, Sâm, Kim Liên, Ngân và Thắm… Họ là những người phụ nữ thành đạt trong cuộc sống nhưng thiếu đi “cái nửa” kia, họ tự kể về mình một cách thẳng băng, họ kể về bản năng của con người họ, bản năng cố vượt qua bao nhiêu “barie”, hiểu là những định kiến nghiệt ngã, vốn có tự bao đời đã vô tình kìm hãm người phụ nữ đi tìm khoái lạc thân xác. Họ coi bản năng tình dục là cao quý, nó có thể làm cho con người trở nên minh mẫn hơn, cao thượng hơn, hòa đồng hơn với đồng loại. Tác giả tỏ ra thành thực khi nói rõ về cách mình viết cuốn tiểu thuyết này là do được một người bạn tặng cho một máy ghi âm đặc dụng “Nó cũng hoàn toàn ghi rất rõ tiếng của những ai đó đang nói ở bên kia một bức tường, trong một cái phòng nào đó, thí dụ cái phòng ấy là phòng ngủ của hai vợ chồng nào đó đang nằm trên giường, đang dốc bầu tâm sự với nhau, và cả tiếng động của giường khi họ làm tình”. Tiểu thuyết Dại tình của Bùi Bình Thi có nhiều cận cảnh, đặc tả về chuyện chăn gối của phụ nữ. Cũng đã có một vài ý kiến phê phán cuốn sách này, nhưng như một nghịch lí, sách bán rất chạy. Nói một cách văn vẻ thì Dại tình là một cuộc nổi loạn của phụ nữ trong văn chương. Nguyễn Huy Thiệp trong bài Một góc sơ xuất trong thế giới nội tâm nhà văn đã nhấn mạnh “ Sự ngộ nhận thứ hai không khủng khiếp như ngộ nhận thứ nhất nhưng lại rót vào nội tâm con người nhiều muối hơn cả, tôi nghĩ rằng đây là sự ngộ nhận giới tính. Phần lớn đàn ông chúng ta chẳng hiểu gì về phụ nữ. Tôi chỉ mang máng hiểu rằng đấy là một lực lượng tự nhiên kì lạ. Tất cả những điều chúng ta biết về họ và ra sức làm khổ họ đơn thuần chỉ vì chúng ta quá sợ hãi những ước lệ xã hội, những ước lệ phi nhân tính mà thôi” (8).

Tiểu thuyết Thân xác của A Sáng được coi là cuốn sách “bắt mắt” nhất trong năm 2011 (sách do Nxb Phụ nữ ấn hành) trên chủ đề tình dục. Chuyện được kể từ ngôi thứ nhất (“tôi”). Tiểu thuyết mở đầu bằng một lời tự thú thẳng thắn, theo phong cách của con người hiện đại, thẳng thắn đến mức tàn nhẫn và lạnh lùng “Đêm qua tôi đã ngủ với lão. Tôi đã để lão đạt được mục đích và cũng để chính tôi đạt được mục đích. Phải, tôi đã làm tình với lão – đúng hơn – tôi và lão đã đổi chác bằng xác thịt (…). Đó không phải là lần đầu tiên của tôi. Nhưng chưa bao giờ tôi sợ hãi như đêm qua và cũng kinh tởm chính mình như đêm qua. Lão hổn hển, trườn trên người tôi, hai mắt trắng dã. Có lẽ lão không nhắm mắt vì để chiêm ngưỡng thân thể của tôi (…). Nhưng cũng thật kì lạ, đêm qua tôi cũng không nhắm mắt khi một gã đàn ông đang trườn trên thân thể mình”. Cô gái kể câu chuyện này là một nhà báo, người dân tộc, có bút danh là Sơn Nữ. Muốn được ở Hà Nội, muốn có việc làm ổn định, và nhất là muốn có một cuộc sống đầy đủ, cô nhà báo giỏi giang này đã bán mình (không phải để chuộc cha như Thúy Kiều của Nguyến Du, mà để sung sướng). Nhờ “vốn tự có” mà cô có được nhiều tiền, có xe đẹp, có căn hộ sang trọng ở Thủ đô. Cô phóng viên trẻ tuổi và xinh đẹp này đã “tiêu diệt” ông Tổng biên tập già nhưng có “máu dê” bằng một cơn đột quỵ. Anh chàng kế ngôi vừa leo lên cái ghế Tổng biên tập lại cũng bị cô cho “nôc-ao” bằng chính cái thân xác hùng mạnh của một cô gái dân tộc đầy sức sống “Không kịp cho hắn nói hết câu, tôi lao vào như cơn gió, bộ ngực đã tan hoang của tôi ve vẩy như đầu rắn kẹp chặt cái mặt bóng mượt của hắn. Tôi đè lên người hắn, tôi lột quần áo hắn, dùng cặp đùi đầy sức sống và dòng máu họ Nùng kẹp chặt thân thể hắn. Và tôi trườn – trườn như một con điếm có hạng – bộ ngực tôi quấn lấy cổ hắn thật chặt, tay tôi ghì chắc tay hắn…Còn hắn, có lẽ choáng vì sức mạnh bất thần của tôi, chỉ kịp rên rỉ và xì ra như quả bóng bị đâm (…). Đang thắng thế, tôi muốn làm nhục hắn, nên quay ra vuốt ve cái lưng ướt đẫm mồ hôi của hắn. Tay tôi thọc sâu vào con giống của hắn, rồi lại vuốt ve cái má trơn như mỡ của hắn, mắt tôi nhìn hắn đầy thương hại. Mặt hắn tái dại, thở khè khè như con mèo hen gặp thời tiết xấu”. Cũng có người khi đọc tiểu thuyết Thân xác của A Sáng, cho rằng tác giả viết quá sâu, quá kĩ vào chuyện xác thịt. Nhưng cũng không ít người có ý khen tác giả này dã biết vượt lên chuyện “thân xác’ để nói được một cái gì đó có ý nghĩa hơn. Nguyễn Quang Thiều trong Lời giới thiệu in đầu sách thì khen “A Sáng là đứa con của người Tày Trùng Khánh và anh thấu hiểu điều đó. Giống con đường của cô gái trong cuốn sách, anh đã rời làng Pác Thay, Trùng Khánh và mang theo thân xác vùi vào đời sống đô thị náo loạn như bao kẻ khác bởi số phận. Nhưng lá bùa có thể cứu tâm hồn cô gái kia, cứu tâm hồn A Sáng hay cứu tâm hồn của bất cứ người Tày Trùng Khánh nào đó thoát khỏi cái lưỡi dục vọng của đời sống đô thị chính là cái hạt dẻ”. Thiết nghĩ cái câu chuyện “thân xác” mà tác giả kể lại trong cuốn tiểu thuyết này không đơn thuần là “thân xác” phụ nữ, mà là cái “thân xác” con người thời đại vốn rất dễ bị tha hoá. Vì thế, từ nhan đề tác phẩm đến toàn bộ diễn biến câu chuyện, ít nhiều mang ý nghĩa biểu tượng.

Cũng gây ồn ào không kém trên văn đàn gần đây về chuyện “thân xác” là cuốn sách Sợi xích (NXB Hội Nhà văn, 2010) của Lê Kiều Như. Về hình thức thể loại, ý kiến vẫn chưa thống nhất khi gọi nó là tiểu thuyết hay truyện. Có người ác khẩu gọi nó là “dâm thư”, có người nhẹ hơn thì gọi là “tiểu thuyết ba xu”. Trong Mở đầu tác phẩm, Lê Kiều Như viết “Tôi trăn trở nhiều đêm và bị ám ảnh bởi người phụ nữ đáng thương đó, bi kịch và hình ảnh ấy xâm chiếm tôi suốt bao năm qua. Nhiều khi tôi rơi nước mắt nghĩ đến sự thật, giả trong cuộc sống. Có đêm tôi thức trắng, viết về số phận, những đau đớn của tình yêu. Sau sự thiếu thốn, mất mát, họ trở thành một dạng người khao khát hưởng sự khoái lạc bản năng và tự biến mình trở thành nô lệ, lạc lối trong cuộc sống, nối theo sự cùng quẫn của lí trí, và bi kịch trút lên cuộc đời họ! Tôi muốn viết về những bản năng nhục thể của con người, mặt phải và mặt trái của sex làm cho con người thăng hoa trong cuộc sống nhưng cũng làm cho con người khổ đau cùng quẫn”. Thực ra nếu không có một số ảnh minh họa có phần phản cảm và buổi giới thiệu sách hơi ầm ĩ thì, công bằng mà nói, Sợi xích của Lê Kiều Như cũng chưa phải là sách sex thực sự. Cô gái trong truyện như là một nô lệ thời hiện đại vì người chồng do quá yêu hay quá hay ghen tuông đã “Khóa chặt tôi bằng một sợi xích” (hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Trong căn buồng hạnh phúc anh ta đã hành xác người vợ của mình bằng những cách thể hiện tình cảm quái đản. Nhà văn Lê Thiếu Nhơn nhận xét “ Ở góc độ người đọc, tôi thấy Sợi xích chưa phải là sex. Đây là cuốn sách bình thường, tác giả viết yếu. Yếu tố sex chưa đậm đặc như nhiều người nghĩ mà vấn đề là viết về sex kém (…). Cái được nhất của cuốn này là người viết đã nêu lên được một hình tượng rất văn học là hình ảnh người đàn bà bị chồng xích, gợi lên nỗi đau về thân phận người phụ hữ. Tiếc là tác giả có ý nhưng chưa giải quyết được vấn đề mình nêu ra trong sách” (9).

Chúng tôi muốn dừng lại phân tích kĩ hơn hai tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được coi là khá điển hình cho dòng tiểu thuyết “thân xác” hiện nay: Tiểu long nữ (2006) và Gạ tình lấy điểm (2007). Sau khi thành danh nhờ truyện ngắn (độ phát tiết tài hoa của nhà văn này trong khoảng thời gian từ 1986- 1991 với hai cột mốc Tướng về hưu và Sang sông), nhà văn này sau khi tự cảm thấy không thể viết thêm truyện ngắn hay, đã đổi ý sang viết tiểu thuyết và cổ súy cho thể loại “cỡ bự” này trong văn chương. Ông viết liền ba bài trong năm 2003 Thời của tiểu thuyết (về sau tập hợp in trong sách Giăng lưới bắt chim, Nxb Hội Nhà văn, 2005). Thực ra trước đó ông đã viết và xuất bản ở nước ngoài tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu. Hai cuốn tiểu thuyết có tính chất “thân xác” của Nguyễn Huy Thiệp đều dựa vào thời sự, hay nói chính xác là các vụ án hình sự có thật đã được các phương tiện truyền thông loan tải công khai. Tiểu long nữ viết về vụ án nổi đình nổi đám mà nhân vật chính là Lương Quốc Dũng, người có quan hệ với người nữ vị thành niên, bị Tòa xử tù giam. Nhà văn tự thú nhận “Tiểu long nữ là một cuốn tiểu thuyết thời sự. Nó được viết ra từ một chuyện nhảm nhí (…). Thực ra, ý nghĩa của nó cũng chỉ để mua vui và kiếm tiền” (Lời tựa). Nhân vật chính là Nguyễn Quốc Lương, một quan chức ngành xây dựng, có năng lực, nhiều tiền và mê gái, tất nhiên. Chi (cô bé mới lớn bị “mẹ mìn” Thúy Vinh đưa vào bẫy để tâng công với Lương và moi tiền của anh ta). Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã rất cao tay, ở chương 34, khi Thúy Vinh “lùa” được bé Chi vào phòng cùng với Lương thì không dàn cảnh chăn gối nữa, trái lại để nhân vật Lương sám hối trước Chi, có thể vì cô ta còn quá bé nên Lương không nỡ, hoặc giả anh ta động lòng trắc ẩn vì thấy cô bé Chi là “báu vật…Đúng là một báu vật… Mình đang làm gì? Tội lỗi…” (chỗ này có thể Nguyễn Huy Thiệp ảnh hưởng tác phẩm Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của G. Mackex). Lương đã ra khỏi phòng và không quên để lại cho bé Chi số tiền 100 đôla. Vấn đề “thân xác”, trong trường hợp này được nhà văn nêu như một biểu tượng của sự tha hoá và chống lại tha hoá, của nhân cách và phi nhân cách.

Cuốn tiểu thuyết “thân xác” thứ hai của Nguyễn Huy Tiệp có nhan đề rất thị trường – Gạ tình lấy điểm – cũng dựa vào một scandal rất thời sự, chuyện về một ông thầy chuyên gạ tình sinh viên bằng điểm. Trong Lời tựa, tác giả viết “Tiểu thuyết – đấy là một thể loại nghệ thuật có tính thị phi, ngồi lê đôi mách (nếu chỉ là hiện thực thuần túy không có tư tưởng). Nó sinh động bởi sự nguyên thủy của hình ảnh và của sự kiện trực tiếp. Nó đòi hỏi người viết “vừa tầm” với nó”. Nhân vật chính của tiểu thuyêt này là thầy giáo Đỗ Tư Công và cô sinh viên năm thứ hai Vân Dung. Vì quan hệ này mà thầy Công phải rời nhiệm sở, còn Vân Dung sau đó ra trường, bước vào cuộc đời rộng lớn với biết bao nhiêu cạm bẫy. Nhưng có một điều lạ là không có nữ sinh nào căm ghét hay khinh bỉ thầy Công. Đây là một người đàn ông sống có đam mê, có chủ kiến “Ngẫm đi ngẫm lại trên cõi đời này mỗi chuyện âm dương trai gái là quan trọng nhất. Sự hòa hợp ấy làm nên ý nghĩa cuộc sống của người ta. Có nó, mọi sự hanh thông, người ta như sống trên trời, tâm tư nhẹ bổng, thời gian trôi nhanh vùn vụt, cuộc sống không còn là ngục tù, không còn là thành kiến, niềm vui tựa như bất tận. Không có nó – không có sự hòa hợp kì diệu ấy – mỗi một ngày sống là một ngày luyện ngục của kiếp người lưu đày (…). Tạo được sự hòa hợp âm dương ở mỗi người đấy là bí mật ý nghĩa cuộc đời của họ. Điều này cũng là ý nghĩa bí mật của cả xã hội, rộng hơn là của Tạo hoá vĩ đại ngoài kia, của cả vũ trụ bao la rộng lớn”. Vấn đề là tại sao Vân Dung và những nữ sinh khác sẵn sàng dâng hiến thân xác cho thầy Công, tại sao thầy Công lại đam mê “thân xác” đến như thế để nhận một kết cục đáng buồn (phải “bêu gương” trước dư luận xã hội và bị xử lí hành chính, buộc thôi việc)? Ở đây chỉ có thể giải thích cái động lực có tính bản năng đã thôi thúc thầy Công hành xử như thế, còn đám sinh viên nữ thì vừa xấu hổ lại vừa thích thú khi “gạ tình lấy điểm” với thầy giáo. Ở đây là quan hệ hai chiều, không có sự cưỡng bức theo nghĩa đen. Dường như con người ta hành động bởi sự thôi thúc và dẫn dắt của bản năng nhiều hơn là lí trí.

Tuy tác giả thừa nhận đây là loại “tiểu thuyết ba xu”, viết nhanh để kiếm tiền (và nếu kiếm tiền thì cũng chính đáng vì bằng sức lao động của bản thân), nhưng đọc kĩ vẫn thấy những nỗi niềm trăn trở trước nhân tình thế thái, thấy có những cơn xúc động ngấm ngầm, và đôi khi biết đâu, tác giả đã gạt thầm nước mắt trước cảnh đời đen bạc đã khiến cho nhiều người tốt sa cơ lỡ vận!

2.3. Một “cuộc chơi” ngôn từ

– Dòng tiểu thuyết “thân xác” thể nghiệm một “cuộc chơi” ngôn từ theo hướng “phi sử thi”,“suồng sã”, “đời thường”.

Ngay Tô Hoài là nhà văn rất cẩn trọng khi dùng ngôn từ nhưng trong tiểu thyết Ba người khác (2006) cũng đã dám “phá rào” hướng tới việc sử dụng một thứ chữ nghĩa “tung tẩy” (vì thế có người cho rằng nhà văn đã “tục hoá” ngôn từ văn chương). Nguyễn Huy Thiệp, từ lâu vẫn được coi là nhà văn đã “bình dân hoá” ngôn từ văn chương. Nhưng dường như độc giả lại sẵn sàng đón nhận cách viết này.

Chúng tôi đồng ý với quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình khi đề xuất thuật ngữ “ngôn ngữ thân thể” đã gây không ít tranh luận “Xem xét ngôn từ trong một chỉnh thể tác phẩm không thể không xem xét ở hai cấp độ: lời văn và các phương thức tổ chức lời văn. Khảo sát văn xuôi đương đại ở cấp độ lời văn, chúng tôi nhận thấy một đặc điểm rất đáng chú ý trong ngôn ngữ văn học giai đoạn này: lớp ngôn ngữ thân thể dược nhiều nhà văn tập trung khai thác. Điều này không chỉ phản ánh tâm thức thời đại tiêu dùng, thời đại hậu công nghiệp, thời đại cá nhân, mà có lẽ càng về sau càng rõ xu thế hướng tới một hệ hình mới” (10).

Các nhà văn trẻ trong tiểu thuyết riêng thích sử dụng kiểu “ngôn ngữ thân thể” để kể chuyện (chúng ta tìm thấy kiểu ngôn từ này trong sáng tác thơ của Bùi Chí Vinh, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nhóm Ngựa Trời; trong truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Võ Hồng Thu…).

Cuốn tiểu thuyết “thân xác” mới nhất mà chúng tôi có trong tay, nhan đề Mảnh vỡ (Nxb Hội Nhà văn, nộp lưu chiểu quý IV, năm 2011) của tác giả Đào Bá Đoàn. Chuyện kể về một cô gái phải chấp nhận khỏa thân cho người khác làm mẫu để vẽ nhằm kiếm tiền nuôi mẹ bị bệnh nặng. Nếu trước đây, trong tình thế ấy, sẽ có một lớp ngôn từ đầy thương cảm, thậm chí mùi mẫn. Nhưng nay, trong tay tác giả trẻ này thì thẳng băng “Khi những mảnh vải nhỏ cuối cùng rời khỏi cơ thể tôi, theo phản xạ tự nhiên, tôi vẫn lấy tay che. Nhưng khi những lời tự nhiên, không lúng túng của họa sĩ vang lên thì tôi dần dần buông thả…Tôi đã trần truồng trước mặt đàn ông. Cảm giác đầu tiên của tôi là sự lâng lâng cao dần. Tôi không dám nhìn vào họa sĩ, vì sợ sẽ phát hiện ra cái nhìn dục tính của đàn ông (…). Và tôi trôi vào vô cảm nhận (…). Tôi đưa tay mở nhẹ hàng cúc. Chiếc áo ngoài thoát ra, tôi như cô vũ nữ ở trần với chiếc coóc-xêbé con che vú. Tôi vắt áo xong thì liền khom người tháo chiếc quần dài. Tôi như một khách du lịch mùa hè đi tắm biển với chiếc quần lót và áo lót bé nhỏ. Tôi lại vắt nó lên xà. Tim tôi hơi vội vàng. Hơi thở tôi hơi sâu…tôi đưa tay với lại đằng sau bật tung chiếc cúc. Đoạn dây vải thõng xuống hai bên cạnh sườn, tôi khẽ gỡ nốt nó ra. Đôi vú tôi bung lên, tròn trặn, trắng nuốt với núm vú hồng và đầu vú nhỏ tròn tự tôi cũng đã trăm lần thấy nó xinh đẹp và hấp dẫn vô cùng”. Viết về “thân xác” như thế thì đáng chiêm ngưỡng và ca ngợi vì tinh thần xả thân của người con gái, không gợi dục và không phản cảm.

– Dòng tiểu thuyết “thân xác” có đặc trưng của một thứngôn ngữ tốc độ và gia tăng lượng thông tin, vì lẽ đó trong nhiều trường hợp nó gần với ngôn ngữ báo chí. Dường như tâm thế “sống gấp” cũng ảnh thưởng đến cách viết của người trẻ. Cây bút trẻ có tên một chữ Gào (tên thật là Vũ Phương Thanh) trong tiểu thuyết Nhật ký son môi (Nxb Thời đại, 2010), đã trưng ra một cách viết với một tốc độ cao “Tôi yêu một chàng trai vào đầu năm ngoái. Vậy là tính đến bây giờ chúng tôi đã yêu nhau được gần hai năm… Mặc dù người yêu tôi đi du học, nhưng phần lớn thời gian trong cuộc sống, chúng tôi đều dành cho nhau… Ví dụ chúng tôi có thể ngồi nói chuyện với nhau qua skype 24 giờ mỗi ngày. Hoặc nói chuyện điện thoại thâu đêm suốt sáng”. Người trẻ sống tốc độ và văn của họ cũng tốc độ. Dường như họ muốn cho độc giả không cưỡng lại được khi đọc tác phẩm bằng cách cuốn họ vào dòng thác của ngôn từ.

Vũ Đình Giang, tác giả của hai cuốn tiểu thuyết bán chạy ở phía nam Song song (2008)Bờ xám (2010), đã có lần tuyên bố anh thích những “vũ điệu chữ” hay “thác chữ”. Quả thực đọc Bờ xám của tác giả này mới thấy ngôn từ luôn cựa quậy, xáo trộn, chen chúc, vừa xô đẩy nhau vừa nhảy múa. Xin dẫn một ví dụ nhỏ “Thì đây: một đám sinh viên đột ngột xuất hiện từ ngõ trái – nơi ngự trị một dãy chuồng trại khô cằn, ngày lại ngày diễn ra công cuộc chăn dắt, hút rỉa, nhồi nhét, và tra tấn lũ sinh viên khoa thiết kế. Bọn chúng tuôn chảy cùng nhau thành khối chất lỏng nhơm nhớp, vo ve bám đuổi mục tiêu như một bầy ruồi”.

3. Kết luận bước đầu

3.1. Trong 20 cuốn tiểu thuyết chúng tôi dẫn giải khảo sát, đặc biệt những cuốn tiểu thuyết chúng tôi dừng lại phân tích kĩ sẽ thấy vấn đề tình dục nổi lên hàng đầu của việc miêu tả. Tuy nhiên không nên vơ đũa cả nắm, cho rằng, đây là “tiểu thuyết ba xu” hay “dâm thư” mà cần công bằng trong đánh giá. Tôi nhớ một câu của nhà mỹ học cổ điển Đức Hêghen, đại ý, cái gì tồn tại cái đó hợp lí. Tiểu thuyết “thân xác” có công chúng, có “thị phần” sách khá lớn, vậy ắt hẳn nó không dễ bị tiêu diệt bởi “văn chương tinh hoa” như cách chúng ta nghĩ. Tiểu thuyết “thân xác” có thuộc phạm trù “văn hoá đại chúng” hay không, vấn đề này cần có thời gian nghiên cứu kĩ càng và có trao đổi khoa học cẩn trọng.

3.2. Trong sáng tác văn chương, một vấn đề muôn thưở được đặt ra: không phải “viết về cái gì” mà là “viết như thế nào” mới quan trọng, mới thể hiện tài nghệ của nhà văn (chỉ cần nhớ lại những sáng tác kiểu Lục xì của Vũ Trọng Phụng chúng ta sẽ được khai sáng). Viết về “thân xác” (về bản năng tình dục, về chuyện chăn gối, về đồng tính…), bản thân nhà văn không có lỗi, nếu độc giả thích đọc “thân xác” cũng không có lỗi. Lỗi là ở những định kiến chật hẹp của chúng ta, lỗi là nếu nhà văn lợi dụng “thân xác” để mưu cầu chuyện khác ngoài văn chương. Không tránh khỏi những trường hợp non tay nghề (Lê Kiều Như viết Sợi xích) hoặc hơi tham lam và thiếu kiềm chế trong khi viết như trường hợp Bùi Bình Thi với Dại tình.

3.3. Viết hay về “thân xác” là viết về con người trong toàn bộ tính phức tạp, đa dạng và phong phú của nó. “Thân xác” con người mãi mãi là một bí ẩn thách gọi nghà văn khám phá và thể hiện trên tinh thần Chân – Thiện – Mĩ.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhiều tác giả, Đổi mới tư duy tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, 2002, tr.14.

2. Nguyễn Khải, Chuyện nghề, Nxb Hội Nhà văn,1994, tr.41-42.

3. Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, 2004, tr.296.

4. Nguyễn Huy Thiệp, Giăng lưới bắt chim, Nxb Hội Nhà văn, 2005, tr. 28-29

5. Nguyễn Huy Thiệp, Cánh buồm nâu thưở ấy (Tuyển chọn những truyện ngắn hay nhất và mới nhất), Nxb Hội Nhà văn, 2005, tr. 202, 210.

6. Bùi Anh Tấn, Một thế giới không có đàn bà, Nxb Công an nhân dân, 2000, tr 5-6 và 459.

8. Nguyễn Huy Thiệp, Giăng lưới bắt chim, Nxb Hội nhà văn, 2005, tr.15.

9: http://VnExpress.net/gl/van-hoa2010/03/3a19004/

10. Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Tuyết Minh, Vài nét về ngôn ngữ thân thể trong văn xuôi đương đại, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 718, năm 2010.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An