Tuy số lượng truyện ngắn trong tập không nhiều, Người đón tàu vẫn có thể được xem là tập truyện thể hiện tương đối rõ nét đặc trưng về phong cách viết và về chủ đề tác phẩm của Asada Jiro. Thế giới được phản ánh trong truyện là một thế giới của những người lao động bình dân, những người phải vất vả vì cuộc mưu sinh và phải đối mặt với những không ít tình huống khó xử vì mâu thuẫn giữa đạo đức và quyền lợi.

1. Sơ lược về Asada Jiro và tập truyện Người đón tàu

Asada Jiro (浅田次郎) là một nhà văn Nhật Bản đương đại, sinh năm 1951 ở Tokyo. Văn nghiệp của Asada bắt đầu từ năm 1991 với tiểu thuyết đầu tay Torarete tamaruka! (Đừng hòng ăn trộm!). Năm 1995, ông được nhận giải thưởng Yoshikawa Eiji (giải thưởng dành cho những nhà văn mới, có triển vọng) với tiểu thuyết Metro ni notte (Đón xe điện ngầm).  Ông được đề cử giải thưởng Naoki với tác phẩm Sokyu no subaru (Chòm sao subaru) năm 1996 và chính thức nhận giải thưởng này năm 1997 với tác phẩm Poppoya (Người đón tàu). Năm 2000, ông nhận giải thưởng Shibata Renzaburo với tác phẩm Mibu gishi den (Nghĩa sĩ kinh thành)[1].

Nhiều tác phẩm của Asada viết về chủ đề phiêu lưu và về yakuza (thế giới ngầm ở Nhật Bản), nên ông thường được biết đến như một nhà văn viết truyện phiêu lưu. Thật ra, tác phẩm của Asada đa dạng về chủ đề, đúng như bản thân nhà văn mô tả thế giới văn chương của mình là “nhà ăn công cộng của thể loại tiểu thuyết” và tự nhận rằng mình có thể viết về bất cứ chủ đề nào miễn là đáp ứng được thị hiếu của độc giả[2].

Nói đến văn học Nhật Bản trong vài thập niên gần đây, bạn đọc Việt Nam đã quen với những chủ đề mới lạ, khác thường theo kiểu văn chương hậu hiện đại như sự nổi loạn của giới trẻ, sự sụp đổ của các giá trị truyền thống, sự bất an của con người cá nhân trong một xã hội mênh mông nhưng xa lạ..v..v.. Tác phẩm của Asada mở ra một thế giới hoàn toàn khác- một thế giới đầy những nỗi bất hạnh nhưng khát vọng, ý chí, tình cảm trong quan hệ giữa con người với con người vẫn không lụi tắt.

Tập truyện ngắn Người đón tàu của Asada Jiro có tựa đề tiếng Nhật là Poppoya (鉄道員) nghĩa là “nhân viên đường sắt”, là tập truyện đã mang về cho ông giải Naoki năm 1997, cũng là tập truyện đầu tiên của nhà văn được dịch và giới thiệu ở Việt Nam với sự tài trợ của Quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản- Japan Foundation.

Tập truyện gồm 8 truyện ngắn với nhiều đề tài khác nhau. Truyện Trầm Hương nói về mối quan hệ giữa giới kinh doanh của công ty may mặc với các đại lý bán hàng. Truyện Thiệp mời từ rạp Orion là một câu chuyện cảm động về quá trình tồn tại và hoạt động của một rạp chiếu phim theo phong cách duy mỹ truyền thống, lồng trong câu chuyện về một đôi vợ chồng với cuộc hôn nhân đang đứng trên bờ vực của sự tan vỡ. Truyện Thư tình kể về số phận bất hạnh của một cô gái Trung Hoa nhập cư bất hợp pháp nên rơi vào mạng lưới hoạt động của yakuza, trở thành gái điếm và chết trong cô đơn, bệnh tật. Truyện Người đón tàu xoay quanh hình ảnh đẹp của một người trưởng ga đã hết nhiệm vụ khi chuyến tàu Kiha 12 không còn được sử dụng trong ngành đường sắt Nhật Bản. Truyện Ông Già Tuyết nghiệp dư ngắn nhất trong tập, kể về một nghĩa cử cao đẹp của một chàng thanh niên trong đêm Giáng Sinh. Truyện Ác quỷ dùng những chi tiết siêu thực kể về một gia đình từ lúc giàu có đến khi suy sụp thông qua cảm nhận của nhân vật tôi đối với anh chàng gia sư kỳ lạ. Truyện Lễ Vu Lan nói về một tập quán truyền thống của người Nhật Bản- lễ gọi hồn dành cho tổ tiên, những người đã khuất trong gia đình được tổ chức vào tháng 7, lồng vào đó là câu chuyện của một cô gái trẻ, quá trình cô chịu đựng và vươn lên từ nỗi đau của một cuộc hôn nhân tan vỡ. Truyện Tsunohazu kể về cuộc sống nhiều thăng trầm của Kyoichi, thể hiện một cách cảm động những mối quan hệ gần gũi, thân thiết trong cuộc đời anh, bắt đầu từ sự kiện Kyoichi bị chuyển nơi công tác từ Nhật Bản sang Brazil trong sự lo lắng và áy náy của đồng nghiệp.

Nét chung của những truyện ngắn trong tập này là sự miêu tả cảm động về đời sống và tình cảm của bộ phận dân cư có vị trí thấp kém trong xã hội. Nhân vật xuất hiện trong tác phẩm thường là những người phải làm lụng cực nhọc để kiếm sống, phải chịu sức ép rất lớn trong công việc, chật vật xoay xở với tình huống cạnh tranh gay gắt, phải đấu tranh với ngoại cảnh và cả lương tâm của chính mình để giải quyết những vấn đề đang gặp phải. Tuy bị đặt vào những tình huống khó khăn như thế nhưng tình cảm nhân loại, tình cảm tốt đẹp trong mối quan hệ giữa con người với con người vẫn không bị đánh mất, vẫn tồn tại dù lẩn khuất trong cay đắng, tủi hận, buồn đau.

Chẳng hạn, nhân vật Gorou của truyện Thư tình gặp phải cảnh ngộ éo le, phiền toái là phải đến nhận xác một người là “vợ” vì đã mua hộ chiếu của anh qua một băng nhóm hoạt động phi pháp nhưng là người hoàn toàn xa lạ. Gorou đã rất xúc động trước hoàn cảnh của một người con gái đáng thương. Từ nỗi bực dọc vì phải làm việc với cảnh sát về những chuyện liên quan đến thế giới ngầm, Gorou đã bộc lộ niềm cảm thương sâu sắc trước cái chết của người con gái xa lạ. Bên thi hài Bạch Lan, anh đã khóc bằng những giọt nước mắt chân thành, dù trong kế hoạch trước đó thì anh chỉ cần “đóng kịch” để xác nhận quan hệ hôn nhân khi làm việc với cảnh sát.

Trong truyện Ông Già Tuyết nghiệp dư thì nhân vật Santa đã có một nghĩa cử đẹp với những người thân trong gia đình Kitagawa, người mà anh cậu tình cờ gặp khi bị giam trong tù. Trong cảnh nhộn nhịp của một đêm Giáng Sinh và trong niềm vui được trả về với tự do, với vòng tay ấm áp của mẹ, Santa đã nói dối mẹ rằng mình có hẹn và dùng số tiền mình có để mua quà mang đến tận nhà tặng cho mẹ, vợ và con của Kitagawa. Tình cảm vô tư của Santa và sự nhút nhát của cậu khi đến trước cửa nhà Kitagawa làm cho câu chuyện có một vẻ đẹp trong sáng nhưng vẫn gây xúc động mạnh mẽ cho người đọc.

Nếu phân tích chi tiết hơn, có thể nói tính nhân văn trong truyện ngắn của Asada Jiro gắn với vẻ đẹp của văn hóa truyền thống Nhật Bản và những yếu tố kỳ ảo xuất hiện với mật độ khá dày trong tác phẩm. Hai đặc trưng nổi bật này sẽ được trình bày cụ thể dưới đây.

Bìa cuốn “Người đón tàu”

2. Vẻ đẹp của văn hóa truyền thống Nhật Bản

Những độc giả đã quen với phong cách hậu hiện đại trong tác phẩm văn học Nhật Bản được phổ biến ở Việt Nam trong thời gian gần đây chắc chắn sẽ rất ngạc nhiên khi bước vào thế giới văn chương của Asada Jiro trong tập truyện “Người đón tàu”, đặc biệt là ở hai truyện ngắn Người đón tàuThiệp mời từ rạp Orion. Trong hai truyện ngắn này, độc giả được đưa về với không gian của cái đẹp trong văn hóa truyền thống Nhật Bản.

Trong truyện Người đón tàu, hình ảnh người trưởng ga đầy tinh thần trách nhiệm và hết sức nghiêm túc trong công tác là hình ảnh của một nước Nhật thời hậu chiến đã làm việc hết mình để vươn lên từ đổ nát của chiến tranh.

Tàu Kiha 12 phải chấm dứt sứ mệnh của loại tàu cũ kĩ chạy bằng hơi nước để nhường chỗ cho những con tàu hiện đại. Đó là chuyện tất yếu phải diễn ra trong tiến trình hiện đại hóa Nhật Bản. Nhưng với người trưởng ga của tuyến đường sắt Horomai thì việc tàu Kiha 12 chấm dứt hoạt động cũng là một nỗi buồn, vì số phận của con tàu đã từ lâu gắn liền với cuộc đời làm việc nhọc nhằn của ông. Nỗi buồn càng da diết khi người trưởng ga tiếp nhận chuyện tất yếu này với thái độ điềm tĩnh, với tâm trạng thanh thản của một người đã hoàn thành nhiệm vụ.

Vị trí thứ hai của nền kinh tế thế giới mà Nhật Bản đạt được một phần là nhờ sự cống hiến hết mình của toàn thể nhân dân, từ những người quản lý các doanh nghiệp lớn đến những nhân viên đảm trách các công việc nhỏ trong đơn vị. Hình ảnh người trưởng ga trong truyện ngắn Người đón tàu đại diện cho tinh thần cống hiến quên mình đó. Trưởng ga là một người lao động bình thường, phụ trách một ga nhỏ trên một tuyến đường sắt đã lỗi thời với những toa tàu vắng khách đến mức buồn thảm. Nhưng ông không hề thay đổi thái độ hay giảm đi lòng nhiệt tình trong công việc. Mỗi khi tàu vào ga, dù lúc thời tiết đẹp hay khi tuyết rơi mù mịt trong ngày đông băng giá, lái tàu và hành khách vẫn nhìn thấy hình ảnh người trưởng ga đứng đón đoàn tàu với tác phong nghiêm túc như một người lính trong quân đội: “Tuyết bám thành mảng trên vai chiếc áo măng tô đồng phục to dày. Thắt dây mũ chỉnh tề, Otomatsu đứng như bất động nép sát mép đường tàu. Ngực ông ưỡn thẳng. Bàn tay đeo găng chỉ hướng cho tàu tiến vào một cách dứt khoát.[3]

Cảnh đón chuyến tàu Kiha 12 cuối cùng là một cảnh tượng hết sức cảm động. Tuy nhiên, độc giả càng xúc động hơn với đoạn văn viết về cuộc đời làm việc của người trưởng ga khi tàu Kiha 12 còn là một phương tiện giao thông quan trọng của ngành đường sắt với những toa tàu đông khách mỗi ngày. Trong thời gian đó, trưởng ga đã hy sinh cả tình cảm gia đình cho công việc. Vì phải hoàn thành nhiệm vụ ở ga, ông đã không có mặt ở bệnh viện ngay cả khi vợ ông đau ốm và trút hơi thở cuối cùng. Khi ông xong việc và đến bệnh viện thì không còn được gặp vợ nữa: “Mặc dù đã được thông báo liên tục về tình trạng nguy cấp của vợ, chỉ đến khi công việc ở ga xong xuôi, Otomatsu mới chạy đến bệnh viện.[4]

Vì chuyện đó, Otomatsu đã bị người khác chê trách là kẻ bạc tình. Nhưng độc giả không thể không cảm động khi đọc những dòng văn miêu tả hình ảnh người trưởng ga bên thi hài vợ:

Lúc đó, Otomatsu vẫn mặc nguyên bộ đồng phục đông cứng vì tuyết đọng, phủ phục bên xác vợ. “Tại sao anh không có lấy một giọt nước mắt?” Vợ Senji điên tiết. Otomatsu bực bội đáp lại với giọng nhát gừng, giật cục: “Tôi là nhân viên hỏa xa. Nước mắt không thể dành cho việc nhà. Không thể khóc chỉ vì việc riêng tư.”

Những ngón tay của Otomatsu bấu chặt hai đầu gối, dáng ngồi bất động không một giọt nước mắt.[5]

Chuyện một người chồng, dù công việc hệ trọng và bận rộn đến đâu, không có mặt bên cạnh vợ trong giờ phút lâm chung quả là một điều khó chấp nhận trong nhiều nền văn hóa. Nhưng đó lại là hình ảnh quen thuộc ở Nhật Bản, đặc biệt trong thời kỳ tái thiết kinh tế sau chiến tranh. Trong bối cảnh văn hóa Nhật Bản thì sự vắng mặt của trưởng ga Horomai trong khoảnh khắc vô cùng quan trọng ấy không có nghĩa là ông bạc tình với vợ, mà chỉ chứng tỏ ông ý thức rất cao về trách nhiệm của một nhân viên hỏa xa. Dù vợ có là người gần gũi nhất, quan trọng nhất với ông thì cũng chỉ là một cá nhân, trong khi công việc của ông liên quan đến biết bao hành khách trên một chuyến tàu, đúng như Otomatsu đã nói khi bị vợ trách vì đã không lo được chuyện gia đình lúc con cái ốm đaui: “Biết làm sao, tôi là nhân viên đường sắt. Tôi làm gì hơn được nữa. Nếu tôi không đứng đây thì ai sẽ chỉ đường cho Kiha trong bão tuyết thế này? Nếu tôi không bẻ ghi tàu thì những đứa trẻ trong vùng làm sao về nhà mỗi khi tan trường?[6]. Nghĩ như vậy thì việc chậm trễ của người trưởng ga vì trách nhiệm đảm bảo sự bình an cho chuyến tàu không có gì là tội lỗi. Hơn thế, dáng vẻ biểu lộ sự đau khổ tột cùng của ông và lời nói khô khan, lạnh lùng làm người ta liên tưởng đến tác phong của võ sĩ thời Mạc phủ. Quy chuẩn đạo đức của giới võ sĩ không ủng hộ chuyện làm phiền, gây bối rối cho người khác vì chuyện cá nhân, nên trong giao tiếp mọi biểu hiện về nỗi buồn, nỗi đau của cá nhân đều được che giấu sau vẻ mặt bình thản và nụ cười nhẹ nhàng, tươi tắn. Trưởng ga Horomai đã hành xử đúng như vậy. Dù nỗi đau trong lòng có lớn đến mức làm ông bất động như hóa đá, Otomatsu vẫn giữ được vẻ bình thản bên ngoài. Hình ảnh đó thể hiện một truyền thống rất đặc trưng của người Nhật Bản, truyền thống ý thức về vị trí và trách nhiệm cá nhân trong các mối quan hệ. Trong truyện này, hình ảnh trưởng ga Horomai là một hình ảnh đẹp nhờ biểu hiện của văn hóa truyền thống Nhật Bản.

Trong truyện Thiệp mời từ rạp Orion thì vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản được thể hiện qua rạp chiếu phim cũ kĩ có tên là Orion và qua hình ảnh chú Senba chủ rạp. Điểm đặc biệt của Orion là rạp này chỉ chiếu những bộ phim nói về lịch sử, văn hóa truyền thống Nhật Bản thời trung đại. Điều đó làm cho rạp trở nên lạc lõng và kém thu hút khách, trong khi những rạp chiếu phim khác trong vùng đều chạy theo thị hiếu của lớp người trẻ tuổi trong xã hội hiện đại. Bất chấp vấn đề doanh thu, chủ rạp vẫn muốn Orion luôn là nơi tái hiện vẻ đẹp của nước Nhật thời Mạc phủ với những câu chuyện, hình ảnh về samurai. Chú tâm sự rằng chú đã làm như vậy vì được sự ủy thác của người chủ rạp trước đó đã qua đời: “Chỉ có rạp Orion này mới được chiếu những bộ phim của Yojiro. Các rạp khác không được phép chiếu. Cậu không được phép để rạp trở nên cũ kĩ, nhất là không được để sàn bị sập khi khán giả ngồi chật cứng xem phim mới của công ty Nikkatsu. Cậu phải làm sao để cho những đứa trẻ, để cho những người thợ dệt sống ở Nishijin này yên tâm thưởng thức các bộ phim của Yojiro, của Kobayashi Akira. Và điều đó chỉ có thể có ở rạp Orion này[7].

Chủ rạp Orion kiên quyết giữ vững quan điểm của mình trong thời kỳ mà các rạp chiếu phim cạnh tranh nhau khốc liệt, rạp nào cũng chiều theo thị hiếu của lớp thanh niên là lực lượng khán giả chiếm tỉ lệ đông nhất. Chính điều đó đã biến Orion thành một nơi cũ kĩ, nghèo nàn, nằm lặng lẽ giữa Kyoto, giữa những tòa cao ốc bề thế mọc lên trong làn sóng đô thị hóa ồ ạt.

Trong tiến trình phát triển kinh tế và sự thay đổi thị hiếu thẩm mỹ trong thưởng thức phim ảnh, việc đóng cửa một rạp chiếu phim như Orion là chuyện tất yếu. Orion nằm ở một vị trí đẹp, mà lại là một rạp phim vắng khách, lỗi thời. Sự tồn tại của nó chỉ là biểu hiện của nỗ lực bảo tồn một thứ “di tích” của quá khứ. Chủ rạp phim là người ý thức sâu sắc về điều đó, và chấp nhận nó với thái độ bình thản. Để nói lời chia tay với khán giả của rạp và với cái di tích mà mình đã cố gắng bảo tồn, chú Senba đã tổ chức một buổi chiếu phim cuối cùng. Mặc dù chủ rạp đã cẩn thận gửi đi những tấm thiệp mời trang nhã với lời mời lịch sự, buổi chiếu phim rất vắng khách- ngoài hai nhân vật chính là cặp vợ chồng đang đứng trên bờ vực của hôn nhân tan vỡ từ Tokyo trở về cố hương để thăm lại mảnh đất của những hoài niệm cũ thì chỉ có một đôi tình nhân trẻ và “bốn, năm người ngồi rải rác[8]. Trong hoàn cảnh đó chú Senba vẫn thực hiện công việc của người chủ rạp một cách nghiêm túc. Sau khi chào và cảm ơn khán giả, chú tâm sự về quãng thời gian vất vả của hai vợ chồng để duy trì hoạt động của rạp chiếu phim, và đã giới thiệu bộ phim gắn với kỷ niệm riêng của mình, gắn với một cuộc đời làm công việc phục vụ khán giả xem phim trong niềm xúc động sâu sắc:

Chúng tôi đã làm đủ mọi cách để duy trì rạp. Chúng tôi nghèo túng cũng vì nó. Có khi không trả nổi tiền thuê phim. Có khi chỉ một cái bánh ăn qua ngày. Có thời kỳ quá khó khăn chúng tôi đã xao lòng hay là mình chiếu các bộ phim ướt át như các rạp khác đang làm. Nhưng chúng tôi không thể làm thế. Bởi vì chúng tôi không thể để mất những đứa trẻ đáng yêu. Cũng bởi vì nếu như một rạp có bề dày truyền thống mà lại làm như vậy sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ. (…) Xin mời quý vị thưởng thức. Đó cũng là bộ phim đầy những kỷ niệm sâu sắc được chiếu lên màn hình rạp Orion này khi tôi và bà nhà tôi nên vợ nên chồng.[9].

Câu chuyện càng cảm động hơn khi độc giả được tiết lộ về cái chết của bà chủ rạp, vợ chú Senba. Ngay cả khi vợ đã từ trần, chú vẫn không lỗi hẹn với những khán giả là khách mời trong buổi chiếu phim cuối cùng công bố về việc đóng cửa rạp. Tổ chức một cách chu đáo buổi chiếu phim này, chú Senba không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với khán giả mà còn hoàn thành tâm nguyện cuối đời của người vợ đã khuất. Buổi chiếu phim tuy ít khách và diễn ra trong không khí lặng lẽ, trầm buồn nhưng đầy tình cảm. Không gian rạp chiếu phim vắng người, nhưng những khoảng trống đó được lấp đầy bởi tình cảm ấp áp, tinh thần sẻ chia của những người yêu cái đẹp và nỗi xúc động trước hoàn cảnh của chú Senba. Khép lại trang sách, độc giả vẫn còn mang theo hình ảnh về cội hoa anh đào nở rực rỡ trước cổng rạp, như sự bùng cháy cuối cùng của cái đẹp trước khi vĩnh viễn lụi tàn: “Cả hai cùng ngoảnh nhìn lại lần cuối bức tường trang trí màu trắng điểm xuyết những cánh hoa phớt hồng đang rơi.(…) Xe rời khỏi đường Senbon. Chú Senba vẫn cứ cúi gập người chào, lẫn trong muôn vàn cánh hoa đang rơi trước rạp Orion im lìm giống như bức tranh ảo.[10]

Vẻ đẹp của truyền thống Nhật Bản trong tác phẩm của Asada là vẻ đẹp u buồn của thời kỳ những yếu tố hiện đại thế chỗ, phủ nhận những yếu tố truyền thống. Nhưng cũng chính vì thế mà cái đẹp càng trở nên da diết, ám ảnh. Tưởng chừng một thoáng u nhã của thời Heian chợt sống lại trên trang viết hiện đại của Asada. Vẻ đẹp này là phần quan trọng tạo nên phong cách riêng của Asada Jiro trong thế giới nhiều màu sắc của văn học Nhật Bản hiện đại.

Bìa gốc cuốn “Người đón tàu”

3. Yếu tố kỳ ảo

Bên cạnh đặc trưng về vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản, việc đưa vào tác phẩm nhiều chi tiết kỳ ảo cũng là một đặc trưng của phong cách Asada. Trong 8 truyện được in trong tập Người đón tàu thì đến 6 truyện có sử dụng những chi tiết kỳ ảo. Có khi yếu tố kỳ ảo là vong linh của người quá cố (Lễ Vu Lan, Người đón tàu, Tsunohazu), có khi là những chi tiết siêu thực trong một giấc mơ không bình thường (Thư tình), có khi yếu tố kỳ ảo xen vào, hòa trộn với yếu tố hiện thực trong cùng một đối tượng miêu tả (Trầm Hương, Ác quỷ).

Yếu tố kỳ ảo được sử dụng không làm cho tác phẩm trở thành một loại truyện truyền kỳ với không khí ma quái như Liêu trai chí dị trong văn học Trung Quốc. Dù có những chi tiết kỳ ảo, thế giới trong tác phẩm của Asada vẫn là thế giới hiện thực của con người- một thế giới có đầy đủ những niềm vui, nỗi buồn, yêu thương, ghen tuông, hờn giận, cảm thông, giúp đỡ…v..v.. Sự xuất hiện của yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm chỉ làm cho câu chuyện mở rộng hơn, lôi cuốn hơn. Đặc biệt trong một số tác phẩm, yếu tố kỳ ảo có vai trò tháo gỡ những nút thắt của câu chuyện, làm dịu những xung đột đang có xu hướng phát triển đến mức độ căng thẳng.

Trong truyện Trầm Hương, mối quan hệ làm ăn tốt đẹp của anh chàng Kotani và nhân vật “tôi” đi đến tình huống xung đột khi “tôi” có cảm tình với cô gái là chủ shop thời trang Trầm Hương– Tachibana nhưng lại phải chứng kiến đồng nghiệp của mình – Kotani- sử dụng những thủ đoạn của giới kinh doanh với shop này để thu lợi, dù biết rằng theo đà ấy thì shop sẽ bị phá sản vào một ngày không xa trong tương lai. Khi “tôi” lái xe đến shop vào một buổi tối thì tình cờ nhìn thấy Tachibana và Kotani quyến luyến từ biệt nhau. Tình cảm tốt đẹp dành cho Tachibana và thông tin được biết về những điều Kotani đang làm đã thúc đẩy anh hành động khác với nguyên tắc mà chính mình đã tuân thủ trong giới kinh doanh. Anh đã nói cho Tachibana biết những điều không tốt trong mối quan hệ đó, rằng cô đang bị Kotani lợi dụng và việc làm ăn trong tương lai có thể gặp khó khăn. Tiếp nhận thông tin, Tachibana hoàn toàn bình thản, nhưng “tôi”chợt nhận ra nàng có vẻ gì đó không bình thường:

Tay nàng vẫn buốt giá, mặc dù vẫn để nguyên trên tay tôi.

Tôi chợt rùng mình. Không biết chừng nàng là người đã chết. Và shop Trầm Hương chỉ là ảo ảnh.(…)

Nhưng vừa nắm tay tôi, nàng vừa nói những điều ghê rợn hơn thế.

Hận tình của người phụ nữ đáng sợ lắm đấy. Chồng tôi cũng đã chết thảm sau khi ly dị. (…)

Tôi nhìn nàng qua kính chiếu hậu. Chẳng còn thấy bóng dáng nàng đâu cả. Chỉ có một bông hoa đỏ rực như đốm lửa nở ngay giữa con đường dốc phủ đầy lá ngân hạnh úa vàng.[11]

Thay vì xảy ra một sự xung đột ghê gớm khi cô gái chủ shop hiểu được thủ đoạn mà anh chàng Kotani đang sử dụng đối với mình, và điều đó sẽ làm gãy vỡ mối quan hệ làm ăn vốn có giữa Kotani và “tôi” thì với chi tiết kỳ ảo về Tachibana, câu chuyện rẽ sang một hướng khác. Mối quan hệ giữa Tachibana và Kotani được giải quyết bằng một vụ tai nạn thảm khốc dẫn đến cái chết của Kotani. Và cũng từ cái chết không rõ nguyên nhân ấy, nhân vật “tôi” không còn lui tới shop Trầm Hương với tư cách là một nhân viên kinh doanh nữa. Lần cuối cùng “tôi” gặp Tachibana cũng là một cảnh tượng đẹp nhưng rất mơ hồ:

Tachibana từ trong shop bước ra, tay giương ô đỏ chói. (…)

Tachibana búi cao mái tóc bóng mượt. Chiếc kẹp tóc sang trọng. Nàng mặc váy lụa satin, ngực xẻ rộng. (…)

Dưới tán ô màu đỏ, nàng lặng lẽ nhìn theo tiễn tôi. (…)

Có một đốm màu đỏ hiện ra trong gương chiếu hậu, tôi không biết đó là đóa hoa anh thảo hay là màu đỏ của chiếc ô mà nàng vẫn cầm khi nhìn theo tôi.

Sau đó tôi không còn nghe gì về shop Trầm Hương nữa.[12]

Những chi tiết kỳ ảo được đưa vào truyện làm cho hình ảnh nhân vật Tachibana vừa mơ hồ vừa quyến rũ. Cô dường như không phải là một con người thật nhưng lại đang ở trong một thế giới thực- thế giới của sự cạnh tranh khốc liệt của những công ty sản xuất hàng thời trang cao cấp, thế giới của những mối quan hệ giữa con người với con người bị quyền lợi cá nhân và sức ép của công việc làm xấu đi. Hình ảnh bị ảo hóa của cô gái chủ shop Trầm Hương hiện lên trong hoàn cảnh đó như một sự cảnh báo về sự trừng phạt đối với những hành vi xuất phát từ động cơ không tốt mà Kotani là một ví dụ điển hình. Với những chi tiết mơ hồ về Tachibana và cái chết đột ngột không rõ nguyên nhân của Kotani, những điều mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm được chuyển tải một cách nhẹ nhàng, dù vẫn không kém phần ấn tượng. Nhờ vậy, câu chuyện khép lại trong cảnh tượng mơ hồ vẫn lung linh một vẻ đẹp huyền ảo và thanh thoát.

Tương tự như Trầm Hương, trong truyện Lễ Vu Lan cũng xen vào một chi tiết kỳ ảo khi xung đột giữa các nhân vật trong tác phẩm đang phát triển đến mức cao trào. Nhân vật chính trong truyện- Chieko- lâm vào tình huống khó khăn khi cô theo chồng về quê dự Lễ Vu Lan truyền thống nhưng gặp phải sự ghẻ lạnh của gia đình bên chồng. Chồng của Chieko có con với tình nhân, và những thành viên trong gia đình chồng ủng hộ mối quan hệ đó, với lý do là từ lúc hai người cưới nhau cô vẫn chưa sinh con. Là một người phụ nữ có học thức, Chieko hiểu rõ vấn đề đúng sai trong câu chuyện, nhưng cô ở trong tình thế khó khăn vì thân phận mồ côi, không có ai đại diện gia đình cô để nói chuyện nghiêm túc với gia đình bên chồng. Vì vậy, trong việc phân xử mối quan hệ giữa hai vợ chồng và cô tình nhân, Chieko tuy đang là vợ chính thức của Kunio nhưng lại bị lấn át, bị đối xử không công bằng. Chieko đã cố gắng hết sức trong cuộc đối thoại với bố chồng và anh chồng để tự bảo vệ mình, nhưng nỗi đau, sự cô đơn của bản thân và sự thô lỗ của đối phương khiến cô trở nên bất lực. Trong hoàn cảnh đó, hồn ma ông nội đã khuất của Chieko bất chợt hiện về như một vị cứu tinh:

Gió lùa làm đám khói dồn hết về phía sân trước. Chieko lấy khăn mùi xoa che mặt như thể bị khói làm cay mắt. Cô sẽ thua nếu để họ nhìn thấy cô khóc. Cắn chặt răng, cô không để tiếng than vãn bật ra. Tinh thần cô suy sụp. Người cô quỵ hẳn xuống cạnh đống lửa.

Cháu Chieko!

Bất giác như có ai đó gọi tên cô. Một bóng người nhỏ thó đứng trong đống lửa chỗ dãy nhà ngang. (…)

Ông nội cô đã đến. Ông nội đã đến với cô. Ông trang nghiêm trong bộ vest đen sẫm giống như khách đến dự lễ cầu siêu.[13]

Sự xuất hiện của ông nội Chieko – dù chỉ là một hồn ma- đã làm thay đổi hẳn tình huống câu chuyện. Dù vấn đề hôn nhân vẫn không được giải quyết theo nguyện vọng ban đầu của Chieko nhưng sau khi cuộc nói chuyện giữa hai ông cháu trước khi hình ảnh ông nội tan biến vào màn sương buổi sớm mai, nỗi đau khổ của Chieko hầu như đã được hóa giải: “Cơn ghen trong lòng cô cũng biến mất từ lúc nào. Trọn cả ngày, cô thong thả trong căn phòng trên tầng hai nhà kho. (…) Nỗi tuyệt vọng, theo đuổi cô tới tận đêm qua, giờ đây lại trở thành niềm hy vọng ngập tràn. Mới ba mươi tuổi, cô vẫn tràn đầy sức sống.[14]

Với những truyện Người đón tàu, Thư tình, Tsunohazu, sự xuất hiện của yếu tố kỳ ảo- những nhân vật là hồn ma- không gắn với việc giải quyết tình huống xung đột, nhưng làm tăng tính nhân văn và sự cảm động của câu chuyện, làm cho phần kết truyện trở nên trọn vẹn hơn. Đó là sự xuất hiện của những cô bé học trò ở ga Horomai- hồn ma của cô con gái đã mất- trò chuyện thân mật và dùng cơm với bác trưởng ga cô độc, là hình ảnh đẹp của người vợ mà Gorou chưa từng gặp gỡ khi còn sống xuất hiện trong giấc mơ, là vong hồn người cha đã khuất của Kyoichi, người đã đột ngột rời bỏ anh khi anh còn nhỏ và chưa hiểu hết tất cả những chuyện xảy ra xung quanh mình. Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Asada giống như một mảnh gương được đưa vào đời sống hiện thực, làm cho những sự kiện, nhân vật trong thế giới hiện thực được soi chiếu rõ ràng hơn, và mọi ý nghĩa của vấn đề trong câu chuyện cũng được lý giải một cách tận tình, sâu sắc hơn tuy tác giả có phủ lên câu chuyện một màn sương của thế giới siêu thực mơ hồ và quyến rũ.

Kết luận

Tuy số lượng truyện ngắn trong tập không nhiều, Người đón tàu vẫn có thể được xem là tập truyện thể hiện tương đối rõ nét đặc trưng về phong cách viết và về chủ đề tác phẩm của Asada Jiro. Thế giới được phản ánh trong truyện là một thế giới của những người lao động bình dân, những người phải vất vả vì cuộc mưu sinh và phải đối mặt với những không ít tình huống khó xử vì mâu thuẫn giữa đạo đức và quyền lợi. Trong một thế giới bề bộn như vậy, vẫn có những con người cố gắng hết sức mình để gìn giữ những truyền thống tốt đẹp, để sống hết trách nhiệm với cộng đồng. Những chi tiết siêu thực, kỳ ảo được đưa vào làm cho thế giới trong truyện trở nên đa dạng hơn, cuốn hút hơn và cũng có thể được sử dụng như một cách giải quyết những xung đột theo hướng ôn hòa để giữ lại cho truyện hình ảnh đẹp về đức hy sinh, lòng nhẫn nại, tính vị tha của con người ngay cả khi nhân vật bị thách thức bởi những tình huống gay cấn nhất. Những đặc trưng như vậy đã tạo nên vị trí riêng biệt của Asada Jiro trong dòng chảy đương đại của văn học Nhật Bản và làm cho tác phẩm của ông trở nên hấp dẫn với độc giả trong và ngoài nước Nhật.

Nguyễn Thị Lam Anh

Tài liệu tham khảo

  1. Jiro Asada, Người đón tàu (Phạm Hữu Lợi dịch), NXB Hội nhà văn, 2010
  2. 浅田次郎氏作品のページ,

http://ss7.inet-osaka.or.jp/~takio21c/asada.html

  1. 浅田次郎http://ja.wikipedia.org/
  2. 浅田次郎について, http://www.geocities.co.jp/Bookend/5055/asada.htm
  3. 浅田次郎の情報,

http://www2s.biglobe.ne.jp/~ganryo/authors/90F393638E9F9859.html


______________

[1] Theo jp.wikipedia.org

[2] Theo浅田次郎について, http://www.geocities.co.jp/Bookend/5055/asada.htm

[3] Jiro Asada, Người đón tàu, NXB Hội nhà văn, 2010, tr. 57

[4] Sđd, tr. 63

[5] Sđd, tr. 63- 64

[6] Sđd, tr. 71

[7] Sđd, tr. 225

[8] Sđd, tr. 228

[9] Sđd, tr. 229- 230

[10] Sđd, tr. 233

[11] Sđd, tr. 43- 44

[12] Sđd, tr. 47- 48

[13] Sđd, tr. 313- 314

[14] Sđd, tr. 325

Nguồn: vanvn.net.