(Nhân đọc tập Tản văn “Đàn ông chọn khe ngực sâu?” của nhà văn Sương Nguyệt Minh. NXB Văn Học và Công ty Văn hóa & truyền thông Phương Đông liên kết xuất bản)

Nếu đàn ông không bắt đầu “cảm nhận” đàn bà bằng thị giác, hoặc giả chỉ có bóng đêm thì sự cân bằng sẽ xuất hiện. Khi ấy khe ngực sâu, hay cái mông gợi cảm trở nên vô dụng, cái được gọi là đẹp – thứ quyền lực bí ẩn mà nhà văn Sương Nguyệt Minh cất công lý giải sẽ không còn. Thế giới sẽ tẻ nhạt biết bao nhiêu! Nhưng oái oăm ở chỗ, đàn ông, đàn bà đều có đôi mắt để đón nhận ánh sáng và từ đó nhìn thấy vẻ đẹp lồ lộ của bề ngoài, có vẻ như mọi sự rắc rối bắt đầu từ đó, cái đẹp và sự suy đồi cũng bắt đầu từ đó.

Trong sự cảm nhận sâu sắc của nhà văn Sương Nguyệt Minh, có cái gì đó gần giống với việc “cắt đứt” thị giác và các giác quan thông thường của người đàn ông khi đứng trước đàn bà. Trò chơi ú tim muôn thủa của cái khe ngực sâu bí ẩn và quyến rũ kia trở nên lúng túng trước ngòi bút của nhà văn. Bây giờ, khe ngực sâu, bộ mông lớn, hay đôi chân dài… lúc này chỉ đơn thuần là cái bề ngoài, cái không quan trọng, cái không còn quyền lực như người đời vẫn tán dương nó.

Bìa tập Tản văn “Đàn ông chọn khe ngực sâu?” của nhà văn Sương Nguyệt Minh

Vẻ đẹp thật sự của đàn bà từ từ hiển lộ qua từng con chữ của nhà văn, sự “mã hóa” đó đã mở ra một cái nhìn khác về cái khe ngực sâu vốn đầy quyền uy của đàn bà. Nói đơn giản, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã tôn vinh vẻ đẹp của đàn bà theo cách riêng của mình: vẫn say đắm với khe ngực quyến rũ nhưng không dừng ở đó, tiếp tục đi sâu đến tận cùng cái “khe” nóng bỏng ngờm ngợp ấy để rồi mở ra cả một thế giới khác mênh mông kỳ bí hấp dẫn hơn thế nhiều lần. “Đàn ông chọn khe ngực sâu?” là một tập tản văn mang tính triết luận rất đáng đọc, nhất là bạn đọc phụ nữ.

Nguồn: Vanvn.net