Mười ba truyện ngắn như mười ba mảnh ghép cuộc đời tạo thành một bức tranh đa màu sắc, mà ở truyện ngắn nào cũng phảng phất nỗi buồn, sự cô đơn, lạc lõng.
Tên: Vàng son thạch thủy khí
Tác giả: Võ Thị Xuân Hà
Công ty Truyền thông Hà Thế và NXB Hội Nhà văn ấn hành quý 3/2012.
Xuyên suốt “Vàng son thạch thủy khí” câu chuyện về năm ngôi mộ kết: Vàng, son, thạch, thủy, khí; là chuyện đời sóng gió của những con người quá khứ. Tác giả từ cái nhìn ở hiện tại soi rọi về quá khứ, có sự khởi phát, đau thương và cả chặng đường dài của một dòng tộc ở đất Thần kinh. Câu chuyện cuộc đời của chú Năm với những khúc đoạn được phân định tưởng chừng như không còn gì rõ ràng hơn: khúc 1, khúc 2, khúc 3, nhưng còn đan xen chồng chéo bởi biết bao số phận khác; cái chết của chú Hai là dấu mốc của một cuộc đời sóng gió của ông bà nội, từ cái thủa lập nghiệp với hai bàn tay trắng; cuộc đời bất trắc của người đàn bà họ Lương…
Bìa cuốn sách “Vàng son thạch thủy khí”.
Mỗi một truyện ngắn là một dấu lặng trầm buồn của cuộc sống. “Ván thế” tái hiện hình ảnh một người đàn bà gần gũi nhưng xa lạ, một cái nhìn cay nghiệt, đau thương, giá lạnh phảng phất khiến người đọc không khỏi day dứt. Giữa thế giới hiện thực tàn khốc đến phũ phàng, nhịp đời buồn tẻ quẩn quanh và tù túng, người đàn bà tự vẽ ra cho mình một con đường, cuộc sống ảo mộng nhưng rồi chính chị cũng mắc kẹt giữa thực tại. Cứ chịu đựng cho đến lúc thấy mình đanh lại, trong nỗi buồn, tiếng cười và ánh mắt.
“Cadilac đỏ” nhẹ nhàng nhưng da diết, đủ sức hút và cũng đủ ám ảnh người đọc. “Một đóa không”, “Vụng dại” day dứt với khoảng trống tâm hồn, nhập nhoạng đan xen giữa hiện thực và ước muốn rồi vỡ òa khi thấy mọi thứ đều dang dở.
“Mặt hồ lóng lánh hoa đào”, “Nghịch tử”, “Chuyện có thật về một gã trộm và một nhà văn” tạo cho người đọc có cảm giác bâng khuâng trong ngổn ngang hiện thực vừa phũ phàng vừa chật chội, nhưng cũng rực rỡ ánh sáng hạnh phúc.
“Khúc cầm nam” lại là một kiểu kể chuyện khá đặc sắc với những ví von: “tôi là ngọn gió thổi qua đầm”; “tôi là con chim én hòa mình vào vòng quay của những chú chim trầm lặng”…
“Dưới nước”, “Hai chín chữ cái buồn tẻ vô nghĩa” lại là nỗi buồn có nhiều chiều kích, nặng nề và đau đớn, dẫn người đọc đi qua những nẻo âm dương chìm nổi, đầy nhân bản.
Với giọng điệu kể chuyện trầm buồn và day dứt, tác giả để lại trong lòng người đọc những khoảng lặng sâu lắng. Ở đó dường như cái tôi không bị mắc kẹt giữa ranh giới hiện thực và ảo mộng mà ngược lại tái hiện và đan xen giữa hai điểm nhìn “Tôi bước về nhà như trong giấc mộng du.”
Các nhân vật đặc biệt là các nhân vật nữ dường như cố giải thoát mình bằng cách tìm đến những ảo mộng. Sự sắp xếp các chi tiết, biến cố đan xen với mức độ phù hợp khiến cho người đọc có những khoảng lặng để suy nghĩ, tản mạn theo những dòng tâm trạng của nhân vật.
Đọc xong “Vàng son thạch thủy khí”, phảng phất đâu đó ánh mắt nhà văn nhìn cuộc đời với cái nhìn dù cay nghiệt, buồn, nhưng đầy trắc ẩn. Võ Thị Xuân Hà đã viết nên những câu chữ tinh tế, thâm trầm của một người phu chữ tận tâm và trách nhiệm.
Cao Nguyệt Nguyên
Nguồn: eVan